Căng thẳng Saudi Arabia – Iran leo thang: Âm thầm “chiến tranh lạnh”
- Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran sẽ làm gia tăng bạo lực giáo phái ở Trung Đông
- Iran-Saudi Arabia leo thang căng thẳng
Từ một vụ tấn công tên lửa từ Yemen sang Saudi Arabia đến việc Thủ tướng Lebanon “vờ” từ chức, không khí của một cuộc “Chiến tranh Lạnh” giữa hai đối thủ Saudi Arabia và Iran đang ngày một tăng nhiệt.
Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Saudi Arabia và Iran vốn không phải là chuyện mới, nhưng phải có lý do khiến Riyadh khẩn trương như vậy ở thời điểm này. Saudi Arabia được cho là đang dẫn đầu thành lập một liên minh để chống lại Iran tại Trung Đông, mới đây nhất là sự kiện các Ngoại trưởng Liên đoàn Arab họp khẩn và ra tuyên bố chung lên án hành động làm gia tăng căng thẳng khu vực của Iran.
Giới chuyên gia cho rằng, ít có nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp, song đặt câu hỏi vì sao căng thẳng gia tăng và cuộc khủng hoảng này sẽ diễn tiến như thế nào?
Không đội trời chung
Saudi Arabia và Iran lâu nay có mối quan hệ đối địch phần lớn do những khác biệt về lợi ích địa chiến lược, và mối thù hận kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai quốc gia này còn bị khoét sâu hơn bởi sự khác biệt về tôn giáo. Mỗi nước tôn thờ một trong hai giáo phái chính của đạo Hồi. Trong khi phần lớn người dân Iran lấy dòng Hồi giáo Shia làm tín ngưỡng chính thì người dân Saudi Arabia lại tuân thủ nghiêm ngặt dòng Hồi giáo Sunni.
Đều hướng ra phía Vùng Vịnh, hai quốc gia giàu nguồn năng lượng này đứng về các bên đối lập trong các cuộc xung đột ở Trung Đông trong hàng chục năm qua. Do vậy, Iran và Saudi Arabia tự nhiên trở thành những “ông lớn” để các quốc gia khác trong khu vực tìm kiếm sự hậu thuẫn.
Về mặt lịch sử, Saudi Arabia, quốc gia khai sinh của đạo Hồi, luôn tự coi mình là cường quốc lãnh đạo thế giới Hồi giáo. Tuy nhiên, cuộc cách mạng Iran năm 1979 và sự xuất hiện của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran với lập trường chống Mỹ kịch liệt, được xem là một mối đe dọa nhân đôi với các thể chế quân chủ bảo thủ do thế lực người theo dòng Sunni đứng đầu tại Bán đảo Arab - vốn là đồng minh với Mỹ.
Đây là một chế độ chính trị thần quyền với mục đích rõ ràng là truyền bá tư tưởng của nhà nước này ra các quốc gia láng giềng trong khu vực. Saudi Arabia là nước “chống lưng” chính về mặt tài chính cho Tổng thống Iraq Saddam Hussein trong suốt cuộc chiến 1980-1988 với Iran. Với việc Iraq yếu thế sau Chiến tranh Vùng Vịnh 1991, Saudi Arabia và Iran trở thành hai cường quốc chính trong khu vực.
Trong 15 năm trở lại đây, mối quan hệ xung khắc giữa Saudi Arabia và Iran ngày càng xấu đi bởi một loạt sự kiện. Cuộc chiến của Mỹ tại Iraq hồi năm 2003 đã lật đổ Tổng thống Saddam Hussein - vị nguyên thủ quốc gia theo đạo Sunni và vốn luôn chống lại các kế hoạch bành trướng sức ảnh hưởng của Iran.
Đến năm 2011, cuộc nổi dậy trên khắp thế giới Arab đã gây ra những bất ổn chính trị trong khu vực. Iran và Saudi Arabia đều tận dụng triệt để những biến động này để gia tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực, chủ yếu tại Syria, Bahrain và Yemen. Giới quan sát cho rằng, mục tiêu của Chính phủ Iran là tự thành lập hoặc lập nên những người đại diện cho Iran tại khu vực để giành quyền kiểm soát vùng đất kéo dài từ Iran tới Địa Trung Hải.
Căng thẳng gần đây nhất xảy ra khi Riyadh và Tehran cắt đứt quan hệ ngoại giao hồi tháng 1-2016 sau khi người dân Iran tấn công đại sứ quán và tòa lãnh sự của Saudi Arabia tại Tehran để phản đối việc Riyadh hành quyết một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite.
Chưa hết, đầu tháng 11-2017, Saudi Arabia thông báo lực lượng phòng không nước này đã đánh chặn và phá hủy một tên lửa bắn từ Yemen - nơi liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu đang chiến đấu chống lại lực lượng phiến quân theo dòng Shiite được Iran hậu thuẫn.
Diễn biến này đã làm bùng phát cuộc khẩu chiến gay gắt giữa Riyadh - cáo buộc Tehran có hành động gây hấn quân sự trực tiếp, và Tehran - cảnh báo rằng sức mạnh của Iran sẽ đánh bại bất kỳ thách thức nào.
Tập hợp lực lượng
Theo giới quan sát, chiến dịch quân sự chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày càng thành công ở Iraq và Syria đã làm thay đổi cục diện tình hình. Khi mối đe dọa từ kẻ thù chung IS đã không còn, căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia lại càng gia tăng. Tehran hướng tới một thời kỳ hậu IS thì Riyadh lâu nay lại thực hiện các bước đi nhằm xây dựng mối quan hệ khăng khít hơn với chính phủ do lực lượng Hồi giáo Shiite lãnh đạo của Iraq.
Trong khi đó, tại Syria, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad do Iran hậu thuẫn nỗ lực giành lại sự kiểm soát đối với phần lớn lãnh thổ bằng cách chống lại các lực lượng phiến quân, trong đó có lực lượng do Riyadh hậu thuẫn.
Thêm vào đó, việc ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ cũng bồi thêm sức nặng cho tình trạng căng thẳng Saudi Arabia - Iran. Chính sách thù địch công khai của ông Trump đối với Tehran đã làm bùng nổ tinh thần chống Iran ở Bán đảo Arab và Riyadh càng được thể lấn át.
Saudi Arabia sợ rằng Iran muốn áp đặt quyền bá chủ ở Trung Đông. Vì vậy, Saudi Arabia hiện đang có nhiều động thái hình thành các liên minh để chống lại Iran như việc Nhóm bộ tứ (gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE, Bahrain và Ai Cập) yêu cầu Qatar cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, thành lập Hội đồng hợp tác chiến lược Saudi Arabia - Iraq, hay mới đây nhất là kêu gọi họp khẩn cấp Ngoại trưởng Arab vì cho rằng Iran đang gây đe dọa an ninh các quốc gia Arab sau vụ bắn tên lửa của lực lượng dân quân Houthi từ Yemen vào thủ đô Riyadh.
Saudi Arabia cũng tăng cường củng cố về quân sự và được coi là một trong số quân đội được trang bị tốt nhất trong khu vực với khoảng 227.000 quân và là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới. Ngoài ra, Saudi Arabia cũng nhận được sự ủng hộ của Israel trong liên minh chống lại kẻ thù lớn nhất là Iran khi gần đây báo chí tiết lộ hai bên đã có nhiều cuộc tiếp xúc ngầm.
Không thể phủ nhận rằng Saudi Arabia đang tập hợp được lực lượng khá mạnh trên mặt trận chống Iran. Nhưng thực tế trong thời gian vừa qua, Iran cũng đang giành được nhiều ảnh hưởng và lợi thế. Các lực lượng thân Iran ở Syria, Yemen, Lebanon đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng và vị thế.
Quan hệ với Iran với Qatar thì được củng cố trong bối cảnh khủng hoảng Vùng Vịnh. Đây có thể coi là thắng lợi của Iran trên mặt trận chính trị, ngoại giao và kinh tế. Giới quan sát nhận định, Iran sẽ tăng cường củng cố thắng lợi ngoại giao thông qua quan hệ với châu Âu, Nga và Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, tận dụng sự hỗ trợ của các nước đến mức tối đa có thể liên quan tới thỏa thuận hạt nhân để không làm mất sự ủng hộ này trước sức ép của Mỹ hay chính sách hiếu chiến của Israel.
Quan trọng hơn cả, Iran sẽ kìm hãm căng thẳng với Saudi Arabia tránh leo thang thành xung đột không có lợi cho nước này và khu vực. Mới đây, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tái khẳng định sự ủng hộ của Iran đối với sự phát triển của các nước trong khu vực (bao gồm cả Saudi Arabia), và nói rằng “không có con đường nào khác ngoài tình anh em, tình bạn và giúp đỡ lẫn nhau”.
Nguy cơ chiến tranh
Cho đến nay, chính quyền Tehran và Riyadh đều đối đầu thông qua các cuộc chiến trong khu vực. Không chính phủ nào muốn khơi mào cho xung đột trực diện. Tuy vậy, một vụ tấn công tên lửa nhắm vào thủ đô của Saudi Arabia từ phía Yemen hoàn toàn có thể trở thành tác nhân khiến cho cuộc chiến bùng phát.
Nếu chiến tranh xảy ra, khả năng cao nó sẽ diễn ra tại khu vực biên giới trên biển tại Vùng Vịnh - nơi lực lượng hải quân Saudi và Iran đối đầu trực tiếp với nhau. Chiến sự như vậy có nguy cơ mở rộng ra thành xung đột mang tính khu vực, vì Mỹ và các cường quốc phương Tây luôn coi trọng hoạt động tự do hàng hải ở vùng biển này. Điều nguy hiểm là những động thái quyết liệt mới đây của Riyadh đang khiến cho tình hình khu vực này ngày càng trở nên khó đoán.
Mặc dù căng thẳng gia tăng đã làm dấy lên những quan ngại nghiêm trọng nhưng giới quan sát cho rằng khó có thể xảy ra một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Saudi Arabia và Iran ở quy mô lớn, tuy nhiên Riyadh có thể sẽ viện cớ vụ bắn tên lửa gần đây để thúc đẩy tăng cường cấm vận Tehran.
Phân tích lý do cho giọng điệu hiếu chiến của Riyadh, nhiều ý kiến khẳng định Thái tử Mohammed muốn dùng giọng điệu mang chủ nghĩa dân tộc để củng cố sức mạnh trong bối cảnh vị Thái tử này theo đuổi một chiến dịch chống tham nhũng - một động thái nhằm củng cố quyền lực.
Ngoài ra, những tuyên bố “nảy lửa” của Riyadh đối với Iran cũng giúp “đánh lạc hướng” sự chú ý của truyền thông đối với “những vòng xoáy quyền lực” diễn ra trong nền chính trị nội bộ của Saudi Arabia.
Bên cạnh đó, một cuộc xung đột vũ trang giữa Iran và Saudi Arabia sẽ tác động lớn lên thị trường dầu lửa và nền kinh tế thế giới. Nếu chuyện này xảy ra, giá dầu sẽ tăng 500%. Tuy nhiên, một cuộc chiến giữa Riyadh và Tehran sẽ không xảy ra và nó không nằm trong lợi ích của Nga và Trung Quốc. Nga là một đối tác của nhiều nước đang xung đột ở Trung Đông.
Nước nhập khẩu dầu lớn nhất - Trung Quốc - nguy cơ gánh rủi ro nặng nhất trong bối cảnh giá dầu tăng cao, sẽ sử dụng tất cả tầm ảnh hưởng lên Iran để ngăn chặn một cuộc xung đột.
Chưa hết, chiến tranh là điều bất lợi đối với cả Saudi Arabia lẫn Iran, khi mà Saudi Arabia bị thâm hụt ngân sách tương đương 10% GDP còn Iran thì mới bắt đầu tăng cường xuất khẩu dầu sau khi được dỡ bỏ cấm vận.
Cả Saudi Arabia và Iran đều hiểu rõ tầm quan trọng của dầu thô đối với nền kinh tế, và sẽ cố gắng tránh xung đột. Thế nên, nhiều khả năng xung đột giữa Saudi Arabia và Iran sẽ bị giới hạn thành một cuộc chiến ủy nhiệm - có thể so sánh với các cuộc chiến tranh ủy nhiệm thời “Chiến tranh Lạnh” giữa Mỹ và Liên Xô…
Xung đột vũ trang giữa Iran và Saudi Arabia sẽ tác động lớn lên thị trường dầu lửa và nền kinh tế thế giới.