Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên: Lửa và giận dữ

Thứ Năm, 28/09/2017, 16:42
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Triều Tiên có thể đối mặt với sự đáp trả bằng “lửa và giận dữ” sau khi giới tình báo Mỹ nói rằng Bình Nhưỡng đã sản xuất được các đầu đạn hạt nhân thu nhỏ đủ để lắp vào các tên lửa của nước này.

Điều đó có nghĩa là, Triều Tiên đã phát triển các vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công tới lãnh thổ Mỹ nhanh hơn so với dự kiến. Ngoài ra, chính quyền Mỹ tuyên bố đã có nhiều lựa chọn quân sự để ứng phó với Triều Tiên. Mỹ tỏ rõ tín hiệu không còn kiên nhẫn trong quan điểm dùng biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề sau khi Bình Nhưỡng phóng thêm một tên lửa nữa qua Nhật Bản chỉ trong vòng một tháng.

Đáp trả đe dọa này, Triều Tiên tuyên bố đang xem xét kỹ lưỡng các kế hoạch cho một vụ tấn công tên lửa vào lãnh thổ Guam của Mỹ. Chỉ vài giờ sau đe dọa của ông Trump, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đã đăng tải tuyên bố của người phát ngôn Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) khẳng định kế hoạch tấn công sẽ được triển khai bất cứ lúc nào nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un đưa ra quyết định.

Triều Tiên khẳng định, mục tiêu cuối cùng của họ là đạt được sự cân bằng thực lực với Mỹ và khiến các nhà cầm quyền Mỹ không còn dám nói về lựa chọn quân sự với Triều Tiên.

Tuyên bố gay gắt

Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ tại phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra ngày 19/9 tại New York, Tổng thống Donald Trump đã khẳng định về chính sách “nước Mỹ là trên hết”, đồng thời kêu gọi các nước cùng theo đuổi định hướng này.

Nhấn mạnh đến căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Trump cho rằng tham vọng theo đuổi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang đe dọa toàn bộ thế giới. 

Theo đó, Mỹ có sức mạnh và sự kiên nhẫn, nhưng nếu nước Mỹ bị buộc phải bảo vệ mình và các đồng minh thì sẽ không có lựa chọn nào khác là phải hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên. “Lãnh đạo Triều Tiên đang làm nhiệm vụ tự sát, giết chết chính mình và chế độ. Nước Mỹ đã sẵn sàng, đủ khả năng đáp trả nhưng hy vọng rằng điều này là không cần thiết”, ông Trump cho biết.

Chính quyền Trump cho rằng, vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã tạo nên một trong những nguy cơ an ninh nguy hiểm và khẩn cấp nhất của thế giới. Chưa hết, KPA đang cân nhắc kỹ lưỡng kế hoạch hành động nhằm tạo ra một vành đai lửa tại khu vực quanh đảo Guam bằng các tên lửa đạn đạo tầm trung để kiềm chế các căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở đây, bao gồm căn cứ không quân Anderson.

Thế nên, Tổng thống Mỹ từng tuyên bố điều tốt nhất hiện nay là Triều Tiên không nên tạo ra thêm bất kỳ mối đe dọa nào tới Mỹ vì sẽ phải đối mặt với “lửa và giận dữ” mà thế giới chưa bao giờ chứng kiến. 

Washington cảnh báo, để ngăn chặn các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, Mỹ sẵn sàng dùng vũ lực, nhưng vẫn ưu tiên sử dụng các biện pháp ngoại giao, bao gồm cả các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, phía Triều Tiên khẳng định các vụ thử bom nhiệt hạch và tên lửa đạn đạo mới đây là cách giúp Bình Nhưỡng “tập dượt” các biện pháp bảo vệ hòa bình, chống lại sự gây hấn “tại bất cứ nơi nào trên trái đất”.

Triều Tiên nhận định, các hành động của Washington nhằm đối phó với Bình Nhưỡng cho thấy mục đích thật sự của nước này là châm ngòi một cuộc chiến tranh trong khu vực. 

Các phát biểu gây hấn của Tổng thống Donald Trump về “lửa và giận dữ”, hay chiến dịch cuồng loạn đang diễn ra của Mỹ chống lại Triều Tiên rõ ràng cho thấy Mỹ bất chấp nguyện vọng của cộng đồng quốc tế về việc thiết lập hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, mà đang theo đuổi mục tiêu chiến tranh tàn khốc.

Triều Tiên khẳng định, bất cứ kế hoạch nào để thực hiện cuộc chiến chống lại Bình Nhưỡng sẽ gặp phải “một cuộc chiến tổng lực” từ Bình Nhưỡng, quét sạch các thành trì của quân thù, bao gồm tất cả lãnh thổ lục địa Mỹ.

Triều Tiên kêu gọi Mỹ nên ngừng khiêu khích quân sự thiếu thận trọng đối với Triều Tiên để tránh gây ra xung đột quân sự. Ngày 5-9 (hai ngày sau vụ thử bom nhiệt hạch), Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Han Tae-song cho biết nước này mới đây đã “gửi một món quà” tới Mỹ và sẽ tiếp tục có những hành động tương tự chừng nào Washington còn tiếp tục những hành động khiêu khích liều lĩnh và tìm cách gây sức ép với Bình Nhưỡng một cách vô ích.

Đáp trả, Nhà Trắng dẫn lời Tổng thống Trump thông báo Mỹ sẵn sàng sử dụng đầy đủ tiềm lực và kho vũ khí hạt nhân để chống lại Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa tới Washington và các đồng minh.

Tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Mỹ Nikki Haley khẳng định đây là lúc Hội đồng Bảo an áp đặt những biện pháp cứng rắn nhất có thể đối với Triều Tiên, sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và cũng là lớn nhất từ trước đến nay. Những tuyên bố gay gắt của hai bên phần nào phản ánh tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ Washington - Bình Nhưỡng đã lên tới đỉnh điểm.

Chính quyền Mỹ tuyên bố đã có nhiều lựa chọn quân sự để ứng phó với Triều Tiên.

Lựa chọn hợp lý

Những động thái của Bình Nhưỡng khiến giới chóp bu trong chính quyền Mỹ tiếp tục thảo luận phương án dùng vũ lực để “giải quyết vấn đề” sau khi phải thừa nhận bất lực về cấm vận và áp lực ngoại giao. Hiện có hai vấn đề Mỹ phải cân nhắc nếu dùng vũ lực: một là, tìm ra các vị trí Bình Nhưỡng giấu vũ khí để phá hủy bằng vũ khí chính xác; hai là, vượt qua hàng rào phòng thủ của Triều Tiên phá hủy số vũ khí đó bằng mọi giá.

Bên cạnh đó, Mỹ đã tính đến phương án “tiêu diệt đầu não”, lập tức loại bỏ ông Kim Jong-un và các quan chức cấp cao Triều Tiên ngay khi xung đột nổ ra. Quân đội Mỹ cũng đang cân nhắc các biện pháp tiêu diệt hàng ngàn đơn vị pháo và vũ khí Bình Nhưỡng cho triển khai phía bắc khu phi quân sự, giáp biên giới với Hàn Quốc. 

Lầu Năm Góc tính toán, họ sẽ cần hơn một tuần không kích liên tục bằng bom và tên lửa để tiêu diệt toàn bộ kho vũ khí của Triều Tiên phát hiện qua vệ tinh quan sát.

Nhiều ý kiến cho rằng Mỹ và các đồng minh còn quá mềm mỏng trước Triều Tiên, để nước này liên tục khiêu khích quân sự mà không bị trừng trị. Các động thái khiêu khích của Triều Tiên cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un “đang cầu xin chiến tranh”, thách thức sự kiên nhẫn của Mỹ.

Vì vậy, Nhà Trắng cần chính sách răn đe cứng rắn hơn, sẽ sử dụng vũ lực vừa phải nhưng ở dưới mức tấn công toàn diện kiểu phủ đầu. Mặc dù các quan chức cao cấp Mỹ khẳng định tình hình chưa đến mức phải dùng đến vũ khí hạt nhân chiến lược, nhưng nếu cuộc khủng hoảng chạm đến mức đó, họ thừa nhận Mỹ luôn có sẵn các tàu ngầm trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tuần tra ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, tấn công quân sự không phải là giải pháp khôn ngoan mà Mỹ nên dùng tới hiện nay để đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên. Tất cả các phương án quân sự đều có thể gây ra thương vong lớn cho dân thường, thậm chí nếu Mỹ tìm ra hết những vị trí Triều Tiên giấu vũ khí.

Ngoài ra, diệt trừ nhà lãnh đạo Triều Tiên là kịch bản vô cùng mạo hiểm. Kim Jong-un là một trong những nhà lãnh đạo được bảo vệ kỹ càng nhất thế giới, và kể cả khi ông bị ám sát, cũng không thể loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ có lãnh đạo mới với những chính sách tương tự hoặc thậm chí tham vọng hơn. Hơn nữa, phương án này cũng có thể kích hoạt chiến tranh toàn diện.

Mỹ hiện đối mặt với hai lựa chọn liên quan tới việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Thứ nhất là thực hiện một cuộc tấn công quân sự với hậu quả tàn phá và không cam đoan được có thành công hay không. Lựa chọn còn lại là chấp nhận mức khiêu khích của Triều Tiên và mức độ vươn xa của họ thông qua chính sách ngăn chặn. Giới quan chức cho rằng, lựa chọn thứ hai là giải pháp hợp lý hiện nay.

Điều này có nghĩa là, Washington cần sử dụng “lời lẽ và hành động hợp lý” để bảo vệ chính mình và các đồng minh bằng mọi giá. Washington cần tiếp tục gia tăng áp lực kinh tế với Bình Nhưỡng - vốn đã là quốc gia bị cô lập về kinh tế nhất thế giới, đồng thời tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa cho mình, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng để ngỏ khả năng tái khởi động đàm phán sáu bên (với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga) một khi Triều Tiên ngừng các cuộc thử tên lửa và chấp nhận mục đích đàm phán là hướng đến việc loại bỏ hoàn toàn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.

Lâm Anh
.
.