Lý do giúp Donald Trump và Kim Jong-un cùng làm “phim viễn tưởng”…

Thứ Hai, 02/07/2018, 07:05
Trong khi đi cùng với Tổng thống Mỹ ở hành lang khách sạn Capella được bảo đảm an ninh tối đa tại Singapore, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump: “Nhiều người trên thế giới sẽ nghĩ đây là một câu chuyện tưởng tượng từ một bộ phim khoa học viễn tưởng”.


Một câu chuyện hoang đường

Với nhiều chuyên gia theo dõi đời sống chính trị quốc tế thì thậm chí các nhà làm phim viễn tưởng kỳ tài có lẽ cũng không nghĩ ra nổi một kịch bản như thế, là ông Kim bắt tay ông Trump và đi trong một hành lang khách sạn ở Singapore!

Quả thật, câu chuyện quan hệ Mỹ - Triều là một câu chuyện của những điều không tưởng, của những bước ngoặt mà người ta không thể tin là có thể xảy ra trong một thời gian chóng vánh đến như vậy.

Bởi chả đâu xa, chỉ mới đây thôi, trong bài phát biểu đầu năm mới 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cảnh báo: “Toàn bộ nước Mỹ nằm trong tầm bắn các vũ khí hạt nhân của chúng ta. Nút bấm hạt nhân luôn nằm trên bàn làm việc của tôi”. 

Đáp lại, Tổng thống Donald Trump đăng tải dòng trạng thái trên trang Twitter, phương tiện biểu đạt quen thuộc của mình: “Tôi cũng có một nút bấm hạt nhân nhưng của tôi to hơn và mạnh hơn của ông ta nhiều!”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore. Ảnh: L.G.

Câu chuyện so đọ nút bấm hạt nhân giữa hai nhà lãnh đạo là điều hiếm thấy, cho dù ai cũng hiểu là chẳng có nút bấm hạt nhân nào trên bàn làm việc của lãnh đạo hai bên.

Phóng tên lửa hạt nhân là một quy trình cực kỳ phức tạp và chặt chẽ, không phải chuyện chỉ cần bấm một cái nút tự động trên bàn làm việc. Tuy nhiên, những lời đe dọa về “nút bấm hạt nhân” giữa lãnh đạo hai phía như vậy chỉ khiến cho người ta có cảm giác tình hình căng thẳng có thể vượt qua tầm kiểm soát bất cứ lúc nào!

Thế nhưng những gì diễn ra sau đó mới là minh chứng cho một điều cũng thường diễn ra trong bóng đá, ấy là trong nền chính trị thế giới, không có điều gì là không thể xảy ra! 

Nó phụ thuộc rất nhiều vào môi trường chính trị, vào sức mạnh hiển hiện hay ở dạng tiềm ẩn của các bên và vào cá nhân của những người tham gia cuộc chơi.

Sự khác biệt của một nhà lãnh đạo

Chủ tịch Kim Jong-un, người từng có thời gian du học ở Thụy Sĩ, được lựa chọn để tham gia vào đời sống chính trị (và quyền lực) của đất nước từ rất sớm, đã chứng tỏ rằng ông có những khác biệt rất nhiều so với cha ông mình.

Không chỉ ở việc ông không sợ đi máy bay hay sẵn sàng đi thăm một quốc gia tới 3 lần - lần nào cũng bí mật - chỉ trong vòng vài tháng. Sự khác biệt nằm ở những tính toán chiến lược khôn khéo của Triều Tiên, mà trước tiên là phải làm cho thế giới và đối thủ tin rằng đã nắm trong tay “thanh bảo kiếm” - vũ khí hạt nhân.

Chẳng phải ngẫu nhiên khi không chỉ một lần, phía Triều Tiên thể hiện rằng bài học lớn nhất rút ra được từ những biến động ở khu vực thế giới Ảrập và vùng Trung Cận Đông là nhiều chính quyền sụp đổ, nhiều nhà lãnh đạo ở khu vực này bị sát hại bởi vì họ không có vũ khí hạt nhân (hay vũ khí hủy diệt lớn), chứ không phải vì họ có, như cái cách mà phương Tây thường to tiếng mỗi khi cần lý do cho một cuộc can thiệp.

Nhưng khi cần có những đột phá ngoại giao thì ông Kim đã chứng tỏ rằng mình đủ lão luyện để đi những nước đi mạnh bạo trên bàn cờ chính trị quốc tế. Nước đi đầu tiên cũng nằm chính trong bài phát biểu đầu năm liên quan đến “nút bấm hạt nhân trên bàn làm việc” ấy. 

Trong bài phát biểu này, ông Kim đã làm tất cả bất ngờ khi kêu gọi cải thiện quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên, tuyên bố sẵn sàng cử phái đoàn của miền Bắc tới tham dự Thế vận hội Mùa đông 2018 được tổ chức ở Hàn Quốc và hai bên cần sớm gặp nhau để bàn thảo về vấn đề này!

Những gì diễn ra sau đó thì thế giới đã biết. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai miền Triều Tiên đã mở lối cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều, mặc dù trên hành trình đến Singapore, hai bên đã không ít lần sử dụng những đòn phép cả về chính trị lẫn ngoại giao, không thiếu những lời đe dọa bóng gió cùng những thông điệp ẩn ý để có thể giành tiên cơ cho những nước đi tiếp theo.

Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất!

Sẽ không thể có cuộc gặp lịch sử ở Singapore nếu như một trong hai người tham gia thượng đỉnh không phải là ông Donald Trump!

Là một nhà tỷ phú bước vào chính trường, lại ngay lập tức nắm ngôi cao trong hệ thống chính trị Mỹ, ông Donald Trump được (hay bị) coi là thiếu kinh nghiệm hoạt động đối ngoại. Cương lĩnh tranh cử của ông chỉ có 2 điểm liên quan đến hoạt động đối ngoại tương lai của nước Mỹ: công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cải thiện quan hệ với nước Nga.

Sau hơn một năm vào Nhà Trắng, điều người ta nghĩ ông dễ dàng làm được thì ông không đạt được: quan hệ Mỹ - Nga tệ hại chưa từng có kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Còn điều hầu như tất cả đều nghĩ nên tránh thì ông làm nhanh, mạnh bạo, dứt khoát: công nhận Jerusalem là thủ đô của nhà nước Do Thái và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về đây!

Nhưng ông Donal Trump là thế: một con người logique trong những điều tưởng chừng như phi lý nhất. Bởi toàn bộ những gì mà ông Trump làm kể từ khi trúng cử tổng thống đến giờ đều dựa trên một logique căn bản: thực hiện những điều đã hứa trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống. Với một câu thần chú: Nước Mỹ trước tiên!

Chính dựa trên câu thần chú này mà ông Donald Trump gần như ngay lập tức rút Mỹ ra khỏi TPP, rút khỏi Hiệp định Chống biến đổi khí hậu Paris, xúc tiến xây bức tường ngăn giữa Mỹ với Mexico để ngăn người xâm nhập biên giới trái phép, xiết chặt luật nhập cư, rút Mỹ khỏi hiệp ước P5+1 mà trước đấy Mỹ đã cùng với 5 nước khác ký với Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này, tuyên chiến (và leo thang) trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc...

Bức ảnh chụp ông Donald Trump ngạo nghễ ngồi khoanh tay trước các nhà lãnh đạo G-7 mới đây cứ như thể ông đã lựa chọn vị thế của đỉnh Hy Mã Lạp Sơn: Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất (Xuân Diệu)!

Chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên luôn là nỗi đau đầu của nhiều đời Tổng thống Mỹ. Ảnh: L.G.

Nhưng cũng vì “là Thứ nhất” (chẳng khác gì “Nước Mỹ trước tiên”) nên “Không có chi bè bạn nổi cùng ta!”. Ông đả phá NATO, đòi các nước thành viên tổ chức này phải tăng đóng góp cho khối lên 2% GDP, áp đặt thuế lên chính các nước đồng minh thân thiết (EU, Nhật Bản, Canada...), quay lưng với các nước G7 (mà các nước này cũng bày tỏ “không phiền lòng” nếu Mỹ tự trục xuất mình ra khỏi G-7).

Về cơ bản, bằng phương cách chống “toàn phương vị”, có nghĩa là chống tất cả, đưa ra các đòi hỏi cực đại nhưng sau đó tiến hành thương thảo (lĩnh vực mà ông Trump vốn là bậc thầy), Tổng thống Mỹ hầu như đã tái định hình lại các quan hệ của nước Mỹ với hầu hết phần còn lại của thế giới. 

Bước khai thông lịch sử trên một hồ sơ khó nhằn

Ông Donald Trump đã có điều kiện để thể hiện nghệ thuật thương thảo trên một hồ sơ đặc biệt: Triều Tiên. Chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên luôn là nỗi đau đầu của nhiều đời Tổng thống Mỹ. 

Bản thân ông Donald Trump, người thường xuyên xử dụng những dòng tweet tối đa 280 ký tự trên trang mạng xã hội Twitter để bày tỏ quan điểm và cụ thể hóa chính sách, cũng không ít lần thể hiện sự giận dữ (có chủ ý) đối với quốc gia cứng đầu này. Từ việc đe dọa “dội bão lửa và sự giận dữ” cho đến so đọ “độ lớn, độ mạnh” của nút bấm hạt nhân với nhà lãnh đạo Triều Tiên!

Nhưng khi bắt được những thông điệp kín đáo phát đi từ Bình Nhưỡng, ông Donald Trump đã ngay lập tức có những phản hồi tích cực. 

Từ “người đàn ông tên lửa bé nhỏ”, nhà lãnh đạo Triều Tiên, trong con mắt của ông Trump, trở thành nhà lãnh đạo “khá thông minh”. Không thông minh sao được khi đối phó với những đòn phép khi rắn khi mềm của Washington trong một thời gian dài đến vậy!

Sự quyết đoán của ông Trump không dừng lại ở những dòng tweet. Ai mà ngờ được rằng Tổng thống Mỹ đã chấp nhận cử Giám đốc CIA Mike Pompeo, rồi sau đó vẫn ông này trên cương vị Ngoại trưởng, có tới 2 lần đến Bình Nhưỡng, chỉ để thu xếp cuộc gặp thượng đỉnh giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên!

Chấp nhận gặp mặt ở Singapore, cả ông Kim và ông Trump đã có một bước khai thông mang tính lịch sử trong quan hệ Mỹ - Triều, đồng thời đưa Bán đảo Triều Tiên vào một giai đoạn mới với niềm hy vọng (về những điều đã đạt được trong Thỏa thuận chung 4 điểm) và không ít phập phồng (về những bước tiếp theo nhằm cụ thể hóa thỏa thuận).

Thế giới có trở nên an toàn hơn sau cuộc gặp ở Singapore như ông Trump tuyên bố trên Twitter cá nhân, hay vẫn còn bấp bênh, phụ thuộc vào lòng tin được manh nha xây dựng từ cả hai phía. Cũng không loại trừ sự tác động của những yếu tố ngoại lai, vì lợi ích riêng, vốn không chấp nhận đứng bên lề của một tiến trình lịch sử như vậy.

Tương lai của mối quan hệ Mỹ - Triều còn khó đoán định, nhưng ít nhất, nó cũng là một câu chuyện thú vị về 2 nhà lãnh đạo biết biến những điều “không thể” trở thành “có thể”.

Yên Ba
.
.