Từ những biến động bất thường trong đời sống chính trị thế giới 2 năm qua:

Phần ngầm của một tảng băng

Thứ Hai, 10/09/2018, 07:31
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, môi trường chính trị-kinh tế thế giới đã chuyển sang trạng thái bất thường. Người ta đã chứng kiến một sự thay đổi đến chóng mặt trên Bán đảo Triều Tiên.


Từ tình trạng căng như dây đàn với những lời de dọa ném vào nhau không kiêng dè, kể cả việc so đọ tầm bắn của tên lửa đến độ lớn nút bấm hạt nhân, đột nhiên Bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á trở nên hòa dịu một cách bất thường với 2 cuộc gặp thượng đỉnh liên tiếp của lãnh đạo hai miền, 2 chuyến thăm liên tiếp của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, rồi sau đó là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore.

Quan hệ Nga-Mỹ xuống đến mức được gọi là “tồi tệ”, thấp nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Nếu như phân tích những ngôn ngữ thù địch và hành động trừng phạt của Mỹ nhằm vào Moscow, dường như Chiến tranh Lạnh đã quay trở lại! 

Vậy nhưng, trái với sự lo ngại của dư luận, bất ngờ ông Donald Trump gặp ông Putin ở Helsinki (Phần Lan) và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục gặp nữa!

Mỹ cùng Trung Quốc cũng đang hăm hở lao vào cuộc chiến thương mại có thể nói là lớn nhất trong lịch sử!

Đằng sau những hiện tượng bất thường đó là cuộc chiến quyền lực của các quốc gia, nhỏ cũng như lớn, nhằm tìm kiếm vị trí (được cho là) xứng đáng hơn trong cuộc sắp xếp lại trật tự thế giới chưa biết đến điểm dừng.

Và cho dù muốn hay không, vẫn buộc phải thừa nhận một thực tế là hầu hết các biến động bất thường đó đều có chung xuất phát điểm: những đổi thay chính sách của Mỹ, siêu cường số 1 thế giới.

Nếu chỉ xét các hiện tượng, người ta dễ dàng đưa ra nhận xét có vẻ như ông Donald Trump đã thực thi những chính sách đối ngoại khá cực đoan.

Nước Mỹ trên hết

Nếu chỉ xét các hiện tượng, người ta dễ dàng đưa ra nhận xét rằng kể từ khi vào Nhà Trắng 2 năm trước đây, có vẻ ông Donald Trump, người đã đắc cử tổng thống trong một cuộc bầu cử mà kết quả khá bất ngờ, đã thực thi những chính sách đối ngoại khá cực đoan, đi ngược lại hầu hết chính sách của những người tiền nhiệm.

Ông nhanh chóng rút Mỹ ra khỏi TPP, rút luôn khỏi Thỏa ước Paris về biến đổi khí hậu, xóa bỏ vai trò của Mỹ trong hiệp ước mà Nhóm P5+1 ký với Iran về chương trình hạt nhân tranh cãi của nước này.

Dưới quyền của Tống thống Donald Trump, Mỹ “đóng băng” quan hệ với Cuba, vốn đang có dấu hiệu ấm lên trong thời gian cuối của nhiệm kỳ tổng thống trước, tiếp tục duy trì một mối quan hệ căng thẳng với người hàng xóm Mexico xung quanh dự án xây bức tường biên giới, khiến các đồng minh lâu năm ở châu Âu (tất nhiên là cả NATO) ngẩn ngơ với những lời cáo buộc họ không chịu chi đủ cho ngân sách quốc phòng.

Tổng thống Donald Trump cũng chẳng ngại ngần gì trước sự phản đối dữ dội của thế giới Ảrập - mà ông biết chắc là sẽ xảy ra - để quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của nhà nước Do Thái và chuyển sứ quán Mỹ về đó, đưa tiến trình hòa bình Trung Đông vào một trong những bước ngoặt khó đoán định nhất trong lịch sử vùng đất đầy bão tố này...

Với toàn bộ các dấu hiệu bề nổi, cảm tưởng như các chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ có nhiều mâu thuẫn, thậm chí một số nhà phân tích còn cho rằng chúng tiền hậu bất nhất. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ thì đó là một ấn tượng sai lầm.

Xét về mục tiêu, chúng đều nhằm đến một đích duy nhất: Nước Mỹ trên hết.

Xét về mặt sách lược, xâu chuỗi lại, chúng rất nhất quán với phong cách của ông Donald Trump: không ngại ngần đẩy tình hình (có thể là căng thẳng, thậm chí có nguy cơ xung đột) lên đến mức cực hạn, buộc đối phương (và cả đối tác) lâm vào tình trạng yếu thế, bất an và khi ấy, chìa bàn tay ra để mời ngồi vào đàm phán.

Mà đàm phán, với ông Trump, vốn là kĩ năng mà ông tự cho mình thuộc vào hàng cao thủ...

Cắm dao rồi mới đàm phán!

Nếu căn cứ vào sách lược đó của ông Trump thì có thể dễ dàng lý giải những chuyện bất thường đang diễn ra trong đời sống quốc tế.

Điển hình nhất là trường hợp Triều Tiên. Những lời đe dọa qua lại giữa ông Trump với ông Kim Jong-un gợi ký ức những bộ phim về thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi hai đối thủ chuẩn bị một cuộc chiến. Nhưng rồi nó chỉ dừng lại ở một cuộc chiến ngôn từ.

Những diễn biến chóng mặt trên Bán đảo Triều Tiên dẫn tới cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước ở Singapore đã bất ngờ mở ra một chương mới trong lịch sử dằng dai những sự nghi kị, thù hằn giữa hai bên suốt hơn nửa thế kỷ qua kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên dừng lại.

Khi quyết định gặp ông Kim Jong-un ở hội nghị thượng đỉnh, ông Trump đã hứng chịu không ít lời chỉ trích từ các đối thủ chính trị, những người e ngại ông Trump vì quá say mê giành được một điểm cộng về ngoại giao mà có thể có quá nhiều nhượng bộ với Bình Nhưỡng. 

Tuy nhiên, có vẻ những lo ngại đó là thừa. Cuộc gặp đó chỉ đạt được duy nhất một điều là hai bên nhất trí sẽ có tiếp các cuộc gặp tiếp theo, còn những thỏa thuận mơ hồ trong văn bản được hai nhà lãnh đạo ký kết ở Singapore đòi hỏi còn phải trải qua những chặng đường dài, rất dài nữa để biến việc phi hạt nhân hóa (kèm theo đó là những đòi hỏi bảo đảm an ninh của phía Triều Tiên - tất nhiên) trở thành thực tế.

Nhưng với ông Trump (và cả ông Kim nữa), việc ngồi lại được với nhau và bước đầu có các mối dây liên hệ cá nhân chẳng phải đã là thành tựu rồi hay sao! Nó vẫn còn tốt hơn rất nhiều so với việc chĩa tên lửa vào nhau và khoe “trò chơi chiến tranh” bằng các cuộc tập trận rầm rộ.

Người ta cũng thấy những bước đầu tiên tương tự của tiến trình này trong quan hệ giữa Mỹ với Iran. 

Căng thẳng đã được đẩy lên dần với việc Mỹ quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran (có hiệu lực trở lại sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận của nhóm P5+1), còn Tehran thì bóng gió nói đến việc phong tỏa eo biển Hormuz nếu Mỹ ngăn cản nước này xuất khẩu dầu lửa, mặt hàng chiến lược giúp nước Cộng hòa Hồi giáo tồn tại giữa vòng vây cấm vận ngặt nghèo của nhiều đối thủ. Một lần nữa, lời mời gặp thượng đỉnh “bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu” lại được ông Trump đưa ra!

Nhưng bước tiếp theo của tiến trình với Iran lại không giống như với Triều Tiên. 

Tehran bước đầu đã dứt khoát cự tuyệt đàm phán với Mỹ khi Tổng thống Rouhani nói về mong muốn gặp thượng đỉnh của ông Trump xảy ra cùng thời điểm với việc các lệnh tái áp đặt trừng phạt của Mỹ với Iran có hiệu lực: “Nếu bạn là kẻ địch và đâm người khác bằng dao rồi nói muốn đối thoại thì việc đầu tiên là bạn phải rút con dao ra đã chứ!”. 

Ngoại trưởng nước này còn nói Mỹ mắc bệnh “nghiện cấm vận” và trong bối cảnh ấy, đối thoại là vô ích.

Tương tự như vậy khi có vẻ như chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp dụng chính sách đối đầu với cả thế giới.

 Mỹ đe dọa ngay chính các nước trong P5+1 nếu làm ăn với Iran, căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh vụ bắt giữ một giáo sĩ, lên án bầu cử ở Venezuela, trả đũa lẫn nhau với Nhật Bản, Canada, EU về thuế thép, nhôm, ô tô, tiếp tục các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến Crimea, Ukraine và cả cáo buộc can thiệp bầu cử...

Tóm lại là không chừa một ai!

Mỹ cùng Trung Quốc lao vào cuộc chiến thương mại có thể nói là lớn nhất trong lịch sử.

Những nguy cơ

Nhưng sách lược chống “toàn phương vị” này của Mỹ đã gặp một đối thủ: Trung Quốc.

Cho dù hết sức cố gắng tránh nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đã sa chân vào “bẫy Thucydides”, mang tên sử gia Hy Lạp, theo đó, nếu một cường quốc lâu năm bị thách thức bởi một cường quốc mới nổi lên thì điều không tránh khỏi sẽ là xung đột.

Tuy nhiên, trái với lời tiên tri ảm đạm của vị sử gia Hy Lạp cổ đại, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc không diễn ra dưới hình thức quân sự mà là cuộc chiến thương mại. 

Căn nguyên của nó bắt nguồn từ quan điểm của ông Donald Trump, ngay từ khi tranh cử tổng thống đã cho rằng khoản thâm hụt thương mại khổng lồ giữa Mỹ và Trung Quốc không đơn thuần là kinh tế; nó còn là vấn đề an ninh, liên quan tới an nguy của nước Mỹ!

Đến khi trở thành người lãnh đạo số 1 của nước Mỹ, ông Trump tiếp tục nhận thức ra những nguy cơ đến từ phía người khổng lồ phương Đông, quốc gia đông dân nhất thế giới mà lãnh đạo cấp cao luôn khẳng định rằng muốn “trỗi dậy trong hòa bình”.

Nguy cơ này không giới hạn ở con số thâm hụt thương mại. Nó nằm ở núi dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc cho phép nước này chủ động trong các đòn thế thương mại cũng như hỗ trợ doanh nghiệp nội địa để “đàn áp” các mặt hàng của nước ngoài trên thị trường. 

Việc lần đầu tiên doanh số điện thoại thông minh của Huawei vượt qua Apple cho thấy công nghệ sử dụng trí thông minh nhân tạo của Trung Quốc đang có những bước tiến vượt bậc.

Nguy cơ còn nằm trong cách hành xử bất chấp luật lệ quốc tế, mà điển hình là những hoạt động tôn tạo các thực thể ở Biển Đông. 

Trái với lời cam kết ở Vườn Hồng tại Nhà Trắng mấy năm trước của lãnh đạo nước này, Trung Quốc đã ngang nhiên quân sự hóa khu vực này với lý do phải “chịu sức ép” của Mỹ trong khu vực, gây nên sự căng thẳng và vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh an toàn hàng không, hàng hải trong khu vực.

Chiến trường sẽ là “công nghệ cao”

Thế nên những đòn đánh của ông Trump đã được cẩn thận tung ra mà cuộc chiến thương mại mới chỉ là bước đầu tiên. Đằng sau nó là một cuộc bao vây công nghệ, khi Mỹ trừng phạt nặng các hành vi vi phạm bản quyền, siết chặt việc sáp nhập và chuyển giao công nghệ cao cho các công ty, tập đoàn của Trung Quốc tại Mỹ.

Tính toán của ông Trump khá logic: với việc đưa Trung Quốc vào cuộc cạnh tranh công nghệ cao, lĩnh vực mà Mỹ có ưu thế hơn nhiều, Mỹ muốn Trung Quốc sẽ phải tung những khoản tiền trong kho dự trữ ngoại hối của mình để hỗ trợ cho các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc đứng vững trước sức ép của Mỹ. 

Như thế, núi dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc sẽ nhanh chóng hao mòn, đồng thời hàng hóa mang hàm lượng công nghệ cao của Mỹ có cơ hội tràn vào thị trường Trung Quốc và khoản thâm hụt thương mại giữa hai bên tự nhiên sẽ dần được lấp đầy.

Đây là một cuộc chiến mà hai bên đều biết chắc là sẽ chịu tổn thương. Chỉ có điều bên nào có tiềm lực hùng mạnh hơn, có sức chịu đựng bền bỉ hơn, biết cách hóa giải những khó khăn kinh tế (có nguy cơ chuyển thành sức ép chính trị) thì bên đó có nhiều cơ hội giành phần thắng.

Những động thái bất thường trong đời sống chính trị quốc tế thời gian qua chính là phần ngầm của tảng băng trôi mang tên sắp xếp lại trật tự thế giới mới. 

Yên Ba
.
.