Liên quân Mỹ và đồng minh không kích Syria: “Cơn ác mộng” bắt đầu

Thứ Tư, 02/05/2018, 08:24
Cuộc tấn công chớp nhoáng của Mỹ và đồng minh mới đây vào những cơ sở bị cho là nghiên cứu và thử nghiệm các loại vũ khí hóa học, cùng hạ tầng quân sự của Damascus, với mong muốn dập tắt vĩnh viễn bất kỳ mối nghi ngờ manh nha nào về việc sở hữu vũ khí hóa học và răn đe chính quyền Tổng thống al-Assad.

Thế nhưng, theo giới quan sát, dường như vũ khí hóa học chỉ là cái cớ. Tác nhân thực sự có thể lại là mối quan hệ đang “xuống dốc không phanh” giữa Moscow và phương Tây, đặc biệt là giữa hai “địch thủ” Mỹ - Nga.

Dù các bên cố tình phát động chiến tranh rồi lại bí mật báo trước để đối phương chủ động kiểm soát tình hình nhưng cuộc chiến đã leo thang trở thành chiến tranh thật sự, chứ không còn chỉ là “võ mồm” như trước.

Không kích chớp nhoáng

Sức tàn phá của 105 tên lửa từ Mỹ và liên quân Anh, Pháp đã đổ xuống phía tây Syria vào rạng sáng 14/4. Cho đến thời điểm này, “nhiệm vụ đã hoàn thành” - theo đúng như tuyên bố của Tổng thống Donald Trump. 

Ông chủ Nhà Trắng lại một lần nữa khiến thế giới bất ngờ và phẫn nộ khi quyết định tấn công Syria, cùng sự trợ giúp của liên quân Anh và Pháp. 

Quyết định dội bom Syria không quá bất ngờ bởi ông Trump nhiều lần cảnh báo sẽ tấn công nhằm đáp trả cái mà Washington gọi là vụ tấn công vũ khí hóa học của Chính phủ Syria nhằm vào dân thường ở thị trấn Douma, phía dông Ghouta. 

Tuy nhiên, tính chất bất ngờ nằm ở chỗ, ông chủ Nhà Trắng đã quyết định vội vàng và bất chấp những cảnh báo từ nhiều phía về nguy cơ làm leo thang căng thẳng ở Syria - quốc gia Trung Đông vốn chìm trong chiến tranh hơn 7 năm qua và đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông vào họng súng của những cuộc chiến.

Cái cớ mà Tổng thống Trump viện vào để không kích Syria là đã quá rõ ràng nhưng thực ra chẳng có gì mới mẻ. Vào năm 2017, nhà lãnh đạo Mỹ cũng vin vào cáo buộc tương tự để dội bom các căn cứ của quân đội Chính phủ Syria và vũ khí chiến lược mà Lầu Năm Góc sử dụng trong cả 2 lần tác chiến này không gì khác ngoài tên lửa hành trình Tomahawk. 

Theo nhiều nguồn tin, Lầu Năm Góc sử dụng nhiều máy bay và tàu chiến trong chiến dịch tấn công Syria lần này, trong đó có các máy bay ném bom B-1. 

Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump viết: “Một cuộc tấn công diễn ra thật hoàn hảo. Cảm ơn Pháp và Anh vì sự hiểu biết và sức mạnh quân sự của họ. Không thể có một kết quả tốt hơn”. Ông chủ Nhà Trắng cũng cảnh báo, nếu Syria lại sử dụng khí độc thì Mỹ sẽ “ngăn chặn và bắt phải trả giá”.

Trên thực tế, cuộc tấn công lần này không mang lại hiệu quả lớn như ông Trump mong đợi. Trong khi Lầu Năm Góc cho biết chiến dịch chung của Mỹ-Anh-Pháp đã đánh trúng mọi mục tiêu thì phía Nga nhấn mạnh hàng chục tên lửa đã bị đánh chặn. 

Thậm chí, các cuộc tấn công của Mỹ và liên quân cũng khó có thể gây tác động tương quan lực lượng trên chính trường Syria hiện nay trong bối cảnh quân đội Chính phủ Syria đang từng bước giành quyền kiểm soát hoàn toàn đất nước. 

Cuộc không kích lần này tiếp tục chứng minh cho cái gọi là “thế kẹt” của ông chủ Nhà Trắng ở Trung Đông, khi mà chính quyền Trump vẫn đang “vùng vẫy” trong những tuyên bố của mình (đi kèm với những hành động bộc phát dường như thiếu toan tính kĩ lưỡng). 

Giống những người tiền nhiệm, các quan chức trong chính quyền Trump hiểu rằng, càng kéo dài thời gian cân nhắc hành động, họ càng phải đối mặt với những thách thức về mặt chính trị và quân sự, và mọi nỗ lực rất có thể sẽ là vô nghĩa.

Dư luận dậy sóng

Sau vụ tấn công bằng tên lửa của liên quân vào Syria, dư luận quốc tế đã “dậy sóng” với nhiều quan điểm trái chiều. Phía ủng hộ cho rằng cuộc không kích này sẽ “dằn mặt” Syria sau những vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học. 

Israel cho rằng các cuộc tấn công do Mỹ đứng đầu là “một tín hiệu quan trọng” đối với Iran, Syria và phong trào Hezbollah tại Lebanon vì việc sử dụng vũ khí hóa học vượt qua ranh giới đỏ mà nhân loại không còn có thể tha thứ. 

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, thông báo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ có đoạn: “Chúng tôi hoan nghênh chiến dịch này, giúp xoa dịu lương tâm của nhân loại trong việc đối phó với vụ tấn công tại Douma mà đa số nghi ngờ do chính quyền Syria thực hiện”.

Ở châu Á, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Nhật Bản ủng hộ quyết định của Mỹ, tin tưởng rằng việc sử dụng vũ khí hóa học cần “bị trừng phạt thích đáng”. 

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: “Hành động quân sự là cần thiết và thích hợp để bảo vệ hiệu quả của lệnh cấm sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời là sự cảnh báo đối với chế độ cầm quyền ở Syria về những hậu quả nếu họ tiếp tục vi phạm”. 

Cùng quan điểm này, Liên minh châu Âu (EU) lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ khí hóa học, khẳng định chính quyền Syria cùng với Nga và Iran không thể tiếp tục gây ra những thảm họa cho người dân mà không phải trả giá. EU sẽ đứng chung với các đồng minh của mình về phía công lý.

Trái ngược với những luận điệu ủng hộ, Iran đã lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công do Mỹ đứng đầu nhằm vào Syria, cáo buộc các hành động quân sự nhằm vào Syria mặc dù không có bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào và khẳng định Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả đối với khu vực và xuyên khu vực của “hành động phiêu lưu này”. 

Trong phát biểu mới nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kịch liệt phản đối cuộc tấn công quân sự của Mỹ và đồng minh, nhấn mạnh bước đi này sẽ “khiến thảm họa nhân đạo tại Syria thêm tồi tệ”.

Ông cảnh báo cuộc tấn công này sẽ gây thêm đau khổ cho người dân, tạo cơ hội cho những phần tử khủng bố trỗi dậy và kích động một làn sóng di cư mới từ quốc gia Trung Đông này.

Có thể nói, phản ứng gay gắt nhất đến từ phía Moscow khi cho rằng các thế lực phương Tây đang sử dụng vụ việc nghi là tấn công hóa học như một cái cớ phá hoại những thắng lợi trên chiến trường của chính quyền Damascus trong thời gian gần đây. 

Tổng thống Putin tái khẳng định Moscow chưa tìm thấy bằng chứng về một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma - nguồn cơn dẫn đến hành động quân sự lần này của Tổng thống Trump. 

Ông chỉ trích cuộc tấn công của các cường quốc phương Tây thật ra chỉ là kết quả từ “một sự kiện được thêu dệt” và được tiến hành “mà không chờ đợi các kết quả của cuộc điều tra”. 

Theo Tổng thống Putin, bằng các cuộc không kích chớp nhoáng và đầy tính toán chiến lược, Mỹ và các đồng minh muốn trao cơ hội cho lực lượng nổi dậy khôi phục hàng ngũ, kéo theo đổ máu tại Syria và làm phức tạp hóa tiến trình giải quyết chính trị.

Mỹ và đồng minh đã tiến hành một cuộc không kích chớp nhoáng vào Syria nhằm răn đe chính quyền Bashar al-Assad về vũ khí hóa học.

Leo thang căng thẳng

Câu hỏi đặt ra là vì sao Mỹ quyết định tấn công Syria bất chấp mọi cảnh báo? Câu trả lời nằm trong chiến lược Trung Đông của Tổng thống Trump. Có thể thấy, Washington đang để mất dần tầm ảnh hưởng ở Trung Đông vào tay Moscow. 

Mỹ xem ra không còn hy vọng gì khi quân đội của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad đã thu được những thành quả trong cuộc chiến chống phe nổi dậy vốn được Washington và các đồng minh hậu thuẫn. Vì vậy, Mỹ đang cố gắng đảo ngược tình hình. 

Ngoài ra, những tuyên bố cảnh báo liên tục về việc tấn công Syria khiến Mỹ không còn đường lùi. Với Mỹ, các cuộc không kích nhằm vào Syria cho thấy Washington không hề nói suông, đồng thời thể hiện sức mạnh quân sự và uy danh tại Trung Đông.

Tuy có nhiều ý kiến trái chiều nhưng giới quan sát nhận định rằng dù Mỹ khoanh tay hay hành động, những nguy cơ sau đó đều có lợi cho Nga. Việc Mỹ tiến hành mọi động thái “đi trước” là dấu hiệu phản ánh rõ nét những lo ngại và yếu kém của Washington. 

Cho đến nay, Nga vẫn chỉ có các tuyên bố mang tính lên án cuộc không kích của liên quân. Nếu muốn trả đũa, Tổng thống Putin sẽ không dùng cách đối đầu trực diện, mà thay vào đó là đáp trả trên các mặt trận khác. 

Ngoài ra, Moscow vẫn “bình chân như vại” là do trong lần không kích này, có thể Mỹ đã tính toán chiến lược và không gây ra thương vong cho dân thường và binh sĩ của Syria cũng như của Nga. Nếu quân đội Mỹ khiến binh sĩ Nga thiệt mạng, có khả năng cao Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào quân đội Mỹ.

Có thể nói, sau vụ không kích lần này, mối quan hệ Mỹ - Nga xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Tổng thống Trump dường như đã từ bỏ mọi hi vọng để làm việc thẳng thắn với Nga khi cáo buộc Tổng thống Putin, Nga và Iran phải chịu trách nhiệm vì ủng hộ ông Bashar al-Assad trong vụ tấn công hóa học mà ông Trump gọi là “vô lý”. 

Trong khi đó, Moscow lại luôn phủ nhận việc dính líu tới vụ tấn công nói trên, đồng thời cáo buộc các nhóm nổi dậy đã dàn dựng hiện trường giả. 

Mâu thuẫn “chạm đỉnh” khi Mỹ và Nga đưa ra những lời đe dọa lẫn nhau và ông Donald Trump cảnh báo Nga “hãy sẵn sàng chờ đón những quả tên lửa mới mẻ, đẹp đẽ và thông minh của Mỹ ở Syria”. 

Và ông Trump đã hiện thực hóa lời cảnh báo này bằng một cuộc không kích chớp nhoáng như một tuyên bố hùng hồn của phương Tây để trấn áp lại những hoạt động của Nga.

Không thể phủ nhận rằng việc đối đầu quân sự ở Syria có thể khiến tình hình xấu đi nhanh chóng. Phía Mỹ đã tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự trên đất Syria sau cuộc tấn công chớp nhoáng. Tuy nhiên, rất có thể Moscow vẫn lặng lẽ khuyến khích đồng minh ở Syria tấn công quân đội Mỹ ở phía đông dòng sông Euphrates và dọc theo biên giới Iraq - Syria. 

Bằng các cuộc không kích, Tổng thống Trump đã hai tay đẩy Syria vào cuộc chiến tranh phức tạp và kéo dài hơn nữa. Chương tiếp theo của cuộc nội chiến Syria đã được chính Washington lật sang trang mới, dập tắt hi vọng về một tương lai hòa bình cho Syria với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Nga. 

Tương lai cho Syria vẫn là một bài toán quá khó khi tình hình đang leo thang căng thẳng với tốc độ rất nhanh...

Việt Dũng
.
.