Hội nghị thượng đỉnh Nga -Mỹ: Trên những lằn ranh lửa

Chủ Nhật, 15/07/2018, 10:34
Quá nhiều kỳ vọng được đặt vào cuộc đối diện giữa nhà lãnh đạo của hai quyền lực hàng đầu thế giới.


Song, cũng còn tồn tại nhiều vấn đề khúc mắc, nhiều xung đột dữ dội về lợi ích, để Hội nghị thượng đỉnh Nga -Mỹ (dự kiến diễn ra tại Helsinki, Phần Lan ngày 16-7) sẽ chỉ có thể đóng vai trò của một diễn đàn - nơi các bên khẳng định mạnh mẽ thêm những quan điểm của mình, nhấn mạnh các điều kiện, phác thảo một lộ trình kế tiếp… trước khi ý nguyện “làm lành” và những thỏa hiệp đích thực xuất hiện.

Khuất sau những nụ cười

Dĩ nhiên, một sự kiện ngoại giao bao giờ cũng được trùm phủ bởi một bầu không khí thân thiện vô cùng đậm đặc “tính ngoại giao”. 

Ngày 5-7, phát biểu tại một cuộc mít-tinh ở Great Falls (Montana), Tổng thống Mỹ Donald Trump hồ hởi khẳng định với những người ủng hộ mình: “Tin tôi đi, tôi đã chuẩn bị rất kỹ! Thậm chí, tôi có thể đạt được một mối quan hệ tốt đẹp!”.

Trước đó một ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lời chúc mừng nhân Quốc khánh Mỹ. Trước đó một ngày nữa, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov hy vọng rằng “Trong tương lai gần, chỉ cần tôi vẫn còn ở đây, chúng ta có thể đạt được những bước tiến triển to lớn trong quan hệ song phương”.

Cũng trong hôm 3-7 ấy, Quốc hội hai nước nhất trí duy trì đối thoại liên nghị viện và “thực hiện điều đó trên một nền tảng mang tính liên tục, tập trung vào những vấn đề sâu rộng và quan trọng”, như lời Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Viacheslav Volodin.

Putin - Trump: Họ có nhu cầu đối thoại, nhưng đã thực sự đến thời điểm sẵn sàng lắng nghe nhau?

Trong khi đó, như thể đại diện cho quan điểm của EU - những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ, Đại sứ Áo tại Nga Johannes Eigner hé lộ: Châu Âu “hy vọng được thấy một số kết quả cụ thể và tiến triển trong quan hệ Mỹ - Nga, vì lợi ích của châu Âu”.

Mọi thứ đều có vẻ như đang toát lên một bầu không khí thân thiện và nồng ấm. Và lạc quan. Và tràn ngập hy vọng. 

Thế nhưng, không nên quên rằng, sau tất cả những thông điệp mang tính gợi mở đó, phía Mỹ vẫn nhấn mạnh: “Quả bóng đang nằm trên phần sân của Nga”. Và ngược lại, Moskva “sẵn sàng hành động để hướng đến bình thường hóa quan hệ với Mỹ nhưng phải tương xứng với thiện chí của Washington”.

Không nên quên rằng, cho đến ngày 2-7, người phát ngôn Nhà Trắng vẫn khẳng định: Các biện pháp trừng phạt của Washington nhằm vào Moskva vẫn sẽ được duy trì, “cho tới khi Bán đảo Crimea được trao trả về cho Ukraine”.

Cũng cần phải lưu ý, ngày 5-7, EU thông báo gia hạn các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga thêm 6 tháng. Và phải nhấn mạnh một lần nữa: Quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, để thấy mỗi bước tiến triển đều sẽ là thách thức vô cùng khắc nghiệt.

Những dòng hải lưu lạnh giá vẫn đang cuồn cuộn, sâu dưới mặt biển đầy nắng.

Khi “nhu cầu đối thoại” không đồng nghĩa với “sẵn sàng nhượng bộ”

Mọi nhà quan sát thời sự quốc tế đều hiểu: Thỏa hiệp chính là mấu chốt của nghệ thuật đàm phán. Song, trong trường hợp cụ thể này, có lẽ chính Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chưa biết được chính mình có thể thỏa hiệp đến đâu, thỏa hiệp như thế nào, vào lúc nào? Hoặc là, không một bước lùi nào hết!

Nhìn lướt qua các điểm chính trong chương trình nghị sự dự kiến, bất cứ ai cũng có thể bị hút vào những vấn đề mang tính toàn cầu. 

Các nhà hoạch định đã đưa vào đó cả hình thái ổn định chiến lược cũng như tiến trình kiểm soát vũ khí hạt nhân (cũng như các vũ khí chiến lược) bên cạnh các mâu thuẫn địa chính trị cụ thể (cuộc nội chiến Syria, xung đột và ly khai ở miền Đông Ukraine), hoặc những câu chuyện khác (nghi vấn Nga can thiệp để tác động vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ).

Không thể có đủ thời gian để “nói chuyện nghiêm túc” về tất cả mọi vấn đề ấy. Mà cũng có đầy đủ lý do tin rằng, hai nguyên thủ sẽ dành hầu hết thời gian ưu tiên thể hiện cách tiếp cận của mình, đối với những gì liên hệ trực tiếp đến lợi ích cốt lõi của Nga cũng như Mỹ. 

Và ở những điểm đó, cả hai phía đều đang tỏ ra không sẵn sàng nhượng bộ đối phương một chút nào. Ai cũng “có cái lý của mình”.

Thí dụ, thông qua người phát ngôn Dmitry Peskov, điện Kremlin dựng trước một rào cản, khi tái khẳng định rằng “Tổng thống Nga Vladimir Putin không liên quan gì đến kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nếu phía Mỹ có ý định nhắc đến chuyện này”.

Vấn đề là, ở Washington, có khá nhiều nhà chính trị tin (hay đúng hơn, “muốn tin”) rằng điều đó là sự thật và Nga - cường quốc kế thừa vị trí của Liên Xô - chính là địch thủ truyền kiếp của Mỹ. Đôi khi, các nền chính trị (đặc biệt là tại các nước lớn) vẫn cần duy trì một kẻ thù (cho dù là tưởng tượng) như thế, để dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm sự đồng thuận nội tại.

Thí dụ, nếu nước Mỹ (cũng như cả phương Tây) không thể “bỏ qua” chuyện Nga sáp nhập Crimea thì nước Nga lại cũng đã, đang và sẽ mang đầy đủ các chứng lý lịch sử vào mọi cuộc tranh luận, để bảo vệ quyền lợi mà họ cho là hợp pháp và chính đáng của mình. Với họ, Crimea “là lãnh thổ không thể chia cắt” và là “vấn đề không thể mang ra thảo luận”.

Thí dụ, với hiện trạng Syria lúc này, sau khi kẻ thù chung Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị quét sạch, trong lúc cuộc nội chiến năm nào đã chính thức bị “quốc tế hóa”, với những nhân tố tham gia phức tạp và các mâu thuẫn chồng chéo (cuộc cạnh tranh khu vực Iran - Israel, vị thế và những đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ, nỗi lo sợ việc hình thành một nhà nước Kurdistan của các chiến binh người Kurd, dáng dấp một cuộc chiến ủy nhiệm của chính cuộc cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ - Nga...), cùng cả thế yếu của các lực lượng nổi dậy chống chính phủ Damascus trước quân đội của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad trên chiến trường... khiến bất cứ phía nào cũng không thể dễ dàng chấp nhận để bị “tranh tiên” trên bàn cờ địa chính trị khu vực.

Và thí dụ, dự án đường ống dầu nối sang châu Âu mang tên “Dòng chảy phương Bắc 2”, với nước Nga, là một dự án thuần túy thương mại, để không thể phải chịu bất cứ một lệnh trừng phạt nào. Song, bởi vì đó là một trong những dự án quan trọng nhất của kinh tế Nga hiện tại nên nếu muốn dồn Moskva vào chân tường, Washington lại càng có lý do để gia tăng sức ép. 

Mọi cánh cửa, như vậy, thậm chí đều còn chưa thực sự hé mở. Cho dù, cứ tin rằng cả Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ đều sẵn lòng lắng nghe quan điểm của đối phương.

Một đường ống dẫn dầu nối sang châu Âu trong dự án mang tên “Dòng chảy phương Bắc 2” là một trong những dự án quan trọng nhất của kinh tế Nga hiện tại. Ảnh: L.G.

Đi tìm viên gạch đầu tiên

Nhưng xét cho cùng, đối thoại bao giờ cũng tốt hơn lặng im. Quả thật, dù hầu như không có khả năng thiết lập được một sự thay đổi mang tính đột phá nào trong lần gặp gỡ này, ít nhất, người lãnh đạo hai cường quốc hàng đầu ấy cũng sẽ có cơ hội đặt viên gạch đầu tiên cho một tiến trình vô định. 

Rồi cũng sẽ có một bản tuyên bố chung, mà ở đó, ý chí hàn gắn hiện hữu trên các câu chữ chung chung với ngôn từ khéo léo.

Thế giới có thể tạm bằng lòng với điều đó, cho đến khi có những động lực vượt trội về lợi ích xuất hiện, để khỏa lấp những hố ngăn cách và đẩy nhanh tiến trình hòa giải.

Trong sâu thẳm, nước Mỹ đã, đang và sẽ luôn muốn mình là “thị trấn trên ngọn đồi”, để cả thế giới ngước nhìn. Một cách toàn diện, kể từ khi nắm quyền, Vladimir Putin làm tất cả để bảo đảm rằng nước Nga lấy lại được sự tôn trọng vốn đã thuộc về Liên Xô cũ, với vị thế xứng đáng, an ninh chiến lược được bảo đảm, có tiếng nói quyết định tại các diễn đàn quốc tế.

Khi chính sách đối ngoại của cả hai phía vẫn được giữ nguyên, mọi chuyện vẫn sẽ tiếp diễn theo cách quen thuộc. Vấn đề là, trong thế giới đang phẳng đi một cách chóng mặt bởi những tác động của tiến trình sắp xếp lại trật tự này, thời cuộc hoàn toàn có thể làm nảy sinh những ngã rẽ.

Nước Nga, hiển nhiên, không hề muốn bị phương Tây bao vây - cô lập về kinh tế. Nước Mỹ, dưới thời đương kim tổng thống, đang thể hiện một diện mạo thực tế đến thực dụng. Nếu có những cơ hội phát triển kinh tế lớn lao đích thực, đủ để tác động đến cả những nhóm quyền lực nghị trường chi phối các quyết định của Nhà Trắng?

Và nếu Nga được bảo đảm rằng NATO (mà hội nghị thượng đỉnh cũng diễn ra ngay trước cuộc gặp cấp cao Nga - Mỹ) sẽ không tiếp tục “bành trướng” ảnh hưởng vào không gian Xôviết cũ? 

Sau tất cả những điều đó, cả Mỹ lẫn Nga đều đang có một địch thủ chung, một con rồng say ngủ đã thức giấc và đã sẵn sàng trở thành nền kinh tế số 1 thế giới - cũng chính là một cực mới của thế giới.

Đến khi ấy, tình trạng đối đầu Nga - Mỹ sẽ làm lợi cho ai nhiều nhất? Và chuẩn bị cho tương lai ấy ngay từ bây giờ, bằng việc mở sẵn những “cửa thoát hiểm”, có còn là quá sớm không? 

Đông Phong
.
.