Chiến lược của Mỹ tại Jerusalem: Thêm dầu vào chảo lửa

Thứ Ba, 29/05/2018, 08:37
Bất chấp sự phản đối của nhiều nước trên thế giới, Mỹ đã chính thức khai trương đại sứ quán tại Jerusalem vào chiều ngày 14-5 vừa qua nhân dịp Israel kỷ niệm 70 năm tuyên bố thành lập nhà nước Do Thái.

Theo giới quan sát, Tổng thống Donald Trump không tới dự sự kiện mà cử một phái đoàn cấp cao gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan cùng vợ chồng con gái kiêm cố vấn Ivanka Trump và Jared Kusher.

Ngay sau khi sự kiện này diễn ra, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Mỹ “thiếu cân nhắc”, trong khi đó làn sóng biểu tình ở Dải Gaza bất ngờ bùng phát mạnh mẽ. 

Nhiều ý kiến cho rằng, Jerusalem là một nơi linh thiêng đối với cả người Do Thái, người Cơ Đốc giáo và Hồi giáo; vì vậy, việc Mỹ chuyển đại sứ quán đến đây được cho là sẽ “đổ thêm dầu” vào chảo lửa đang âm ỉ giữa Israel và người Palestine, đồng thời làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông, khiến triển vọng hòa bình ở khu vực này ngày càng xa vời.

Những bước đi chấn động

Xung đột tại vùng đất thánh Jerusalem đã tồn tại hàng nghìn năm qua, khi thành phố linh thiêng này bị phá hủy ít nhất 2 lần, bị vây hãm 23 lần, tấn công 52 lần, bị chiếm và chiếm lại 44 lần. Tuy nhiên, nổi bật nhất vẫn là câu chuyện xảy ra trong thế kỷ 20, với căn nguyên từ chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa dân tộc và quan điểm bài Do Thái còn gây tranh cãi đến tận bây giờ. 

Trong suốt một thế kỷ từ năm 1917 đến nay, Jerusalem trở thành vùng đất bị xâu xé, tranh giành không chỉ bởi đủ các lực lượng như Do Thái, Cơ Đốc hay Hồi giáo mà còn bị các thế lực bên ngoài nhòm ngó. 

Israel chiếm đóng khu vực Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là “lãnh thổ không thể chia cắt” của Israel. 

Năm 1980, các nhà lập pháp Israel thông qua một dự luật tuyên bố “Jerusalem, hoàn chỉnh và thống nhất, là thủ đô của Israel”.

Năm 1989, Israel cho Mỹ thuê một mảnh đất tại Jerusalem để đặt đại sứ quán với hợp đồng kéo dài 99 năm kèm chi phí thuê là... 1USD/năm. Đến nay, khu vực cho thuê này vẫn là mảnh đất trống. Năm 1995, Quốc hội Mỹ thông qua luật yêu cầu chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem. 

Từ đó đến nay, qua các đời Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama, yêu cầu này luôn bị từ chối vì lý do lợi ích an ninh quốc gia. Cứ 6 tháng một lần, ông chủ Nhà Trắng lại sử dụng quyền khước từ của tổng thống để tránh việc phải di dời đại sứ quán. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump miễn cưỡng ký vào điều khoản này lần đầu tiên vào tháng 6-2017. 

Cuối cùng, ngày 6-12-2017, chủ nhân Nhà Trắng công nhận Jerusalem là “thủ đô của Israel”, theo đúng tuyên bố trong thời gian ông vận động tranh cử.

Từ nhiều thập niên qua, cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel đối với Đông Jerusalem, còn người Palestine xác định Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai.

Liên Hiệp Quốc không công nhận việc Israel sáp nhập Đông Jerusalem và tuyên bố Đạo luật 1980 của Israel là vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, trong một động thái “ủng hộ” đồng minh Israel, Tổng thống Trump gây chấn động khi chính thức đặt Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem vào ngày 14-5, bất chấp “cơn thịnh nộ” từ Palestine và hàng loạt quốc gia trên thế giới. 

Mỹ khai trương đại sứ quán ở Jerusalem trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực Trung Đông leo thang, đặc biệt là các cuộc giao tranh giữa Israel và lực lượng Iran ở Syria. 

Trong một tuyên bố sau sự kiện này, ông Trump lạc quan tin rằng “quyết định này tạo cơ hội và nền tảng để tiến tới một quá trình hòa bình dựa trên cơ sở thực tế hơn là tưởng tượng”.

Mỹ ủng hộ Israel

Một số ý kiến cho rằng việc Mỹ ủng hộ Israel là vô cùng quan trọng cho tương lai của Israel và toàn nhân loại. Trên thực tế, Tổng thống Donald Trump không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. 

Năm 1995, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật Lãnh sự quán Jerusalem và yêu cầu Đại sứ quán Mỹ ở Israel chuyển từ Tel Aviv đến Jerusalem. Tuy nhiên, các Tổng thống Mỹ sau đó đã lo sợ sự leo thang xung đột giữa Palestine và Israel nên đã không thực hiện. Trên thực tế, việc không rõ ràng quyền chiếm giữ Jerusalem lại trở thành khóa chặn tiến trình hòa bình ở Trung Đông. 

Tổng thống Trump tin rằng việc thừa nhận thực tế này sẽ là một bước quan trọng đối với “hòa bình giữa Israel và Palestine”, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ “luôn là một người bạn tốt của Israel và là đối tác vì tự do và hòa bình”.

Những người ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump giữ quan điểm rằng việc ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với Israel sẽ có tác dụng xây dựng tích cực cho hòa bình ở Trung Đông và cho rằng việc Mỹ đã thỏa hiệp suốt nhiều thập niên vừa qua chỉ càng dẫn đến thất bại trong việc giảng hòa mối quan hệ giữa Israel và Palestine. 

Thậm chí, họ tin rằng ông Trump có thể sẽ trở thành một tượng đài trong lịch sử, và việc ông Trump ủng hộ “sự dũng cảm” của Israel sẽ được ghi nhớ trong nhiều thế hệ sau. 

Quả thực, chủ nhân Nhà Trắng đang thể hiện cam kết của mình với Israel, tạo nên những quyết định “mang tính biểu tượng”. Ông Trump tôn trọng nguyên tắc hàng đầu của ông về lĩnh vực đối ngoại: đó là giữ lời hứa trong đợt vận động tranh cử và làm hài lòng các cử tri.

Đi ngược lại những người tiền nhiệm, quyết định của Tổng thống Donald Trump không chỉ nhận được sự ủng hộ từ phe Cộng hòa mà còn từ rất nhiều chính trị gia đảng Dân chủ. 

Biểu tình và bạo lực bùng phát dữ dội ở khu vực Bờ Tây và Dải Gaza khi hàng chục ngàn người tập trung phản đối động thái của Mỹ.

Theo ông, người Mỹ “chưa hiểu hết sự tinh tế của những thách thức quanh vấn đề Jerusalem và xa hơn là quan hệ Mỹ - Israel”. 

Với việc chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem, Washington đánh dấu sự thay đổi trong chính sách liên quan đến vị thế của thành phố Jerusalem. Tổng thống Donald Trump dường như muốn giải quyết dứt khoát vấn đề đường biên giới ở Jerusalem, như ông từng thừa nhận các cuộc chinh phục mà Israel đã dùng đến sức mạnh cho dù vi phạm luật pháp quốc tế. 

Có vẻ như, thành lập Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem là “một món quà cho người Israel”, đồng thời đánh dấu chấm hết cho giải pháp “Hai nhà nước” - một nguyên tắc vẫn được áp dụng để duy trì tiến trình hòa bình. Khi ấy, vị Tổng thống Mỹ đã có trong tay“thỏa thuận thế kỷ” nhằm thiết lập hòa bình cho khu vực.

Ván bài mạo hiểm

Jerusalem là vấn đề hết sức nhạy cảm mà các bên hết sức né tránh trong quá trình đàm phán về hòa bình giữa Palestine và Israel. Rất nhiều quốc gia trong khu vực Trung Đông và trên thế giới đã lên tiếng cảnh báo Tổng thống Mỹ cần kiềm chế, nhưng bất thành. 

Việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến hòa bình và an ninh tại khu vực Trung Đông, nhất là trong bối cảnh sự công nhận của Mỹ hoàn toàn đi ngược lại với đòi hỏi của Palestine rằng Đông Jerusalem phải trở thành thủ đô của nhà nước Palestine độc lập trong tương lai. 

Hơn thế nữa, cộng đồng quốc tế cho rằng vấn đề Jerusalem phải được bàn thảo kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. 

Sự thay đổi quan điểm của Mỹ về vấn đề Jerusalem đồng nghĩa với việc “Mỹ tự loại mình ra khỏi bất kỳ sáng kiến nào liên quan đến việc đạt được nền hòa bình lâu dài tại Trung Đông”.

Theo giới quan sát, Liên đoàn Ảrập đã nhóm họp phiên đặc biệt vào ngày 16/5 để thảo luận và bày tỏ sự phản đối với động thái dời sứ quán của Mỹ, nhấn mạnh quyết định của chính quyền Tổng thống Trump “là bất hợp pháp”. 

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố tôn trọng “sự đồng thuận quốc tế” trong vấn đề Jerusalem, bao gồm cả việc đặt cơ quan đại diện ngoại giao, đồng thời chỉ trích quyết định của Mỹ là thiếu khôn ngoan và có khả năng làm gia tăng căng thẳng. 

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Mỹ “đã đánh mất vai trò trung gian của mình” trong tiến trình hòa bình khu vực, còn Nga thì cảnh báo bạo lực sẽ leo thang tại Trung Đông sau động thái mới của Mỹ. 

Trên thực tế, những động thái “hết sức nguy hiểm của Mỹ” có thể là lỗ hổng để những kẻ khủng bố khơi gợi sự thù hằn và gieo rắc tâm lý phản kháng vào đầu người dân trong khu vực để phục vụ lý tưởng man rợ. Các nhóm như Hamas và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ lợi dụng vấn đề để kích động bạo lực.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Israel leo thang ở Syria hiện nay, việc di chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa” và đây là “động thái rất nguy hiểm”. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra rầm rộ ở khu vực Bờ Tây và Dải Gaza. 

Hàng chục ngàn người Palestine tập trung phản đối động thái của Mỹ và không lâu sau, bạo lực bùng phát dữ dội. Lực lượng an ninh Israel đã nổ súng trấn áp khiến ít nhất 52 người Palestine thiệt mạng và 2.400 người bị thương tại khu vực biên giới. 

Chính quyền Palestine gọi đây là vụ thảm sát kinh hoàng, đồng thời yêu cầu có sự can thiệp ngay lập tức của quốc tế. Trong khi đó, phía Israel tiếp tục duy trì hàng ngàn cảnh sát, binh sĩ siết chặt an ninh ở Jerusalem, đồng thời thả truyền đơn xuống Dải Gaza với nội dung cảnh báo người dân Palestine tránh xa khu vực biên giới. 

Rõ ràng, những gì đang diễn ra khiến cho thấy triển vọng hòa bình ở Trung Đông vẫn còn rất mờ nhạt, thậm chí là không thể, khi mà Mỹ có những động thái đầy tranh cãi còn bạo lực được dự đoán vẫn tiếp diễn trong tương lai.

Doãn Anh
.
.