Nước Mỹ rạn nứt với toàn cầu

Thứ Năm, 26/10/2017, 18:15
Thời gian qua, dòng chảy quan hệ quốc tế đã và đang chứng kiến nhiều mâu thuẫn căng thẳng mới xung quanh “ông lớn” Mỹ, nảy sinh từ những câu chuyện cũ liên quan đến quan hệ ngoại giao với nhiều nước trên thế giới.

Điều này kéo theo sự suy giảm uy tín và ảnh hưởng của Mỹ trên quy mô toàn cầu.

Dù ít nhiều thể hiện nỗ lực vực dậy sức mạnh của cường quốc hàng đầu thế giới nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn chưa tạo nên những kết quả thực sự rõ ràng, trong khi lại làm xuất hiện thêm nhiều rạn nứt ngoại giao mới, tiếp tục khiến “xứ sở cờ hoa” phải đối diện với các thách thức mới khó có thể giải quyết một sớm một chiều.

Tiếp tục trừng phạt Iran

Trong một tuyên bố vừa mới đưa ra, Mỹ sẽ đưa Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố, khiến mối quan hệ vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa hai nước trở nên căng thẳng hơn sau hàng loạt các bước đi trả đũa lẫn nhau gần đây. 

IRGC là một lực lượng an ninh có quyền lực nhất tại Iran, có ảnh hưởng lớn về kinh tế và hệ thống chính trị Iran. Mỹ thực tế đã đưa một loạt cá nhân và tổ chức có mối liên hệ với IRGC vào “danh sách đen”.

Việc liệt lực lượng này vào danh sách các nhóm khủng bố là một phần trong số các đề xuất nhằm xem xét lại chính sách về Iran dưới thời chính quyền Donald Trump. Mục tiêu là ngăn chặn đầu tư nước ngoài với nền kinh tế Iran, bởi sự liên hệ của Tổng thống Donald Trump đối với nền kinh tế quốc gia này, trong đó có lĩnh vực giao thông và dầu lửa.

Giới chức Iran coi động thái trên của Washington là “phạm lỗi chiến lược”, đồng thời cảnh báo sẵn sàng đáp trả “cứng rắn và quyết liệt”. Mỹ đứng trước nguy cơ đánh mất cơ hội tiến hành đối thoại với Iran trong tương lai và phải di rời các căn cứ quân sự đang nằm trong tầm bắn 2.000km của tên lửa nước này. Trong khi đó, IRGC tuyên bố đã tới lúc dạy cho người Mỹ những “bài học mới”.

IRGC cho rằng chính quyền Mỹ “chỉ hiểu những tiếng chửi thề” và cần những cú sốc để nhận ra định nghĩa mới về quyền lực trên thế giới. Nếu Washington thực sự liệt IRGC vào danh sách khủng bố, tổ chức này sẽ hành xử với các binh sĩ Mỹ đóng quân ở nhiều nước trên thế giới giống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Giới quan sát nhận định, chính quyền Donald Trump cần phải cân nhắc thận trọng vì việc liệt một thể chế chính trị và quân sự mạnh nhất tại Iran vào danh sách tổ chức khủng bố có thể tạo ra những tác động bất ổn khu vực và khiến căng thẳng Mỹ-Iran leo thang.

Bước đi này của Mỹ có thể khuyến khích các lực lượng do Iran hậu thuẫn tại Iraq và Syria ngăn chặn các chiến dịch chống IS. Điều đáng lo ngại nhất là việc liệt IRGC vào các nhóm khủng bố có thể ảnh hưởng đến thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và các cường quốc.

Hiện có nhiều lo ngại Tổng thống Trump có thể hủy bỏ hay đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân. Một số chuyên gia nhận định, thay vì hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân, Mỹ có thể thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Iran. Tuy nhiên, việc đưa IRGC vào danh sách trừng phạt sẽ có tác dụng ngược lại.

Nga - Mỹ... dọa nhau

Tiếp tục các hành động trả đũa ngoại giao, Mỹ đã gỡ bỏ quốc kỳ Nga tại các tòa nhà lãnh sự của Nga ở San Francisco và cơ quan đại diện thương mại Nga tại thủ đô Washington. 

Phía Nga bày tỏ sự thất vọng, coi đây là “một hành động cực kỳ không thân thiện và gây nhiều thù địch”, vi phạm các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế và kêu gọi phía Mỹ lập tức trả lại quốc kỳ Nga, và không tái diễn. 

Moscow coi vụ việc là sự xúc phạm biểu tượng quốc gia của Nga, đồng thời lên án mạnh mẽ đối với Mỹ. Bằng những hành động này, một số lực lượng chính trị Mỹ đã cố ý hủy hoại quan hệ với Nga.

Bên cạnh đó, hành động của chính quyền Washington đã hủy hoại niềm tin giữa hai nước và chỉ mình phía Mỹ phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm các chuẩn mực trong quan hệ giữa hai nước, đồng thời Điện Kremlin sẽ cân nhắc đưa ra những biện pháp đáp trả.

Nga và Mỹ đã có hàng loạt động thái trả đũa lẫn nhau kể từ khi cựu Tổng thống Barack Obama trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga cuối năm ngoái. Chính quyền Obama nói rằng họ phản ứng trước việc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ, cáo buộc mà Moscow đã bác bỏ.

Ngoài việc cắt giảm nhân viên ngoại giao của nhau, Mỹ yêu cầu Nga đóng cửa tổng lãnh sự quán ở San Francisco cùng hai tòa nhà ngoại giao ở New York và Washington. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng sau khi giới chức Mỹ tiến hành lục soát cơ quan đại diện thương mại Nga tại thủ đô Washington, khiến Moscow phẫn nộ gọi đây là hành động chiếm đoạt tài sản trái phép, vi phạm luật pháp quốc tế.

Chưa hết, lưỡng viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt mới với Nga, nhắm đến những người bị cho là vi phạm nhân quyền, tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như mua bán vũ khí và xuất khẩu năng lượng. Nhằm đáp trả dự luật trừng phạt, Tổng thống Putin yêu cầu Mỹ giảm 755 nhân viên ngoại giao tại Nga. Ông Putin còn “dọa” sẽ có thể trục xuất thêm 155 nhân viên ngoại giao Mỹ.

“Chúng tôi có quyền đưa ra quyết định về số lượng nhà ngoại giao Mỹ ở Moscow, nhưng sẽ chưa làm điều đó trong thời điểm này”, Tổng thống Nga cho biết. Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về số lượng chính xác nhân viên sứ quán và lãnh sự tại Nga, nhưng gọi động thái của Nga là “đáng tiếc và không cần thiết”.

IRGC là lực lượng an ninh có quyền lực nhất tại Iran.

Khủng hoảng thị thực Mỹ - Thổ

Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trong một thời gian ngắn đã leo thang đến mức chưa từng có tiền lệ, khi hai bên ngừng cấp thị thực không định cư cho công dân của nhau, thậm chí Ankara lần đầu tiên trong lịch sử không công nhận Đại sứ Mỹ. Có vẻ những gì đang diễn ra giữa hai nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” trong một mối quan hệ phức tạp với những xung đột lợi ích khó tháo gỡ.

Cuộc khủng hoảng thị thực giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay chủ yếu xoay quanh giáo sĩ Hồi giáo người Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại bang Pennsylvania, người bị Ankara cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ - sự kiện đẩy quan hệ hai nước trượt dần theo chiều hướng xấu.

Ankara nhiều lần đề nghị Mỹ dẫn độ Gulen về nước, song không được Washington đáp ứng, khiến Ankara bắt đầu hoài nghi về vai trò của mối quan hệ thời hiện đại giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ. Chính quyền Ankara thậm chí truyền đi thông điệp “Mỹ không còn là quốc gia bảo trợ cho an ninh và thịnh vượng của Thổ Nhĩ Kỳ”, đồng thời khiến Washington tức giận bởi những vụ bắt giữ hàng chục công dân Mỹ vì nghi có dính líu tới phong trào của ông Gulen.

Mới đây nhất, Ankara bắt giữ một nhân viên lãnh sự quán Mỹ tại Istanbul và phát lệnh triệu tập một nhân viên khác đều với cáo buộc có quan hệ với Gullen. Washington đã lên án việc bắt giữ trên là vô căn cứ và làm tổn hại quan hệ giữa các đồng minh NATO. Chính vì vậy, Washington đã lập tức ngừng cấp thị thực không định cư đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn tới việc Ankara áp dụng biện pháp trả đũa tương tự.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng thị thực hiện nay chỉ là bước leo thang căng thẳng trong mối quan hệ song phương luôn xuất hiện nhiều rạn nứt giữa Washington và Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nghĩ đến việc bắt tay với các đối thủ của Mỹ và áp dụng một chính sách đối ngoại độc lập hơn trong khu vực. Ankara đã phối hợp với Moscow bước đầu tạo ra các “vùng giảm căng thẳng” và tiến hành một chiến dịch quân sự chung.

Giới quan sát cảnh báo, cuộc khủng hoảng thị thực có thể báo hiệu “hồi kết” của một quan hệ đối tác hứa hẹn, được mở ra kể từ thời ông Obama. Đối với Mỹ, gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến hình ảnh và vị thế của Washington trong khu vực Trung Đông bị ảnh hưởng, nhất là khi những đồng minh chủ chốt của Mỹ ở khu vực này cũng đang tỏ thái độ “không mặn mà” với Mỹ.

Trả đũa quân sự

Sau khi đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump tiếp tục đưa tàu sân bày và tàu ngầm hạt nhân đến gần khu vực này. Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump cho rằng các thỏa thuận và các cuộc đàm phán đã khiến những nhà đàm phán Mỹ trở thành những “kẻ ngu ngốc”, nhấn mạnh rằng “chỉ có một cách giải quyết duy nhất” nhưng không giải thích rõ biện pháp này là gì.

Nga và Mỹ liên tiếp có những động thái trả đũa lẫn nhau về ngoại giao.

Trước đó, Tổng thống Trump cũng chỉ trích những chính quyền tiền nhiệm đã buộc ông phải xử lý “một mớ hỗn độn” tại Triều Tiên. Ông Trump cho rằng, vấn đề Triều Tiên phải được xử lý từ 25 năm trước. Theo ông, giai đoạn hiện nay là “bình yên trước bão”. Những động thái này khiến giới quan sát lo ngại Mỹ đang tính đến giải pháp quân sự cho vấn đề Triều Tiên.

Trước đó, Washington từng tuyên bố có thể tiến hành “trả đũa quân sự quy mô lớn” đối với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Theo đó, bất cứ mối đe dọa nào đối với Mỹ hoặc các vùng lãnh thổ của Mỹ (bao gồm Guam hoặc các đồng minh) sẽ gặp phải sự đáp trả quân sự cứng rắn, hiệu quả và không nhân nhượng. Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Trump nhắc đến giải pháp quân sự cho vấn đề Tiều Tiên.

Cuối tháng 9, ông Trump nói rằng Mỹ đã “chuẩn bị sẵn sàng”, tuyên bố rằng thời gian “vỗ về” Triều Tiên đã hết, đồng thời cảnh báo sẽ gia tăng thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế, bao gồm ngừng giao dịch thương mại với bất kỳ quốc gia nào làm ăn với Triều Tiên.

Triều Tiên cảnh báo nếu Mỹ lựa chọn phương án chiến tranh để thách thức vị thế chiến lược và sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên thì Mỹ sẽ phải đối mặt với một cuộc tấn công hạt nhân khủng khiếp và sự hủy diệt tàn khốc. Mỹ luôn tô vẽ năng lực răn đe hạt nhân của Triều Tiên như mối đe dọa lớn đối với hòa bình thế giới, nhưng đó chỉ là những luận điệu đáng hổ thẹn nhằm biện minh cho hành vi phá hoại hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Vì vậy, Triều Tiên sẵn sàng tiêu diệt các căn cứ Mỹ bằng những đợt tấn công phủ đầu mạnh mẽ nếu nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào của sự khiêu khích. Có thể thấy, Triều Tiên quyết liệt theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân bất chấp sự phản đối của Mỹ, còn Mỹ cứ áp đặt các đòn trừng phạt mới kèm theo nhiều đe dọa nhằm vào Bình Nhưỡng.

Vậy thì, mối quan hệ Mỹ - Triều sẽ đi tới đâu? Giới quan sát cho rằng, không thể dự đoán lãnh đạo hai nước sẽ làm gì tiếp theo...

Việt Dũng
.
.