Hai “ông lớn” Nga – Mỹ: Ăn miếng trả miếng

Thứ Ba, 26/12/2017, 08:40
Trong suốt năm 2017, thế giới đã chứng kiến thế đối đầu gay gắt giữa hai “ông lớn” là Nga và Mỹ. Những biện pháp trừng phạt và đáp trả mà Nga và Mỹ áp dụng với nhau thực sự đã đẩy quan hệ giữa hai siêu cường vào một vòng xoáy đối đầu chưa có điểm dừng. 


Quả thực, thế đối đầu này khiến lòng tin giữa hai bên bị xói mòn nghiêm trọng, khiến Moscow và Washington không thể hợp tác với nhau cả ở cấp độ song phương lẫn trong các vấn đề quốc tế.

Theo dự đoán, tương lai quan hệ giữa hai cường quốc này trong năm 2018 sẽ còn ảm đạm. Những bất đồng tích lũy trong nhiều năm qua khó có thể được khai thông một sớm một chiều, thậm chí có thể xuất hiện những căng thẳng mới ở những lĩnh vực mà Nga và Mỹ đang cạnh tranh ảnh hưởng hay những khu vực mà hai cường quốc này có lợi ích địa - chính trị, bởi quan điểm của hai bên vẫn còn rất nhiều cách biệt.

Thế nên, vòng xoáy đối đầu giữa hai nước nhiều khả năng chưa thể chấm dứt khi cả hai vẫn quyết liệt đọ sức mạnh và vị thế siêu cường.

Xung đột sâu sắc

Mối quan hệ Nga - Mỹ trở thành tâm điểm chú ý kể từ khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, đặc biệt là khi lãnh đạo hai nước đã tỏ ý mong muốn xây dựng quan hệ gần gũi. Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau lễ nhậm chức của ông Trump, quan hệ song phương không cải thiện như kỳ vọng.

Với những xung đột sâu sắc và cạnh tranh lợi ích, căng thẳng giữa hai nước dường như vẫn khó có thể hóa giải trong một sớm một chiều. Những kỳ vọng ban đầu về “quan hệ tốt đẹp” đã nhanh chóng bị cuộc điều tra về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 phủ bóng đen.

Dù Nga nhiều lần khẳng định không can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, dù Tổng thống Donald Trump nhiều lần bác bỏ cáo buộc đội ngũ tranh cử của ông “bắt tay” với Nga và ví cuộc điều tra như một cuộc “săn phù thủy”, song nghi án Moscow lũng đoạn đời sống chính trị ở Washington vẫn là câu chuyện được xới lên trong suốt năm 2017.

Trên thực tế, quan hệ Nga - Mỹ đã xấu đi trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine với các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga. 

Đỉnh điểm của căng thẳng là việc hai viện Quốc hội Mỹ thông qua luật siết chặt trừng phạt Nga kèm theo những điều khoản đặt Tổng thống Trump vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” buộc phải ký ban hành. Nga coi đây là đòn khiêu chiến, khiến Moscow ra quyết định trục xuất 755 nhà ngoại giao Mỹ, đồng thời không cho Đại sứ quán Mỹ ở Nga tiếp tục sử dụng một số cơ sở ở thủ đô Moscow.

Đáp lại, Mỹ yêu cầu Nga đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại thành phố San Francisc, cùng hai cơ sở thương vụ tại thủ đô Washington và New York. Căng thẳng Nga - Mỹ trên mặt trận kinh tế cũng trở nên gay gắt hơn khi hai bên tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt lẫn nhau.

Thậm chí Mỹ còn áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các doanh nghiệp trong những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như năng lượng và xuất khẩu vũ khí. Moscow cáo buộc Washington cạnh tranh không lành mạnh khi sử dụng công cụ trừng phạt nhằm chiếm ưu thế trên thị trường vũ khí thế giới và “hất” Nga ra khỏi thị trường năng lượng châu Âu.

Chưa hết, nguy cơ đụng độ quân sự luôn cận kề giữa hai cường quốc sở hữu tới 95% số vũ khí hạt nhân của thế giới, cũng là hai nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất. Nga và Mỹ cáo buộc lẫn nhau vi phạm Hiệp ước về thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) mà Mỹ và Liên Xô trước đây ký năm 1987 - “hòn đá tảng” trong tiến trình hạn chế và cắt giảm vũ khí hạt nhân.

Nga và Mỹ không chỉ khẩu chiến gay gắt mà thiếu chút nữa là có thể đối đầu quân sự ngay tại Syria sau vụ Tổng thống Trump ra lệnh bắn 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk xuống một căn cứ quân sự của Syria với để trừng phạt một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nghi do chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad thực hiện, còn Moscow coi hành động này là xâm lược một quốc gia có chủ quyền.

Những động thái mới

Ngoài ra, những bê bối của các quan chức cấp cao Mỹ có liên quan tới Nga cũng làm cho trào lưu bài Nga tại Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn. Có thể kể tới việc Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions bị cáo buộc có những cuộc họp bí mật với phía Nga. Các vụ việc này đã giáng một đòn mạnh mẽ vào chính quyền của Tổng thống Trump.

Việc ông Trump tỏ ra thân thiện với Nga và Tổng thống Vladimir Putin có thể mang lại triển vọng hợp tác trong quan hệ Nga - Mỹ, thế nhưng với làn sóng bài Nga đang bao phủ Washington, ông Trump sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc định hình chính sách đối ngoại của Washington đối với Moscow và phá vỡ bế tắc trong quan hệ song phương.

Trong khi đó, phong trào bài Mỹ ở Nga cũng dâng cao khi khoảng 71% người dân Nga được hỏi có thái độ tiêu cực đối với Mỹ - mức cao kỷ lục trong 8 năm. Giới quan sát nhận định, căng thẳng giữa Moscow và Washington sẽ không giảm trong tương lai gần và tiếp tục là yếu tố cản trở việc bình thường hóa quan hệ hai nước.

Bất đồng trong quan hệ Nga - Mỹ kéo theo quan hệ giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng không thể “xuôi chèo mát mái”. Nga và EU tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt lẫn nhau, trong khi NATO đẩy mạnh triển khai binh sĩ và khí tài quân sự tại các quốc gia Đông Âu và Baltic giáp biên giới Nga nhằm kiềm chế Moscow.

Về phần mình, Moscow coi đây là hành động đe dọa an ninh và lợi ích quốc gia và cũng tăng cường sức mạnh quân sự như một biện pháp đối trọng với Mỹ và NATO. Mỹ rất quan ngại về việc Nga chống lại việc mở rộng NATO sang các nước Baltic, mặc cho Mỹ đã triển khai được các căn cứ hiện thời trên lãnh thổ những nước này.

Hơn nữa, Mỹ nhận thấy sự nguy hiểm trong cuộc tập trận “Zapad” giữa Nga và Belarusia, mà sau đó là xuất hiện những đề xuất giản hóa việc đưa các thiết bị quân sự qua lãnh thổ của EU. Thế nên, Mỹ đã coi việc đối đầu với Nga là một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2018.

Với Nga, Moscow có khả năng sẽ cấm các quan sát viên của Washington theo dõi kỳ bầu cử tổng thống 2018 - một động thái nhằm đáp trả quyết định của Washington trong đó không cho phép quan sát viên của Moscow tham dự cuộc đua vào Nhà Trắng hồi năm 2016. Những diễn biến trên xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và Washington xung quanh kỳ bầu cử 2016 tại Mỹ vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn.

Trong khi đó cuộc điều tra về nghi vấn Điện Kremlin can dự kết quả bỏ phiếu của Mỹ vẫn được xem là vô cùng kịch tính và gay cấn đến phút chót. Giới quan sát nhận định, việc hai bên liên tục có những động thái đáp trả ngoại giao qua lại sẽ càng khiến tình hình trở nên rối rắm, cản trở những nỗ lực bình thường hóa quan hệ hai bên của hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Putin trong thời gian qua.

Nỗ lực “phá băng”

Bước vào năm 2018, dư luận kỳ vọng chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ có những động thái tích cực hơn để làm “tan băng” quan hệ giữa Washington và Moscow, vốn dưới thời người tiền nhiệm Obama đã bị đẩy xuống mức tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Còn nhớ trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần phát đi thông điệp và cam kết nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga - động thái được đánh giá là hết sức tích cực không chỉ đối với quan hệ hai nước mà cả đối với cục diện quốc tế nói chung.

Hiện nay, điểm sáng duy nhất trong quan hệ Nga - Mỹ có lẽ là việc hợp tác chống khủng bố, khi cả Washington và Moscow đều coi việc tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là trọng tâm trong chính sách đối ngoại. Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Nga đều nhấn mạnh rằng hợp tác Nga - Mỹ là cần thiết để tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố và giải quyết khủng hoảng Syria.

Gần đây, một số tín hiệu phát đi từ cả Nhà Trắng và Điện Kremlin đang cho thấy Mỹ và Nga đều không muốn đối đầu hai nước leo thang thành cuộc đấu “một mất một còn”. Phía Mỹ tuyên bố đang nỗ lực để gây dựng lại lòng tin với Nga, trong khi Moscow khẳng định “chưa bao giờ đóng cửa với Washington”.

Việc Nga và Mỹ cùng bày tỏ thiện chí tiếp tục duy trì đối thoại để cải thiện lòng tin và tìm cách hợp tác trong những lĩnh vực hai bên cùng có lợi ích được coi là điểm tích cực trong một năm mới 2018 vẫn còn bị phủ bóng bởi những biến động trong mối quan hệ luôn phức tạp và đầy sóng gió giữa hai siêu cường.

Tổng thống Putin khẳng định, dù bị nhiều hạn chế nhưng người đồng cấp Mỹ Donald Trump vẫn mong muốn cải thiện quan hệ với nước Nga. Thậm chí, ông Putin còn bày tỏ tin tưởng quan hệ hai nước sẽ được bình thường hóa, dù một loạt diễn biến bất lợi cho mối quan hệ ấy đang diễn ra, như “cuộc chiến truyền thông” giữa hai nước hay những bất đồng về Triều Tiên và Syria.

Trong khi đó, Nhà Trắng nhận định mối quan hệ song phương Nga - Mỹ đã được cải thiện trong thời gian gần đây và Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với Moscow. Mặc dù Nga và Mỹ vẫn còn nhiều lĩnh vực mà lợi ích của hai bên không tương đồng, thậm chí mâu thuẫn trực tiếp với nhau, nhưng trong tương lai hai nước sẽ vẫn cùng nhau hợp tác.

Tổng thống Trump sẽ tập trung vào việc tiếp tục tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác với Nga trong khi vẫn thận trọng trong việc bảo vệ các lợi ích của Mỹ. Tổng thống Trump đã trò chuyện với Tổng thống Nga Putin qua điện thoại và Nhà Trắng đã công bố một thông báo tóm lược nội dung cuộc điện đàm này. 

Đây là ví dụ điển hình cho thấy sự hợp tác khi hai quốc gia chia sẻ lợi ích chung, đặc biệt là nỗ lực trong cuộc chiến chống IS tại Syria. Trước đó, Tổng thống Putin đã gọi điện để cảm ơn người đồng cấp Mỹ vì giúp ngăn chặn vụ tấn công khủng bố ở St. Petersburg.

Ông Putin cũng đề nghị Tổng thống Trump gửi lời cảm ơn tới Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo cũng như các đặc vụ đã giúp thu thập thông tin về các đối tượng khủng bố. Đây là cuộc điện đàm thứ hai của hai nhà lãnh đạo chỉ trong vòng một tuần…

Hồng Hạnh
.
.