Quan hệ Nga – Mỹ: Thêm dầu vào lửa

Thứ Sáu, 25/08/2017, 17:00
Khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, nhiều người kỳ vọng quan hệ song phương Mỹ - Nga sẽ được “phá băng”, căn cứ từ những tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng và thiện ý từ người đồng cấp Vladimir Putin. 

Tuy nhiên, khi những bất đồng cũ còn chưa được giải tỏa thì liên tiếp xảy ra một loạt những “va chạm” mới làm xấu thêm quan hệ ngoại giao song phương, mà nguyên nhân sâu xa là xung đột về lợi ích cốt lõi trên toàn cầu giữa hai siêu cường.

Vừa qua, Thượng viện Mỹ chính thức thông qua luật trừng phạt bổ sung đối với Nga, bất chấp sự phản đối từ Nhà Trắng. Ngay sau khi Tổng thống Mỹ ký ban hành luật trừng phạt, Moscow đã lên tiếng chỉ trích hành động của Washington chính là lời “tuyên chiến”, đồng thời thể hiện “sự yếu thế” của chính quyền Trump trước quốc hội, và triệt tiêu hy vọng cải thiện quan hệ song phương.

Căng thẳng bủa vây

Quan hệ Nga - Mỹ trở nên trầm trọng khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga hồi tháng 3-2014. Mỹ và Liên minh châu Âu đã áp các lệnh trừng phạt với Nga, đẩy mối quan hệ giữa phương Tây và Điện Kremlin xuống mức tồi tệ nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh. 

Chiến thắng ngoạn mục của ông Trump trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái từng được dự đoán sẽ mang lại “một luồng sinh khí mới” cho mối quan hệ giữa Moscow và Washington. 

Bởi lẽ, trong quá trình tranh cử, ông Trump đã từng tuyên bố sau khi chính thức trở thành nhà lãnh đạo nước Mỹ thì sẵn sàng xem xét vấn đề công nhận Crimea là một khu vực của Nga và dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga nếu Moscow giúp đỡ Washington trong cuộc chiến chống khủng bố và đạt được các mục tiêu quan trọng khác. Ông Trump đã cam kết sẽ xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn với Nga, và Tổng thống Putin cũng bày tỏ sẵn sàng thiết lập đối thoại với Mỹ.

Thế nhưng, quan hệ Nga - Mỹ liên tục rơi vào trạng thái “lao dốc không phanh”, thậm chí có lúc tưởng như ở bên bờ vực đối đầu. Tại điểm nóng Syria, mâu thuẫn giữa hai nước ngày càng gay gắt sau một loạt vụ liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu bắn hạ máy bay của quân đội Syria, và Nga có rất nhiều phản ứng “cứng rắn” như cắt đường dây nóng giảm xung đột hay dừng cơ chế ngăn chặn va chạm trên không với Mỹ. 

Trên thực tế, mối quan hệ Washington - Moscow càng trở nên lạnh nhạt hơn khi mà việc Nga hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trở thành mối quan ngại của Washington. Moscow từng tỏ ra tức giận khi chính quyền Trump chỉ thị vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào lực lượng Chính phủ Syria hồi tháng 4 vừa qua để đáp trả cáo buộc nước này tấn công hóa học. 

Thậm chí, các vòng đàm phán giữa các nhà ngoại giao cấp cao của Nga và Mỹ được lên kế hoạch hồi tháng 7 cũng bị hủy bỏ sau những động thái của Washington mà Moscow cho rằng “đầy tính khiêu khích và nguy hiểm”.

Tháng 6-2017, Nga tuyên bố lực lượng phòng không nước này đã phát hiện một máy bay do thám RC-135 của Mỹ ở khu vực biển Baltic và điều một máy bay chiến đấu Su-27 ngăn chặn. Thông tin từ phía Nga cho rằng, máy bay do thám của Mỹ đã vi phạm không phận trên vùng biển Baltic và có hành động “khiêu khích” buộc phi công Nga có phản ứng. 

Ngược lại với cáo buộc từ phía Nga, Mỹ cho rằng chính máy bay tiêm kích của Nga đã bay sát máy bay do thám Mỹ trên biển Baltic một cách thiếu an toàn. 

Vụ việc trên còn chưa lắng dịu thì ngay sau đó, Bộ Tài chính Mỹ công bố danh sách 38 cá nhân và tổ chức của Nga có liên quan đến “cuộc xung đột ở Ukraine” bị áp đặt lệnh trừng phạt, đóng băng tài sản trong ngân hàng Mỹ đồng thời cấm các công ty Mỹ làm ăn với những tổ chức và cá nhân này.

Việc Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 hay Nga tấn công mạng nhằm vào Mỹ, rồi Mỹ cho tiến hành hàng loạt điều tra, đồng thời mở rộng trừng phạt ngoại giao đối với Nga, càng khiến quan hệ song phương bước vào “thời kỳ đóng băng mới”. Mỹ đã chỉ thị đóng cửa và tịch biên hai khu ngoại giao đoàn của Nga tại Mỹ, đồng thời trục xuất 35 quan chức ngoại giao của Nga. 

Chưa dừng lại, chính quyền Mỹ tháng 6 vừa qua tiếp tục gia hạn trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Đây là “giọt nước tràn ly” khiến Moscow gia hạn đến 31-12-2018 lệnh cấm nhập khẩu vào Nga một số loại nông sản, nguyên liệu và thực phẩm từ Mỹ. 

Bên cạnh đó, những yếu tố bất ngờ như các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, hay việc Nga phản đối Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, cũng “phủ bóng đen” lên quan hệ Nga - Mỹ.

Giọt nước tràn ly

Trong tháng 7, Nga và Mỹ có nhiều cơ hội để tìm kiếm giải pháp “tan băng” trong quan hệ. Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) tại Hamburg (Đức), Tổng thống Mỹ Trump và người đồng cấp Nga Putin đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên.

Tiếp đó vào giữa tháng 7-2017, Nga và Mỹ tiếp tục có thể giải quyết những căng thẳng khi tái khởi động đàm phán cấp thứ trưởng ngoại giao song phương. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, trên thực tế, những kỳ vọng về việc quan hệ giữa Moscow và Washington sẽ “tan băng” khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đã nhanh chóng tan biến. 

Lý do được đưa ra là bởi ý định của Tổng thống Mỹ Trump khôi phục đối thoại, tăng cường quan hệ với Nga đã bị ngăn chặn bởi cơ chế “kiểm soát và cân bằng” trong hệ thống chính trị Mỹ. Tổng thống Trump cũng không thể đi ngược lại cương lĩnh của đảng Cộng hòa, vốn ủng hộ tiếp tục trừng phạt Nga.

Thực tế đã chứng minh Washington vẫn sẽ “dồn ép” Moscow khi Tổng thống Trump đã ký ban hành luật áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung mới nhất đối với Nga. 

“Luật này vì sự đoàn kết quốc gia, đại diện cho mong muốn của người Mỹ rằng chúng tôi muốn được thấy Nga có những động thái nhằm cải thiện quan hệ Nga - Mỹ. Chúng tôi hy vọng hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ để các luật trừng phạt sẽ không còn cần thiết nữa”, ông Donald Trump nhấn mạnh. 

Nhiều quan điểm cho rằng luật này là một trong những gói trừng phạt mở rộng nhất trong lịch sử và sẽ “siết chặt các đối thủ nguy hiểm nhất” để bảo đảm cho nước Mỹ luôn được an toàn. Trong khi đó, truyền thông Nga gọi đây là bước đi cực kỳ nghiêm trọng, hướng tới phá hủy khả năng bình thường hóa quan hệ giữa Washington với Moscow.

Phản ứng lại lệnh trừng phạt của chính quyền Donald Trump, Nga cho biết “rất lấy làm tiếc”, đồng thời cảnh báo Moscow đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả đối với động thái trên của Washington. 

Việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga, mâu thuẫn tại điểm nóng Syria, hệ thống THAAD và cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đang “phủ bóng đen” lên quan hệ Nga - Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chia sẻ: “Chúng tôi đã đợi một thời gian dài và hy vọng tình hình sẽ cải thiện, mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đánh giá tình hình hiện tại thì chắc chắn sẽ không có sự thay đổi nào sớm xảy ra”. 

Tổng thống Putin đã yêu cầu Mỹ cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao ở nước này trước ngày 1-9. Nếu Mỹ thực hiện yêu cầu này, số nhân sự hoạt động ngoại giao của Mỹ ở Nga sẽ chỉ còn 455 người, gần bằng số nhân viên ngoại giao Nga làm việc tại Mỹ. Với số nhân viên ít ỏi còn lại, hoạt động của đại sứ quán và các lãnh sự quán của Mỹ ở Nga sẽ trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều. 

Đồng thời, Nga cũng tuyên bố tịch biên hai khu phức hợp ngoại giao của Mỹ tại Nga (một nhà kho và một khu nhà ở ngoại ô) để đáp trả lại việc Mỹ tịch biên hai cơ sở ngoại giao của Nga tại Mỹ năm 2016.

Những động thái gần đây của Washington và Moscow, mặc dù không phải là các sự cố ngoại giao quá nghiêm trọng, nhưng vẫn bị các nhà phân tích đánh giá là những bước đi làm gia tăng căng thẳng và có thể làm trầm trọng thêm mối quan hệ đang suy giảm giữa hai nước. 

Giới phân tích nhận định, thật khó để đưa ra dự đoán về tương lai mối quan hệ Nga - Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Dường như đội ngũ của ông Trump vẫn đang nỗ lực tìm ra một giải pháp trọn vẹn. 

Bên cạnh một chính quyền mà nhiều người tin rằng còn đang “bối rối do thiếu kinh nghiệm chính trị”, ông Trump cũng sẽ vấp phải những thách thức khác trong quá trình “tan băng” quan hệ: đó chính là những nghị sĩ không có cảm tình với Nga. 

Theo các nhà phân tích, “nút thắt” mâu thuẫn khó gỡ về ngoại giao giữa hai nước cần được giải quyết theo chiều hướng tích cực và xây dựng hơn. Căng thẳng Nga và Mỹ chỉ có thể kết thúc khi cả hai nhận thức được rằng thế đối đầu hiện nay không những hủy hoại lợi ích của cả hai nước, mà còn ảnh hưởng lớn tới an ninh và ổn định toàn cầu.

Hồng Hạnh
.
.