Dưới gốc thi làng Việt Yên

Thứ Hai, 09/04/2018, 10:33
Làng Việt Yên thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Làng nghèo nhưng có một thứ lạ. Ấy là cây thị. Một dạo ầm cả lên phong trào tôn vinh cây Di sản.

Từng nghe nơi này vùng khác người ta tấp nập làm hồ sơ để xét duyệt… Rồi qua các phương tiện truyền thông được biết nhiều loại thụ mộc trong đó có loài thị được xếp hạng là cây Di sản.

Như có báo đã đưa tin, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam và UBND xã Bình Sa (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã tổ chức "Lễ đón nhận danh hiệu Cây di sản Việt Nam cho 3 cây thị nằm trong khuôn viên nhà thờ Tiền hiền làng Tiên Châu".

Theo đó, cây thị phía phải của nhà thờ khoảng 218 tuổi, chu vi 2,75m, đường kính 1,05m, cao 20m; cây thị phía trái nhà thờ khoảng 173 tuổi, chu vi 2,64m, đường kính 0,84m, cao 18m. Riêng cây thị phía sau nhà thờ có độ tuổi cao nhất với 243 tuổi, chu vi 3,73m, đường kính 0,81m, cao 18,1m.

Tự hào chia vui với dân Thăng Bình của Quảng Nam, người viết bài này chợt nghĩ đến cây thị của làng Việt Yên. Cũng băn khoăn và có ý tiếc, tại sao làng Việt Yên lại chẳng chịu khó làm hồ sơ trình duyệt nhỉ?

Ngôi chùa cũ đổ nát, dân làng Việt Yên mới phục dựng năm 2016.

Chu vi cây thị Việt Yên có số đo 4,68m, đường kính 1,65m. Còn độ cao hơn ba chục mét là ít. Ấy là với người phàm trần, mắt thịt. Còn tuổi thọ?

Nhớ cái năm xa bám theo tổ công tác của GS Trần Quốc Vượng về điền dã, thám sát khu vực Ly Cung nhà Trần thuộc xã Hà Lĩnh (Hà Trung) và Phủ Trịnh (xã Vĩnh Hùng) cùng khu vực Thành Nhà Hồ, GS và thành viên tổ công tác đã đến làng Việt Yên vốn dung chứa nhiều di tích liên quan đến Phủ Trịnh và nhà Trịnh.

Dừng chân dưới gốc thị cao vút, sum xuê ngự trong khoảng vườn hoang liền kề chân núi làng Việt Yên gối với dãy Hùng Lĩnh, GS Vượng và tổ công tác như chôn chân trong khoảng rợp um tùm choán hàng trăm mét vuông bóng râm của tán cây thị. Lại đang đúng mùa quả, dưới chân chúng tôi là sắc vàng lấp ló tãi khắp thứ quả chín rụng xuống.

Cả một vùng không gian sực nức hương thị. Hỏi ra được biết thứ quả thơm thảo này dân ở đây ít ăn ngoài trẻ nhỏ. Bán ít người mua. Và cũng chả được mấy hột tiền nên hết lớp này rụng đến lớp khác cho kỳ hết mùa thị thì thôi. Tò mò hỏi GS Vượng tuổi cây thị. Ông cười, tớ có biết tuổi cây đâu…

Rồi GS thong thả lướt mắt từ thân gốc xù xì mốc thếch những u mấu tuổi tác dẫn lên tít tầng không, chất giọng thư thả, đại ý, ông đã từng gặp nhiều loại thị mà người ta đã xác định được tuổi tác niên đại. Cỡ thụ mộc thị mà có bộ rễ bò xa hàng chục mét rồi trồi lên thành mấu như này phải năm sáu trăm năm là ít!

Không xa gốc thị, những khoảng gạch ngói đổ nát rêu phong còn sót lại một cái móng như đang tố giác nơi đây trước kia là thứ đình chùa miếu mạo chi đó. Hỏi ra có một ngôi chùa rất hoành tráng đã bị phá đầu năm 1960 có tên là Chùa Nghè Thượng. Chuyện với dân làng, được biết làng Việt Yên đây không xa chi lắm có tới hơn chục ngôi chùa, đình, miếu.

Như một vế đối tâm linh, làng có chùa thờ Phật ắt có phủ thờ Mẫu. Không xa Nghè Thượng là Phủ thờ Mẫu gọi là Phủ Nhà Bà. Nhưng đã bị bằng địa sạch bách. Chả bom đạn thực dân phong kiến nào đụng đến mà là ta phá!

Dân làng Việt Yên kể lại cuối những năm 50, đầu 60 còn ngôi phủ ở cuối làng khá bề thế. Và điều kỳ lạ bên phủ cũng có một cây thị cũng hoành tráng như cây thị bên chùa. Nhưng bây giờ phủ lẫn cây thị đã biến mất. Phủ được phá để lấy gạch xây lò sấy thuốc lá.

Nghe thêm chuyện cái thời nông nổi, bi thương. Khi hợp tác xã quyết xẻ cây thị thì mới chạm cưa thốt nhiên đã nghe tiếng khóc văng vẳng… Rồi không biết cơn cớ gì, các lưỡi cưa cứ lần lượt oằn mẻ. Nhưng người ta quyết hạ cho bằng được.

Rồi sau đó những ương ách ốm đau tai nạn cứ thình lình xảy ra với kíp thợ từng đốn xẻ cây thị. Người ta đâm hoảng. Thế là kế hoạch hạ nốt cây thị cổ thụ ở bên chùa Nghè Thượng đành phá sản. Và may cụ thụ mộc ấy còn sót lại đến bây giờ!

Cũng nói thêm chút về làng Việt Yên.

Trong các chi họ Trịnh của Đại Việt, chi họ Trịnh Kiểm quê gốc ở làng Sóc Sơn (hoặc Sáo Sơn) thuộc Biện Thượng (Biện Thượng là địa danh gọi chung cho vùng đất, có làng Sóc Sơn và nhiều làng khác trong đó có làng Việt Yên kề bên) nay thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Chi họ Trịnh Kiểm có vị trí đặc biệt trong họ Trịnh. Một là về số lượng con cháu đông đúc bằng hoặc hơn số lượng con cháu của cả các chi họ khác thuộc dòng họ Trịnh cộng lại. Hai là Chi họ có vị trí  cao trong lịch sử Đại Việt.

Chi họ Trịnh Kiểm có đến 12 đời chúa cùng với vua Lê quản lý điều hành đất nước với một hình thái chính trị xã hội rất đặc trưng của triều đại phong kiến Đại Việt, chế độ Lưỡng đầu chế, vừa có vua, vừa có chúa. Đó là triều đại Lê - Trịnh, một triều đại hiếm có trên thế giới đương thời giăng suốt chiều dài lịch sử với 249 năm, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18.

Làng Việt Yên cách làng Sóc Sơn một quả đồi nhỏ hình yên ngựa nên làng có tên ấy chăng? Vượt yên cũng na ná việt yên vậy? Phong thủy cùng hình sông thế núi của Biện Thượng ngay sát sông Mã gối đầu với dãy Hùng Lĩnh trong đó có làng Sóc Sơn lẫn Việt Yên với địa thế  độc đáo chừng như đã được tiền nhân coi là linh địa.

Địa linh tất sinh nhân kiệt chăng mà các cuốn chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư), Trịnh Gia Chính Phả, Trịnh gia thế phả… đã biên chép rất cụ thể về thế vượng địa, nơi phát tích chúa Trịnh Kiểm. Chính sử đan xen cùng huyền sử.

Lẩn mẩn tra xét Toàn thư cùng cuốn Trịnh Gia Chính Phả của Nhật Nam Trịnh Như Tấu và công trình của học giả Hoàng Xuân Hãn Trịnh Gia Thế Phả (Tập san Văn Sử Địa số 4 năm 1966- Saigon xuất bản từ trang 8 đến trang 17). 

Một quá vãng sinh động hơn 500 năm trước chợt ập về lúc thấp thoáng, khi hiển hiện. Câu chuyện cùng các chi tiết như minh chứng thêm, trong số các vị vua, chúa sáng nghiệp của Đại Việt, Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm là một vị chúa hơi bị lạ. Lạ bởi tài năng lẫn độc đáo khác người.

Trong khoảng 10 năm (1510-1520) từ địa vị cố cùng của một trai đinh rồi can phạm) Trịnh Kiểm từng bắt trộm trâu của làng Việt Yên đây đem thui khao quân sau buổi tập đánh trận giả, lén bắt trộm ngựa của một viên quan nhà Mạc là Ninh Bang hầu đã vượt lên đến hàng một Đại tướng lừng danh rồi sau đó nắm hết quyền bính, lãnh đạo cuộc Trung Hưng thành công.

Trong Trịnh gia thế phả một mảng đời bí mật của Trịnh Kiểm đã được phát lộ qua phát hiện và bản dịch của học giả Hoàng Xuân Hãn. Các sử gia khi ghi chép gốc tích vua, chúa thường tìm kiếm hoặc bịa đặt những điều linh-dị để xác chứng cái thuyết thiên định…

Nhưng lạ với họ Trịnh, trong Trịnh gia thế phả các sử gia của nhà Chúa đã không giấu giếm cái gốc hàn- vi, nghèo hèn của vị chúa tiên khởi Trịnh Kiểm… 

Đó là bức thư viết bằng chữ Nôm vào năm 1545 (thời điểm theo ý nguyện của Nguyễn Kim và các triều thần, vua Lê Trang Tông giao quyền bính cho Trịnh Kiểm thay Nguyễn Kim thống lĩnh binh mã với tước Thái sư lo việc chống Mạc) với nội dung nhờ người tin cẩn bí mật tổ chức cải táng phần mộ tổ tiên (cha con Vũ Thì An từng bí mật chôn cất mẹ Trịnh Kiểm khi bị quân nhà Mạc giết hại bằng cách bỏ rọ trôi sông).

Trịnh Kiểm mồ côi từ lúc lên 6 tuổi. Gia cảnh nghèo khó, lớn lên tai ương dồn dập chắc chắn việc học hành khá lỗ mỗ. Như Hoàng Xuân Hãn bộc bạch đại ý,  khi đọc bức thư này ta không hề thấy dấu vết Nho học chút nào.

Trái lại lời thư của Trịnh Kiểm rất mộc mạc hồn nhiên, như lời nói câu chuyện thường ngày nghĩa là không văn hoa, không dàn xếp. Ý lặp, ý dứt rồi lại nối, ý ngầm rồi bỏ lửng. Hay dùng hư từ, giới từ làm câu nói có hình thức liên tục mà lời thành dây dưa… đã phản ảnh ngôn từ đời thường, bình dị.

Chúng tôi về lại làng Việt Yên dịp nhà nước quyết định cho xây cất lại di tích lịch sử quốc gia Phủ Trịnh ở trung tâm xã Vĩnh Hùng (cách làng Việt Yên non 1 km. Nơi các chúa Trịnh từng đặt hành cung cùng hành cung ở Thăng Long để điều hành việc nước).

Có dịp ngồi với nhiều nhà sử học, đối chiếu với sử lại ngẫm thêm chợt thấy âm phần dòng họ Trịnh dường như chưa yên và con cháu còn lắm việc phải làm? Mà việc ngay từ cái làng Việt Yên đây thôi. Tinh những việc trọng. Đó là ngôi mộ thân mẫu Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm. Sử liệu của học giả Hoàng Xuân Hãn có chép rõ…

Bấy giờ có thày địa lý giỏi người nước ta. Ông nhờ thày đặt sửa lại các phần mộ từ năm đời ở chỗ Mả Cũ. Lại nhờ xét lại mộ mẹ già - tức là Tuấn Đức phu nhân - ở xứ Đồng Ráng (Mả Sáng) tại thôn Việt Yên thì thấy quả là đã được huyết mạch của một cuộc đất lớn. Bèn tu chỉnh để y nhiên.

Giữa cánh đồng trước làng Việt Yên, mấy chục năm trước hãy còn một dãy gò đống thâm thấp có tên là Mả Sáng - Mả Rạng. Nhưng đến nay đã bình địa. Nếu thân mẫu chúa Trịnh Kiểm từng táng nơi này thì quả là một tổn thất ghê gớm bởi các gò đống nay đã phẳng lì.

Lại một vương vấn nữa. Thân phụ Trịnh Kiểm là Trịnh Lâu. Mất ngày 25 tháng 9. Yên táng ở xứ Mả Củ dưới chân núi làng Việt Yên. Và bà vợ Thái phu nhân, tôn phong Thục phi Hoàng Thị Dốc. Sinh được 4 trai 2 gái.

Trong đó có con trai sau này là Đức tổ tiên thánh Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm.  Bà mất ngày 10 tháng 3 yên táng tại làng Việt Yên. Sử chép là thế nhưng bây giờ trên thực địa ở làng Việt Yên chỉ còn bằng địa không dấu tích!

Như vậy địa danh làng Việt Yên có gắn bó dính dáng không ít đến dòng chúa Trịnh Kiểm.

GS Trần Quốc Vượng đột ngột về cõi mang theo cả ý định sẽ tìm ra trong mang mang huyền sử những dòng chính sử bện quện nối cái làng Việt Yên với thời phát tích lẫn hưng nghiệp của chúa Trịnh và dòng Trịnh làng Sóc Sơn nay tỏa ra khắp nước. 

May mà cây thị làng Việt Yên hãy còn sót đây cứ như chứng nhân một thuở một thời của lịch sử Đại Việt hơn 500 năm trước. Cây thị cổ có thể là một tiêu chí  dấu mốc để các sử gia nối tiếp ý định của GS Vượng và cũng là đầu mối để nối mạng tiếp với tiền nhân?

Xuân Ba
.
.