30 năm chăm sóc mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn

Thứ Ba, 21/07/2009, 15:18
Gắn bó với nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn từ những ngày đầu tiên cách đây 30 năm, chị Nguyễn Thị Bé coi đó là một cách để tri ân những người anh hùng đã ngã xuống vì sự bình yên của đất nước.

Như một lời tri ân

Chị Nguyễn Thị Bé sinh ra ở một vùng quê nghèo tại Triệu Phong - Quảng Trị. Như bao người con tuyến lửa, chị thấm thía sự hi sinh của những người đã chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất Quảng Trị. Sau chiến tranh biên giới, chị giải ngũ và trở thành một trong những người đầu tiên xung phong về chăm sóc nghĩa trang Trường Sơn, khi mộ liệt sĩ bắt đầu được quy tập về đây năm 1979. Lúc đó, chị mới 22 tuổi, chưa có chồng, nhưng đã có 6 năm chiến đấu ở những chiến trường khốc liệt.

Tình nguyện gắn bó tuổi thanh xuân của mình với nghĩa trang Trường Sơn là cách chị thay quê hương nói lời cảm ơn với những người lính yên nghỉ tại đây. Nhớ lại những ngày đầu mới đến nghĩa trang, chị  nói: "Khi đó nghĩa trang Trường Sơn chưa đẹp như thế này. Xung quanh khuôn viên nghĩa trang là những cánh rừng hoang vu, chẳng có người ở. Hồi đó, mộ của các liệt sĩ được đắp bằng xi măng, đường Hồ Chí Minh chỉ là đường đất chỗ lồi chỗ lõm. Mỗi lần vào đây, tôi đều phải đi bộ 20 km đường rừng, trên vai vác đủ các loại gạo, muối, cá khô".

Suốt 30 năm, cuộc sống của chị chỉ xoay quanh những ngôi mộ liệt sĩ. Dần dần, chị thuộc tên và vị trí từng ngôi mộ ở đây, thuộc cả quê quán lẫn ngày sinh tháng đẻ của các liệt sĩ. Buổi sáng, chị quét dọn xung quanh khuôn viên rồi đi kiểm tra các khu mộ. Buổi chiều, chị làm cỏ, chăm sóc cây và lau bụi bặm trên các ngôi mộ. Những lúc hoàng hôn phủ bóng xuống nghĩa trang, chị trò chuyện với những liệt sĩ như trò chuyện với người còn sống. Có bàn tay chăm sóc của chị, những ngôi mộ liệt sĩ bớt đi phần hoang vu, cô quạnh. Những ngày lễ kỉ niệm lớn, khi có nhiều đoàn khách đến thăm nghĩa trang Trường Sơn, chị Nguyễn Thị Bé kiêm luôn cả nhiệm vụ chỉ dẫn và giới thiệu cho khách.

Chị kể: "Cách đây chừng chục năm, đường sá đi lại rất khó khăn nên rất ít người qua lại. Khi đó nghĩa trang Trường Sơn quanh năm chẳng có người đến thăm, không khí lúc nào cũng lạnh lẽo. Chỉ những dịp 30/4 hay 27/7 mới có những đoàn đại biểu về thắp hương. Giờ đây con đường Hồ Chí Minh đã được xây dựng quy mô, những xóm làng trù phú bắt đầu mọc lên hai bên đường. Khách viếng nghĩa trang Trường Sơn ngày càng nhiều, không kể xiết, từ các cựu chiến binh Trường Sơn đến nhưng cô cậu mặt mũi trẻ măng. Gương mặt ai cũng xúc động và thành kính. Dù thường xuyên khản cả tiếng vì hướng dẫn khách đi viếng nghĩa trang, nhưng tôi vẫn thấy hạnh phúc, vì như thế có nghĩa là thế hệ hôm nay vẫn nhớ ơn những người anh hùng đã nằm xuống trên đất này".

Hoàng hôn ở nghĩa trang Trường Sơn.

Ở nghĩa trang lâu năm, chị may mắn chứng kiến những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội giữa những người lính ở hai thế giới âm, dương. Chị kể, những ngày kỉ niệm 30/4 vừa rồi, khu vực nghĩa trang Trường Sơn mưa rất to, nhưng những người cựu chiến binh tóc bạc trắng, da đầy nốt đồi mồi vẫn dầm mình dưới mưa để thắp hương cho bằng hết những đồng đội mới chịu về. Họ vừa thắp hương vừa khóc, nước mắt hoà vào nước mưa chảy xuống những ngôi mộ đá. Những nén hương run lên trong tay những người lính già, chưa kịp cháy đã tắt ngay trong mưa, nhưng tình đồng đội thì sưởi ấm cả khuôn viên nghĩa trang.

Tình đồng chí đồng đội của những con người đến thăm nghĩa trang luôn khiến chị Bé xúc động. Chị nói: "Có người cựu chiến binh đã già, cứ dịp 30/4 hàng năm lại lặn lội từ Hải Dương vào nghĩa trang Trường Sơn thắp hương cho người bạn thân đã hi sinh. Năm nào cũng như thế, ông ấy cứ ngồi đúng vị trí đó và thầm thì điều gì đó như đang nói chuyện với bạn bè. Tôi cứ nhớ mãi người đàn ông ấy, và cứ lo lắng băn khoăn vì năm nay chẳng thấy ông ấy đến nữa...".

Nơi yêu thương mạnh hơn cái chết

Chị Bé tâm sự rằng, suốt 30 năm trông nom nghĩa trang, chị chưa bao giờ làm điều gì khiến lương tâm phải cắn rứt với vong linh những liệt sĩ: "Tôi không tơ hào dù chỉ là một thẻ hương hay một bao thuốc lá mà khách đến làm lễ để lại. Nhiều gia đình liệt sĩ đến gửi tiền nhờ tôi chăm sóc đặc biệt cho phần mộ người thân nhưng tôi đều không nhận. Tôi chăm sóc tất cả các anh, các chị rất công bằng và chu đáo, chỉ vì lòng biết ơn thành kính chứ không vì bất cứ lợi lộc vật chất nào. Lương tâm mình không trong sạch sẽ không đủ can đảm thắp hương và chăm sóc cho các anh chị ấy mỗi ngày".

Công việc trông nom liệt sĩ đã đưa chị đến gặp được người đàn ông của đời mình. Chồng chị cũng là một người lính xuất ngũ tình nguyện về nghĩa trang Trường Sơn làm việc. Giữa những tấm bia mộ ngang dọc trong nghĩa trang, tình yêu giữa họ nảy nở và đơm hoa kết trái. Hơn 20 năm, họ là đôi vợ chồng duy nhất cùng làm việc ở nghĩa trang Trường Sơn, cùng chia ngọt sẻ bùi, và sinh con đẻ cái.

Mỗi tháng cả hai vợ chồng chị Bé chỉ nhận được hơn 2 triệu tiền lương, nên họ vẫn cứ là những người nghèo trong dòng chảy xã hội ngày càng phát triển. Cuộc sống của gia đình chị càng khó khăn hơn khi chồng chị mắc bệnh thần kinh do di chứng chiến tranh, phải đưa về quê chữa trị. Một mình chị phải cáng đáng cả một gia đình và một người chồng bệnh tật. Sống một mình ở nghĩa trang, xa chồng xa con, nhưng chị vẫn ngày ngày tận tình với những hàng bia mộ, vì tấm lòng của một người lính,  và vì chị tin rằng vong linh những liệt sĩ sẽ phù hộ cho chồng chị sớm khỏi bệnh.

Chị bảo rằng, chị chưa bao giờ cảm thấy nuối tiếc vì đã dành cả tuổi trẻ của mình ở nghĩa trang Trường Sơn, vì ở đây, khi chăm sóc những mái đầu xanh mãi cùng năm tháng, chị có cảm giác tuổi hai mươi chưa bao giờ lìa bỏ mình. Chị đã quen với cuộc sống bình yên bên cạnh ngôi mộ của những người lính, đến mức bây giờ rất sợ cuộc sống quá ồn ào, bon chen bên ngoài. Ở giữa những ngôi mộ, chị tìm thấy sự thanh thản, sự trong sạch để tránh khỏi những cám dỗ của cuộc sống

Mảnh đất linh thiêng ngàn năm

Ngay từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ còn đang quyết liệt, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn) đã nghĩ đến việc chọn một vùng đất thiêng để quy tụ mộ của những liệt sĩ trên khắp dải Trường Sơn. Đó sẽ phải là nơi được cả nước ngưỡng vọng. Và cuối cùng, khu đất rộng trên 50 ha ở khu vực Bến Tắt, thượng nguồn sông Bến Hải (thuộc xã Vĩnh Trường - Gio Linh - Quảng Trị) đã được chọn làm mảnh đất thiêng để "vạn thuở lưu danh liệt sĩ/ ngàn đời tạc sử Trường Sơn". Trên mảnh đất linh thiêng, nơi an nghỉ của các liệt sĩ, có rất nhiều câu chuyện kì lạ đến bây giờ vẫn còn được lưu truyền.

Ngay sau khi đài tưởng niệm được xây xong, những kẽ đá phía sau đài tưởng niệm liệt sĩ không hiểu vì sao bỗng nứt ra và từ đó mọc lên một cây bồ đề. Lúc đó, người ta chưa từng nhìn thấy bóng dáng của cây bồ đề trong khu vực tỉnh Quảng Trị.

Sống trên một khu đất cằn cỗi bị bê tông hoá, cây bồ đề không những không chết mà ngày càng vươn cao. Chị Bé kể rằng, ngày chị đến nhận nhiệm vụ ở nghĩa trang cách đây 30 năm, cây bồ đề mới chỉ nhú lên khỏi những phiến đá sau đài tưởng niệm, còi cọc và mong manh. Vậy mà qua năm tháng, nó vươn mình thành một cây cổ thụ, toả những tán lá rộng che mát cho đài tưởng niệm trong những trưa hè oi ả. Sự linh thiêng của cây bồ đề khiến những người khách đến thăm nghĩa trang đều cố mang một lá bồ đề rụng về để làm kỷ niệm.

Trông nom các liệt sĩ 30 năm, có rất nhiều chuyện huyền bí mà chị Nguyễn Thị Bé và các cán bộ quản trang không thể lí giải được. Vào trước những ngày lễ lớn như 30/4 hay 27/7, chị thường nằm mơ thấy những đoàn bộ đội hành quân đi trong nghĩa trang, vừa đi vừa hát khúc ca bi hùng. Có những buổi sáng sớm đi thắp hương quanh các khu mộ liệt sĩ, chị Bé vẫn mơ màng cảm nhận có linh hồn các anh, các chị đứng cạnh mình. Những giây phút đó, chị không hề cảm thấy sợ sệt mà chỉ thấy tâm hồn tràn ngập yêu thương

Nguyên Mộc
.
.