12 năm chuyên nghiệp và chuyện các ông bầu bóng đá Việt Nam

3 vai diễn, 1 chiều chèo

Thứ Năm, 08/11/2012, 15:05
12 năm bóng đá Việt Nam khoác lên mình chiếc áo “chuyên nghiệp trá hình” là 12 năm rất nhiều những ông bầu bóng đá đã xuất hiện, trong đó có những người đã vang danh, có những người đã bỏ cuộc giữa chừng, lại có những người không may rơi vào vòng lao lý. Những ông bầu ấy đã tạo nên những gương mặt khác nhau, những vai diễn khác nhau trên cùng một chiếu chèo bóng đá!

Những người bỏ ngang

Cho đến bây giờ, những cựu cầu thủ, kiêm nhân viên đấm bóp của đội Khách Sạn Khải Hoàn từng chơi ở giải hạng Nhất QG mỗi khi gặp nhau vẫn không ngừng kể về ông bầu Huỳnh Anh Kiệt. Một ông bầu mà theo mô tả của họ thì đấy là người yêu bóng đá vô điều kiện. Vì yêu nên ông Kiệt mới bỏ tiền gây dựng một đội bóng phong trào, để rồi khi cái đội phong trào ấy đá giải hạng Ba, hạng Nhì rồi một leo lên hạng Nhất thì ông Kiệt rơi vào cảnh…đâm lao phải theo lao. Chỉ đến khi những đòi hỏi kinh tế của một đội bóng chuyên nghiệp lên đến mức gắt gao, và bầu Kiệt hiểu rằng mình không thể duy trì một đội bóng mà các cầu thủ sau giờ đá banh vừa kiêm nhiệm thêm vai trò “đấm bóp” trong khách sạn thì ông mới quyết định bán lại đội bóng cho bầu Ba Vạn.

Ông Ba Vạn từng được dân bóng đá phủi Sài thành biết đến như là một trong những đại gia mà ngay từ thời bao cấp đã gắn liền với bóng đá như hơi thở. Thời bao cấp nghèo khó ấy, bầu Vạn sẵn sàng nuôi một đội bóng phong trào, và lương tháng mà ông trả cho các cầu thủ phong trào không kém gì lương tháng của những cầu thủ Cảng Sài Gòn chính hiệu. Khi mua lại suất chơi hạng Nhất từ bầu Kiệt, bầu Vạn cũng khao khát xây dựng một đội bóng mà ở đó mình được…thỏa chí đam mê. Nhưng có lẽ vì đam mê quá, và làm bóng đá theo kiểu bản năng quá mà rất nhiều trận đấu bầu Vạn đã làm thay vai trò của các HLV khi chỉ đạo cầu thủ phải đá thế nọ thế kia. Và, cái đội bóng được sản sinh từ tình yêu bóng đá bản năng của bầu Vạn cuối cùng chết yểu.

Bên cạnh bầu Vạn, bầu Kiệt, một ông bầu khác cũng nổi tiếng là làm bóng đá vì tình yêu thuần túy chính là bầu Hưng. Ông Hưng đã dồn cả ngàn tỉ đồng để biến vùng đầm lầy Bình Chánh (TP.HCM) thành một trung tâm bóng đá Thành Long hoành tráng, rồi lại dụng công gây dựng một đội bóng tử tế tham dự sân chơi hạng Nhất. Nhưng khi đội bóng càng chạy càng va vào những “hủ tục truyền thống” của bóng đá Việt Nam thì bầu Hưng mới vỡ lẽ làm bóng đá ở Việt Nam không đơn giản như mình tưởng. Có lần bầu Hưng xót xa nói về việc đội bóng của mình bị các trọng tài vòi vĩnh, và khi sự vòi vĩnh không được đáp ứng thì vào trận đấu, cả đội đã bị ép tới mức có thể…vỡ tim mà chết. Chính từ những va vấp ấy, cộng thêm căn bệnh tim ngày một nặng mà bầu Hưng cuối cùng đã giải tán đội 1, và bán lại những lứa trẻ cho phía Becamex Bình Dương.

Bầu Kiên, bầu Thắng, bầu Đức, bầu Hiển - những ông bầu đáng chú ý nhất trong lịch sử bóng đá doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng bước vào bóng đá với một tình yêu thuần túy và một khát vọng tươi đẹp như bầu Hưng để rồi lại phải chết đau, chết lụi giống bầu Hưng còn có bầu Vũ của Tôn Hoa Sen Cần Thơ hay bầu Tuấn, bầu Long của Hòa Phát Hà Nội. Đấy là những ông bầu làm bóng đá hoàn toàn vì tình yêu, vì sở thích, chứ không vì quảng bá danh tiếng, hay những mục đích kinh doanh sâu xa nào khác. Những ông bầu như thế giống như những cơn gió thoảng bay qua bầu trời bóng đá, làm phong phú, sinh động thêm cho bầu trời bóng đá, nhưng cũng chỉ có thể để lại trên bầu trời bóng đá những vết tích vô hình.

Những người nức tiếng

Nếu hỏi 12 năm tồn tại bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, 3 ông bầu nào thành danh nhất và thành công nhất thì đó chắc chắn phải là bộ ba bầu Đức (HAGL), bầu Thắng (ĐT.LA) và bầu Hiển (HN.T&T). Ba ông bầu đại diện cho 3 kiểu tính cách khác nhau (bầu Đức bụi bặm, phong trần bầu Thắng chỉn chu, bài bản; bầu Hiển im lìm, thâm thúy) nhưng đều thay nhau, hoặc song hành nhau tạo ra những ảnh hưởng ghê gớm tới cả một đời sóng bóng đá nói chung.

Tại sao họ thành công như thế? Tại vì họ có tiền, và dám vung tiền để lấy cầu thủ giỏi, HLV giỏi, thậm chí là cả những… quan hệ giỏi. Hồi mới vào làng bóng, bầu Thắng từng chấp nhận chi trả hàng trăm triệu đồng (một mức giá kỷ lục thời điểm đó) để kéo những ngôi sao sáng như Minh Phương, Trường Giang về đội bóng của mình, bầu Đức cũng từng làm như thế để biến Pleiku trở thành “miền đất hứa”, và sau này bầu Hiển cũng làm như thế để biến HN.T&T trở thành một…thiên đường.

Đồng tiền và cách tiêu tiền của những ông bầu này đã từng khiến phần còn lại của làng bóng bức xúc, chẳng hạn như lần ông cựu Giám đốc Sở TDTT Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang nhất quyết đòi bầu Đức trả 500 đồng, sau khi ông  dựa vào núi tiền của mình để “bốc thẳng” một cầu thủ sao số của Hà Nội lên phố núi Gia Lai. Hồi ấy, ông Giang nói một câu nổi tiếng rằng: “Những ai làm bóng đá chỉ dựa vào tiền rồi sẽ phải trả giá, và những cầu thủ chỉ nhìn vào tiền mà bỏ bóng đá Hà Nội ra đi cũng chỉ có giá xứng đáng…500 đồng”. Oái oăm ở chỗ, ông Đức từng dùng tiền để “bốc” cầu thủ của đội khác, nhưng sau này, khi một cầu thủ do mình đào tạo bị một đại gia khác dùng tiền “bốc” đi thì ông lại quay ra trách cầu thủ “càng ngày càng mất dạy”.

Nhưng các ông bầu dạng này không chỉ biết dùng tiền để “bốc người” nhau rồi sau đó lại chỉ trích, xỉa xói nhau, mà còn rất biết cách tạo những ảnh hưởng có lợi trong làng bóng. Không biết có phải vì những ảnh hưởng như vậy hay không mà luôn có một bộ phận báo chí thể thao sẵn sàng tung hô họ và đội bóng của họ? Cũng chẳng biết có phải vì những ảnh hưởng như vậy hay không mà đội bóng của họ ở một giai đoạn đặc biệt nào đó luôn nhận được những phán quyết có lợi từ các trọng tài? Thế mới có chuyện ở Hội nghị tổng kết mùa giải 2011, khi ông bầu Nguyễn Đức Kiên công kích các trọng tài ăn tiền để bắt có lợi cho đội này đội kia thì ông PCT VFF Lê Hùng Dũng đã vặn lại tức thời: “Các ông bầu bảo trọng tài ăn tiền, vậy thì VFF cho tiền các trọng tài chăng? - Dĩ nhiên là không rồi! Nếu đúng là các trọng tài ăn tiền thì chính các ông bầu đã cho tiền trọng tài đấy chứ!”.

Phải nói, sự xuất hiện của những ông bầu máu mặt dạng này đã giúp bóng đá Việt Nam được khoác lên mình một chiếc áo lấp lánh vị kim tiền, và với một nền bóng đá mà hàng chục năm bao cấp đã quá quen với sự đói khát thì một chiếc áo như thế cũng có những giá trị thỏa mãn nhất định của nó. Khổ nỗi, cái áo đẹp chưa bao giờ tỉ lệ thuận với một cơ thể đẹp, thế nên phía sau sự lấp lánh ai cũng thấy lại là hỗn độn những mối quan hệ khó hiểu, những đường đi nước bước khó cắt nghĩa và một thực thể bóng đá chỉ có ngọn chứ không có gốc. Hậu quả là khi cơn bão suy thoái kinh tế đi qua, nhiều ông bầu không còn duy trì được sự rủng rỉnh như trước nữa thì cái áo đẹp tan ra, và một cơ thể suy dinh dưỡng bỗng lộ nguyên hình.

Nhưng cái áo tan rã như thế nào và một cơ thể bệnh tật ra sao là chuyện của nền bóng đá. Còn với cá nhân các ông bầu thì họ đã được, đã lãi quá nhiều rồi. Bởi nhờ bóng đá mà họ từ vô danh trở thành vang danh, và cũng từ bóng đá mà họ đã dễ bề làm ăn hơn trong những phi vụ ngoài bóng đá của mình. (Hiểu rõ “đặc tính” này mà có giai đoạn một vài nhân vật vai vế trong lĩnh vực kinh doanh đã chớm nhảy vào bóng đá với suy nghĩ rằng việc đầu tư cho bóng đá sẽ giúp địa phương cho mình một…bãi đất vàng kiếm ăn, nhưng đến khi nhận ra “bãi đất vàng” chỉ là miếng mồi xa xỉ thì những “ông bầu chớm nở” dạng này  đã nhanh chóng bỏ của chạy lấy người).

Và những người…lao lý  

Cách đây vài năm, khi cơ quan điều tra phát lệnh khởi tố về tội lừa đảo đối với bị can Nguyễn Hải An thì dân làng bóng mới tá hỏa bởi đấy chính là ông bầu nổi đình nổi đám của CLB Sài Gòn United một thời. Nổi là vì bất mãn với VFF mà Sài Gòn United khi ấy đã tính chuyện kiện tổ chức này lên CAS (Tòa án thể thao quốc tế). Nhưng so với cái lệnh khởi tố cho cựu  bầu Nguyễn Hải An thì lệnh khởi tố cho cựu bầu Nguyễn Đức Kiên cách đây vài tháng gây chấn động hơn nhiều.

Ông Kiên thuộc thế hệ những ông bầu tiên phong, cùng thời với bầu Đức, bầu Thắng. Nhưng trong khoảng 10 năm làm bóng đá, nếu như bầu Đức, bầu Thắng thay nhau vung tiền gặt danh hiệu thì bầu Kiên lại thực hiện chính sách “chi tiêu dè xẻn”, khiến cho CLB của mình luôn rơi vào cảnh lẹt đẹt, không có tương lai. Vì thế mà dân làng bóng, ai cũng đánh giá thấp bầu Kiên, và cho rằng ông là người kiếm tiền giỏi, chứ không phải người làm bóng đá giỏi.

Nhưng  sang đến “năm thứ 11”  lịch sử, cái năm mà bầu Kiên bất ngờ cướp diễn đàn công kích VFF, rồi lại cướp diễn đàn để đòi thành lập VPF thì người ta mới tá hỏa ông bầu này ghê gớm thật. Ghê gớm tới mức mà ngay cả những người không biết gì về bóng đá cũng phải nhắc đến tên ông, và nhìn vào ông như nhìn vào một thần tượng, một người hùng. Vấn đề là tại sao 10 năm trước, bầu Kiên tuyệt đối im lặng, nhưng sang đến năm thứ 11 thì lại… “nổ” tơi bời? Phải chăng ông nhận ra đây mới là thời của mình, là lúc để mình có thể nói những điều đã phải kìm nén trong suốt 10 năm trước? Nhưng cuộc sống nghiệt ở chỗ, vào đúng lúc nói nhiều nhất, dữ dội nhất thì ông lại bất ngờ nhận lệnh khởi tố, để rồi lúc này đang rơi vào cảnh…không rõ đường ra. 

Trong xã hội muôn màu sắc của các ông bầu bóng đá Việt Nam được hình thành trong suốt 12 năm chuyên nghiệp trá hình, có lẽ một mình bầu Kiên đứng trên một chiếu. Cái chiếu mà ở đó, ông khởi đi trong tư cách của người im lặng nhất, bùng nổ trong tư cách một người vĩ đại nhất, để rồi cuối cùng lại rời vũ đài bóng đá một cách đau nhất, và nghiệt nhất.

Cũng bởi vì với ông bóng đá không đơn thuần chỉ là một công cụ để quảng bá thương hiệu hay để bôi trơn những trận địa kinh doanh như nhiều ông bầu khác, càng không phải là nơi chỉ để thỏa mãn một thú chơi, một sở thích cá nhân như một phần nhỏ các ông bầu khác?

Phan Đăng
.
.