Tham vọng quyền lực

Thứ Ba, 12/09/2017, 09:49
Với Quy định số 90-QĐ/TƯ, lần đầu tiên, Đảng ta ban hành quy định cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đặc biệt, quy định nêu rõ, cán bộ thuộc diện nói trên phải “tuyệt đối không tham vọng quyền lực”.

Quyền lực bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực. Ở đây, chữ “tham” trong “tham vọng” đã thể hiện tính tiêu cực. “Tham” là hàm ý cá nhân, vì động cơ cá nhân, vì vậy “tham vọng quyền lực” được hiểu như một dạng tham nhũng chính trị.

So với tham nhũng tiền bạc, vật chất thì tham nhũng chính trị nguy hiểm gấp bội vì hậu quả của nó không dừng lại ở những đồng tiền, của cải mà tấn công vào chính trị, có thể gây lũng đoạn chính trị. Nếu để người tham vọng quyền lực “chui sâu leo cao” vào vị trí quan trọng của bộ máy lãnh đạo đất nước thì hậu quả khôn lường.

Biểu hiện của người tham vọng quyền lực không khó, đó là họ không đi lên, không nắm quyền lực bằng tài đức của mình, không bằng uy tín của mình mà “luồn lách”, bằng các hành vi gian dối, thậm chí trắng trợn vi  phạm luật pháp và đạo đức để đạt được quyền lực, đạt được tham vọng.

Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước CHXHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức...”.

Như vậy, về bản chất, quyền lực của Nhà nước ta không thuộc về cá nhân mà là của nhân dân, được nhân dân ủy quyền cho cá nhân sử dụng vào mục đích chung của xã hội, của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề là khi trao quyền lực đó cho cá nhân thì trên thực tế quyền lực ấy bị phụ thuộc vào chính cá nhân “được nhân dân ủy quyền”.

Nếu quyền lực được trao đúng cho người có tài năng, đạo đức thì quyền lực ấy sẽ phát huy tác dụng, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho con người, sự hưng thịnh cho đất nước, đúng nghĩa “quyền lực của nhân dân”. Khi đó, quyền lợi của nhân dân, của Tổ quốc được đặt lên trên lợi ích cá nhân, các giá trị đạo đức, nhân văn của chế độ được trân trọng, đề cao.

Ngược lại, quyền lực rơi vào tay những cá nhân thiếu tài, thiếu đức thì quyền lực ấy sẽ bị tha hóa, bị sử dụng để phục vụ cho lợi ích cá nhân, phe nhóm mà bỏ qua lợi ích quốc gia, dân tộc. Một cá nhân khi có tham vọng quyền lực, tất họ làm mọi cách và khi đạt được, những bản chất tiêu cực sẽ lộ rõ như tham ô, tham nhũng, bè phái, trục lợi cá nhân... và đây là nguồn gốc gây ra các hệ lụy, tiêu cực nghiêm trọng khác.

Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, quyền lực là “ma túy” gây nghiện, là “ma quỷ” xui khiến. Khi có quyền lực là có thể có gần như tất cả, nếu muốn. Vì vậy, quyền lực hấp dẫn hơn các thứ hấp dẫn khác cộng lại. Người có tham vọng quyền lực suốt ngày nghĩ về nó, dùng mọi thủ đoạn sống chết để giành và giữ lấy nó, dù phải mất nhân cách, dù phải làm việc ác. Có quyền lực rồi thì muốn có quyền lực lớn hơn, lớn rồi vẫn chưa đủ, lại muốn lớn hơn nữa.

Quy định số 90-QĐ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thể hiện quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Cứ thế, gần như không có điểm dừng, thậm chí không cần biết có nhiều quyền lực để làm gì. Quyền lực làm tha hóa con người một cách nhanh nhất. Không ít người chỉ cần sau một cuộc bỏ phiếu hoặc sau một quyết định phong chức, họ có thể bỗng nhiên khác hẳn, họ bắt tay theo kiểu khác, chào hỏi kiểu khác, dáng đi bệ vệ hơn, nói năng ra oai hơn...

Một đảng vững, trước hết những người “cầm cương” phải vững, phải không tham vọng quyền lực. Một cá nhân nếu tham vọng quyền lực mà “chui sâu leo cao” tới những vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước thì hệ lụy sẽ khôn lường.

Vì vậy, với việc ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Đảng ta khẳng định rõ quyết tâm tự chỉnh đốn theo phương châm “làm từ trên xuống”, lấy nguyên tắc “tuyệt đối không tham vọng quyền lực” làm hạt nhân, cơ sở để triển khai những nội dung khác.

Quy định được ban hành trong bối cảnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII đã trở thành xu thế “củi tươi cũng cháy”, Đảng đã và tiếp tục làm rõ, xử lý những cá nhân suy thoái, những cá nhân có biểu hiện tham vọng quyền lực, chủ nghĩa cá nhân. 

Các nhà nghiên cứu lịch sử chỉ ra rằng, dưới chế độ phong kiến Việt Nam, chỉ vì tham vọng quyền lực mà nhiều vương triều từ thịnh vượng tới suy vong, sụp đổ. Vương triều này đổ, vương triều khác lên thay, sau một thời gian lịch sử lặp lại, gây biết bao biến cố đau thương. Nhà Lý đánh thắng quân Tống, nhà Trần thắng quân Nguyên - Mông nhờ biết “lấy dân làm gốc”.

Chiến thắng rồi, cầm quyền được trên dưới 200 năm mỗi triều đại song cuối cùng cũng do bị tha hóa, vì tham vọng quyền lực, tranh giành ngai vàng mà vua quan chém giết lẫn nhau, dẫn tới sụp đổ. Nhà Hồ tồn tại quá ngắn, mặc dù có một số tư tưởng và chủ trương cải cách nhưng ngay từ khi mới lên đã không được dân chúng đồng tình, mâu thuẫn quyền lực trong giới quý tộc và mất nước vào tay ngoại xâm.

Nhà Hậu Lê (Lê sơ) mặc dù lúc đầu được nhân dân ủng hộ mạnh mẽ, đứng lên làm khởi nghĩa Lam Sơn, thắng giặc Minh hung bạo nhưng khi lên cầm quyền rồi lại tha hóa, sát hại các trung thần vì họ can ngăn những việc làm sai trái và sợ họ chi phối quyền lực. Nguyễn Trãi bị mưu hại trong giai đoạn này. Nhờ có minh quân mà nhà Hậu Lê dựng lại được một thời gian gần trăm năm nhưng cuối cùng cũng tha hóa...

Sự tha hóa về quyền lực dẫn đến cha con, anh em, chồng vợ giết nhau, giết cả vua, gây ra những cuộc chiến tranh mất bao nhiêu sinh mạng để tranh giành quyền lực, thậm chí “cõng rắn cắn gà nhà”, bán rẻ Tổ quốc và đem dân tộc làm nô lệ cho ngoại bang để đổi lấy quyền lực.

Trong hệ thống CNXH, bài học Liên Xô còn giữ nguyên tính thời sự với bất kỳ đảng cộng sản nào. Từ một thành trì của CNXH với những thành công rực rõ, vậy mà rốt cuộc giới lãnh đạo đất nước bị tha hóa về quyền lực, về đạo đức, bảo thủ và giáo điều. Sự sụp đổ của Liên Xô thực chất là hệ quả sự suy thoái, tự đánh gục chính mình.

Cách đây 70 năm, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (tháng 10-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”.

Người chỉ rõ biểu hiện những căn bệnh cụ thể: bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ...

Trong đó, về bệnh tham lam, Bác phân tích: “Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”, dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”...

Tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hết sức lưu ý về sự tha hóa ấy đối với một Đảng Cộng sản: Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhiều đảng viên có chức, có quyền, có điều kiện nắm giữ tài sản, tiền bạc, cán bộ;... đất nước lại phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, nhiều người lo lắng về Đảng, về bản chất Đảng, lo lắng mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế tác động vào Đảng.

Ảnh minh họa của baophapluat.vn

Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không? Tổng Bí thư nhắc lại câu nói của nhà triết học cổ điển Đức L.Foiơ Băc rằng, người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở trong nhà tranh. Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai? Có giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không?

Thực tế đã có bộ phận suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Có người công khai bày tỏ ý kiến trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, làm trái nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, thậm chí có người “sám hối”, “trở cờ”; tình trạng tham nhũng, quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm. Đây là điều đáng lo ngại nhất và cũng là nguy cơ lớn nhất đối với một đảng cầm quyền, như Lênin và Bác Hồ từng cảnh báo.

Rõ ràng, vì chủ nghĩa cá nhân, vì tham vọng quyền lực mà người ta hành động bất kể phải trái, đúng sai, hệ quả vô cùng nguy hiểm nếu người đó giữ trọng trách cao trong Đảng, Nhà nước. Vì vậy, Quy định 90 được ban hành lần này là cấp bách để cán bộ, đảng viên và nhân dân giám sát Đảng, giám sát việc sử dụng quyền lực của Đảng, kiên quyết ngăn chặn và loại ra khỏi bộ máy những cán bộ mang “tham vọng quyền lực, tham nhũng, cơ hội, vụ lợi, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”.

An Nhi
.
.