Không thể nói vì chống tham nhũng làm chậm sự phát triển

Thứ Ba, 10/07/2018, 10:31
Không thể nói vì chống tham nhũng mà làm chậm sự phát triển, đó là sai lệch. Càng chống tham nhũng có hiệu quả thì bộ máy của Đảng và hệ thống chính quyền các cấp do Đảng lãnh đạo ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, từ đó quần chúng nhân dân càng tin tưởng hơn.

“Công tác tuyên truyền phải khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; làm cho mọi người thấy rõ việc chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm “chậm lại” sự phát triển, mà ngược lại, càng làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng vừa qua.

Việc chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm “chậm lại” sự phát triển - thông điệp này được Tổng Bí thư nhấn mạnh tại Hội nghị cũng như tại một số buổi làm việc với cơ quan chức năng và tiếp xúc cử tri trước đó. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng (tháng 6-2018).

Vậy, tại sao Tổng Bí thư lại nhấn mạnh nội dung này trong bối cảnh công cuộc phòng, chống tham nhũng đang diễn tiến tích cực, trở thành xu thế “không ai có thể đứng ngoài cuộc”?

Ở đây, cần thấy rằng, trong cuộc chiến chống tham nhũng - giặc nội xâm thì việc xử nghiêm cán bộ, quan chức vi phạm là một yêu cầu tất yếu khách quan. Vi phạm càng nghiêm trọng, vi phạm liên quan cán bộ có chức sắc càng cao càng phải xử nghiêm bởi hơn ai hết, cán bộ lãnh đạo càng cao càng phải gương mẫu, phải biết giữ mình, phải là “ngọn đèn” để người khác noi theo. 

Việc Đảng, Nhà nước quyết tâm chống tham nhũng, chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm hàng loạt cán bộ, quan chức sai phạm, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao trong bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, doanh nghiệp nhà nước thể hiện ý chí chống tham nhũng “róc từ ngọn xuống” và “không có vùng cấm”. Điều đó tạo sự đồng thuận, khơi dậy niềm tin rất lớn trong toàn dân. 

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và 58.120 đảng viên, trong đó có gần 2.720 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. 

Qua thanh tra, kiểm toán, đã kiến nghị thu hồi hơn 260 nghìn tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự hơn 340 vụ với 436 đối tượng. Các cơ quan chức năng đã khởi tố 971 vụ án với 2.010 bị can; truy tố 1.060 vụ án với 2.444 bị can; xét xử sơ thẩm 968 vụ với 2.297 bị cáo về tội tham nhũng. 

Các vụ án, vụ việc tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ với 440 bị cáo với các mức án nghiêm khắc; trong đó có 11 án tử hình với 10 bị cáo, 20 án chung thân với 19 bị cáo, 7 bị cáo với mức án tù 30 năm...

Xử lý rốt ráo, quyết liệt như vậy, vì sao lại có quan niệm: xử lý tham nhũng sẽ làm chậm lại sự phát triển? Thực tế, trong Đảng đã xuất hiện luồng quan điểm như vậy, từ một số cá nhân có sai phạm hoặc ý kiến trong tổ chức đảng của cá nhân có sai phạm đã và đang bị điều tra, xử lý. 

Quan điểm nếu tập trung xử lý tham nhũng sẽ “làm chậm lại sự phát triển” cho rằng cần phải dành thời gian, công sức, trí tuệ cho nhiệm vụ hàng đầu là phát triển kinh tế, xã hội, cho các sáng tạo, tìm tòi, sản xuất, kinh doanh. Nếu chỉ lo nghĩ “bắt sâu, diệt sâu”, không còn thời gian cho chăm cây, bón cây nữa sẽ làm chậm sự phát triển của cây, chậm sự phát triển kinh tế đất nước! 

Trong cuộc chiến chống tham nhũng xưa nay, ở mọi nơi trên thế giới, quan niệm tập trung chống tham nhũng sẽ “làm chậm sự phát triển” có lẽ chưa thấy xuất hiện ở đâu. Chúng ta cũng chưa thấy các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế đề cập điều này ở hội nghị quốc tế nào bàn về chống tham nhũng. 

Xưa nay, người ta chỉ nói, nếu xã hội nào, đất nước nào để tham nhũng phát triển, tham nhũng lộng hành thì sẽ làm chậm sự phát triển của xã hội đó, đất nước đó, thậm chí đe dọa sự tồn vong của chế độ đó. Hiểm họa của tham  nhũng được nói đến rất nhiều, tác hại thấy rõ chứ chuyện lật ngược vấn đề, nói rằng quyết tâm chống tham nhũng gây khó cho sự phát triển, làm chậm, kéo lùi sự phát triển thực sự là nghịch lý. 

Quan điểm đó rõ ràng lạc lõng, nói chính xác là sự ngụy biện. Vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao lại có quan điểm như vậy, lại diễn ra trong bối cảnh, trong xu thế cuộc chiến chống tham nhũng đang lên cao trào?

Chúng ta thấy rằng, chống tham nhũng là chống thói tham lam, vô độ, thói “ăn bẩn”, vơ vét tư túi. Nó chẳng đâu xa lạ cả, cũng không có giới tuyến ta - địch, bạn - thù như cuộc chiến chống ngoại xâm trước đây. 

Tham nhũng ở trong mỗi người, trong suy nghĩ, hành động bản thân. Nếu cán bộ có chức quyền nào không tu dưỡng, không rèn luyện, không chỉnh đốn thì đều có thể trở thành chủ thể của tham nhũng, của thói vô độ, tham lam, tư túi. 

Cán bộ ngày nay nhiều người vì cái tư lợi trước mắt, vì ham của, ham lợi mà họ đã bất chấp, đã bòn rút của công, đút túi cá nhân. Người đó có thể là người đồng chí của mình, là cán bộ đồng cấp hoặc cấp trên, cấp dưới, cùng tổ chức đảng, cùng tổ chức chính quyền, thậm chí là người thân trong quan hệ gia đình hoặc quan hệ xã hội. Đánh tham nhũng là nhằm vào những chủ thể trong quan hệ xã hội ràng buộc mật thiết đó nên thực sự là cuộc chiến rất khó khăn. 

Chưa kể, chống tham nhũng, chống người đồng chí của mình thì cũng rất có thể có mình ở trong đó bởi nhiều vụ tham nhũng diễn tiến phức tạp, xoay quanh trục gọi là “nhóm lợi ích”, nhiều người cùng ảnh hưởng và có vai trò, cùng được hưởng lợi từ vụ việc tham nhũng. 

Ở một góc độ khác, chúng ta đang chủ trương xử lý, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Tham nhũng xảy ra ở đâu thì người đứng đầu của bộ máy, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm liên đới. 

Điều này nhằm làm rõ trách nhiệm của những cá nhân người đứng đầu nhưng một mặt, vì lo sợ liên đới trách nhiệm nên họ có tâm lý né tránh, che giấu, bao che tham nhũng. Tóm lại là tâm lý sợ rút dây thì động đến... mình! 

Chính bởi sự thực như vậy nên khi Đảng, Nhà nước quyết tâm chống tham nhũng, chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra xử lý nghiêm hàng loạt quan chức sai phạm thì bên cạnh sự đồng lòng, ủng hộ của xã hội, đã xuất hiện quan điểm phản biện kiểu nói trên. 

Bản chất của quan điểm này là: Chống tham nhũng nhưng chỉ mức độ thôi, không nên làm quá, làm căng. Suy xét mọi góc độ, đây là quan điểm ngụy biện, nhằm né tránh trước việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đang quyết tâm chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm một vụ việc cụ thể, liên quan cá nhân cụ thể nào đó. 

Khi muốn “lặng gió”, khi lý do chủ quan như ông này nhân thân tốt, có nhiều thành tích, nhiều đóng góp... đã không còn hiệu nghiệm thì họ tìm lý do khách quan, mà đây là lý do “vì sự ổn định nội bộ, ổn định đất nước”! 

Quả thực là khôi hài, cái lý do né chống tham nhũng, không muốn bị xử lý bằng chiêu “vì sự ổn định”, “sợ làm chậm lại sự phát triển” cũng giống như người ta muốn lấy cái áo lông ngỗng xinh đẹp để trùm lên thân hình con quạ tham lam đang bị sa bẫy, sắp bị trảm! Quan điểm đó thực sự vì động cơ cá nhân, nhất thiết phải nhận diện để loại trừ.

Ông Trần Văn Thông, Phó Vụ trưởng Vụ Lào - Campuchia, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng khi bàn về vấn đề này đã chỉ rõ, chống tham nhũng càng hiệu quả thì càng thúc đẩy sự phát triển. 

Qua quan tâm theo dõi vấn đề phòng, chống tham nhũng ở các nước, ông thấy rằng, ví dụ như Singapore, họ chống tham nhũng rất triệt để, hiệu quả và phát triển rất nhanh. 

Trung Quốc cũng thế, có thời gian họ chống tham nhũng nhưng chưa mạnh mẽ, chưa hiệu quả thì sự phát triển còn chậm, nhưng khi họ quyết tâm, có những biện pháp cụ thể, hiệu quả trong chống tham nhũng thì thúc đẩy phát triển nhanh. Hay Hàn Quốc, một số nước khác cũng vậy. 

“Không có nước nào để cho tình trạng tham nhũng tràn lan, không được khắc phục mà phát triển được. Tham nhũng làm tha hóa đội ngũ cán bộ trong bộ máy chính quyền và sẽ kìm hãm sự phát triển. Chống tham nhũng mạnh mẽ là động lực, là điều kiện để phát triển, sẽ tạo ra môi trường để phát triển lành mạnh, bền vững” - ông nói. 

Do đó, không thể nói vì chống tham nhũng mà làm chậm sự phát triển, đó là sai lệch. Càng chống tham nhũng có hiệu quả thì bộ máy của Đảng và hệ thống chính quyền các cấp do Đảng lãnh đạo ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, từ đó quần chúng nhân dân càng tin tưởng hơn.

Để tham nhũng lan tràn, không xử lý nghiêm là đi ngược với bản chất chế độ XHCN, trái với ước nguyện toàn dân.

An Nhi
.
.