Chung một con đường

Thứ Hai, 13/08/2018, 10:45
Gần đây, sự chuyển động của Cuba - đất nước vùng Tây bán cầu với những thay đổi quan trọng, đang khiến thế giới dành sự quan tâm nhiều hơn. 

Đường hướng của Cuba là minh chứng quan trọng mà ở đó, sự thành công hay thất bại, sự kiên định hay chùn bước, sự vững vàng hay dao động... đều trở thành chủ đề để dư luận có cách nhìn đa chiều hơn về thực tiễn vận động của thế giới ngày nay với khuynh hướng, ý thức hệ XHCN.

Hiển nhiên, với mối quan hệ thủy chung son sắt Việt Nam - Cuba trong suốt chiều dài lịch sử, cùng trên một con đường CNXH, sự chuyển động của bạn có mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, cả về ý chí, tình cảm và thực tiễn phát triển.

Ngày 22-7, Quốc hội Cuba thông qua Dự thảo Hiến pháp mới với sự đồng thuận tuyệt đối. Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo đánh giá cao thành công của Ủy ban phụ trách soạn thảo Dự thảo Hiến pháp do Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro đứng đầu.

Theo đó, hệ thống kinh tế sẽ duy trì những nguyên tắc cơ bản về sở hữu XHCN của toàn dân nhưng bổ sung sự công nhận vai trò của thị trường và của những hình thức sở hữu mới, trong đó có sở hữu tư nhân. 

Bản Dự thảo Hiến pháp sẽ được tham vấn công chúng trong những tháng tới và sau đó tiếp tục được trưng cầu ý dân để người dân Cuba cho ý kiến về những thay đổi này. Dự thảo Hiến pháp mới sẽ thay thế cho bản Hiến pháp 1976 hiện hành tại Cuba nhằm đáp ứng những chuyển biến của đất nước.

Dự thảo Hiến pháp mới của Cuba duy trì các đặc trưng XHCN và đưa ra những thay đổi trong cơ cấu Nhà nước Cuba, trong đó bao gồm việc thành lập các vị trí Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và Thủ tướng, thay thế cho Chủ tịch hiện tại của Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng... 

Như vậy, với những đổi mới về kinh tế, chính trị, Cuba cho thấy đang bắt đầu tiến trình đổi mới, giống như Việt Nam đã khởi xướng và thực hiện từ năm 1986 tới nay.

Quốc hội Cuba thông qua bản Dự thảo Hiến pháp mới, kiên định con đường XHCN.

Sự chuyển động ở Cuba khiến những thế lực chống phá CNXH tìm cách xuyên tạc. Một số bài viết đặt vấn đề: Hiến pháp Cuba không nhắc gì “chủ nghĩa cộng sản”, có nghĩa là “từ bỏ”? “Dư luận trong nước những ngày qua có sự so sánh sự kiện này với thể chế chính trị của Việt Nam và đặt câu hỏi “tương lai Cuba sẽ ra sao?”. Thậm chí, một số chế diễu: “Cuba đã thức tỉnh! Còn Việt Nam thì đến bao giờ mới vượt qua cơn mê”?!

Theo lý luận Mác - Lênin, chủ nghĩa cộng sản là hình thái kinh tế xã hội cuối cùng và cao nhất, là tính tất yếu của loài người. Tuy nhiên, không ghi “chủ nghĩa cộng sản” không phải là từ bỏ bởi đó vẫn là lý tưởng hướng tới của nhân loại mà thời kỳ đầu là CNXH với những mục tiêu, đặc trưng và nhiệm vụ xây dựng cụ thể. 

Bản Dự thảo Hiến pháp mới của Cuba bỏ điều khoản trong bản hiến pháp năm 1976 về mục tiêu cuối cùng là xây dựng “xã hội cộng sản”, thay vào đó đặt mục tiêu tập trung xây dựng “CNXH” nhằm cụ thể hóa các đặc trưng phát triển của đất nước.

“Sự thay đổi này không có nghĩa là chúng tôi từ bỏ lý tưởng cộng sản của mình” - Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo tuyên bố.

Theo ông Lazo, Cuba đơn giản đã chuyển sang một kỷ nguyên khác sau sự sụp đổ của Liên Xô, “chúng tôi tin vào một đất nước XHCN, có chủ quyền quốc gia, độc lập, thịnh vượng và bền vững”.

Cũng như Việt Nam, Cuba chấp nhận mô hình kinh tế thị trường không có nghĩa là rời bỏ CNXH, chấp nhận kinh tế tư nhân không có nghĩa là đi theo tư bản chủ nghĩa. Những vấn đề này là tất yếu của quá trình đổi mới và theo định hướng XHCN, có sự quản lý của nhà nước.

Trước đó, năm 2017, tại Hội nghị Trung ương III của Đảng Cộng sản Cuba, các đại biểu đã thông qua 3 văn kiện mang tính định hướng cho quá trình cập nhật mô hình kinh tế - xã hội XHCN.

Quyết định trên được đưa ra sau quá trình tham vấn quần chúng rộng rãi với sự tham gia, đóng góp ý kiến của 1,6 triệu đảng viên, đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Cuba, đại diện các tổ chức quần chúng và nhiều thành phần xã hội đối với những văn kiện mà Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản, Chủ tịch Cuba Raul Castro nhận định là “được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất, thảo luận và tái thảo luận nhiều nhất trong lịch sử cách mạng”.

Nghị quyết thông qua nhấn mạnh văn kiện xác định khái niệm mô hình phát triển kinh tế - xã hội XHCN của Cuba tạo cơ sở cho những chuyển biến cần thiết để thúc đẩy phát triển và củng cố cách mạng XHCN.

Từ ngày CNXH ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, mỗi khi nói về CNXH, nhiều người lại mỉa mai, chế giễu. Bao nhiêu bài viết nguyền rủa “một thứ triết lý ảo tưởng” và chỉ trích, kích bác những nước còn lại tiếp tục giữ mô hình này.

Họ cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời trong bối cảnh CNTB giai đoạn đầu, vì vậy không còn phù hợp để lý giải CNTB phát triển ở trình độ cao như ngày nay, tư tưởng của Các Mác do ra đời hơn 150 năm trước nên đã lỗi thời, lại càng không phù hợp với một nước nghèo nàn như Việt Nam, Cuba...

Rõ ràng, hiện nay CNTB chiếm địa vị chủ đạo trong quá trình toàn cầu hóa, song chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là công cụ lý luận để chúng ta nhận thức những biến động mới của CNTB. Sau khi khủng hoảng kinh tế bùng nổ ở phương Tây, nhiều học giả trên thế giới đã phải tìm đọc lại bộ Tư bản.

Mặc dù không có những dự báo cụ thể về những thập niên đầu của thế kỷ XXI, song Các Mác đã bàn đến vấn đề cốt lõi, đó chính là mâu thuẫn nội tại của CNTB: mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất TBCN. Dù đã hơn 100 năm qua đi, song vẫn chưa có một hệ thống học thuyết nào có thể so sánh với chủ nghĩa Mác - Lênin.

Terry Eagleton nhấn mạnh, CNTB càng ổn định thì càng chứng minh những giá trị của chủ nghĩa Mác. Giá trị của chủ nghĩa Mác thể hiện ở bản chất sáng tạo, mỗi khi đối diện với thực tiễn mới, vấn đề mới thì lại có năng lực sáng tạo mới. Lịch sử biến thiên qua nhiều giai đoạn, song không vì thời đại thay đổi mà các học thuyết, hệ tư tưởng này mất đi tinh hoa, giá trị đối với nhân loại.

Tương tự như vậy, so với thời của Mác, mặc dù đặc trưng thời đại, các vấn đề căn bản phải đối mặt của chúng ta ngày nay đã thay đổi, song điều đó hoàn toàn không làm lay chuyển sứ mệnh lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội thảo quốc tế “Các chính đảng và xã hội mới” lần thứ XX tổ chức tại Mexico City, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Cuba (PCC) José Ramón Balaguer tuyên bố đảo quốc này không bao giờ từ bỏ CNXH và khẳng định “CNXH là sự lựa chọn duy nhất cho cuộc cách mạng Cuba”.

Tại hội thảo này, trước sự hiện diện của hàng trăm đại biểu đại diện cho các đảng cánh tả, phong trào xã hội và tiến bộ đến từ châu Mỹ, châu Phi, châu Âu và châu Á, ông Balaguer cảnh báo những âm mưu mới chống lại các phong trào và chính phủ tiến bộ tại Mỹ Latinh; lên án các thế lực sử dụng các hiệp định tự do thương mại (FTA) như một công cụ thống trị chính trị, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ trước sau như một của PCC nói riêng và Cuba nói chung đối với tiến trình cách mạng Bolivia, Venezuela và nhiều quốc gia Mỹ Latinh.

Việt Nam, Cuba và một số nước khác đi lên CNXH đều chung mục tiêu, lý tưởng cao đẹp nhưng con đường xây dựng là không giống nhau, những nhiệm vụ đặt ra trong từng giai đoạn cách mạng căn cứ điều kiện cụ thể mỗi nước.

Trong chuyến thăm Cuba năm 2012, Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu gây ấn tượng mạnh tại trường Đảng Cao cấp Nico Lopez. Tổng Bí thư cho rằng, trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước XHCN thế giới thì vấn đề đi lên CNXH ở Việt Nam dường như không có gì phải bàn, nó mặc nhiên coi như đã được khẳng định. Nhưng, từ sau khi Liên Xô tan rã, chế độ XHCN sụp đổ ở nhiều nước, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên CNXH lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt.

Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thì hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của CNXH, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lênin, CNXH.

Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Có người phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác CNXH, ca ngợi một chiều CNTB. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường XHCN!

“Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống” - Tổng Bí thư nhấn mạnh và tin tưởng nhân dân Cuba dũng cảm, anh hùng trong chiến đấu, bảo vệ tổ quốc, sáng tạo và năng động trong xây dựng đất nước nhất định sẽ đạt được những thành tựu to lớn, đưa Cuba vượt qua những khó khăn trên con đường phát triển, xây dựng thành công CNXH ở Cuba.

An Nhi
.
.