Tinh gọn bộ máy
- Hà Nội: Sáp nhập thôn, tổ dân phố để tinh gọn bộ máy
- Thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả
- Bộ Công an sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn
Đây là vấn đề “biết rồi, khổ lắm” nhưng nếu việc cải tổ chậm chạp thì mục tiêu phát triển khó thể đạt được, đồng thời chính sự cồng kềnh của bộ máy chính trị khiến cán bộ có thêm cơ hội nhũng nhiễu, tiêu cực, “hành” dân…
Tờ trình và Báo cáo của Bộ Chính trị đã nêu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết và phạm vi của Đề án "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Bộ Chính trị nhận thấy, đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng nhưng cũng rất khó, rất phức tạp và nhạy cảm vì nó liên quan đến những vấn đề lý luận cơ bản về phương thức lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân; về đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế; về quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; liên quan đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động...
Dù việc sắp xếp bộ máy chính trị đã có những chuyển biến song vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; cơ cấu bên trong chưa hợp lý; tổ chức bộ máy của khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp công lập chậm được đổi mới; tổ chức và biên chế ngày càng phình to.
Số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ "hàm" không hợp lý; cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập; số lao động phục vụ gián tiếp quá nhiều trong khi thiếu nhân lực trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công và người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng nhiều...
Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) thảo luận việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. |
Với thực trạng như vậy, Bộ Chính trị cho rằng cần đặc biệt chú ý bảo đảm tính đổi mới, tổng thể, hệ thống, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; không nôn nóng từ cực nọ nhảy sang cực kia; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội.
Các nhiệm vụ và giải pháp đề ra phải phù hợp, khả thi, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, góp phần giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra đối với tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị cũng như các tổ chức cụ thể của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là tổ chức bộ máy bên trong từng cơ quan, đơn vị.
Việc nào đã rõ, đã chín thì kiên quyết làm ngay, việc nào chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tích cực nghiên cứu, mạnh dạn cho làm thí điểm rồi tổng kết, mở rộng dần.
Thực tế, trong hơn 10 năm qua, việc sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy chính trị được tiến hành khá rộng, đặc biệt là việc sắp xếp, hợp nhất các bộ, cơ quan ngang bộ. Việc xây dựng bộ đa ngành, đa lĩnh vực đã phát huy hiệu quả, hiện có bộ “ôm” khá nhiều đầu mối mà thực chất trước đây mỗi đầu mối là một bộ.
Điển hình như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thành lập từ năm 1995 trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Nông nghiệp - Công nghiệp thực phẩm; Lâm nghiệp và Thủy lợi.
Đến năm 2007, hợp nhất Bộ Thủy sản vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành ra Bộ này bao gồm 4 bộ cũ. Hay Bộ Công thương hợp nhất từ Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại, trong đó Bộ Công nghiệp trước đây cũng hợp nhất từ 3 Bộ: Công nghiệp nặng, Năng lượng, Công nghiệp nhẹ. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương.
Theo đó, cơ cấu tổ chức Bộ Công thương đã được điều chỉnh theo hướng tinh gọn lại khá nhiều, chỉ còn 30 đầu mối, giảm 5 đơn vị so với trước. Tuy nhiên, Bộ Công thương lập thêm 2 đơn vị mới là Cục Phòng vệ thương mại và Tổng cục Quản lý thị trường nâng cấp từ Cục Quản lý thị trường. Việc phình thêm Tổng cục Quản lý thị trường hiện cũng đặt ra nhiều câu hỏi về tính hiệu quả, thực chất của nó, liệu có “đáp ứng yêu cầu mới” như lý thuyết hay sẽ gây cồng kềnh, phức tạp?
Tuy nhiên, việc hợp nhất ra sao là vấn đề phải nghiên cứu kỹ. Lâu nay, có thực tế là hợp nhất thì khó, ngược lại chia tách hay nâng quy mô bộ máy thì nhiều người hưởng ứng. Lý do không gì khác, sự chia tách hay hợp nhất liên quan lợi ích sát sườn của cán bộ. Chia tách thì thêm nhiều “ghế”, nhiều người hưởng lợi, nâng quy mô đồng nghĩa “ghế” cũng nâng tầm.
Ngược lại, hợp nhất khiến cán bộ lãnh đạo dư thừa, giải quyết bài toán đối với cấp trưởng ở các đơn vị hợp nhất và sự dôi dư cấp phó luôn là vấn đề khó nhất trong mọi phương án hợp nhất. Đây là bài toán cần phải được giải quyết bởi việc này không chỉ chịu tác động của các quan hệ hành chính mà còn chịu rất nhiều các quan hệ.
Hợp nhất bao nhiêu đầu mối thì dôi dư gần chừng đó cấp trưởng, còn cấp phó sẽ là phép cộng của tất cả các đầu mối. Ai làm trưởng, ai làm phó sau khi hợp nhất, rồi chế độ, chính sách cho cán bộ trước và sau hợp nhất ra sao, tăng thêm hay giảm đi?
Điều này không tránh khỏi có sự đụng chạm, gây phân tâm. Đó không chỉ là lợi ích cá nhân mà có khi còn là lợi ích của cả một nhóm, một đơn vị. Nếu không giải quyết khéo léo, thỏa đáng thì từ xung đột lợi ích sẽ dẫn đến mất đoàn kết trong nội bộ cơ quan đơn vị, thậm chí dai dẳng kéo dài, kiện cáo nhiêu khê.
Đại biểu Quốc hội Ngô Thanh Vân cho rằng, qua hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội vừa qua, “thực tế này đã đến mức báo động”. Cách tổ chức bộ máy hiện nay theo hình trụ, ở trên có gì, ở dưới có đấy, bộ máy sinh ra quá nhiều tầng nấc trung gian, chính vì vậy mỗi đầu mối lại có một cấp trưởng và vài cấp phó, số lãnh đạo nhiều hơn số nhân viên.
Lãnh đạo, quản lý chỉ là định hướng, cho nên số lượng “chỉ tay năm ngón” rất nhiều trong khi số tham mưu, giúp việc lại rất ít. Thực tế đó nếu chúng ta không quyết tâm, quyết liệt xử lý triệt để, bộ máy sẽ ngày càng phình ra mà không ngân sách nào có thể đáp ứng được.
Nhiều chuyên gia băn khoăn, liệu những kế hoạch sáp nhập có thực sự đem lại hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, có thực sự tinh giản, gọn nhẹ bộ máy hay chỉ đơn thuần là phép cộng, trừ cơ học?
Nếu chỉ dừng lại ở cách cơ học thì sẽ không đạt được mục tiêu cũng như mong muốn, thậm chí, nếu không có cách làm đúng, không có quyết tâm chỉ đạo và không thực hiện đồng bộ thì có thể lại “đẻ” ra những phức tạp khác như liên quan đến chế độ chính sách đối với cán bộ, đến quyền và lợi ích của người lao động.
Chỉ là cơ học thì sẽ không làm cho bộ máy mạnh lên mà có thể làm cho yếu đi bởi nếu làm không cẩn trọng sẽ gây tâm lý ức chế, bất an với cán bộ, gây mâu thuẫn, rối ren khi bộ máy phình quá to sau hợp nhất. Theo đó, cần phải thực hiện đồng bộ với một quy trình, cách làm thực sự công khai, minh bạch, dân chủ, gắn với cơ chế giám sát.
Gần đây, việc Bộ Nội vụ đưa ra phương án sáp nhập một số sở, ngành ở thành phố trực thuộc Trung ương không phải là mới lạ trong công tác quản lý hành chính.
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, bộ máy cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, thành phố đã nhiều lần tách, nhập để phục vụ cho công tác chuyên môn ở những điều kiện khác nhau. Đây là cách làm có nhiều mặt tích cực trong việc giảm bớt cồng kềnh, nặng nề trong bộ máy, xác định lại chức năng, nhiệm vụ đúng với tính chất hoạt động của bộ máy nhà nước. Từ việc sắp xếp lại bộ máy sẽ giảm được cán bộ, giảm trụ sở, tiền lương... giảm được chi phí.
Về công chức, một câu hỏi lớn đặt ra là có cần thi tuyển cán bộ, công chức trong một thời gian nữa không hay cân đối lại trong số nhân sự được sắp xếp lại? Chính sách cán bộ về hưu sớm, trợ cấp cho họ chuyển ngành, hoặc chuyển sang lao động khác như thế nào? Có hàng loạt chính sách cán bộ đặt ra khi thực hiện việc sắp xếp, bố trí lại, giải quyết được những câu hỏi đó thì mới ổn được, nếu không sẽ phức tạp...
Ông Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, cần thiết phải rút đầu mối các cơ quan ở cấp tỉnh đến cấp huyện, kể cả cấp bộ. Trên thực tế, nhiều công sở, thời lượng cán bộ, công chức dành để làm việc không nhiều nhưng vẫn nói không đủ biên chế và ngày càng phình ra. Theo ông, việc cải cách, tinh giản là hợp lý nhưng việc này sẽ đụng chạm đến quyền lợi của nhiều người.
Dù vậy, khi đã quyết tâm làm thì không để ảnh hưởng bởi “lợi ích nhóm”, làm một cách khách quan, khoa học, chấp nhận mất các “ghế” và giải quyết chế độ chính sách đối với những người nào qua thi tuyển mà không đạt. Cần làm việc sáp nhập một cách khoa học, minh bạch quá trình thi tuyển cán bộ thì sẽ giải quyết được vấn đề...