Dấu ấn đổi mới

Thứ Ba, 27/03/2018, 08:17
Những nhà lãnh đạo sau khi rời chính trường nếu khắc ghi được dấu ấn trong lòng dân thì tư tưởng, tâm tài và cốt cách của họ tất được lưu truyền. 

Hơn 30 năm đất nước vận hành con đường đổi mới, trải qua những chặng đường với vận hội và trắc trở khác nhau, song những cái tên như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải… thực sự đã sống trong lòng dân với sự tôn kính sâu sắc. “Thêm một chiếc lá rụng”, dẫu rằng đó là quy luật tạo hóa nhưng sự ra đi ấy đã lay chạm cõi thiêng ân nghĩa đồng bào…

9 năm đương nhiệm vị trí Thủ tướng, 12 năm rời chính trường. Và hôm nay, lá vàng, lá rụng. Thế thái nhân gian, sinh tử có ai chống được mệnh giời. Người ta bảo sống ở đời là cõi tạm, mỗi con người từ cát bụi, sinh ra ở đời rồi lại về cát bụi. Cái cõi tạm ấy hữu hạn lắm nhưng sẽ là vô hạn, là trường tồn nếu khắc ghi tư tưởng, hành động, cốt cách trong cõi nhân gian. 

Chặng đường hơn 30 năm đổi mới, nếu như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại dấu ấn với vai trò người chèo lái đất nước vượt qua những thử thách vô cùng cam go trong chặng đường đầu đổi mới, để rồi đưa đất nước vượt qua khỏi khủng hoảng kinh tế vốn đeo đẳng hàng chục năm thì nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người tiếp tục “thổi lửa” công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. 

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa X vào tháng 9-1997, ông Phan Văn Khải được bầu làm thủ tướng. Ông được bổ nhiệm đúng lúc nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại do chịu ảnh hưởng lan truyền từ khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực Đông Á. 

Vượt lên tất cả, ông đã dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam qua thời kỳ khó khăn, hội nhập với nền kinh tế thế giới. Giai đoạn 1998-2006 được đánh giá là thời kỳ mà Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế mà đỉnh cao là việc ký hiệp định gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (năm 2006) và Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (năm 2001). 

Các sách báo trong nước thời kỳ này dùng cụm từ "đổi mới" để mô tả thời kỳ 1986-2000, thời kỳ chuyển biến thực sự về nhận thức tư duy kinh tế, áp dụng kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. 

9 năm đảm nhiệm vị trí Thủ tướng, ông Phan Văn Khải đã để lại dấu ấn sâu sắc trong công cuộc đổi mới.

Trong tâm thức của nhiều chuyên gia kinh tế đầu ngành, 9 năm lãnh đạo Chính phủ (1997-2006), nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thể hiện rõ tư tưởng cải cách, hội nhập. 

Ông Vũ Quốc Tuấn, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một người đặc biệt quan tâm đến vấn đề thể chế. 

“Ông Phan Văn Khải từ khi làm Phó cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã rất quan tâm đến vấn đề thể chế kinh tế và đã cùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thực hiện nhiều công việc cải cách thể chế kinh tế” - ông Tuấn nhìn nhận. 

Nhắc đến Thủ tướng Phan Văn Khải, giới doanh nhân nhớ đến Luật Doanh nghiệp 1999, một đạo luật đánh dấu bước cải cách mạnh nhất, cơ bản nhất của Việt Nam, tạo nền tảng quan trọng nhất cho sự phát triển của nền kinh tế về lâu dài.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết: “Chính ông Phan Văn Khải đã trình ra Quốc hội để ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999 và cũng chính ông đã bảo vệ Luật Doanh nghiệp trước Bộ Chính trị, Quốc hội. Đó là luật giải phóng cho kinh tế tư nhân”. 

Gọi là bước ngoặt bởi trước kia theo Luật Công ty 1990, doanh nghiệp muốn thành lập phải có chữ ký của chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hồi đó ông Đinh Hạnh làm Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thường dành riêng chiều Thứ 7 để họp. Mỗi chiều Thứ 7, ông “gật” được 2 doanh nghiệp. Như vậy mỗi năm, Hà Nội chỉ cho ra đời được 104 doanh nghiệp tư nhân. 

“Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó, theo kiến nghị của chúng tôi, đã cho thực hiện quyền tự do kinh doanh, tức là công dân được quyền đăng ký và theo đúng quy định thì người ta đương nhiên được kinh doanh, tức là bỏ quyền của chủ tịch tỉnh. Tuy nhiên, đến khi luật được thông qua, nhiều Bộ và địa phương không thực hiện triệt để vì nhiều nơi bị cắt bỏ quyền lực” - ông Lê Đăng Doanh nhớ lại. 

Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người ký nghị định đầu tiên về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vào tháng 11-2011 theo đề nghị của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Ông cũng là người đề xuất Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10. Trong suốt thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải đương nhiệm, giới doanh nghiệp, doanh nhân gọi ông là “Thủ tướng của doanh nghiệp”. 

Thông lệ thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp mà ngày nay đang kế tục chính là khởi đầu từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đặc tính của Thủ tướng Phan Văn Khải là hết sức lắng nghe. Tư duy điều hành mang tính nền tảng của Thủ tướng được thể hiện ngay trong những yêu cầu của ông đối với tổ tư vấn.

Ông luôn chỉ đạo, yêu cầu Ban Nghiên cứu chú trọng đến những khuyến nghị về giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà tăng trưởng về dài hạn, chứ không phải là tăng tốc ngắn hạn. Ông là người đặt nền móng cho cuộc cải cách giảm bớt sự can thiệp của nhà nước, bộ, ngành vào nền kinh tế, từng bước hình thành nền kinh tế thị trường, mở rộng quyền tự do cho các doanh nghiệp. 

Ông đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, loại bỏ giấy phép con hành doanh nghiệp. Việc xóa bỏ giấy phép con không phải đơn giản vì phải làm việc với các bộ, ngành rất công phu, nhiều khi phải đấu tranh quyết liệt nhưng Thủ tướng đã luôn rất quyết liệt, kiên trì. 

Cho đến ngày nay, các thủ tướng kế nhiệm vẫn tiếp tục xác định cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ giấy phép con là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” phát triển. Dù đã đạt nhiều thành quả, song đây vẫn là vấn đề còn nhiều khó khăn do liên quan đến lợi ích mà không ít cơ quan quản lý nhà nước còn tìm cách “níu kéo” dưới các dạng thức, lý do khác nhau.

Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XII) vừa qua đã xác định rõ kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của sự phát triển. Nhìn ngược quá khứ, chính thời Thủ tướng Phan Văn Khải, ông đã nhận thấy vai trò, động lực đó và đã có những động thái mạnh mẽ. 

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người đầu tiên đối thoại với kinh tế tư nhân, giải quyết những vướng mắc của kinh tế tư nhân. Tất cả đều là hướng đi rất quan trọng, thúc đẩy kinh tế thị trường. 

Là một người có tầm nhìn, bao quát, quyết đoán và dám làm, với kiến thức kinh tế chuyên môn sâu, được sự trợ giúp của một Ban Tư vấn gồm các chuyên gia kinh tế hàng đầu và đặc biệt bắt đúng đà của thời kỳ đổi mới được hình thành từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cùng tập thể các nhà lãnh đạo Việt Nam đã xây dựng một chiến lược hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam sau giai đoạn Việt Nam bình thường hóa quan hệ với các nước lớn, gia nhập ASEAN. 

Dưới thời của Thủ tướng Phan Văn Khải, Việt Nam và Hoa Kỳ đã hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) năm 2000. Thủ tướng cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ, gặp Tổng thống George Bush tại Nhà Trắng vào năm 2005. 

Chuyến thăm đánh dấu bước tiến lịch sử trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. 

Cũng dưới sự lãnh đạo của ông, các bộ, ngành của Việt Nam đã hoàn tất đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cuối năm 2006, chính thức hóa quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở phạm vi toàn cầu và tạo vị thế mới cho nền kinh tế Việt Nam phát triển trong những năm sau đó.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản kể rằng, bà được phân công phụ trách về xuất khẩu, hội nhập, an toàn vệ sinh thủy sản và Trưởng ban Đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Bộ Thủy sản từ 1994-2007, đồng thời là đại biểu Quốc hội khóa XI (2002-2007). 

Nhờ vậy, “tôi có cơ hội dự một số cuộc họp, tháp tùng một số chuyến công tác, đồng thời tham dự những phiên trả lời chất vấn của Thủ tướng Phan Văn Khải tại Quốc hội, trực tiếp chứng kiến chuyển đổi rất căn bản, vượt qua khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1998, vươn lên phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong gần hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải”. 

Thời kỳ 1995-2006, vừa chập chững bước ra thị trường thế giới, thủy sản Việt Nam đã vướng phải các rào cản từ kỹ thuật đến thương mại nhưng đã hội nhập tốt và phát triển liên tục cho đến nay, có nguyên nhân hết sức quan trọng là sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời với những quyết sách nhạy bén của Thủ tướng Phan Văn Khải. 

Thời Thủ tướng Phan Văn Khải, đã có nhiều ý kiến, đề án xin lập tập đoàn. Tuy nhiên, sau khi tham vấn ý kiến chuyên gia, ý kiến các bộ, ngành, Thủ tướng Phan Văn Khải quyết định chưa cho phép thành lập. 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ: “Tôi vô cùng ấn tượng, đó là ông nhất định không lập các tập đoàn kinh tế bởi không muốn lập ra các thực thể quá lớn để rồi không kiểm soát được chúng. Cố Thủ tướng quan niệm rằng, phải có cơ chế kiểm soát đủ minh bạch thì mới lập, nếu chưa có thì chưa lập vội”. 

Từ thực trạng các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay cho thấy cảnh báo của ông còn nóng bỏng tính thời sự.

An Nhi
.
.