An ninh không gian mạng

Thứ Ba, 26/06/2018, 16:04
Thống kê cho thấy, Ấn Độ hiện là quốc gia có lượng người dùng Facebook cao nhất thế giới (270 triệu tài khoản) và tăng trưởng mạnh nhất (27%) tính đến tháng 4/2018. 

Xếp sau đó lần lượt là Mỹ với 240 triệu người dùng, Indonesia với 140 triệu người dùng. Việt Nam xếp thứ 7 với 58 triệu người dùng, tăng 5% trong quý I năm 2018. Riêng TP Hồ Chí Minh nằm trong top 6 thành phố có người dùng Facebook đông nhất, với 14 triệu người dùng.

Facebook chỉ là một thống kê điển hình về sự bùng nổ của mạng Internet ở Việt Nam hiện nay. Trong một không gian rộng lớn, phát triển cực mạnh và độ tương tác, lan truyền như vũ bão, vấn đề an ninh mạng đang là thách thức với mọi quốc gia. Việc Quốc hội biểu quyết, thông qua Luật An ninh mạng, tạo hành lang pháp lý đảm bảo an ninh trên mạng Internet là yêu cầu khách quan.

Năm 2002 là dấu mốc khởi đầu mạnh mẽ cho hoạt động ban hành văn bản pháp quy về an ninh mạng đối với tất cả các tổ chức quốc tế, khu vực và các quốc gia trên thế giới. Trong năm này, Liên Hiệp Quốc đã ban hành Nghị quyết số 55/63 và 56/121 về chống hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ thông tin.

Quốc hội biểu quyết, thông qua Luật An ninh mạng, tạo hành lang pháp lý đảm bảo an ninh trên mạng Internet.

2 nghị quyết này đã cho rằng, mạng máy tính và mạng Internet là “nơi ẩn náu an toàn” của những đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ thông tin và yêu cầu các nước đưa ra quy định pháp luật nhằm đấu tranh với hình thức tội phạm này. Đây là văn kiện căn bản và nền tảng để hình thành nhận thức chung trong cộng đồng quốc tế về tội phạm mạng.  

Năm 2016, Liên minh châu Âu đã ban hành chỉ thị về an ninh mạng, quy định chi tiết và cụ thể về nội dung, trách nhiệm của các quốc gia trong khối về vấn đề an ninh mạng. 

Để quy định cụ thể hơn về việc kiểm soát thông tin và trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ, Liên minh châu Âu đã ban hành quy định về riêng tư, bảo vệ dữ liệu chung của EU, nội dung quy định này xác định, bất kỳ công ty nào cung cấp dịch vụ liên quan tới an ninh mạng hoặc liên quan tới thông tin cá nhân của các công dân EU đều bị kiểm soát, kể cả khi công ty đó không có trụ sở tại châu Âu.

Thế kỷ XXI, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực sôi động về kinh tế, chính trị và hợp tác, nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển cao và dẫn đầu xu thế chính trị, kinh tế. 

Châu Á - Thái Bình Dương cũng là nơi có nhiều quốc gia ban hành các văn bản quy phạm về an ninh mạng như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore... 

Pháp luật về an ninh mạng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được chia thành quy định chung của tổ chức khu vực và pháp luật riêng biệt của các quốc gia, nổi lên là tổ chức APEC.

Năm 2016, thành lập nhóm công tác về công nghệ thông tin và viễn thông (APEC TEL) giai đoạn 2016-2020.

Hiện nay, công tác bảo đảm an ninh mạng trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm. Với việc thừa nhận rộng rãi mức độ ảnh hưởng tích cực và tiêu cực với đời sống xã hội, quốc phòng, an ninh, xu hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh mạng đã lan tỏa trên phạm vi toàn cầu, điển hình là Mỹ, Nga, Trung Quốc.

Trong xu thế đó, chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây, đã có 23 quốc gia trên thế giới ban hành trên 40 văn bản luật, dưới luật về an ninh mạng. 

Nhận thức về vấn đề này đã được cụ thể hóa thành các chiến lược an ninh mạng, các đạo luật hoặc tương tự tại trên 80 quốc gia, tổ chức, liên minh quốc tế như Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Canada, Hàn Quốc, NATO... nhằm tạo ra các thiết chế, cơ sở pháp lý chống lại các nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia từ không gian mạng; thành lập các lực lượng chuyên trách về an ninh mạng, tình báo mạng, chiến tranh mạng, phòng chống khủng bố mạng và tội phạm mạng. 

Nhiều người nói Mỹ là “thiên đường tự do”, Internet ở đây không bị kiểm soát, ai thích viết gì, nói gì tùy ý. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. Chính quyền một số bang ở Mỹ cũng đã có những nỗ lực tăng cường an ninh mạng bằng cách công khai các công ty yếu kém về an ninh mạng.

Năm 2003, California thông qua đạo luật về thông báo vi phạm an ninh mạng, quy định bất kỳ công ty nào lưu giữ thông tin của các công dân bang California mà bị tấn công xâm nhập sẽ phải công bố chi tiết về vụ việc. Một số bang khác cũng có các quy định tương tự.

Điều 2385, Chương 115, Bộ luật Hình sự Mỹ ghi: “Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá và mọi hình thức vận động, xúi giục lật đổ, tiêu diệt chính quyền bất kỳ cấp nào”. Và thực tế, chính ở Mỹ mới là nơi có nhiều trường hợp bị xử lý vì người sử dụng mạng Internet có hành vi xúc phạm, lăng mạ người khác.

Đối với Việt Nam, tình hình an ninh mạng ngày càng diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức không chỉ đối với nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh đối với các hoạt động sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, phát tán thông tin xấu độc, vu khống, sai sự thật; bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng; phòng chống lợi dụng mạng để tiến hành các hoạt động khủng bố, tuyên truyền chống phá chế độ. 

Nhiều hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (hệ thống thông tin của Chính phủ, các bộ, các tổ chức, ngân hàng, năng lượng, hàng không...) đã trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên của tin tặc. 

Mỗi năm có hàng chục ngàn cuộc tấn công nhằm vào các cơ quan chính phủ, các hệ thống tài chính, ngân hàng, hạ tầng thông tin trọng yếu, trang web của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam... nhằm đánh cắp thông tin, bí mật nhà nước, thành tựu khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ. 

Các loại virus, mã độc, vũ khí mạng xuất hiện ngày càng nhiều, một số loại được thiết kế chuyên biệt, hết sức nguy hiểm. Trong khi đó hệ thống mạng thông tin nước ta còn nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, không được kiểm tra, đánh giá thường xuyên. 

Những năm gần đây, hệ thống máy điện toán của Việt Nam đã bị xâm nhập nhiều lần. Năm 2014 chứng kiến hệ thống máy điện toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường bị tấn công vào dịp Trung Quốc kéo giàn khoan vào Biển Đông. 

Năm 2016, một ngân hàng bị xâm nhập và mất cắp 1,1 triệu USD. 2 tháng sau, hệ thống máy điện toán của sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài bị tin tặc tấn công, phá hoại. 

Năm 2017, hàng ngàn máy điện toán ở Việt Nam bị nhiễm WannaCry virus. Gần đây, 75 triệu tài khoản người dùng của VNG, một công ty về trò chơi và Internet lớn nhất của Việt Nam cũng đã bị đánh cắp.

Đáng chú ý, cùng việc sử dụng mạng Internet để xúc phạm danh dự, nhân phẩm công dân, tổ chức thì các đối tượng phản động, thù địch triệt để lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân. 

Không chỉ bằng những bài viết thiên về “phán” và “bình” như trước, ngày nay các đối tượng sử dụng tính lợi hại của mạng xã hội bằng cách lồng ghép video, ảnh cùng những tài liệu nội bộ hoặc tài liệu chưa được kiểm chứng. Đó có thể là tài liệu dưới dạng thư tay, công văn có nội dung mật, những đơn thư tố giác liên quan nội dung nhạy cảm, chưa được kiểm chứng.

Những tài liệu có dấu của cơ quan chức năng, có thể tài liệu thật, dấu thật bị lộ, lọt song cũng có thể được làm giả mạo để đánh lừa người đọc, người xem. Âm mưu của kẻ địch luôn mượn chuyện Đảng ta chống tham nhũng, chống suy thoái, từ việc khởi tố, bắt giam, điều tra, xử lý các vụ việc nổi cộm như vậy để xoay ngược, phê phán, suy diễn kiểu quy chụp hòng gây chia rẽ nội bộ, gây hoài nghi trong nhân dân về chuyện “phe cánh”. 

Một số hình ảnh, clip còn được cài đặt tự động trên các trang Zalo, Facebook, YouTube... có tốc độ lan truyền lớn. Mục đích của các đối tượng là đánh vào lòng tin người dân, làm cho người dân tin những thông tin, hình ảnh các đối tượng tung ra, từ đó gây hoài nghi đối với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. 

Facebook, mạng xã hội còn được các đối tượng lợi dụng để cổ súy quan điểm sai trái, gây chia rẽ, hiềm khích trong các tầng lớp nhân dân, lợi dụng lòng yêu nước của người dân để kích động biểu tình, chống phá (nhiều vụ gây thiệt hại lớn như việc các đối tượng kích động người dân xuống đường biểu tình phản đối dự án Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng; kích động biểu tình ở một số tỉnh Bắc miền Trung sau thảm họa cá chết hàng loạt...).

Việc bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và an toàn xã hội theo cấp độ và áp dụng các biện pháp bảo đảm là cấp bách. 

Không gian mạng trở thành môi trường lý tưởng cho âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta, thông qua các hoạt động thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa; liên lạc, móc nối, chỉ đạo và thành lập tổ chức hoạt động chống phá; sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, gây rối an ninh, chuyển hóa chính trị ở nước ta. 

Do đó, việc Quốc hội biểu quyết, thông qua Luật An ninh mạng, tạo hành lang pháp lý đảm bảo an ninh trên mạng Internet rõ ràng là yêu cầu khách quan, không thể nói Việt Nam làm luật và phát triển kỹ thuật “để bịt miệng dân và củng cố chế độ độc tài” như các luận điệu mà kẻ xấu rêu rao.

An Nhi
.
.