Vị thế Quốc gia

Thứ Năm, 28/09/2017, 15:00
Một nước đất không rộng, kinh tế còn nghèo như Việt Nam, để khẳng định tiếng nói trên trường quốc tế, chúng ta vừa chú trọng xây dựng tiềm lực đất nước ngày càng vững mạnh, vừa là thành viên tích cực, chủ động trong LHQ...

Thế giới tự lâu đời vẫn luôn tồn tại “lệ làng” kiểu trọng giàu, khinh nghèo, chân lý thuộc kẻ mạnh. Nhìn sự chi phối của những quốc gia giàu mạnh đối với nhiều vấn đề quốc tế thấy rõ điều này, dù vai trò của Liên Hiệp Quốc (LHQ) được coi như trọng tài của năm châu. 

Trong xu thế đó, một nước đất không rộng, kinh tế còn nghèo như Việt Nam, để khẳng định tiếng nói trên trường quốc tế, chúng ta vừa chú trọng xây dựng tiềm lực đất nước ngày càng vững mạnh, vừa là thành viên tích cực, chủ động trong LHQ, lấy chính nghĩa, lấy pháp lý và đạo lý làm nền tảng trong hành xử và thể hiện chính kiến của mình. 

Cách đây tròn 40 năm (20/9/1977 - 20/9/2017), Việt Nam chính thức gia nhập LHQ. Đây là sự kiện mở ra một chương mới cho chính sách “đa phương hóa”, “đa dạng hóa” quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, không phải đến mốc năm 1977, việc gia nhập LHQ mới đặt ra mà chúng ta đã thể hiện rõ nguyện vọng này ngay sau khi thành lập nước.  

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, qua đó gửi đi thông điệp đầu tiên: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Teheran và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. 
Quang cảnh hội trường LHQ trước giờ bỏ phiếu bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009, ngày 16-10-2007. Ảnh: Tư liệu.

Với mong muốn trở thành thành viên chính thức của tổ chức LHQ, ngay từ những ngày đầu lập nước, ngoại giao đa phương đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, coi trọng như một mũi tiến công sắc bén trên mặt trận tổng hợp đấu tranh vì độc lập dân tộc. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thư, điện cho Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, các đại diện của Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Anh... “yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào Hội đồng LHQ”. 

Ngày 14-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có điện văn gửi các ông Ăngđrê Grômưcô (đại diện Liên Xô), Giêm Biếcnơ (Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ), bác sĩ Cố Duy Quân (đại diện Trung Quốc). 

Cùng ngày, Người có điện gửi cho Chủ tịch Hội đồng LHQ Hangri Xpát. Cả hai bức điện đều bày tỏ nguyện vọng “Quốc dân chúng tôi đã giành được độc lập và giữ vững nền độc lập, thiết tha yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào Hội đồng LHQ... Chúng tôi tin rằng sự có mặt của chúng tôi trong Hội nghị sẽ có ích nhiều cho việc giải quyết một cách nhanh chóng và hòa bình cho các vấn đề ở Đông - Nam Á châu hiện nay”.

Đây là lần đầu tiên thay mặt nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện yêu cầu các nước lớn và LHQ không chỉ công nhận nền độc lập của chúng ta mà còn kết nạp chúng ta vào Hội đồng LHQ. 

Với tinh thần xuyên suốt đó, hơn một tháng sau, ngày 18-2-1946, trong công hàm gửi Chính phủ Trung Quốc, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Liên bang Xôviết và Vương quốc Anh, Người khẳng định lại bổn phận của chúng ta cùng các nước lớn “bắt tay vào xây dựng lại thế giới”. 

Người khẳng định việc đưa vấn đề Đông Dương ra trước LHQ “sẽ cho phép chúng tôi hợp tác với các quốc gia khác trong việc xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn và một nền hòa bình bền vững”. 

Trong Lời kêu gọi gửi LHQ chỉ ít lâu trước Ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của LHQ, sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, không quân trong khuôn khổ LHQ những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước sử dụng một vài căn cứ hải quân, không quân.

Do hoàn cảnh lịch sử khi đó cùng các cuộc chiến tranh kéo dài, Việt Nam đã không sớm được làm thành viên LHQ. Dù vậy, cuộc đấu tranh chính nghĩa và anh hùng của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước cùng những đóng góp to lớn của Việt Nam đối với phong trào hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới đã tạo cho Việt Nam có được sự ủng hộ to lớn và rộng rãi trên toàn thế giới. 

Sau khi Việt Nam thống nhất, tháng 7-1975, hai đoàn miền Bắc và miền Nam Việt Nam sang New York để vận động tham gia LHQ. Các nước đều ủng hộ hai miền Việt Nam tham gia LHQ nhưng tại Hội đồng Bảo an, Mỹ đã dùng quyền phủ quyết của Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an để ngăn Việt Nam gia nhập LHQ. 

Tháng 1-1977, khi Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nhậm chức đã nới lỏng cấm vận, đồng ý để Việt Nam gia nhập tổ chức LHQ. Tại phiên họp lần thứ 32 Đại hội đồng LHQ ngày 20-9-1977, Việt Nam được chính thức công nhận là thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này. 

Sự kiện này đã mở ra một thời kỳ mới cho ngoại giao đa phương Việt Nam với những đóng góp quan trọng vào thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

LHQ là một tổ chức quan trọng trong đời sống quốc tế và đặc biệt quan trọng với Việt Nam. Qua LHQ, Việt Nam không chỉ tranh thủ được sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của thế giới, mà còn là diễn đàn để Việt Nam có thể nâng cao vai trò, vị trí của mình trên trường quốc tế. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự phiên điều trần giữa IPU và Liên Hiệp Quốc. Ảnh: TTXVN.

Ngày 16-10-2007, với 183/190 phiếu ủng hộ, Đại hội đồng LHQ đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009. Sự kiện này đánh dấu một mốc hết sức quan trọng, có ý nghĩa trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của nước ta. 

Đồng thời, Việt Nam được bầu vào Hội đồng Kinh tế - Xã hội (hai nhiệm kỳ 1998-2000 và 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (nhiệm kỳ 2015-2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (nhiệm kỳ 2017-2021).

LHQ là diễn đàn quốc tế quan trọng để Nhà nước ta trình bày đường lối đối nội, đối ngoại qua các giai đoạn. Đây cũng là một trong những địa bàn chính của những đợt vận động, đấu tranh ngoại giao lớn nhằm đề cao tính chính nghĩa các công việc của Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phản bác các vu cáo và âm mưu sử dụng các cơ chế quốc tế để can thiệp vào công việc nội bộ. 

Qua các phát biểu, nghị quyết được đưa ra tại các cơ quan của LHQ cùng các cuộc tiếp xúc với các nước thành viên, trong nhiều trường hợp có sự tham gia trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về lập trường của Việt Nam và quan hệ song phương của ta với các nước được mở rộng. 

Trong nhiều năm, kể cả khi còn bị cấm vận kinh tế cho đến ngày nay, Việt Nam là một trong những nước nhận được nhiều sự hỗ trợ phát triển của LHQ. Những khoản viện trợ không hoàn lại, giá trị lên tới hàng tỷ USD đã giúp khắc phục một phần những khó khăn kinh tế, xã hội và hậu quả chiến tranh. 

Các tổ chức LHQ cũng đi đầu trong việc tư vấn chính sách, hỗ trợ nâng cao năng lực ở cả cấp trung ương và các địa phương khi tiến hành công cuộc đổi mới. Về phần mình, Việt Nam đã tích cực ủng hộ các sáng kiến nhằm thực hiện hiệu quả chức năng của LHQ trong các lĩnh vực khác nhau. 

Trước hết là sự ủng hộ đối với các kế hoạch, biện pháp ngăn ngừa, giải quyết tranh chấp và xung đột quốc tế. Đặc biệt khi Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, chúng ta đã phối hợp với các nước đệ trình các chương trình, nghị quyết khẳng định các nguyên tắc, khuyến nghị các biện pháp ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, không phổ biến tiến tới loại bỏ các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và Việt Nam đã tham gia các điều ước đa phương về những vấn đề này.

Dù vẫn tồn tại thực trạng tiếng nói trong LHQ nhiều khi “chân lý thuộc kẻ mạnh” song không vì thế tính tập thể, tính đa phương bị bỏ qua. Các nước, trong đó có các đối tác quan trọng của ta ở trong và ngoài khu vực đều khẳng định sự coi trọng đối với LHQ, hoạt động thực tế của họ cũng theo hướng như vậy. 

Chính vì thế, là thành viên LHQ, tiềm lực các mặt, vị thế quốc tế của đất nước được nâng cao, các nước nhìn nhận khả năng, thiện chí của Việt Nam không phải “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” mà ở chính nghĩa, ở lẽ phải và sự tích cực, chủ động của Việt Nam. 

Qua những dịp chủ trì, tham gia các hoạt động lớn trong thời gian qua, các nước ủng hộ sự tham gia sâu rộng hơn của Việt Nam vào đời sống quốc tế, trong đó có LHQ. 

Đây là những yếu tố để mối quan hệ của Việt Nam với LHQ, sự tham gia của ta tại tổ chức này có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, nhất là các chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế quốc tế, phục vụ lợi ích dân tộc, đồng thời đóng góp vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Trả lời phỏng vấn báo chí nhân sự kiện 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn coi quan hệ hợp tác với LHQ là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại. 

Việt Nam sẽ sát cánh cùng các nước thành viên đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, bảo đảm lợi ích chính đáng của tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển.

An Nhi
.
.