Trăm năm Cách mạng Tháng Mười Nga

Thứ Tư, 25/10/2017, 10:02
100 năm sau Cách mạng Tháng Mười Nga, các nhà nghiên cứu lịch sử giờ đây không chỉ dựa trên kho tư liệu quá khứ về cuộc cách mạng và tiến trình CNXH trong thế kỷ XX để nhắc lại những quan điểm truyền thống mà quan trọng hơn, chúng ta cần nhìn nhận bản chất của thế giới mới, của thời đại ngày nay là gì để đánh giá đúng khuynh hướng phát triển, từ đó có nhận thức khách quan về giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười.

100 năm trước, Cách mạng Tháng Mười Nga vang dội từ châu Âu đã đánh dấu mốc chưa từng có trong lịch sử nhân loại: lần đầu tiên, một cuộc cách mạng XHCN nổ ra và thành công, khởi đầu một thời đại mới, thời đại quá độ lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới.

Thế kỷ XX, làn sóng cách mạng XHCN lan rộng từ Âu sang Á, Mỹ, từ các nước tư bản sang thuộc địa, phong kiến, từ các nước phát triển đến đang phát triển, chậm phát triển, làn sóng phát triển mạnh mẽ và CNXH đã trở thành hệ thống thế giới.

Đã có lúc, với sự phát triển thịnh vượng của hệ thống XHCN do Liên Xô làm đầu tàu, nhiều quốc gia tin rằng CNXH sẽ sớm đạt được, ngay cả ở những nước vốn chưa có điều kiện kinh tế phát triển. Tuy nhiên, cũng trong thế kỷ XX, CNXH hiện thực đã thể hiện 3 giai đoạn với 3 hình thái khác nhau: Đầu thế kỷ, mô hình CNXH ra đời; giữa thế kỷ, phát triển thịnh vượng và cuối thế kỷ, thoái trào.

Sự biến thiên với 3 giai đoạn với đầy rẫy những biến cố thăng trầm, có thăng hoa, có bi kịch, đau xót đã khiến nhân loại phải nhìn nhận, đánh giá khách quan, trung thực, đúng bản chất về CNXH hiện thực.

Nếu như đầu, giữa thế kỷ XX, đi lên CNXH được coi là “tất yếu khách quan” của lịch sử, của nhân loại thì cuối thế kỷ XX, khi thành trì CNXH ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, niềm tin ấy đã bị thách thức, thậm chí nhiều người cho rằng, CNXH, Cách mạng Tháng Mười và sứ mệnh của giai cấp công nhân, của đảng cộng sản đã kết thúc.

Những giá trị của Cách mạng Tháng Mười vẫn trường tồn cùng thời đại.

Họ cho rằng, CNXH không phải là con đường đi lên của nhân loại, đó chỉ là một trào lưu của lịch sử, có mô hình lý thuyết, sự hình thành, phát triển trên thực tế và diệt vong. Sự sụp đổ của Liên Xô, Đông Âu chứng tỏ rằng, mô hình CNXH chỉ đúng trên lý thuyết nhưng chỉ có giá trị “thí điểm” trong hiện thực, một “cơn gió thoảng” của lịch sử.

Tới nay, gần 3 thập niên đi qua sau biến cố ở Liên Xô và Đông Âu, câu hỏi về CNXH, về Cách mạng Tháng Mười, về sứ mệnh lịch sử giai cấp công nhân và vai trò đảng cộng sản vẫn mang tính thời sự. 

Có người đã quên, đã cho nó vào tủ sách “cổ kim” để tìm kiếm với sự bùng nổ công nghệ mạng ngày nay, về thời đại mà người ta ít dùng cụm từ CNXH, về phong trào công nhân, về giai cấp vô sản, về đấu tranh giai cấp... Nhưng như thế liệu có phải CNXH đã kết thúc, liệu thế hệ ngày nay đã lãng quên hay không muốn nhắc tới, nghĩ tới?

Cho đến nay, sự sụp đổ mô hình XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu vẫn đặt ra trước chúng ta những câu hỏi đầy tính thời sự. Tại sao một cường quốc vĩ đại như Liên Xô với những quan hệ, liên kết chặt chẽ về văn hóa, ngôn ngữ, dân cư, cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, có thể sụp đổ nhanh chóng như thế?

Tại sao những chế độ xã hội được xây dựng công phu, đạt được những thành tựu có tính lịch sử, tích tụ cho mình sức mạnh quân sự mạnh mẽ và mang lại cho nhân dân những lợi ích, những tiến bộ to lớn như thế mà khi sụp đổ thì nhân dân lại làm ngơ, không đứng lên bảo vệ?

Câu trả lời không nằm trong mục tiêu của cuộc cách mạng XHCN! Không ai có thể phủ nhận tính chất tốt đẹp, nhân văn cao cả của mục tiêu xây dựng một chế độ xã hội cộng sản chủ nghĩa không có áp bức, bóc lột, không có bất công, một chế độ vì con người, mang lại các điều kiện tốt đẹp nhất cho sự phát triển toàn diện, tích cực của mỗi con người. Đó là ước vọng ngàn đời của mọi dân tộc, mọi thế hệ người và của mỗi con người trên thế gian.

Chính là học thuyết khoa học Mác-xít trở thành vĩ đại khi đã chỉ ra tính quy luật của xã hội loài người là tất yếu đi đến chế độ cộng sản chủ nghĩa và giai cấp công nhân đại công nghiệp là lực lượng nắm giữ sứ mệnh lãnh đạo cuộc cách mạng để tiến tới xây dựng chế độ đó. Cuộc cách mạng đó cũng là con đường đúng đắn để các dân tộc giải phóng mình khỏi áp bức, bất công.

Những khiếm khuyết, sai lầm trong thực tiễn xây dựng CNXH, thậm chí cả những biến dạng, lệch lạc của CNXH, có thể làm đổ vỡ một thể chế, làm tan rã một đảng, một nhà nước ở những thời điểm và tình huống, nhưng không vì thế mà chiều hướng lịch sử có thể thay đổi.

Trong trường hợp thất bại của mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, không thể chối cãi được rằng, nguyên nhân và trách nhiệm đầu tiên là thuộc về các đảng cộng sản và công tác xây dựng đảng.

Thể hiện trước hết có thể nhận ra là việc không trung thành, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lê-nin theo hai chiều hướng: một mặt, xa rời mục tiêu cách mạng và những nguyên tắc căn bản trong xây dựng và hoạt động của đảng; mặt khác, vận dụng một cách máy móc, giáo điều những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chủ quan, nóng vội, không đếm xỉa đến thực tiễn cũng như những yêu cầu cuộc sống đang đặt ra.

Từ bài học ấy cũng như từ chính thực tiễn công cuộc đổi mới của đất nước ta cho thấy, chỉ có trung thành với lý tưởng và mục tiêu của Cách mạng Tháng Mười, của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, của CNXH khoa học, Đảng mới có thể đoàn kết, xây dựng đội ngũ vững mạnh, giữ vững vai trò lãnh đạo xã hội, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo con đường XHCN.

Thực tế, sự tan rã của mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu không làm giảm mục đích, ý nghĩa nhân văn cao cả của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Thế hệ của những người sinh tử trong kháng chiến, đi qua khói lửa chiến tranh, đi qua môi trường XHCN dưới thành trì Liên Xô năm nào, giờ họ đã ở bên kia sườn dốc có lý do để luyến tiếc, nhưng ngay cả người trẻ cũng không hẳn thờ ơ.

Căn cứ theo kết quả được tổng hợp của nhiều cuộc điều tra, thăm dò dư luận xã hội, có hơn 50% người Nga luyến tiếc thời kỳ Xôviết, ngay cả đối với những người chưa bao giờ sống trong thời kỳ đó. Các nhà xã hội học nói rằng, thái độ đó là một sự phản ánh những thách thức kinh tế hiện nay mà nước Nga đang phải đối mặt cũng như phản ánh hiện tượng “huyền bí” của Liên Xô trong thời đại bùng nổ văn hóa hiện nay.

Trong một cuộc thăm dò dư luận tiến hành vào tháng 4-2016 do Trung tâm Levada, có đến 56% số người được hỏi cho biết họ muốn Liên Xô vẫn còn tồn tại. Quan trọng hơn, kết quả của một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Dư luận toàn Nga (VTsIOM) cho thấy 64% người Nga cho biết sẽ bỏ phiếu cho sự bảo tồn của Liên bang Xôviết nếu một cuộc trưng cầu dân ý lại được tiến hành ở thời điểm hiện tại.

Hội thảo khoa học nhân 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.

Trong khi đó, trong những cuộc trưng cầu từng tổ chức vào ngày 17-3-1991, khi đó các công dân Liên Xô được yêu cầu xem xét liệu có cần thiết duy trì tình trạng chính trị hiện tại hay không để bảo vệ đất nước.

Nỗi nhớ về thời kỳ Xôviết diễn ra cao nhất trong số người Nga bước qua tuổi 55 và những người sống ở các vùng nông thôn. Nhưng có một tỷ lệ dân số trẻ tuổi, thành công, hòa nhập tốt trong xã hội hiện đại và là những người không biết gì về xã hội Liên Xô thi họ lại luyến tiếc nó.

Ông Mikhail Mamonov, Giám đốc của dự án nghiên cứu VTsIOM cho hay, 50% những người trẻ được khảo sát về chủ đề này đã tỏ ra luyến tiếc xã hội Xôviết, dù họ chỉ được nghe kể. Còn với những người lão thành, họ cho rằng, thời kì đó, mức sống không cao nhưng được bảo đảm cho bạn về bảo hiểm về việc làm và nhiều ưu việt.

Ngày nay, trong thời đại nền kinh tế thị trường cạnh tranh khắc nghiệt làm mọi người muốn được sống và hưởng những ưu việt của xã hội Liên Xô. Trung tâm khảo sát Levada cho thấy, nỗi nhớ về Liên Xô đạt đỉnh điểm vào năm 2000, khi 75% dân số cho biết họ rất tiếc vì nó giải thể.

Trong suốt những năm 2000, mức độ của nỗi nhớ giảm, đạt mức thấp nhất trong năm 2012 - nhưng sau đó, 49% dân số vẫn bày tỏ sự hối tiếc về sự tan vỡ của Liên Xô. Mức nỗi nhớ Liên Xô, nhớ Cách mạng Tháng Mười đã tăng trở lại bắt đầu từ năm 2014. 

Thực chất, thành trì CNXH đã thoái trào, quê hương Cách mạng Tháng Mười giờ đã là nước tư bản chủ nghĩa nhưng thời đại ngày nay vẫn đang là thời đại tiếp bước sau Cách mạng Tháng Mười - quá độ từ chủ nghĩa tư bản đi lên CNXH. Trong điều kiện ngày nay, cần thấy rằng, đi lên CNXH là con đường tất yếu nhưng có thể bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, thích hợp với hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể.

Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của xã hội Trung Quốc và những thành công to lớn của Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới là minh chứng thực tiễn cho sự nhận định của V.I. Lê-nin: "Chừng nào chúng ta chưa thực hiện được chủ nghĩa cộng sản toàn vẹn thì không một hình thức nào là vĩnh viễn cả. Chúng ta không cho là chúng ta đã biết rõ con đường chính xác. Nhưng chắc chắn và nhất định chúng ta sẽ đi tới chủ nghĩa cộng sản".

An Nhi
.
.