Giữ nước từ lúc chưa nguy
Dựng nước đi đôi với giữ nước là bài học xuyên suốt của lịch sử dân tộc ta. Tại Hội nghị Trung ương 8, Khóa XI, Đảng ta khẳng định tiếp tục thực hiện những mục tiêu, quan điểm, phương hướng, phương châm chỉ đạo nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà Nghị quyết Trung ương 8, Khóa IX đã đề ra, đồng thời bổ sung, phát triển Chiến lược bảo vệ Tổ quốc phù hợp với tình hình hiện nay.
Đảng chỉ rõ những vấn đề rất cơ bản của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới: “Nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của ông cha ta: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”; “giữ nước từ khi nước chưa nguy”; có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”.
Phải thực hiện bằng được “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất”.Xây dựng các tiềm lực kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc ngay trong thời bình. |
“Giữ nước từ khi nước chưa nguy” là nhấn mạnh một bài học lịch sử, một giá trị văn hóa giữ nước đặc sắc của dân tộc ta, là sự tiếp nối và phát huy giá trị đó, nâng lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng và sự phát triển của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Văn hóa giữ nước cùng nền tảng văn hóa dân tộc tạo nên sức sống bất diệt của dân tộc ta trước những thử thách cam go. Đó vừa là sản phẩm, vừa là động lực của sự nghiệp giữ nước, của công cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước suốt mấy nghìn năm lịch sử.
Do đó, “giữ nước từ khi nước chưa nguy” là một giá trị văn hóa giữ nước đặc sắc, trở thành một tư tưởng chỉ đạo, triết lý và phương châm giữ nước của ông cha ta.
Trong lịch sử dân tộc, nhân dân ta phải liên tiếp đương đầu chống giặc ngoại xâm, tiến hành hàng chục cuộc kháng chiến để bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ, hàng trăm cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng để giành lại độc lập dân tộc.
Nét đặc sắc của giá trị văn hóa giữ nước đó chính là xây dựng và phát triển đất nước, chăm lo đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng, an ninh, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, giữ yên lòng dân, ngăn ngừa, đẩy lùi các nhân tố dẫn đến nguy cơ chiến tranh, xung đột.
Thượng tướng Trần Quang Khải khi chỉ đạo quân dân Đại Việt chuẩn bị kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai (1285) đã thể hiện tư tưởng này qua câu thơ: “Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san”(Thái bình nên gắng sức/ Non nước vững nghìn thu).
Giành lại nền độc lập dân tộc sau 10 năm gian lao kháng chiến, vua Lê Thái Tổ đã nêu cao tinh thần hòa hiếu, giữ đất nước thái bình, tránh xung đột, chiến tranh. Khi đi kinh lý vùng biên, vua Lê Thái Tổ đã thể hiện rõ tư tưởng đó của mình bằng bài thơ cho khắc trên vách núi đá Thác Bờ (Hòa Bình): “Biên phòng hảo vị trù phương lược, xã tắc ưng tu kế cửu an” (Biên phòng cần có phương lược tốt, đất nước nên có kế lâu dài”.
Cho đến lúc cuối đời, vua Lê Thái Tổ di chúc lại cho con cháu: “Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”. Giữa thế kỷ XV, trước nhiệm vụ giữ nước còn rất nặng nề, vua Lê Thánh Tông đã nhắc nhở: “Phàm có nhà nước tất có võ bị” và ra chỉ dụ khuyên các tướng sĩ phải biết quý trọng gìn giữ, bảo vệ từng thước núi, tấc sông do cha ông để lại, năng luyện rèn sẵn sàng đối phó với giặc ngoài...
Điều đó cho thấy, giữ nước từ lúc nước chưa nguy là tư tưởng chiến lược, đã trở thành một quy luật trong sự nghiệp giữ nước của dân tộc ta.
“Giữ nước từ khi nước chưa nguy” là thực hiện nhiệm vụ giữ nước trong điều kiện đất nước dựng xây hòa bình, không phải khi có chiến tranh thì mới nói đến giữ nước. Nhiệm vụ giữ nước luôn gắn liền với nhiệm vụ xây dựng và được thực hiện ngay trong quá trình xây dựng đất nước.
Lực lượng CAND luôn giữ vững bản chất cách mạng, vì nhân dân phục vụ. |
Trong điều kiện kinh tế phát triển, xã hội ổn định, đất nước thái bình đã phải chú trọng và thực tốt nhiệm vụ giữ nước. Đồng thời cần thấy rằng, hiện nay chúng ta thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền đất nước gắn với bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng. Đó là sự kế thừa, phát triển và nâng lên tầm cao mới tư tưởng giữ nước của ông cha ta trong điều kiện lịch sử mới.
Không thể nói rằng, ngày nay chúng ta bảo vệ Tổ quốc là chỉ bảo vệ đất nước, chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, không cần phải gắn với bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng. Đó là quan điểm sai trái và phản khoa học. Mọi sự tách rời, đối lập các mặt, các nội dung trên đều là sai lầm, không đúng với thực chất tư tưởng giữ nước của dân tộc Việt Nam, không đúng với thực chất bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới cần phải được đấu tranh, phản bác.
Kể từ khi được thành lập sau Thế chiến 2, Liên Hiệp Quốc đã có những đóng góp quan trọng, góp phần ngăn chặn và giải quyết hậu quả nhiều cuộc xung đột trên thế giới. Tuy nhiên, hiện trên thế giới vẫn còn nhiều cuộc chiến tranh, xung đột, gây nhiều mất mát lớn cho nhân loại. Điều đó xuất phát từ chính sách cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt, từ việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm giải quyết tranh chấp, trong đó có tranh chấp về lãnh thổ.
Tại khu vực ASEAN, trong các diễn đàn đối thoại, quan điểm xây dựng một ASEAN hòa bình, phồn thịnh, hợp tác và phát triển là quan điểm nhất quán, được các nước chung sức thực hiện. Ngày nay, lãnh đạo các nước ASEAN thống nhất phải giữ vững sự đồng thuận và phát huy vai trò, tiếng nói chủ đạo của mình về hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực cũng như trong cấu trúc hợp tác khu vực đang định hình.
Trước những biến chuyển nhanh chóng ở khu vực và trong quan hệ giữa các nước lớn, hơn bao giờ hết, ASEAN cần phải duy trì sự đoàn kết, bảo đảm định hướng và lợi ích của Hiệp hội dựa trên các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương.
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Trong nước, các thế lực thù địch vẫn ráo riết chống phá sự nghiệp cách mạng. Đại hội XII tổng kết 30 năm đổi mới đất nước, Đảng ta nêu lên 5 bài học kinh nghiệm.
Trong đó, quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam.
Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định mục tiêu của quốc phòng, an ninh trong thời gian tới là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng động quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.
Trả lời phỏng vấn Báo CAND nhân 72 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và 72 năm Ngày Truyền thống CAND, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, 72 năm đã trôi qua, những thành quả cách mạng mà đất nước, nhân dân ta đã đạt được hôm nay dưới sự lãnh đạo của Đảng càng chứng minh sâu đậm hơn cho giá trị vĩ đại, tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9.
Trong không khí những ngày tháng lịch sử hào hùng này, chúng ta - mỗi người dân Việt Nam càng thêm tự hào về đất nước, dân tộc Việt Nam anh hùng, về Bác Hồ vĩ đại, Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và vững tin vào thành công của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn mới. Ngày nay, trong điều kiện đất nước thái bình, để xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phải thể hiện rõ bản chất Công an nhân dân.
Trong đó, “trọng dân, gần dân” là “kính trọng, lễ phép với nhân dân”; tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; khiêm tốn, cầu thị, không kiêu ngạo, quan liêu, sách nhiễu quần chúng nhân dân; có sự liên hệ mật thiết với nhân dân, đi sâu, đi sát, hiểu biết, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân để dân tin, dân phục và thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lực lượng CAND.
Đặt sự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an dưới sự theo dõi, nhận xét, đánh giá, kiểm tra, giám sát, phản biện của nhân dân...