Con đường ta phải đi

Thứ Sáu, 01/12/2017, 07:06
Chúng ta phải quan tâm đến yêu cầu an ninh an toàn cho từng cá thể, từng cá nhân hoạt động trên không gian này. Đây cũng là khía cạnh điều chỉnh của vấn đề an ninh mạng.

“Nhiều người nói rằng mạng xã hội phát triển như vậy thì có nên sử dụng mạng xã hội nữa không? Chúng ta phải nhìn nhận rõ, ta phải coi mạng xã hội là một phương tiện, một công cụ cho người dùng, như một con đường ta phải đi. Vấn đề là trách nhiệm của người sử dụng” - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) nêu quan điểm khi trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội.

Mỗi ngày, ở Việt Nam có bao nhiêu người lướt mạng xã hội, trong đó bao nhiêu ăn ngủ cùng mạng xã hội và bao nhiêu người là nạn nhân, là thủ phạm của những hành vi phạm pháp trên mạng? Lừa đảo tình, tiền, thóa mạ, mạt sát, đồi trụy, khiêu dâm, tấn công mã độc, công kích phản động..., tất cả mặt trái cuộc sống con người đều có trên mạng xã hội và được lan truyền với tốc độ “khủng”. 

Hẳn bởi choáng ngợp trước những mảng tối của mạng xã hội mà ngay tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đã quan ngại đặt câu hỏi: Liệu có nên dùng mạng xã hội nữa không? Hay phải ngăn chặn, phải siết chặt, phải tách con người thực khỏi mạng ảo, khỏi những “cuộc phiêu lưu” trên thế giới số?

Nhưng khi tách khỏi “thế giới màu đen” thì mạng xã hội sẽ thế nào? Đó không còn là câu chuyện của những cô cậu học trò, của những nam, nữ sinh mà mạng xã hội còn kết nối cả thế giới không phân biệt tuổi tác, cũng không phân biệt địa vị chính trị, giàu nghèo, hèn sang... 

Ngày nay, những nguyên thủ quốc gia không chỉ biết đến qua các bài phát biểu, qua những thông tin đã được bộ phận tham mưu nắn chỉnh cho hợp trên, phải dưới mà chính họ được tự do thể hiện quan điểm, suy nghĩ cá nhân trên mạng xã hội. 

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn trước Quốc hội. 

Những ngày APEC đầy sôi động tại Việt Nam mới đây, thế giới không chỉ biết đến những cuộc họp, ký kết, những buổi lễ hoành tráng, những bài phát biểu thuyết phục trên các chương trình truyền hình, tin tức, hình ảnh báo chí mà còn được ghi nhận đa dạng trên mạng xã hội.

Là một nhà lãnh đạo rất tích cực tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội để thể hiện quan điểm chính sách, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những ngày dự APEC ở Việt Nam đã thường xuyên cập nhật tin tức, hình ảnh trên Facebook, Twitter và Instagram. 

Hôm 10-11, Tổng thống Trump đã viết một dòng trạng thái trên tài khoản Facebook chính thức của ông, chia sẻ về lịch trình làm việc tại APEC 2017. Tài khoản Facebook của Tổng thống Trump còn phát trực tiếp (livestream) bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 (CEO Summit 2017), thu hút hàng triệu lượt xem. 

Trước khi rời Việt Nam kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước vào ngày 12-11, Tổng thống Trump đã đăng tải bức ảnh ông chụp chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và gửi lời tạm biệt trên Instagram...

Con số đáng chú ý: Thế giới có 52% số người sử dụng mạng Internet, 42% số người dùng mạng xã hội. Nhưng ở nước ta, số người dùng Internet hiện đã lên trên 67% và 60% số người dùng mạng xã hội, vượt mức bình quân của thế giới. 

Theo Bộ TTTT, thị trường này ở nước ta gần như là của công ty nước ngoài: mạng xã hội chiếm 95%, công cụ tìm kiếm 92%, thư điện tử cũng 98% là của Yahoo và Gmail; thương mại điện tử 80% nước ngoài. 

Thị trường quảng cáo trực tuyến như Facebook, YouTube chiếm 80%, năm 2016 đạt 350 triệu USD. Với 60% số người dùng mạng xã hội, ta dễ nhận thấy ở đâu, bất kỳ lúc nào, người ta cũng có thể say sưa với mạng xã hội: trong công sở, trong lớp học, trong hội nghị, tại quán nước, cà phê, bến tàu, xe... 

Mạng xã hội trở thành thứ bất ly thân với nhiều người. Nhiều cấp lãnh đạo cũng sử dụng mạng xã hội cho việc đăng tải một số thông tin, hình ảnh có tính giải trí, đồng thời nắm bắt, cập nhật thông tin...

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận, thế giới đang dịch chuyển theo hướng xã hội thông tin, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và truyền thông, tiến trình này đặt ra những thách thức mới cho cơ quan quản lý. Mạng xã hội giúp người dùng chia sẻ thông tin một cách hiệu quả, nhanh chóng, không phân biệt không gian, thời gian. 

Trong tương lai, những công cụ như mạng xã hội sẽ chiếm lĩnh ưu thế thông tin. Việt Nam đang hội nhập với thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự phát triển, thu hút của mạng xã hội là tất yếu. 

“Nhiều người nói rằng mạng xã hội phát triển như vậy thì có nên sử dụng mạng xã hội nữa không? Chúng ta phải nhìn nhận rõ, ta phải coi mạng xã hội là một phương tiện, một công cụ cho người dùng, như một con đường ta phải đi. Vấn đề là trách nhiệm của người sử dụng, bởi vì trên con đường đó có rất nhiều hạng người, có người tốt, có người xấu, thậm chí có kẻ cướp, nên đừng coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu mà phải coi ý thức của người sử dụng mạng xã hội như thế nào” - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn giải thích.

Ở Việt Nam, số người dùng mạng xã hội tăng mạnh, song người dân chưa nhận thức rõ nguy cơ mất an toàn thông tin. Lực lượng chuyên được đào tạo kiến thức an toàn an ninh thông tin quá ít. 

Hiện có khoảng 500 cán bộ chuyên trách chính thức về an toàn thông tin ở các cơ quan nhà nước, trong khi Trung Quốc là 40.000, Mỹ, Đức khoảng 15.000 - 20.000. Về ứng dụng công nghệ thông tin, nước ta đứng ở vị trí hơn 80 nhưng an toàn thông tin đứng trên 100, là mức trung bình yếu. Theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ số liên quan ý thức và hành vi của người dân thuộc loại yếu nhất trên thế giới. 

Tại Đức, chính phủ tuyên truyền phổ biến rất rõ ràng với người dân về rủi ro khi dùng mạng xã hội. Vì vậy, chỉ 37% dân số dùng mạng xã hội vì họ biết là dùng thì mất thông tin cá nhân. Ở Thái Lan, chính phủ có những biện pháp rất cương quyết để kiểm soát các hoạt động trên mạng xã hội.

Năm 2016, Việt Nam có đến 71% các thiết bị lây nhiễm mã độc. Đây là con số khá cao so với các nước. Các tổ chức quốc tế khảo sát, trong khi người dân các nước 60% nhận thức được nguy cơ lây nhiễm mã độc thì chỉ 11% người dân Việt Nam nhận thức được sự nguy hiểm. 

Hiện nay chúng ta có 61% máy tính nhiễm mã độc, đây là con số cao gấp nhiều lần so với trung bình của thế giới. Tính đến hết tháng 10/2017, ở ta có hơn 11.000 cuộc tấn công mạng, ngay trong Hội nghị APEC có 27 cuộc tấn công có chủ đích.

Về nguyên tắc, không có hệ thống thông tin nào là an toàn tuyệt đối. Do đó, công tác bảo đảm an toàn thông tin là thường xuyên, liên tục. Ở ta hiện 41% cơ quan tổ chức không thực hiện đánh giá rủi ro an toàn thông tin, không phát hiện được nguy cơ lỗ hổng, mã độc. 

Đó là ý thức của cơ quan, tổ chức còn chưa cao, cụ thể: 51% cơ quan, tổ chức chưa có quy trình thao tác chuẩn để phản hồi và xử lý khi xảy ra sự cố, 73% cơ quan, tổ chức chưa triển khai biện pháp an toàn thông tin theo chuẩn trong nước và quốc tế. 

Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn thông tin còn hạn chế, thường bị cắt giảm. Để khắc phục, Bộ TTTT đã trình Chính phủ một số dự án lớn như đào tạo nguồn nhân lực, thí điểm đặc thù tài chính, nhân lực chuyên về an toàn thông tin... 

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, hiện nay, hạn chế là giải pháp kỹ thuật chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook hay YouTube để chặn. Nếu chặn cả trang triệt để thì gây phản ứng của dư luận và nhà mạng. 

Các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên tận dụng công nghệ để phát tán như sử dụng công cụ miễn phí của công ty đa quốc gia, kết hợp tiếp thị trực tuyến... để thông tin lan truyền nhanh, khó kiểm soát, lợi dụng SMS để phát tán, thanh toán điện tử. Cái khó nữa là người dân ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội nước ngoài. 

Trong bối cảnh nước ta chưa có dịch vụ tương tự nên lệ thuộc khá nhiều vào Facebook và YouTube. Năm 2017, Việt Nam có 363 trang mạng xã hội trong nước được cấp phép hoạt động, 2 mạng nước ngoài cùng cấp vào Việt Nam (Facebook và YouTube).

Trong phiên thảo luận dự án Luật An ninh mạng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, mạng Internet làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội, tác động vào sản xuất, đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp năng suất lao động cao. 

“Không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin điện tử, Internet vì bất kể lý do gì. Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ đó thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới” - Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định. 

Tuy nhiên, chúng ta vào “cuộc chơi chung” thì bộc lộ rất nhiều nguy cơ về mất an ninh nếu không làm chủ. “Thủ tướng Singapore chia sẻ với tôi là thậm chí ngôi nhà ứng dụng Internet rất nhiều thì người khác có thể xâm nhập vào và biết được cả những bí mật của gia đình mình” - Bộ trưởng chia sẻ. 

Nhấn mạnh quan điểm rõ ràng chúng ta cần ứng dụng của Internet nhiều hơn nữa và nước ta còn nhiều tiềm năng, Bộ trưởng Tô Lâm dẫn chứng việc chúng ta đang phát triển Chính phủ điện tử, thời cách mạng công nghiệp 4.0 thì phải ứng dụng tiến bộ của công nghệ thông tin, Internet. 

Vấn đề đặt ra là phát triển phải song hành với đảm bảo an ninh, an toàn. An ninh mạng ở đây khác với bí mật Nhà nước. Hoạt động của từng cá nhân tham gia vào không gian mạng đều cần được đảm bảo an ninh, an toàn, chứ không chỉ là vấn đề an ninh chung của quốc gia. 

Chúng ta phải quan tâm đến yêu cầu an ninh an toàn cho từng cá thể, từng cá nhân hoạt động trên không gian này. Đây cũng là khía cạnh điều chỉnh của vấn đề an ninh mạng.

An Nhi
.
.