Chuyện cũ lắm rồi

Thứ Tư, 04/07/2018, 09:25
Ngô tính nệ cổ, chắc ngày bé đọc sách từ sớm quá đâm ra lẩn thẩn lúc nào chẳng hay. Một mực tin rằng cho dẫu thế sự xoay vần đến đâu, cho dẫu thiên la địa võng của thời cuộc giăng mắc thế nào, thì thời nào, đời nào dân cũng là gốc trong vạn sự.

Mấy nghìn mấy trăm năm, từ cọc gỗ Bạch Đằng Giang cho đến Hội nghị Diên Hồng, từ người Giao Chỉ đóng khố xăm mình cho đến dân tộc Kinh văn minh cần cù, từ những hoàng bào triều ca lấp lánh cho đến xã hội chủ nghĩa hiện thời, nếu không có dân thì làm sao hiện hữu.

Một đất nước, một giang sơn, vẫn biết mỗi thời đại một thiên tử một triều thần, nhưng nếu không có dân thì làm sao có thời đại, có triều thần, có thiên tử, có đất nước, có sơn hà.

1. Bậc anh minh Lý Công Uẩn khi xuống chiếu dời đô, mấy chữ triều thần tấu lên trước tiên phải là "vì thiên hạ mà lập kế lâu dài". Nghĩa là, vì dân trước hết, bởi thiên hạ chính là dân mà dân chính là thiên hạ. Thiên tử mà không có thiên hạ thì hóa ra thiên tử chỉ là kẻ gàn rỡ múa may quay cuồng hoang tâm hoang tưởng mà thôi.

Kiểu như các hàng thần xưa kia bị chiếm đất chiếm dân, do đầu hàng kẻ thù nên cũng được phong vương phong tước, nhưng dăm gia nhân vài khúc lụa một phủ đệ kín cổng cao tường, tưởng đấy là quyền chức mà có phải quyền chức đâu; tưởng đấy vẫn còn cái phong vị kẻ quỳ người bẩm nhưng có phải đâu. Đơn giản, thứ quý giá nhất là dân đã bị tước đoạt đi rồi.

Chính bởi bậc anh minh Lý Công Uẩn vì thiên hạ mà lập kế lâu dài nên mới được trên dưới một lòng ủng hộ dời đô ra Thăng Long, mới trên đường đi thấy rồng bay lên, thấy mây hóa thành lọng che kiệu. Vì có được lòng dân nên mới mạnh dạn, "Trên thuận theo ý trời, dưới thuận theo ý dân".

Thuận theo ý trời tức là tuân theo thiên mệnh, Ngô đọc sách thấy người xưa viết, thuận theo thiên mệnh cũng như trồng cây chịu khó chăm sóc tưới táp, chắc chắn cây sẽ xanh tốt phát triển cho quả thơm ngọt. 

Đó là cách nhiều quốc gia, dân tộc chọn cách thuận theo thiên nhiên, dựa theo thiên nhiên để cùng trường tồn và phát triển chứ không cưỡng đoạt với thiên nhiên, đấu tranh với thiên nhiên. Tất nhiên, mỗi quốc gia dân tộc một ý thức hệ, một điều kiện sống.

Để có thể thuận theo thiên mệnh thì phải có được lòng dân, thế nên năm xưa có cuộc khởi nghĩa chống lại sự suy đồi triều đình hay phá giặc ngoại xâm nào lại thiếu những câu chuyện gươm thần trao chủ tướng hay thiên thư khắc tên quân vương. 

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Phải có những điều đó thì dân mới tin, dân đã tin thì dân mới theo, mà có ai một khi đã được dân tin, dân theo rồi lại không lấy lại được thiên hạ, lại không làm nên nghiệp lớn bao giờ. Nên bậc anh minh Lý Công Uẩn thuận theo thiên mệnh ấy cũng chính là thuận theo lòng dân vậy.

Sau khi thuận theo lòng dân thì phải có đạo nuôi dân, đạo dùng dân. Thái úy Lý Thường Kiệt nhận mệnh vua dẫn quân đại phá quân Tống, đã viết "Phạt Tống lộ bố văn" trong đó trước nhất cũng nhắc đến dân.

"Trời sinh ra dân chúng, Vua hiền ắt hoà mục. Đạo làm chủ dân, cốt ở nuôi dân. Nay nghe vua Tống ngu hèn, chẳng tuân theo khuôn phép thánh nhân, lại tin kế tham tà của Vương An Thạch, bày những phép "thanh miêu", "trợ dịch", khiến trăm họ mệt nhọc lầm than mà riêng thoả cái mưu nuôi mình béo mập.

Bởi tính mệnh muôn dân đều phú bẩm tự trời, thế mà bỗng sa vào cảnh éo le độc hại. Lượng kẻ ở trên cố nhiên phải xót. Những việc từ trước, thôi nói làm gì!

Nay bản chức vâng mệnh quốc vương chỉ đường tiến quân lên Bắc, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có ý phân biệt quốc thổ, không phân biệt chúng dân. Phải quét sạch nhơ bẩn hôi tanh để đến thuở ca ngày Nghiêu, hưởng tháng Thuấn thăng bình!

Ta nay ra quân, cốt để cứu vớt muôn dân khỏi nơi chìm đắm. Hịch văn truyền tới để mọi người cùng nghe. Ai nấy hãy tự đắn đo, chớ có mang lòng sợ hãi".

Nghĩa là đấng cao nhất, đấng là cha của vua, vua mới là thiên tử thôi chính là đấng sinh ra dân, nghĩa là vua với dân cũng đều chung một nguồn gốc. Quan trọng nhất là mấy chữ, "Đạo làm chủ dân, cốt ở nuôi dân".

Dân có giàu thì nước mới mạnh, dân có học thức thì nước mới có văn minh, dân có tiến bộ thì nước mới có phát triển. Nếu quốc gia là một cơ thể thì dân chính là huyết mạch, là nội tạng, là cơ bắp của quốc gia đó.

Nhìn lại dân tộc ta mới cách đây hơn trăm năm, khi mà rượu lẫn ma túy hoành hành khắp triều Nguyễn (kéo dài sang cả lúc vương triều này mất đi), thuốc phiện đã biến rất nhiều những người con trời Nam kiêu dũng năm xưa thành những kẻ bạc nhược, chỉ biết nằm duỗi chân đánh bạn với tẩu thuốc, lấy làn khói trắng ảo giác làm tri âm tri kỷ còn nước mất nhà tan ra sao mặc kệ.

Thế nên mới có cắt đất cầu hòa, mới có hiệp ước này hiệp ước kia, mới có nhận bảo hộ của mẫu quốc, mới có nước, có vua mà như không có vua, mới xảy ra chuyện nước nhục đến mức vua phải chịu lưu đày bỏ thân nơi xứ khác.

Mặc cho, năm 1820, vua Minh Mạng có chỉ "Thuốc phiện là thứ thuốc độc từ nước ngoài đem lại, những phường du côn lêu lổng lúc mới cho là phong lưu, rồi chuyển thành thói quen, thường thường nghiện mà không thể bỏ được. Vì nó, quan bỏ cả chức vụ, dân thì phá hết sản nghiệp, thậm chí gầy mòn thành tật… Nay nên bài để nghiêm cấm đi". 

Thậm chí là xử tội cả quan lại lén lút hút thuốc phiện, "Năm 1832, hai quan chức là Hoàng Công Tài và Lê Văn Huyên hút vụng thuốc phiện. 

Vua Minh Mạng xử tội trảm giam hậu (xử chém nhưng còn chờ xét lại) và ban lệnh nghiêm cấm: "Từ hoàng thân quốc thích cho đến các quan lớn nhỏ trong kinh và ngoài tỉnh đều nên khéo giữ gìn, răn kỹ lánh xa để giữ cho thân danh được toàn vẹn. Nếu kẻ nào còn vi phạm sẽ bị bắt tội, không tha". 

Rồi đến vua Tự Đức, "Gần đây án xử có phần sân si không đều, nên chuẩn định: Người nào hút vụng bị người bắt được không kể là có đổi bỏ được hay không, đều bị tịch thu gia sản, không trả lại nữa; nếu tự thú ra đã qua xét nghiệm là đã bỏ được rồi thì gia sản được trả lại, quân dân cũng thế".

Nhưng trót quên nuôi dân một thời gian dài để dân đắm say với thứ nghiện ngập ấy, thì biết vực lại nề nếp của một quốc gia bằng cách nào.

2. Hiền nhân lỗi lạc Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô Đại Cáo, "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân".

Việc trị quốc sẽ là thất bại, mối nguy lớn nhất trong việc trị quốc chính là không yên được dân. Mà muốn yên dân thì phải lấy lễ để đãi dân, lấy cái chính danh, cái đúng đắn để dạy dân, hướng cho dân.

Muốn được như vậy thì bộ máy phải trong sạch, vững mạnh. Quan lại địa phương phải giữ được công minh liêm chính, quan lại có tha hóa, có vơ vét của công để làm của riêng, có lạm sức dân, có đề ra những khoản đóng phí thuế vô lý tận thu, có ngông nghênh đề bạt người thân, người nhà vào vị trí ăn trên ngồi trốc không đúng luật định phải bị trừng trị, nêu gương.

Hồi nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật còn sống, Ngô hầu chuyện cụ được cụ kể cho nghe câu chuyện về bộ hài cốt không có đầu chôn ở chợ Vườn Chuối, Quận 3, TP.HCM. Bộ hài cốt của Phó Tổng trấn Gia Định Huỳnh Công Lý.

Huỳnh Công Lý có con gái là thiếp yêu của vua Minh Mạng, cậy thế sủng thần nghênh nghênh ngang ngang, lạm quyền vơ vét tham nhũng. Đức Tả quân Lê Văn Duyệt hạ lệnh bắt nghiêm trị, Minh Mạng hay tin yêu cầu đưa Huỳnh Công Lý về Huế. Đức Tả quân e đưa Lý về Huế vua lại nể tình mà tha, Tả quân dùng kiếm của tiên đế ban cho chém đầu Huỳnh Công Lý. 

Về sau có nhiều giả thuyết cho rằng Đức Tả Quân vì Huỳnh Công Lý có lần tỏ ý phong nguyệt với nàng hầu của Đức Tả Quân mà lấy cái chung để trị cái riêng. Cá nhân Ngô cho rằng Đức Tả Quân không phải là người như vậy.

Nhắc lại câu chuyện này để thấy rằng phải có cái uy giữ phép nước như Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt thì đấy mới chính là việc nhân nghĩa cốt ở yên dân.

3. Mấy lâu Ngô có viết một đoản văn lạm bàn về chữ dân, tiện thể xin trích lại hầu bạn đọc. Thăm thẳm dặm dài lịch sử, nâng thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân. 

Trải qua nghìn năm Đinh, Lê, Lý, Trần... không can qua nào lại không khởi nguồn từ những đôi tay quen với cánh đồng, những bàn chân quyến luyến với thênh thang bụi đỏ, những khuôn mặt kết bạn với nắng mưa.

Hôm minh quân mất thuở xa xưa, hôm lãnh đạo tốt mất hôm nay, dân vẫn khói hương bài vị, vẫn nước mắt khóc thương, vẫn chân thành hoài vọng, có bao giờ dân quên. 

Trong huyết quản triệu triệu người con của dân tộc này, cho dẫu có nhọc nhằn mưu sinh, cho dẫu có chăn êm nệm ấm, vẫn chưa bao giờ ngoảnh mặt với quốc gia, chưa bao giờ lờ đi mối hiểm họa về một tương lai không hy vọng.

Trên mâm cơm có thể thiếu miếng thịt, trong nhà có thể thiếu vài vật dụng tối thiểu, ra đường bị chèn ép im lặng cho qua, có việc đến chốn công môn khoanh tay thưa dạ... Ấy là khi dân còn chịu được, ấy là lúc dân còn châm chế được, còn chấp nhận được.

Việc nhân nghĩa nào không cốt ở yên dân, có quốc gia nào lòng ý chỉ trên trái tâm nguyện dân mà thịnh trị.

Lại vẫn một câu đã cũ, những điều góp ý, những chữ viết ra đều rất đỗi chân thành.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.