Mặt trận Xô – Đức mùa xuân 1942: Hùng ca ngày tận thế

Thứ Hai, 04/02/2019, 18:16
"Đằng sau chúng ta là Moskva!", và những đoàn quân tiến thẳng từ Quảng trường Đỏ ra tiền tuyến, giành giật từng tấc đất, từng chiến hào, từng dãy phố.


Từ mùa đông năm 1941 đến chiến thắng Stalingrad vĩ đại, đó là những ký ức sâu đậm nhất hằn vào dòng chảy lịch sử nhân loại, trong khoảng thời gian được coi là bản lề xoay chuyển cục diện Mặt trận phía Đông (Xô - Đức) của Đệ nhị Thế chiến. Song, đằng sau sự hào hùng đó, còn là bao nhiêu vận động âm thầm.

Sắt thép chọi sắt thép

Sẽ rất dễ trở thành phiến diện, nếu cố gắng quy nạp cục diện cuối cùng chỉ bằng một vài yếu tố cốt lõi. Một cuộc chiến luôn luôn bao hàm trong diễn biến của nó quá nhiều ngã rẽ, được hình thành từ những yếu tố đã hiện hữu, mà mỗi lựa chọn đều tác động đến cả tiến trình để tạo nên những gì xảy ra sau nó.

Từ mùa đông 1941 đến mùa xuân 1942, có không ít những ngã rẽ như thế xuất hiện trước mặt các vị chỉ huy của cả Hồng quân Liên Xô lẫn quân đội Đức Quốc xã. Tuy nhiên, ở tiền tuyến, ý chí của cả Josif Stalin lẫn Adolf Hitler gần như trùng lặp với nhau: Không một bước lùi! Điều đó khiến chiến cuộc mặt trận phía Đông trở nên khốc liệt gấp bội. Và đến cuối tháng 3-1942, cả hai bên đã cùng gần như kiệt lực.

Xe tăng Đức gần Moskva, tháng 1-1942.

Bất chấp việc Guderian - cha đẻ của chiến lược Chiến tranh chớp nhoáng (Blitzkrieg) cơ giới hóa hiện đại, cũng là người hùng chinh phục nước Pháp năm 1940 - đích thân ra tận chiến trường thị sát và trở về báo cáo rằng binh sĩ Đức không còn khả năng duy trì các phẩm chất cơ bản của mình nữa, nhà độc tài Đức Quốc xã vẫn khăng khăng: "Nếu cho phép lui quân dù chỉ vài bước, chúng ta sẽ mất tất cả!" (Hitler và các danh tướng Đức Quốc xã - Raymon Carter).

Ngược lại, khi quân Đức chỉ còn cách Moskva chừng 100km, không có lý do gì để Josif Stalin chấp nhận thêm bất cứ cuộc triệt thoái nào.

Và cả hai đều có lý của mình. Tháng 12/1941, sau khi đã kiên cường phòng ngự để chặn đứng bước tiến của kẻ địch, Hồng quân bắt đầu tổ chức phản công trên diện rộng. Khoảng 80 vạn chiến sĩ thuộc 100 sư đoàn, biên chế theo bảy tập đoàn quân và hai quân đoàn kỵ binh, dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Georgi Zhukov, phản kích dọc một phòng tuyến dài tới 360 km. Quân Đức bị đánh bật khỏi ngoại ô Moskva.

Nhưng, cũng chính là nhờ ý chí cực đoan đến điên khùng của Hitler, quân đội lừng danh tinh nhuệ ấy đã không đánh mất tất cả. Họ củng cố lại được trận thế, để lại tấn công vào miền Nam nước Nga, đầu năm 1942. Rồi đến tháng 9/1942, trận Stalingrad huyền thoại bắt đầu.  

Đó là những chiến dịch tấn công lớn cuối cùng của quân đội Đức Quốc xã trong Đệ nhị thế chiến. Nó được xây dựng bởi hàng loạt những nỗ lực phi thường của cả Adolf Hitler lẫn các tướng lĩnh Đức, trong việc lôi kéo đồng minh, thúc giục tinh thần binh sĩ và tìm kiếm các nguồn tiếp liệu.

Cuốn Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba (William L.Shirer) ghi lại: Tháng 2-1945, Hitler, Goering và Ngoại trưởng Ribbentrop sang Roma. Ribbentrop nói với người Ý: "Khi những nguồn cung cấp dầu của Nga bị cắt đứt, họ sẽ đầu hàng. Và rồi người Anh cũng sẽ cúi đầu". Hitler thì "diễn thuyết liên tục 1 giờ 45 phút cho Mussolini nghe, về chiến tranh và hòa bình, tôn giáo và triết học, nghệ thuật và lịch sử…".

Kết quả, để chuẩn bị cho một mùa hè 1942 rực lửa trước mắt, Đức Quốc xã được hứa hẹn sẽ có thêm 52 sư đoàn quân các nước đồng minh (Ý, Romania, Hungary, Slovakia, Tây Ban Nha…) bổ sung cho mặt trận phía Đông.   

Vấn đề là, Stalin và toàn Liên Xô cũng đã sẵn sàng.

Các xe tăng T-26 của Liên Xô chuẩn bị cho cuộc phản công ở ngoại vi Moskva, mùa đông 1941-1942.

Nhưng chỉ có một người chiến thắng

Những trận đánh và chiến thuật được sử dụng trong các trận đánh đó - luôn được nhìn nhận theo các lăng kính mang màu sắc cảm tính, duy ý chí, tô hồng hay bôi đen…, xét cho cùng, chỉ là một phần trong tổng thể vô cùng rộng lớn và phức tạp của khái niệm "chiến tranh".

Như chính Carl Von Clausewitz - nhà quân sự kiệt xuất người Đức - từng viết: "Chiến tranh chỉ là sự tiếp diễn của chính trị bằng một phương tiện khác", chiến thắng được cấu thành từ vô vàn các yếu tố mang tính chính trị. Tinh thần chiến đấu của con người là một thí dụ. Hậu cần - "căn bản binh gia" - là một thí dụ khác, bởi "những kẻ tài tử bàn về chiến thuật, còn các chuyên gia nghiên cứu về hậu cần" (Amateurs talk about tactics, but professionals study logistics - câu nói được cho là của tướng Mỹ Robert H.Barrow).  

Đến mùa xuân 1942, một cách chính thức, chiến lược Chiến tranh chớp nhoáng lẫy lừng của quân đội Đức Quốc xã đã thất bại. Họ không thể tái lập được một kỳ công như cuộc đột kích vòng qua chiến lũy Maginot để bắt nước Pháp quỳ gối năm 1940 nữa.

Những trận thắng như chẻ tre từ mùa hè 1941 đã bị chặn đứng trước Moskva, và hệ lụy của nó là binh sĩ Đức phải chiến đấu quá xa hậu phương, với khó khăn chồng chất trong khâu tiếp liệu.

Bị dồn ép, nhưng tiềm lực của Hồng quân Liên Xô ở thế hoàn toàn ngược lại. Họ được chiến đấu trên "sân nhà", với thứ "doping tinh thần" vô giá là tình yêu Tổ quốc, trong một Cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Họ ở gần hậu phương, và được cung cấp hậu cần tốt hơn.

Stalin cũng như Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho giai đoạn này, bằng cách nhanh chóng di dời các khu công nghiệp trọng điểm về tận chân dãy Ural, nơi rất gần các mỏ khoáng sản, mà không quân Đức không thể vươn tới. Ở đó, trên dưới một lòng, những người công nhân Liên Xô sẵn sàng làm một ngày 3-4 ca, tăng gấp 50% - 100% định mức để phục vụ cho tiền tuyến.

Nơi chiến trường, sau những tổn thất ban đầu, các tướng lĩnh hàng đầu của Liên Xô đã rút tỉa được những kinh nghiệm quý báu, và những cá nhân kiệt xuất như Zhukov cũng đã "xuất đầu lộ diện". Nhưng quan trọng hơn, họ vẫn luôn được tin tưởng và được trao cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Sự đồng thuận và gắn kết này, phía Đức không có được.

Thống chế Von Manstein - Tổng tham mưu trưởng lục quân - liên tục bị chỉ trích. Tướng Guderian bị lạnh nhạt. Hàng loạt tướng lĩnh bị cách chức. Erwin Rommel, vị tướng thiết giáp huyền thoại, bị mặc cho xoay sở một mình ở mặt trận Bắc Phi trong thiếu thốn, khiến những thành tựu của ông không thể phát huy được hiệu quả như mong muốn trước quân Anh - Mỹ. Sau chiến tranh, theo Raymond Carter, có giai thoại kể rằng Nguyên soái Tymoshenko của Liên Xô hỏi Thống chế Keitel: "Tại sao các ông bắt đầu chiến tranh với những người ở hàng đầu, mà lại kết thúc với những người ở hàng thứ hai, thứ ba?". Keitel không trả lời. Người phụ tá thân cận quá hiểu tính nết thiếu kiên nhẫn và cực đoan của Hitler.

Cũng ngay trong thời điểm cuối 1941, đầu 1942 đó, theo William Shirer, những ý tưởng đầu tiên về việc lật đổ Hitler đã manh nha xuất hiện trong quân đội Đức. Nó bộc lộ rằng khác với giai đoạn chuẩn bị và bắt đầu Đệ nhị Thế chiến, nước Đức Quốc xã không còn là một khối thống nhất nữa. Thuyết "không gian sinh tồn cho chủng tộc Aryan thượng đẳng" cũng không còn lấp lánh hào quang nữa, trong sự khắc nghiệt đến tàn bạo của chiến tranh.

Nhưng, Hitler không nhìn thấy những vấn đề đó. Nhà độc tài đã đi quá xa, đã thành công quá nhanh để chỉ còn nhìn thấy ý muốn của mình. Dù có thực tế hơn, nghĩa là vạch kế hoạch tập trung binh lực xuống phía Nam để tiến vào các mỏ dầu ở dãy Kavkaz (Caucasus) và chiếm lấy những nguồn cung cấp lương thực quan trọng của Liên Xô, thì mục tiêu cuối cùng của ông ta vẫn không thay đổi: Đánh bại Liên Xô, nghĩa là thôn tính một miếng mồi quá lớn so với khả năng của nước Đức. 

Cụ thể: Ông ta muốn chiếm Stalingrad, nhưng lại không có một kế hoạch cụ thể và chi tiết nào cho nhiệm vụ này. Trong khi đó, Nhật Bản đã kịp lôi nước Mỹ vào cuộc chiến.

Stalin nhìn thấu toan tính của Hitler, và Stalingrad trở thành một bản anh hùng ca chói sáng. Sau đó, mùa xuân 1943, là trận phản công kinh điển trên vòng cung Kursk, đẩy quân đội Đức Quốc xã vào thế phải rút chạy.

Song, sẽ không có tất cả những điều đó, nếu quân dân Xôviết không gắn bó đến thế, đồng thuận đến thế và thể hiện sức mạnh của khối thống nhất ấy một cách rõ ràng đến thế, từ mùa đông 1941 đến những trận phản kích trên tuyết tan xuân 1942, trước cửa Moskva, khi ngày tận thế tưởng như đã cận kề. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng thăng hoa từ cả ý chí phi thường, từ niềm tin chiến thắng bất diệt lẫn những nỗ lực thầm lặng và không mệt mỏi.

* Sau chiến cuộc đông - xuân 1941 - 1942, tổng cộng số thương vong của quân đội Đức lên tới gần 1,7 triệu binh sĩ. Nước Đức không đủ tân binh để bù đắp những tổn thất này.

* Đến ngày 30-3-1942, một báo cáo của lục quân Đức cho biết: Trong tổng số 162 sư đoàn tham gia tác chiến, chỉ còn 8 sư đoàn đủ sức tấn công. 16 sư đoàn thiết giáp, chỉ còn 140 xe tăng (ít hơn biên chế 1 sư đoàn) còn sử dụng được, bởi sự khắc nghiệt của mùa đông nước Nga cũng như sự thiếu thốn nhiên liệu. 

Đông Quân
.
.