Khủng hoảng nhân sự trong Nhà Trắng

Thứ Sáu, 18/08/2017, 09:37
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân sự thực sự, bắt đầu từ sự hỗn độn tại các vị trí lãnh đạo cấp cao trong nội các cho đến việc sa thải "vô tội vạ" nhiều thành viên được cho là chủ chốt.

Giới quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Trump ngày càng thất vọng về các chính sách và nạn quan liêu, đồng thời phàn nàn bị gò bó khi làm việc cho chính phủ.

Những người theo chủ nghĩa quốc tế (yêu cầu Mỹ thể hiện vai trò lãnh đạo truyền thống trên thế giới) đang xung đột với những người ủng hộ cách tiếp cận "Nước Mỹ là trên hết". Các nhà phân tích cho rằng, cách tiếp cận của ông Trump trong vấn đề nhân sự vô tình cho thấy sự hiểu lầm căn bản của ông về cách chính phủ hoạt động.

Nội các bất ổn

Ngay từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã vạch sẵn kế hoạch thanh lọc người cũ của ông Barack Obama, đồng thời yêu cầu quốc hội thông qua luật cho phép sa thải các công chức dễ dàng hơn. 

Ông Trump còn muốn đưa các doanh nhân vào làm việc bán thời gian trong bộ máy chính phủ mà không phải từ bỏ công việc họ đang làm ở những công ty tư nhân. Nhà tài phiệt New York luôn cho rằng, những kinh nghiệm kinh doanh đã giúp ông chuẩn bị tốt để trở thành tổng thống Mỹ.

Trên thực tế, ông Trump đã mời một số tỷ phú tài chính phố Wall nắm giữ những chức vụ quan trọng liên quan tới kinh tế trong chính quyền nhằm bảo đảm lợi ích cho đất nước. Vị Tổng thống đã chọn một nội các giàu có nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại, với tổng số tài sản (gồm cả của ông) hàng tỷ USD.

Giới chuyên gia cho rằng, tầng lớp lao động sẽ mất rất nhiều khi mà các tỷ phú điều hành đất nước bởi vì điều hành đất nước không giống như vận hành một doanh nghiệp. Chẳng hạn như các đề xuất cắt giảm thuế của ông Trump.

Theo phân tích, kế hoạch thuế của ông Trump có thể cắt giảm các loại thuế ở mọi mức độ thu nhập, nhưng những người được lợi nhất tính cả bằng đồng USD và về tỷ lệ thuế lại chính là những người có thu nhập cao nhất.

Nhiều nhân vật quan trọng đã từ chức hoặc bị chính quyền Trump sa thải vì "không làm được việc".

Có rất nhiều cơ chế khác trong đề xuất thuế của Trump nhằm làm lợi cho người giàu, bao gồm cả việc giảm thuế đất, giảm thuế doanh nghiệp, và cho phép các khoản lợi nhuận lên tới hàng nghìn tỷ USD ở hải ngoại về nước với thuế rất thấp. 

Kế hoạch của ông Trump sẽ làm tăng số nợ quốc gia, từ 20 nghìn tỷ USD lên 27 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới, và thêm 20 nghìn tỷ USD nữa cho tới năm 2036.

Dù được sự hỗ trợ của nhiều tỷ phú nhưng trên thực tế chính quyền Donald Trump lại đang phải đối mặt với khủng hoảng nhân sự. Sự trì trệ khiến các trung tâm quyền lực quan trọng rơi vào tình trạng thiếu lãnh đạo trong lúc ông Trump nỗ lực thúc đẩy các ưu tiên chính sách cho những vấn đề như chăm sóc sức khỏe, thuế, thương mại và môi trường. Vì vậy, đây là cuộc chuyển giao quyền lực chậm nhất trong hàng thập kỷ qua ở Mỹ.

Trong khi đó, ông Trump đã nhấn mạnh rằng các vị trí bị bỏ trống trong chính phủ của ông không phải là một thiếu sót mà là bước tiên phong của kế hoạch cắt giảm quy mô bộ máy liên bang, rằng "có rất nhiều vị trí mà tôi không muốn chỉ định bởi vì không cần thiết phải có".

Các vấn đề về nhân sự của ông Trump bắt nguồn từ nỗ lực chuyển giao quyền lực đầy rối loạn, khiến ông không có được một đội ngũ ứng viên nội các đáp ứng tiêu chuẩn về an ninh và tài chính để sẵn sàng làm việc.

Thời gian sau đó, sự rối loạn này còn kết hợp với những rào chắn do chính ông gây ra, bao gồm một bài kiểm tra lòng trung thành trong một số trường hợp đã loại bỏ các ứng cử viên đủ tiêu chuẩn, hay một lệnh cấm vận động hành lang 5 năm làm nản lòng một vài ứng viên tiềm năng nhất và cảm giác chung về sự thay đổi ở Nhà Trắng đã khiến nhiều người khác chùn bước.

Tuy vậy, Nhà Trắng nói rằng chính quyền Trump "không hề trễ nải" khi đang chọn lọc một số lượng lớn ứng viên tiềm năng cho các vị trí quan trọng. Nhà Trắng đã đặt ra tiến độ lấp đầy các vị trí ngang với với tiến độ của các chính quyền trước đây, và giờ đang tiến hành nhanh hết mức có thể quá trình tuyển dụng kỹ lưỡng.

Kế hoạch thanh lọc

Những rắc rối liên quan đến nhân sự dường như phản ánh sự thiếu kinh nghiệm của ông Trump về quản lý nhà nước. Một thách thức khác là việc ông Trump cố áp dụng mô hình lãnh đạo doanh nghiệp hàng thập kỷ của ông vào bộ máy quan liêu liên bang rộng lớn. 

Cách tiếp cận mà tổng thống sử dụng khi là doanh nhân và khi còn tranh cử đơn giản là không thể mở rộng để áp dụng cho thách thức lấp đầy phần còn lại trong đội ngũ điều hành chính phủ.

Thêm một thách thức cho ông Trump là cách tiếp cận nhân sự đôi khi được xem là ngẫu hứng. Ông đột ngột yêu cầu 46 chưởng lý trên toàn quốc nộp đơn từ chức và ngay lập tức dọn dẹp bàn làm việc của họ, để lại cho ông nhiệm vụ tìm kiếm những người thay thế.

Điều đáng quan ngại hơn là những sóng ngầm bất ổn ngay bên trong nội các của Donald Trump. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mập mờ về khả năng từ chức sau khi tỏ ra thất vọng vì không được trao quyền kiểm soát bộ ngoại giao một cách đầy đủ.

Ông Tillerson phải nhận những lời chỉ trích gay gắt từ Tổng thống Trump sau khi Iran miễn cưỡng tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - trong đó Tehran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để Washington giảm bớt lệnh trừng phạt nước này.

Một bất đồng khác giữa Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Tillerson là cuộc khủng hoảng Qatar khi ông Tillerson đã yêu cầu Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập nới lỏng sự phong tỏa đối với Qatar nhưng ông Trump lại cáo buộc Qatar tài trợ khủng bố.

Dù không thể hiện ra ngoài nhưng Donald Trump luôn muốn cấp dưới phải phục tùng mình. Giờ đây, Nhà Trắng đang chuẩn bị tiến hành đợt "thanh trừng nội bộ" lớn chưa từng thấy. Ông Trump cảnh báo sẽ sa thải tất cả những người để rò rỉ tin tức của Nhà Trắng, đồng thời sẽ mạnh tay trong việc cải tổ nhân sự để thanh lọc bộ máy Nhà Trắng. Gương mặt đầu tiên là trợ lý cấp cao cho thư ký báo chí Nhà Trắng Michael Short.

Nhiều nhân viên khác từng làm việc cho Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa (RNC) như Michael Short có nhiều khả năng sẽ bị sa thải. Bởi đã có nhiều căng thẳng giữa các nhân viên RNC làm việc tại Nhà Trắng và đội ngũ làm việc cho ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử.

Nhiều chuyên gia cho rằng quá trình thanh lọc bộ máy Nhà Trắng đã bắt đầu trong 4 tháng đầu nhậm chức. Ông Mike Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia, đã phải từ chức vì sức ép hồi tháng 2 do nói dối về mối quan hệ với Nga khi mới đảm nhiệm vị trí được 24 ngày.

Tổng thống Trump đã sa thải quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates vì chống sắc lệnh nhập cư của ông, cho công tố viên quận Nam của New York Preet Bharara "nghỉ việc" hồi tháng 3 sau khi ông này từ chối từ chức.

Bên cạnh đó, có tới 80 đại sứ tại một loạt các quốc gia, tổ chức đã bị sa thải khi ông Trump nhậm chức. Việc các đại sứ của chính quyền cũ phải từ chức khi tổng thống mới lên nắm quyền là điều thường xảy ra ở Mỹ, nhưng việc chính quyền mới không có kế hoạch thay thế đã dẫn tới việc nhiều vị trí bị bỏ trống vài tháng.

Tổng thống Donald Trump đã khiến dư luận Mỹ choáng váng khi sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey với lý do không đủ năng lực. Quyết định khiến chính trường Mỹ bất ngờ không chỉ vì được thông báo đột ngột mà còn vì ông Trump từng khen ngợi ông Comey hết lời khi điều tra cáo buộc cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton sử dụng máy chủ cá nhân để xử lý việc công.

Nhiều người cho rằng ông Comey bị sa thải do đã lạm quyền; trong khi đó, số khác khẳng định ông Comey đã phạm nhiều sai phạm khiến ông chủ Nhà Trắng "khó chịu". Tuy nhiên, một số thành viên đảng Dân chủ chỉ trích động thái sa thải ông Comey nhằm che đậy cuộc điều tra về cáo buộc các thành viên trong chiến dịch bầu cử của ông Trump thông đồng với chính quyền Nga.

"Nạn nhân" tiếp theo trong chiến dịch thanh lọc của chính quyền Trump là cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus sau 189 ngày tại chức. Tổng thống Trump mất dần niềm tin với ông Priebus sau hàng loạt vụ rò rỉ thông tin với truyền thông, từng quở trách nặng nề "sự vô dụng" của ông Priebus, đặc biệt sau khi các mục tiêu lập pháp quan trọng không được Quốc hội thông qua.

Cú sốc mới nhất mang tên Anthony Scaramucci - Giám đốc truyền thông Nhà Trắng - bị sa thải sau khi ông này chỉ trích gay gắt một số quan chức cấp cao trong nội các của Tổng thống Trump, kéo theo sự ra đi của cựu Thư ký báo chí Sean Spicer. 

Quyết định sa thải ông Scaramucci được đưa ra chỉ 10 ngày sau khi ông Scaramucci được bổ nhiệm. Trước đó, việc Anthony Scaramucci nhậm chức bất chấp sự phản đối của nhiều quan chức trong nội các Mỹ đã khơi lại những rắc rối liên quan đến mâu thuẫn nội bộ.

Mâu thuẫn giữa phe cánh bên trong nội các Mỹ là điều đã được đồn đoán lâu nay, nhưng đây là lần đầu tiên một quan chức đương nhiệm trong chính quyền Donald Trump "vạch áo cho người xem lưng".

Dù chỉ nhậm chức 10 ngày nhưng ông Scaramucci đã thể hiện quyền lực đáng nể khi dọa "tống cổ" tất cả các nhân viên tại Nhà Trắng nếu tiết lộ thông tin nội bộ. Việc Scaramucci dám mạnh miệng và gây sự với các nhân vật chủ chốt trong nội các như vậy là nhờ Tổng thống Trump đã tin tưởng giao phó sứ mệnh làm trong sạch bộ máy chính quyền. 

Tuy nhiên, sự cứng rắn của ông Scaramucci gây ra nguy cơ thổi bùng lên những lục đục lâu nay trong nội bộ chính quyền Mỹ do sự bất bình và nghi kỵ, thiếu tin tưởng lẫn nhau ngày càng tăng. Thậm chí, nội các Mỹ có thể lâm vào tình trạng khủng hoảng nếu có thêm nhiều quan chức tiếp tục bị cách chức hoặc tự từ chức...

Thanh Sơn
.
.