Nguy cơ đóng cửa hãng thông tấn Al-Jazeera vì dám nói sự thật

Thứ Hai, 17/07/2017, 07:07
Trước đây, hãng thông tấn Al-Jazeera là một cái tên rất xa lạ và chỉ được coi là một nguồn tin tham khảo của các chuyên gia về thế giới Ảrập. Chỉ vài năm sau khi được thành lập, Al-Jazeera đã trở thành một chuẩn mực thế giới, ngang hàng với CNN hay BBC. 

Được thành lập năm 1996, Al-Jazeera nhanh chóng được biết đến trong khu vực vì muốn đoạn tuyệt với các phương tiện truyền thông của Ảrập Saudi khi đó đang thống trị tuyệt đối trong thế giới Ảrập. 

Thế nhưng, ở vào thời điểm hiện tại, Al-Jazeera - hãng thông tấn từng được xem như biểu tượng của truyền thông tự do Ảrập, phá vỡ thế thống trị của các mạng lưới truyền thông phương Tây và trở nên nổi tiếng nhờ nguồn thông tin trải dài từ Đông sang Tây - lại nằm trong tâm bão của cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. 

Bốn quốc gia bao gồm Ảrập Saudi, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Ai Cập đã gửi Qatar một bản yêu sách 13 điểm để chấm dứt cấm vận ngoại giao và kinh tế với Doha, trong đó bao gồm yêu cầu đóng cửa mạng lưới Al-Jazeera được Doha tài trợ.

Thống trị thế giới Ảrập

Al-Jazeera bắt đầu hoạt động năm 1996 và trở thành kênh truyền hình được xem nhiều nhất trong thế giới Ả rập. Sau thời kỳ đầu gian nan, Al-Jazeera đã bắt đầu thành công trong việc tạo được chỗ đứng riêng trước các đối thủ trực tiếp như CNN hay BBC - những tập đoàn truyền thông khổng lồ với những kênh truyền hình được xem nhiều nhất thế giới của Mỹ và Anh. 

Al-Jazeera nổi lên nhờ tính chuyên nghiệp và "trung lập" trong ngôn luận, đặc biệt là khi Al-Jazeera phiên bản tiếng Anh bao quát được khá tốt thông tin tại một số vùng (như Đông Nam Á) nơi các kênh truyền hình lớn ngày càng ít đi do không có đủ tiền. 

Al-Jazeera đã tạo được chỗ đứng riêng trước các "ông lớn" như CNN hay BBC nhờ tính chuyên nghiệp và "trung lập".

Mạng lưới hoạt động của Al-Jazeera được mở rộng rất nhanh khi kênh này phát sóng đến 35 nước trên thế giới chỉ trong vòng hai năm. Để cụ thể hóa hơn nữa nền tảng và ảnh hưởng của mình, Al-Jazeera sau đó chuyển sang phát tiếng Anh để đến với công chúng Mỹ, phương Tây và Đông Á.

Tuy nhiên, thành công và danh tiếng thực sự của Al-Jazeera chỉ nổi lên mạnh mẽ kể từ các chương trình đưa tin vô cùng nhanh chóng, cụ thể và chính xác về vụ khủng bố 11-9 ở Mỹ và cuộc chiến tranh Afghanistan. 

Nhờ lợi thế về vị trí và quan hệ của mình với thế giới Ả rập, Al-Jazeera sau đó là kênh đầu tiên đưa tin về cuộc chiến giữa Mỹ và Al Qaeda, khẳng định mình như một phương tiện truyền thông tự do và độc lập. Al-Jazeera còn được coi là kênh truyền hình Ả rập mạnh nhất, trở thành tiếng nói của thế giới Ả rập và mọi thông điệp ngoại giao của phương Tây dành cho vùng này đều được chuyển tải qua Al-Jazeera. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, Al-Jazeera thâu tóm sức mạnh quá lớn, thế nên muốn tác động được vào dân chúng các nước Ả rập thì cần phải thông qua Al-Jazeera. Al-Jazeera sẽ còn thể hiện "tham vọng khổng lồ" trong kế hoạch phát triển toàn cầu. 

Ngoài việc phô trương sức mạnh về răn đe tài chính, cuộc thâm nhập không gian truyền thông châu Âu của Al-Jazeera nằm trong khuôn khổ phát triển mạnh mẽ từ năm 2006 - thời điểm ra đời kênh Al-Jazeera tiếng Anh.

Đến nay, Al-Jazeera đã thu hút hàng triệu người xem ở Trung Đông bằng cách cung cấp dịch vụ tin tức động mà người xem chưa từng trải nghiệm. Khi Al-Jazeera ra mắt, Quốc vương Qatar lúc đó là Hamad bin Khalifa al Thani cho biết các nhà báo sẽ "đưa tin như họ nhìn thấy". 

Al-Jazeera được đề cao khi đưa tin sâu rộng về phong trào Mùa xuân Ả rập bắt đầu năm 2010, nhưng từ đó các nước trong khu vực đã chỉ trích Al-Jazeera hỗ trợ các nhóm cực đoan. Al-Jazeera cũng bị lên án khi gọi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là "tổ chức nhà nước", và gọi những kẻ đánh bom tự sát là "tử vì đạo". 

Chưa hết, nhiều ý kiến còn cho rằng Al-Jazeera là một kênh truyền hình thân Palestine theo phía phong trào Hamas, nhưng cũng được xem là thân phong trào Hezbollah. Kênh truyền hình hùng mạnh này cũng khiến một số người lo ngại mỗi khi Al-Jazeera lên tiếng là gây ra hiệu ứng trong thế giới Ả rập. 

Trong thời gian gần đây, kênh này trở thành mục tiêu của những lời phê phán vì đưa tin về làn sóng nổi dậy trong thế giới Ả rập. Đại diện một số nước cáo buộc Al-Jazeera muốn gây bất ổn ở Ai Cập, Libya và Syria.

Chìm trong cơn bão khủng hoảng

Al-Jazeera lại không giống các hãng truyền thông khác mà là một hiện tượng, bởi kể từ khi bắt đầu phát sóng năm 1996 nó mới chỉ đóng vai trò là một hãng truyền thông "nội bộ" trong giới Ả rập, nhưng đến năm 2010 nó đã đóng vai trò lớn trong việc mang tới cuộc cách mạng chính trị thực sự trong các nước Ả rập. 

Al-Jazeera cho phép mọi tiếng nói được lắng nghe, từ những thường dân Israel, cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi cho tới những phiến quân Chechnya, Taliban và cả trùm khủng bố Osama bin Laden. Al-Jazeera cũng là mạng truyền thông đầu tiên của giới Ả rập từng mở chuyên mục điều tra và mời những nhân vật nhạy cảm tham gia chương trình đối thoại, động chạm tới các vấn đề gây tranh cãi khác như tôn giáo, chính trị, xã hội trong toàn khu vực. 

Điều khiến cho nhiều nước láng giềng của Qatar tỏ ra không hề dễ chịu với Al-Jazeera chính là sự thành công của kênh này trong việc hình thành sự nhận thức chính trị mới trong cộng đồng người dân các nước và nêu bật nhiều vấn đề, gồm nhân quyền và công bằng xã hội.

Al-Jazeera là một trong những kênh Ả rập phủ sóng rộng nhất thế giới, đã làm chính phủ các nước vùng Vịnh phẫn nộ từ lâu vì đưa ra nhiều quan điểm trái chiều. 

Ả rập Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập coi Al-Jazeera là công cụ trong chính sách ngoại giao của Qatar nhằm tạo bất ổn trong khu vực và thúc đẩy các phong trào Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là Anh em Hồi giáo. Nhiều phóng viên của Al-Jazeera đã thiệt mạng khi đưa tin các cuộc xung đột trong khu vực. 

Ba nhân viên của kênh tiếng Anh của Al-Jazeera đã bị nhà chức trách Ai Cập bắt vì cáo buộc hợp tác với Anh em Hồi giáo. Ngoài ra, hai nhân viên khác của Al-Jazeera cũng bị kết án tử hình vắng mặt ở Ai Cập vì cáo buộc chuyển hồ sơ mật cho Qatar trong một vụ thu thập tin tình báo liên quan tới các thành viên của nhóm Anh em Hồi giáo. Cho dù Al-Jazeera luôn nhấn mạnh việc đưa tin một cách độc lập, nhưng kênh truyền thông khu vực này vẫn là công cụ của chính phủ Qatar. 
Al-Jazeera liên tiếp bị tin tặc âm mưu tấn công.

Nhiều quốc gia Ả rập khẳng định Al-Jazeera đưa tin rõ ràng thiên vị Hamas và Anh em Hồi giáo. Nếu Hamass sai thì Al-Jazeera sẽ giấu đi mọi chuyện; còn nếu chính quyền Palestine có hành động tương tự, Al-Jazeera lại công khai đưa tin và "thổi phồng lên".

Đối thủ của Al-Jazeera là Al Arabiya - một kênh truyền thông phản ánh mạnh mẽ các chính sách của Ả rập Saudi được thành lập năm 2003. Al Arabiya và các kênh truyền thông khác ở vùng Vịnh và Ai Cập luôn đưa tin chỉ trích Qatar, cáo buộc Doha tài trợ khủng bố. 

Rõ ràng, sau nhiều "sự cố", Al-Jazeera bị coi là "kẻ phản bội" trong thế giới truyền thông Ả rập, nên chuyện các nước láng giềng muốn Qatar đóng cửa tập đoàn truyền thông có lịch sử 20 năm là điều dễ hiểu.

Trong bối cảnh xảy ra hàng loạt cuộc khủng hoảng giữa Qatar và nhiều quốc gia khác trong khu vực, Al-Jazeera ngày càng trở thành mục tiêu của nhiều thế lực thù địch nhằm triệt hạ nó. Sau nhiều năm thất bại, chính phủ các nước Ả rập cuối cùng nhận ra rằng cách duy nhất để đối phó với hãng này là đánh bại nó trong chính lĩnh vực truyền thông. 

Những nước phản đối Qatar đã chặn truy cập các kênh và trang web của tập đoàn trên lãnh thổ. Jordan cho đóng cửa văn phòng đại diện của Al-Jazeera, còn UAE đã ngừng phát sóng các kênh của truyền hình vệ tinh Al-Jazeera. 

Trong khi đó, bốn quốc gia vùng Vịnh bao gồm Ả rập Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập đã gửi cho chính quyền Doha danh sách 13 yêu sách trong đó có các yêu cầu đòi đóng cửa Al Jazeera và các chi nhánh. Điều này khiến Al-Jazeera vô cùng phẫn nộ. 

Al-Jazeera đã phủ nhận cáo buộc hỗ trợ chủ nghĩa cực đoan và tuyên bố không ủng hộ hệ tư tưởng, nhóm hay chính phủ nào. Al-Jazeera đã lên án "tối hậu thư" của các nước Ả rập là không có gì khác ngoài nỗ lực chấm dứt tự do ngôn luận trong khu vực và đàn áp quyền thông tin. 

Cùng lúc đó, phía Qatar tuyên bố "không đời nào buộc Al Jazeera im lặng" khi mà các kênh tin tức của mạng lưới này hiện nay đã phủ sóng 100 quốc gia và 310 triệu hộ gia đình, cho rằng những cáo buộc của các nước láng giềng dựa trên những nguồn tin "bịa đặt". Có vẻ như, Al-Jazeera trở thành mục tiêu công kích vì "dám nói sự thật".

Trong một diễn biến liên quan, mạng lưới truyền hình vệ tinh Al-Jazeera có trụ sở tại Doha cũng đang phải chiến đấu chống một cuộc tấn công mạng quy mô lớn. Al-Jazeera cho biết tài khoản mạng xã hội Twitter của kênh tin tức Al-Jazeera tiếng Ả rập đã bị ngừng hoạt động và họ đang tìm cách để lấy lại tài khoản. 

Trên một tài khoản Twitter khác, Al-Jazeera cho biết việc tài khoản @Ajarabic bị ngừng hoạt động dường như nằm trong một chiến dịch được lên kế hoạch từ trước. Thông báo sau đó cho biết nền tảng truyền thông có trụ sở tại Doha tiếp tục "bị tin tặc âm mưu tấn công". Đây là cuộc tấn công mạng lần thứ ba nhằm vào các tổ chức của Qatar trong 14 tháng qua. 

"Đang có những âm mưu nhằm vào an ninh mạng của Al-Jazeera nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục phát sóng và giữ vững quan điểm đưa tin toàn diện và khách quan về các sự kiện trên thế giới", giám đốc điều hành kênh Al-Jazeera cho biết. 

Bản thân chính quyền Doha đã tuyên bố bác bỏ yêu sách đóng cửa Al-Jazeera, một động thái được giới phân tích cho là có thể dẫn đến việc thay đổi chế độ ở Qatar, thậm chí xảy ra xung đột vũ trang...

Nguyễn Tuyết
.
.