Thượng đỉnh liên Triều: Những bước chân tiến đến hòa bình
- Khoảnh khắc lịch sử tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều
- Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều: Xoay chuyển thế cục
- Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều: Hòa bình đã ở rất gần
Ngày 27-4-2018 trở thành cột mốc quan trọng trên bán đảo Triều Tiên khi chứng kiến khoảnh khắc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay thân mật với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một nhà lãnh đạo Triều Tiên đặt chân sang vùng lãnh thổ Hàn Quốc.
Tuy nhiên, điều mang ý nghĩa quan trọng hơn là việc hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều đã nhất trí "phi hạt nhân hóa hoàn toàn", đồng thời tuyên bố trong năm nay sẽ biến Hiệp định đình chiến thành Hiệp ước hòa bình, chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Động thái này khiến hàng triệu con tim ở hai miền Triều Tiên vỡ òa trong những giọt nước mắt hạnh phúc và tràn đầy những hi vọng về một nền hòa bình thật sự.
Tranh cãi chủ quyền
Bắt đầu từ năm 1948, khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được thành lập ở Bình Nhưỡng và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) ra đời ở Seoul, mỗi chính phủ đều tự tuyên bố mình là chính phủ hợp pháp duy nhất trên bán đảo Triều Tiên. Do nhiều lí do chính trị, chưa bao giờ những tuyên bố đó được rút lại.
Đã có một thời, hai miền Triều Tiên tìm mọi cách để khẳng định chủ quyền của mình trên toàn bán đảo. Hiện tại, trong các nội dung trên báo chí do truyền thông nhà nước Triều Tiên phát hành, chức danh chính phủ và các cơ quan Hàn Quốc luôn đặt trong dấu ngoặc kép nhằm nhấn mạnh việc Bình Nhưỡng coi những chức danh của Seoul là "bất hợp pháp".
Hiệp định đình chiến hai miền được kí ngày 27-7-1953, và chưa bao giờ được chính thức thay thế bằng Hiệp ước hòa bình, tạo nên khu vực phi quân sự rộng 4km dọc vĩ tuyến 38. Tới cuối những năm 1980, chính phủ hai miền thực hiện "Học thuyết Hallstein".
Theo đó, không quốc gia nào được thiết lập quan hệ ngoại giao đồng thời với cả hai miền bán đảo. Tới năm 1992, khi cả Triều Tiên và Hàn Quốc chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc, vấn đề chủ quyền và Hiệp ước hòa bình lại tiếp tục được đưa ra tranh cãi. Không nước nào chịu thừa nhận chủ quyền của nước còn lại, và đều coi chính phủ của mình là duy nhất trên toàn bán đảo.
Tổng thống Moon Jae-in cho biết cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã mở ra một chương mới trong lịch sử trên bán đảo Triều Tiên. |
Cho đến ngày nay, thế giới vẫn luôn trông chờ vào hòa bình thực sự giữa hai miền Triều Tiên. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi mỗi cuộc chiến đều nên kết thúc chính thức trên danh nghĩa, và bằng văn bản. Việc kí kết rất đơn giản: chỉ cần chữ kí của đại diện từ hai quốc gia tham chiến, một Hiệp ước hòa bình sẽ được chính thức thiết lập.
Thế nhưng, sau hàng loạt những bất đồng lịch sử, dường như Triều Tiên và Hàn Quốc đã không còn mặn mà gì với việc kết thúc cuộc chiến kéo dài hơn nửa thế kỉ. Từ quan điểm của nhà nước Hàn Quốc, Triều Tiên là một quốc gia tự xưng, không tồn tại về mặt pháp lý.
Từ phía Triều Tiên, quân Hàn Quốc chỉ là "một nhóm phiến quân", mà Hiệp ước hòa bình chỉ được kí giữa những quốc gia có chủ quyền.
Thời khắc lịch sử
Trước đây đã từng có hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ở Bình Nhưỡng vào năm 2000 và 2007 song đều thất bại trong việc dừng chương trình vũ khí của Triều Tiên cũng như cải thiện quan hệ về lâu dài.
Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2000, cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã thông qua Tuyên bố chung 15-6.
Tuyên bố này chủ yếu đặt ra những nguyên tắc chung về việc thống nhất bán đảo Triều Tiên và vấn đề nhân quyền.
Tuyên bố chung 4-10 được hai nhà lãnh đạo Roh Moo-hyn và Kim Jong-il ký tại hội nghị thượng đỉnh năm 2007 cũng đi theo đường lối của Tuyên bố chung 15-6, trong đó hai bên nhất trí mở rộng trao đổi hợp tác về kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, vấn đề hạt nhân vẫn chưa được đưa ra thảo luận tại các cuộc đàm phán liên Triều.
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27-4 vừa qua là cuộc hội đàm liên Triều thứ ba kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ năm 2007.
Đây cũng là lần đầu tiên một hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức trên đất Hàn Quốc, đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên đặt chân tới lãnh thổ Hàn Quốc.
Một diễn biến không được lên kế hoạch từ trước là ông Kim Jong-un đã mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bước qua đường phân giới, đặt chân lên đất Triều Tiên, trước khi cả hai nhà lãnh đạo cùng nắm tay nhau bước trở lại đất Hàn Quốc.
Ông Kim Jong-un đã viết lên cuốn sổ tay ở Nhà Hòa Bình trước khi bắt đầu hội đàm rằng: "Một trang sử mới bắt đầu, một giai đoạn hòa bình, từ điểm khởi đầu của lịch sử".
Khác với những lần trước đây, hội nghị thượng đỉnh lần này chỉ tập trung vào chủ đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Tổng thống Moon Jae-in cho biết cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã mở ra một chương mới trong lịch sử, tạo nên "bước chuyển giao quan trọng" tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Trước khi hai bên chính thức bắt đầu hội nghị, Tổng thống Moon Jae-in hi vọng "có thể nói chuyện một cách thẳng thắn để đi đến một thỏa thuận như một món quà lớn cho người dân Hàn Quốc và Triều Tiên, cũng như người dân trên toàn thế giới đang mong chờ một nền hòa bình lâu dài".
Với Hiệp định đình chiến 1953, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh . |
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng nhân cơ hội này ca ngợi quyết định dừng các chương trình hạt nhân của Triều Tiên, xem đó là việc "rất có ý nghĩa".
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ niềm tin rằng hai miền Triều Tiên là một thể thống nhất, nên cần có trách nhiệm với lịch sử của chính mình. "Hi vọng chúng ta sẽ không lặp lại sai lầm trong quá khứ", ông Kim Jong-un nhấn mạnh.
Chấm dứt hận thù?
Dù khá gian nan, nhưng các bên liên quan đều tỏ ra rất lạc quan về khả năng đạt một thỏa thuận lịch sử khi Triều Tiên liên tiếp đưa ra những tín hiệu đáng mừng.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói với Tổng thống Moon Jae-in rằng ông sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggyeri trong tháng 5 và mời các chuyên gia vũ khí hạt nhân Mỹ đến kiểm tra. Bình Nhưỡng cũng thể hiện thái độ hòa giải mang tính biểu tượng cao thông qua việc hợp nhất múi giờ với Seoul.
Hàn - Triều nằm trên bán đảo bị chia cắt có múi giờ khác nhau kể từ năm 2015, khi Bình Nhưỡng bất ngờ thay đổi giờ chuẩn chậm hơn Seoul 30 phút. Vì vậy, sự thay đổi bất ngờ của Bình Nhưỡng cho thấy nỗ lực rất lớn của chính quyền Kim Jong-un.
Trong một động thái gây bất ngờ, hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều ra Tuyên bố chung 27-4, hay Tuyên bố Bàn Môn Điếm, nhắc đến vấn đề phi hạt nhân hóa và hòa bình cũng như cải thiện quan hệ liên Triều.
Tuyên bố chung còn nêu rõ sẽ biến Khu phi quân sự (DMZ) thành "vùng hòa bình", tìm kiếm các cuộc đối thoại đa phương với các nước khác (như Mỹ), nhất trí với đề xuất giải giáp hạt nhân theo từng giai đoạn, tổ chức cuộc sum họp cho các gia đình ly tán trong chiến tranh Triều Tiên vào tháng 8-2018 và cùng tham gia các sự kiện quốc tế lớn.
Bên cạnh đó, hai nước sẽ triển khai các bước để tiến tới chấm dứt hoàn toàn chiến tranh Triều Tiên trong năm nay bằng cách ký Hiệp ước hòa bình (thay thế cho Hiệp định đình chiến 1953). Với Hiệp định đình chiến này, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh nếu xét trên phương diện kỹ thuật.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, kết quả cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần này còn phụ thuộc vào cuộc gặp Mỹ - Triều sắp tới. Trên thực tế, dù tuyên bố "phi hạt nhân hóa", nhưng Tuyên bố chung 27-4 không nói rằng Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Vì vậy, thành công của cuộc gặp thượng đỉnh lần này chỉ là bước đầu và quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn còn rất gian nan. Cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim đang rất được trông đợi vào cuối tháng 5 hay đầu tháng 6 sẽ là phép thử mức độ chân thành trong cam kết cho một giải pháp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Đó có thể là khoảnh khắc hòa bình thực sự bén rễ hoặc sụp đổ.
Ông Moon Jae-in đã "cược" rất nhiều vốn liếng chính trị vào cuộc gặp này. Nếu mọi thứ không diễn ra suôn sẻ, người dân Hàn Quốc có thể cảm thấy ông Moon Jae-in đã quá vội vàng, và đặt liên minh với Mỹ vào thế nguy hiểm.
Hiện dư luận đang "nín thở" chờ đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo sau một loạt động thái gây bất ngờ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Liệu lần này ông Kim Jong-un có thực sự "xuống nước" và chấp nhận đàm phán với Mỹ cùng các nước khác không, hay đây lại là một toan tính khác của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Trong trường hợp nhà lãnh đạo Kim Jong-un thiện chí và hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra theo đúng kế hoạch, một kịch bản nhiều khả năng xảy ra là hai nước sẽ ký một thỏa thuận trao đổi.
Điều đáng lưu ý là trong giai đoạn này, chính quyền Kim Jong-un dường như không còn đặt nặng sự hiện diện của các lực lượng quân sự Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng nói Triều Tiên sẵn sàng phi hạt nhân hóa mà "không đặt ra bất kỳ điều kiện nào khiến Mỹ không thể chấp nhận được", bao gồm yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc.
Mặc dù bầu không khí vẫn đang rất tích cực nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định bất kỳ kết quả thực chất nào...