IS và những dòng “tiền đen” đẫm máu

Thứ Hai, 26/03/2018, 07:30
Trong bối cảnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không còn mạnh mẽ như trước, lực lượng này vẫn bí mật sở hữu hàng triệu USD, được cất giấu tại nhiều nơi ở Trung Đông và vẫn được coi là tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới. 

Trên thực tế, để lớn mạnh được như ngày nay, IS được tiếp năng lượng chủ yếu từ hai nguồn tài chính xuất phát từ vùng Vịnh và dầu mỏ. Việc sở hữu những mỏ dầu và có một chiến lược khai thác - phân phối hoàn chỉnh, IS đang buộc các nhóm đối thủ phải "hợp tác" nếu muốn có nhiên liệu cho các đơn vị chiến đấu. 

Có thể nói, thu nhập từ bán dầu là một trong những nguồn thu quan trọng nhất cho hoạt động của phiến quân IS, không chỉ giúp chúng bảo vệ các cơ sở hạ tầng sản xuất mà còn thu hút các chuyên gia nước ngoài và mua sắm thiết bị để cải thiện tình hình khai thác dầu, từ đó duy trì và mở rộng hoạt động thánh chiến ra khắp thế giới.

Nguồn sống "vàng đen"

Giờ đây, hình ảnh lá cờ đen của IS không còn xuất hiện nhiều ở Iraq và Syria. Sau khi thảm bại trên chiến trường, IS đã mất khoảng 98% phần lãnh thổ mà chúng từng tuyên bố là "vương quốc Hồi giáo". 

Khoảng 70.000 phiến quân IS được cho là đã bị tiêu diệt, song hàng ngàn trong số này đã trốn thoát. Một số vẫn ẩn náu ở Iraq và Syria, trong khi đó số khác đã trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ hoặc liên kết với các nhóm vũ trang thân IS tại Ai Cập, Libya và Đông Nam Á. Tuy có vẻ tan rã nhưng thực chất IS vẫn hoạt động âm thầm, dưới sự ủng hộ tài chính của vùng Vịnh. 

IS đã liên tục chuyển các khối lượng lớn tiền ra khỏi khu vực chúng kiểm soát thông qua mạng lưới hawala.

Nhiều ý kiến cho rằng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã luôn được sự ủng hộ từ khi còn trong nôi của những tổ chức tôn giáo và cá nhân tại Saudi, Qatar và Kuwait. Sự ủng hộ này không hẳn đã trực tiếp đến từ chính quyền các quốc gia vùng Vịnh theo dòng Sunni mà chủ yếu từ những tổ chức, cá nhân riêng lẻ.

Nguồn tiền cho IS chảy ra từ túi những kẻ cách đây vài năm đã trót lạc quan cho rằng chính quyền dòng Shia của Syria chắc chắn sẽ nhanh chóng sụp đổ. Khi Syria sụp đổ, một tổ chức như IS sẽ đóng vai trò trải đường cho các diễn biến chính trị có lợi cho sự ảnh hưởng quyền lực của Hồi giáo Sunni. 

Bên cạnh đó, nguồn cung vũ khí cho IS rất dồi dào, do các nước vùng Vịnh dòng Sunni cung cấp khi đánh Syria và những vũ khí trôi nổi trên thị trường chợ đen. 

Ngoài ra, những vũ khí thu được của quân chính phủ Iraq cũng là một nguồn bổ sung vũ khí quan trọng để IS lớn mạnh. Tuy nhiên, khi IS ngày càng trở nên lộng hành và tàn ác thì các nước Ảrập không còn cung cấp vũ khí, tiền bạc cho tổ chức này. Lúc này IS đã lớn mạnh và thừa khả năng độc lập về tài chính, đồng thời cũng "thủ đoạn" hơn khi biết cách kiếm tiền từ dầu.

IS coi dầu mỏ là yếu tố sống còn với quá trình hậu cần và mang lại ngân sách giúp hiện thực hóa tham vọng về nhà nước mới.

Trên thực tế, chiến lược nhắm vào dầu mỏ của IS đã xuất hiện từ rất lâu. Kể từ khi nhóm này mới xuất hiện trên "bàn cờ chính trị" ở Syria hồi năm 2013, trước khi IS tiến vào thành phố Mosul ở Iraq, những kẻ thánh chiến cực đoan đã nhận thức được rằng dầu mỏ có ý nghĩa chiến lược. 

Hội đồng cố vấn của IS coi dầu mỏ là yếu tố sống còn với quá trình hậu cần và quan trọng hơn là mang lại ngân sách giúp hiện thức hóa tham vọng về nhà nước mới. Hầu hết các khu vực mà IS kiểm soát ở Syria đều có những mỏ dầu có trữ lượng cao. 

Sau khi rút khỏi khu vực Tây Bắc Syria vì nơi đây không có dầu, IS tiến sang phía Đông, nơi có những mỏ dầu trữ lượng lớn, để thành lập thành trì. Khi còn nắm quyền kiểm soát các khu vực ở miền Bắc Iraq, trong đó có Mosul, IS đã nhanh chóng đưa người tới khai thác mỏ dầu Ajil và Allas rồi bán ra thị trường.

Dầu mỏ được gọi là "vàng đen", nguồn quỹ chính để IS có thể duy trì các hoạt động cũng như để mua sắm vũ khí mở rộng địa bàn. Nhiều nguồn tin cho rằng IS đã và đang tổ chức một quy trình hoạt động khai thác và phân phối dầu thô như một công ty nhà nước ở các khu vực mà nhóm này kiểm soát. Dù không thể xuất khẩu chính thức ra thị trường quốc tế nhưng IS có thể tìm được nguồn ra dễ dàng cho dầu thô ngay tại Syria và Iraq. 

Bên cạnh việc thuê đội ngũ nhân công có kỹ năng, IS kiểm soát mọi hoạt động từ an ninh cho tới nhân sự từng phút. Theo ước tính, các mỏ dầu sản xuất cho IS khoảng 34.000 - 40.000 thùng dầu thô mỗi ngày. 

Sau đó, dầu được bán với giá từ 20 tới 45 USD mỗi thùng, mang lại cho IS khoảng 1,5 triệu USD mỗi ngày. Đây là một khoản tiền khổng lồ ngay cả đối với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ chứ đừng nói là những tổ chức khủng bố quốc tế. Điều này đã biến IS thành tổ chức khủng bố giàu nhất trên thế giới.

Trên thực tế, dầu và xăng được sản xuất ở các khu vực do IS kiểm soát không chỉ được tiêu thụ trong chính khu vực này mà còn được đưa tới những nơi mà các nhóm đối lập rất cần để tiếp tục chiến đấu như ở miền Bắc Syria. Ngoài ra, các bệnh viện, cửa hàng, nhà máy đều không thể hoạt động nếu không có nhiên liệu. 

Dầu được vận chuyển ra ngoài địa hạt của Nhà nước Hồi giáo bằng các trung gian mối lái người Kurd, bán lại cho các khách hàng ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, và thậm chí là cho chính bản thân chính quyền Syria và IS dùng nó để chiêu mộ binh lính và mua vũ khí. 

Cả hai bên đều hiểu rằng, họ có thể một tay dí súng vào đầu nhau, nhưng tay kia dưới gầm bàn hoàn toàn có thể tạm thời móc ngoặc với nhau trong những thương vụ làm ăn cả hai bên đều có lợi. Giới quan sát đã gọi mối quan hệ này là "frenemy" - một dạng quan hệ vừa đối đầu vừa đối thoại giữa hai kẻ vừa là bạn vừa là thù.

Cạn dầu, chưa cạn tiền

Chiến lược xây dựng một nhà nước của IS được chuẩn bị khá bài bản, trong đó bao gồm cả quá trình khai thác và sản xuất dầu như một tập đoàn năng lượng quốc gia. IS có một nhóm chuyên gia luôn kiểm tra và theo dõi quá trình sản xuất, cũng như để phỏng vấn các nhân viên trong quá trình hoạt động. 

Bên cạnh đó, IS cũng bổ nhiệm các thành viên từng làm việc ở công ty dầu ở Saudi Arabia hay Trung Đông làm quan chức cấp cao để điều hành những bộ phận quan trọng tại các mỏ dầu. 

Để đảm bảo quá trình khai thác dầu diễn ra suôn sẻ, IS cũng có lực lượng an ninh riêng mang tên Amniyat, bí mật chịu trách nhiệm bảo đảm các xe tải chở dầu có thể tới được nơi tiêu thụ. Tuy nhiên, vấn đề lớn với IS hiện nay chính là lượng trữ của các mỏ dầu ở Syria đang cạn dần. IS cũng không có công nghệ hiện đại của phương Tây để khai thác hiệu quả và tiết kiệm nhất.

IS sẽ còn hoạt động âm thầm trong nhiều năm tới nhờ những khoản tiền đen, và vẫn chưa thể bị tiêu diệt hoàn toàn.

Sự thua kém về công nghệ, cộng với việc lãnh thổ bị thu hẹp khiến IS phải tìm thêm nhiều cách thức khác để duy trì nguồn cung tài chính. Dường như IS đã dự đoán trước rằng chúng sẽ thất thế trên chiến trường nên tổ chức này đã áp dụng tiền tệ riêng tại miền đông Syria, sau đó phổ biến cho tất cả các cơ sở trao đổi tiền của IS. Điều này cho phép IS thu về các đồng tiền Syria và USD của Mỹ một cách dễ dàng. 

Còn tại Iraq, với những trụ sở quy đổi tiền của mình, IS đã tham gia vào hoạt động bán đấu giá tiền tệ của ngân hàng trung ương Iraq vào năm 2014 và 2015, cho phép IS có thể quy đổi rất nhiều đồng dinar Iraq thành USD trước khi chính phủ Iraq đẩy lui lực lượng khủng bố này. 

Bên cạnh đó, IS đã liên tục chuyển các khối lượng lớn tiền ra khỏi khu vực chúng kiểm soát. Toàn bộ số tiền này được chuyển qua hệ thống hawala - một mạng lưới chuyển tiền chui có lợi thế rẻ, nhanh chóng và gần như không thể bị kiểm soát bởi chính phủ.

Mạng lưới hawala đã được mở rộng kể từ khi chiến tranh Syria bùng nổ, cho phép người tị nạn, những kẻ buôn vũ khí, buôn lậu dầu mỏ và các nhóm nổi dậy có thể đưa tiền vào và ra khỏi đất nước. 

Phần lớn số tiền mà IS chuyển ra nước ngoài đều ở Thổ Nhĩ Kỳ, và được cất giấu kĩ lưỡng để chuẩn bị cho các hoạt động trong tương lai, hoặc đầu tư vào vàng bạc và để duy trì hoạt động của các "đơn vị ngầm". 

Ngoài ra, IS cũng rửa tiền bằng cách đầu tư vào các doanh nghiệp hợp pháp ở Trung Đông. Tại Iraq, IS đã sử dụng mạng lưới trung gian để mua nông trại, cơ sở buôn bán xe hơi, khách sạn và bệnh viện. Rất nhiều những người trung gian này là những thủ lĩnh bộ tộc hoặc doanh nhân từng hợp tác lâu năm với các phần tử khủng bố, giúp chúng mua dầu mỏ, vũ khí, nhu yếu phẩm và nhân lực.

Chưa dừng lại ở đó, IS tích cực đầu tư vào các doanh nghiệp ở Iraq hay mua vàng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Từ những ngày đầu tiên khi chúng chiếm được một vùng lãnh thổ rộng lớn của Iraq và Syria, IS đã nhanh chóng xây dựng một kho bạc khổng lồ. Nhóm khủng bố bán dầu từ các mỏ mà chúng chiếm được, đánh thuế và cướp bóc người dân trong khu vực chúng kiểm soát và đã đánh cắp khoảng 500 triệu USD từ các ngân hàng ở Iraq. 

Trong trường hợp "bí bách", IS có thể lợi dụng các doanh nghiệp mà chúng sở hữu để bòn rút nguồn vốn được dùng để tái thiết các thành phố sau chiến tranh. 

Giới quan sát nhận định, hành động bắt cóc tống tiền hay buôn lậu vẫn là nguồn lợi nhuận đáng tin cậy khi IS chuyển sang chiến lược tấn công du kích. Thế nên, IS sẽ còn hoạt động âm thầm trong nhiều năm tới nhờ những khoản tiền đen mà chúng đang có, và vẫn chưa thể bị tiêu diệt hoàn toàn...

Nguyễn Tuyết
.
.