Khủng hoảng chính trị Catalonia: Tức nước vỡ bờ

Chủ Nhật, 19/11/2017, 08:55
Vừa qua, chính phủ Tây Ban Nha đã áp dụng Điều 155 của Hiến pháp nhằm hủy quyền tự trị của Catalonia, đồng thời áp đặt quyền điều hành trực tiếp Catalonia sau khi giải tán nghị viện khu vực này. 

Tiếp đó, chính phủ Tây Ban Nha thực hiện việc phế truất và bắt giữ các quan chức chính quyền Catalonia - một trong những biện pháp mạnh mẽ nhất cho đến thời điểm hiện tại nhằm "chặt vây cánh ly khai", ngăn chặn Catalonia tuyên bố độc lập. 

Cùng với đó, chính phủ trung ương cũng đang thắt chặt kiểm soát tài chính, giám sát hoạt động truyền thông và cân nhắc khả năng tăng cường sự hiện diện của cảnh sát quốc gia tại Catalonia.

Trước những biện pháp mạnh tay của chính phủ, sau một thời gian sôi sục, phong trào đòi độc lập tại Catalonia có dấu hiệu dịu lắng khi tình trạng bất tuân thủ đã không xảy ra như đe dọa của các nhóm ủng hộ ly khai trước đó. 

Hai đảng phái chính trị theo đường lối ly khai ở Catalonia là đảng Cộng hòa cánh tả và đảng Dân chủ châu Âu Catalonia ra thông báo sẽ tham dự cuộc bầu cử vùng trước thời hạn mà chính phủ Tây Ban Nha ấn định vào ngày 21-12 tới. 

Đây được xem là một sự xuống nước lớn của phe ly khai, bởi việc tham gia vào cuộc bầu cử được xem như là một hành động gián tiếp bác bỏ các yêu sách độc lập mà các đảng này đưa ra sau cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp tại Catalonia hôm 1/10.

Trấn áp mạnh tay

Sự xung đột giữa Madrid và Barcelona liên quan tới cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập cho vùng Catalonia đã đẩy Tây Ban Nha rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong vòng 4 thập kỷ qua, kể từ khi đất nước chuyển sang chế độ dân chủ. 

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã cam kết sử dụng mọi công cụ pháp lý để ngăn chặn bất cứ sự tuyên bố độc lập nào, kể cả một điều khoản chưa từng được áp dụng trong Hiến pháp Tây Ban Nha để đình chỉ quyền tự trị của Catalonia. 

Ông đã giải tán nghị viện Catalonia và ra lệnh tiến hành một cuộc bầu cử sớm tại vùng này vào ngày 21-12 tới trong một nỗ lực tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị của Tây Ban Nha. 

Ông Rajoy cũng chính thức bãi nhiệm Thủ hiến Carles Puigdemont cùng ban lãnh đạo của ông này như một phần trong các biện pháp "khôi phục lại trạng thái bình thường" sau khi nghị viện của Catalonia bỏ phiếu tuyên bố độc lập.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã cam kết sử dụng mọi công cụ pháp lý để ngăn chặn bất cứ sự tuyên bố độc lập nào, và đình chỉ quyền tự trị của Catalonia.

Hiện nay, các công tố viên đang tìm kiếm lệnh bắt giữ trên toàn châu Âu đối với cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont. Động thái này diễn ra ngay sau khi một thẩm phán Tây Ban Nha ra lệnh tạm giam 9 thành viên của chính quyền bị giải tán ở Catalonia để phục vụ công tác điều tra với cáo buộc các tội danh "nổi loạn, kích động nổi loạn, lạm dụng công quỹ và làm sai chức vụ". 

Có nguồn tin cho rằng ông Carles Puigdemont và 4 thành viên khác trong chính quyền bị giải tán đã chạy trốn sang Bỉ. 

Theo báo chí, cựu Thủ hiến Catalonia đang phải đối mặt với các tội danh nổi dậy, chống đối chính quyền và tham ô do tự ý mở trưng cầu dân ý. Nếu ra tòa thì ông có thể sẽ bị tuyên án 30 năm tù giam. Những diễn biến mới này cho thấy, chính phủ trung ương Tây Ban Nha đang thực thi biện pháp mạnh tay nhằm nhanh chóng đưa cuộc khủng hoảng tại Catalonia đến hồi kết.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói rằng vấn đề Catalonia đã được giải quyết triệt để. Cuộc khủng hoảng ở Catalonia trên thực tế đã gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Tây Ban Nha nói chung và ở Catalonia nói riêng. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến vừa qua tại Catalonia cho thấy có 43% số ý kiến không ủng hộ chính quyền trung ương giải tán hội đồng lập pháp và tổ chức bầu cử sớm ở vùng lãnh thổ này. 

Bên cạnh đó, mặc dù chính phủ trung ương hy vọng việc tổ chức bầu cử ở Catalonia vào tháng 12 tới sẽ giúp khôi phục sự điều hành hợp pháp cũng như nguyên tắc pháp trị ở vùng này, song cũng không thể loại trừ khả năng những đảng vốn có chủ trương đòi tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha tiếp tục giành ghế, thậm chí có thể lặp lại "kịch bản" cuộc bầu cử năm 2015, khi các đảng ủng hộ Catalonia độc lập giành đa số phiếu bầu và đứng ra thành lập chính quyền.

Mâu thuẫn tích tụ

Mầm mống của cuộc khủng hoảng hiện tại ở Catalonia đã bén rễ từ lâu. Từ năm 1980 đến 2010, chính trị ở Catalonia là cuộc chiến giữa CiU - đảng trung hữu mơ mộng về sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc Catalonia, và đảng trung tả PSC liên minh với PSOE - đảng dân chủ xã hội thống trị chính trường Tây Ban Nha trong những năm 80 và 90 thế kỷ trước. 

Trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa quốc gia Tây Ban Nha, Catalonia cố gắng đẩy mạnh chính quyền tự trị và tìm cách chế ngự kiểm soát từ chính phủ trung ương. Họ bắt tay viết lại Estatut - văn kiện tương đương với hiến pháp của một bang trong quốc gia liên bang. 

Mục đích của văn kiện là làm rõ và mở rộng trách nhiệm của chính quyền Catalonia, bảo vệ những yếu tố bản sắc Catalonia, cũng như đảm bảo và cải thiện tài chính cho chính quyền Catalonia.

Sở dĩ người Catalonia kiên quyết muốn độc lập là bởi vì họ có ngôn ngữ riêng và theo truyền thống người Catalonia luôn có phần dân tộc chủ nghĩa. Trong vài năm qua, tỷ lệ người ủng hộ độc lập lên đến trên 40%. 

Trước tình hình này, đảng CiU đề xuất một thỏa thuận về thuế nhưng lại bị chính quyền Madrid bác bỏ. Sau những bê bối tham nhũng và chính sách thắt lưng buộc bụng từ chính phủ, đảng này quyết định hậu thuẫn làn sóng đòi ly khai, điều đã nhanh chóng trở thành ý thức hệ sống động nhất trong xã hội dân sự Catalonia. 

Căng thẳng lên tới đỉnh điểm vào cuộc bầu cử khu vực năm 2015, khi những người Catalonia được chính thức lên tiếng về tương lai chính trị. Trong cuộc bầu cử này, các đảng công khai ủng hộ ly khai nhận được 48% số phiếu bầu. Các đảng ủng hộ gắn bó với Tây Ban Nha chỉ giành được 39% phiếu bầu.

Giới quan sát nhận định, Tây Ban Nha là một đất nước đa dạng hơn trong về chính trị, nhưng thái độ chính trị của đất nước Nam Âu đối với Catalonia vẫn rất lạnh lùng. Từ năm 2010, tất cả những gì người Catalonia nhận được chỉ là sự im lặng cùng thái độ khinh miệt dân tộc từ chính quyền trung ương Tây Ban Nha.

Kể từ năm 2005 khi dự thảo Estatut bị hủy, Tây Ban Nha chưa hề tỏ ra muốn giải quyết vấn đề này, hoặc cũng không có khả năng giải quyết. 

Cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập cho vùng Catalonia đã đẩy Tây Ban Nha rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong vòng 4 thập kỷ qua.

Đã có nhiều nỗi thất vọng trong cuộc khủng hoảng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vì Catalonia là một trong những vùng giàu có hơn của Tây Ban Nha (nếu không muốn nói là giàu nhất), và họ cảm thấy đang chuyển tiền cho Madrid để chi vào các khu vực ít thịnh vượng hơn của đất nước nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính. 

Đối thoại là chắc chắn cần thiết, nhưng sự im lặng kéo dài từ chính quyền Madrid đã khiến Catalonia "tức nước vỡ bờ".

Hệ lụy khôn lường

Đến nay, cuộc khủng hoảng Catalonia đã khiến đồng Euro rớt giá mạnh. Tương tự, giá cổ phiếu các ngân hàng Tây Ban Nha cũng giảm đặc biệt mạnh. Trong một dấu hiệu cho thấy tâm trạng bi quan của công chúng, ngân hàng lớn nhất Catalonia là Caixabank và Bộ trưởng Bộ Tài chính Tây Ban Nha đã phải lên tiếng trấn an người gửi tiền rằng tài khoản của họ vẫn an toàn. 

Trong khi đó, chi phí bảo hiểm đối với nguy cơ thua lỗ từ các khoản nợ của các ngân hàng Tây Ban Nha và trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha lại tăng mạnh, cho thấy khả năng ảnh hưởng lan rộng trong Eurozone - khu vực cách đây mấy năm còn chìm trong cuộc khủng hoảng nợ công.

Nếu không tìm được một giải pháp chính trị thích hợp, cuộc khủng hoảng ở Catalonia - vốn khởi nguồn từ những mâu thuẫn tích tụ nhiều năm - có thể còn diễn biến phức tạp với những nguy cơ khó lường. 

Việc Catalonia tuyên bố độc lập bất chấp phản đối từ chính quyền trung ương Madrid được sự báo sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường đối với nền dân chủ Tây Ban Nha, tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới xung đột bất kỳ lúc nào do có những vấn đề chính trị và địa chính trị phức tạp. 

Dù nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến thứ hai không quá lớn, song sẽ nảy sinh nhiều xung đột lâu dài giữa lực lượng cảnh sát và những người ủng hộ độc lập. Giới quan sát cho rằng, nền dân chủ của Tây Ban Nha sẽ chỉ hỗn loạn hơn, đặt ra yêu cầu "một bên nào đó" đứng ra hạ nhiệt những mâu thuẫn này.

Tuy nhiên, Tây Ban Nha đã từ chối mọi đề xuất hòa giải từ bên ngoài, và Liên minh châu Âu cũng chưa hành động mà chỉ tuyên bố ủng hộ lập trường cứng rắn của Thủ tướng Rajoy. Dù vẫn chưa ai dám chắc về kết quả cuối cùng, song hệ lụy mà nó kéo theo đã rất rõ. 

Việc Catalonia kiên quyết đòi độc lập không chỉ làm trầm trọng thêm mâu thuẫn giữa chính quyền Madrid và Barcelona mà còn khiến Catalonia phải đối mặt với nhiều thách thức chưa thể giải đáp được. Không những không có được độc lập, Catalonia sẽ mất đi ảnh hưởng và vị thế, không còn đủ sức mạnh như trước để đàm phán khi những nỗ lực khôi phục sự đồng thuận hiến pháp diễn ra. 

Tây Ban Nha cũng thiệt hại không kém khi chứng kiến xã hội ngày càng chia rẽ sau "bước đi nguy hiểm" của Catalonia. Bên cạnh đó, hình ảnh của quốc gia này sẽ bị tổn hại, uy tín của các thể chế và tấm gương về sự khôi phục dân chủ và mở cửa ra thế giới sẽ bị xói mòn...

Nguyễn Tuyết
.
.