Tiền ảo sẽ còn lên cơn sốt?

Thứ Sáu, 09/03/2018, 09:38
Hiện nay, các nhà đầu tư rất quan tâm đến tiền ảo, đặc biệt sau khi giá Bitcoin "lên cơn sốt" vài tuần cuối năm 2017. 

Giới quan sát dự báo, năm 2018 sẽ có thể trở thành thời điểm "công phá" của tiền ảo và sẽ còn xuất hiện nhiều "cơn sốt" với mức độ ngày càng gia tăng. 

Trên thực tế, số lượng các sản phẩm đầu tư liên quan đến Bitcoin ở cấp độ tổ chức chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Chỉ tính riêng trong tháng 12 vừa qua, CME và CBOE - hai trong số các sàn giao dịch lớn và lâu đời nhất trên thế giới - đã cho ra mắt các hợp đồng tương lai liên quan đến Bitcoin và không chỉ vậy, các sàn giao dịch Cantor Fitzgerald và Nasdaq cũng đang lên kế hoạch cho các sản phẩm phái sinh của mình. 

Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích cũng kỳ vọng rằng các nhà quản lý sẽ thông qua một quỹ đầu tư trao đổi Bitcoin trong nửa cuối năm nay hoặc vào đầu năm 2019.

Trở nên phổ biến

Bitcoin là một loại tiền tệ mã hóa và hệ thống thanh toán kỹ thuật số toàn cầu. Nó được gọi là đơn vị tiền tệ kỹ thuật số phi tập trung đầu tiên vì hệ thống hoạt động mà không cần thông qua bất kỳ cơ chế lưu trữ hay hệ thống quản lý trung tâm nào. 

Bitcoin được sáng tạo bởi một người hay một nhóm người dưới tên gọi Satoshi Nakamoto, và được phát hành dưới dạng phần mềm nguồn mở trong năm 2009. Giao dịch đầu tiên sử dụng Bitcoin để mua một mặt hàng đời thực là một chiếc pizza giá 25 USD đã được mua bằng 10.000 Bitcoin vào năm 2010. 

Thế giới tiền ảo đang ngày càng trở nên sôi động. Bitcoin có nguy cơ "vỡ bong bóng" vì mang tính rủi ro cao và biến động mạnh.

Từ mức giá khoảng 13 USD trong năm 2013, hiện nay tỉ giá Bitcoin đã lên đạt mức 16.700 USD vào đầu tháng 12-2017, thậm chí trước đó giá Bitcoin đã từng vượt mốc 19.000 USD. Dân chơi tiền ảo đang kỳ vọng, giá Bitcoin có thể lên tới 20.000 USD. 

Đáng chú ý, sau khi chia tách thành Bitcoin Cash và Bitcoin từ ngày 1-8-2017, giá tiền ảo Bitcoin có xu hướng tăng vọt và liên tiếp lập kỷ lục mới.

Trên thực tế, tiền điện tử hay tiền mã hóa là phương thức trao đổi sử dụng mật mã để đảm bảo an toàn giao dịch và kiểm soát các đơn vị tiền mới được tạo ra. Loại tiền này trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian, giúp giảm thiểu chi phí giao dịch. 

Theo giới quan sát, người dùng sử dụng được Bitcoin ở mọi nơi trên thế giới, thậm chí đổi thành tiền mặt khi cần thiết, coi Bitcoin như là nguồn đầu tư tài chính "hiệu quả". 

Trên thế giới, tại một số nước như Mỹ, Thụy Điển, Đan Mạch hay Nhật Bản, tiền điện tử Bitcoin đã được sử dụng để thanh toán các dịch vụ về y tế và ngân hàng. Hay mới đây nhất là trường hợp của Dubai, người dân có thể mua nhà bằng tiền điện tử. 

Chính vì thế, trong thời gian qua, giới tài chính công nghệ trên toàn cầu đã đổ khoảng 2 tỷ USD đầu tư vào nghiên cứu ứng dụng chuỗi khối (blockchain) - một công nghệ giúp những đồng tiền như Bitcoin hoạt động.

Kể từ khi được ra đời, Bitcoin vẫn thường được các nhà đầu tư mới lựa chọn làm con đường tiếp cận với thế giới tiền ảo. Trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều người tham gia vào thị trường và đẩy giá Bitcoin tiếp tục lên cao, tạo triển vọng tăng trưởng tốt cho thị trường cũng như các nhà đầu tư. 

Từ đây, giới quan sát dự đoán tiền kỹ thuật số sẽ là xu thế trong năm 2018 và sẽ là một phần của "dự trữ chiến lược" và "mô hình phân bổ tài sản" trên toàn thế giới. 

Theo đó, người tiêu dùng có thể chi trả cho hàng hóa và dịch vụ bằng Bitcoin. Nhiều quan điểm cũng đồng ý rằng Bitcoin sẽ trở nên phổ biến hơn và là một loại tài sản hoàn toàn mới có thể xuất hiện trong cộng đồng các nhà đầu tư. 

Bên cạnh đó, một số sàn giao dịch chứng khoán lớn trên thế giới như CME, CBOE và Nasdaq sẽ bắt đầu giao dịch hợp đồng tương lai Bitcoin trong thời gian không xa. Có thể nói, sự gia tăng nhanh chóng của giá Bitcoin đã khiến thị trường tiền kỹ thuật số có một khoảng thời gian đặc biệt thành công.

Chủ tịch Ngân hàng Thụy Sĩ UBS Axel Weber: "Bitcoin không phải là tiền".

Một số người tin tưởng rằng Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác sẽ tạo nên phương thức giao dịch tài chính mới trong tương lai, và sẽ thay thế các đồng tiền truyền thống. 

Tiền kỹ thuật số đang được tạo ra cho tất cả các loại hình sử dụng, như potcoin - một loại tiền tệ và giải pháp ngân hàng cho "ngành công nghiệp" cần sa toàn cầu hợp pháp; hay titcoin - một đồng tiền sử dụng trong ngành công nghiệp giải trí người lớn. 

Chưa hết, công nghệ chuỗi khối là một cơ hội để khởi nghiệp. Công nghệ Blockchain hữu ích hơn nhiều so với việc chỉ đơn thuần là một đồng tiền kỹ thuật số. Nó có thể được sử dụng để theo dõi quyền sở hữu, tài sản kỹ thuật số và thậm chí cả quyền bầu cử. 

Nó có thể tạo ra những phương thức kinh doanh và cung cấp các dịch vụ mới cho người dân trên khắp thế giới, những người mong muốn tham gia vào cuộc "cách mạng khởi nghiệp".

Tiềm ẩn rủi ro

Có một thực tế là, Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước và biến động mạnh trong thời gian ngắn nên ẩn chứa nhiều rủi ro. Nhiều quốc gia như Thái Lan, Nga, Pháp, Malaysia hay Indonesia bày tỏ quan điểm "không" với Bitcoin. 

Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ cảnh báo ngày càng nhiều về những rủi ro của các đồng tiền ảo cũng như đã đình chỉ việc giao dịch tại một số công ty do những lo ngại liên quan đến vấn đề rủi ro này. 

Bên cạnh đó, sự thực thi cũng như những động thái ngày càng chặt chẽ từ các nhà quản lý được dự báo sẽ là "một cú đá lớn" vào toàn bộ lĩnh vực tiền ảo. Hành động từ các nhà quản lý có thể khiến sự tăng trưởng dừng lại. Điển hình như việc Trung Quốc thẳng tay "đàn áp" việc giao dịch các đồng tiền kỹ thuật số, khiến cho giá Bitcoin đã sụt giảm tới 2.000 USD.

Xuất hiện quan điểm cho rằng Bitcoin là trò lừa đảo, tạo nên cái gọi là "bong bóng đầu cơ khổng lồ". Tuy nhiên những nhà đầu tư nhỏ lẻ đã không thể cưỡng lại nổi sức hấp dẫn của Bitcoin, bởi họ lo sợ bị tuột mất cơ hội "ngàn năm có một". 

Ở Bitcoin có hai vấn đề rất dễ gây rối trí. Thứ nhất, liệu công nghệ chuỗi khối đứng sau Bitcoin có thể được áp dụng rộng rãi hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp vì nó còn quá mới mẻ và còn nhiều rào cản dù đã tỏ ra hữu hiệu trong một số lĩnh vực điển hình như tài chính. 

Thứ hai, liệu Bitcoin có thể trở thành đồng tiền được sử dụng phổ biến trong đời sống thường ngày hay không? Rất tiếc là ở cả hai câu hỏi, những bằng chứng cho "một cái gật đầu" đều khá yếu ớt.

Bitcoin có thể được sử dụng để mua hàng. Thế nhưng, với độ biến động quá lớn, Bitcoin khó có thể được coi là nơi cất giấu giá trị và cũng là một phương tiện thanh toán quá mong manh. 

Một số chuyên gia cho rằng nếu một cá nhân đi vay thế chấp bằng Bitcoin để mua nhà, khoản nợ đã tăng gấp 10 lần. Trong khi đó tiền lương của người đó (được trả bằng USD hay euro) không thể bắt kịp được tốc độ này. 

Việc Trung Quốc thẳng tay "đàn áp" việc giao dịch các đồng tiền kỹ thuật số, khiến cho giá Bitcoin đã sụt giảm tới 2.000 USD.

Ngoài ra, chi phí sử dụng Bitcoin cũng đang tăng lên. Mỗi giao dịch cần phải được xác thực bởi "thợ mỏ" - những người cần đến các siêu máy tính để đào Bitcoin. Hiện nay, mỗi giao dịch ngốn tới 275 kWh. 

Tổng cộng mỗi năm, mạng lưới Bitcoin sử dụng lượng điện đủ để cấp điện cho 2,8 triệu hộ gia đình Mỹ. Chi phí sử dụng Bitcoin là quá cao so với chi phí để xử lý các giao dịch thanh toán thẻ tín dụng thông qua Visa hay MasterCard.

Theo nhiều dự đoán của các chuyên gia tài chính và giới truyền thông về đồng tiền, Bitcoin sẽ "vỡ bong bóng", "lao dốc", hay giảm tới 50% vì đầu tư tiền điện tử là một loại hoạt động tài chính mang tính rủi ro cao và biến động mạnh. "Bong bóng" là cụm từ được gắn với Bitcoin từ thời đồng tiền này có giá... 1.000 USD. 

Và cứ mỗi lần Bitcoin tăng lên, nỗi sợ "vỡ bong bóng" lại được truyền thông bơm lớn thêm. Những người phản đối nói rằng Bitcoin (và các đồng tiền kỹ thuật số khác) là một hệ thống tiền tệ không giống như bất cứ thứ gì đang tồn tại ở Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác, là  những giá trị không ổn định và không thể đoán trước. 

Chủ tịch Ngân hàng Thụy Sĩ UBS Axel Weber khẳng định "Bitcoin không phải là tiền" và thúc giục giới chức can thiệp. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire kêu gọi đem Bitcoin ra bàn bạc tại Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế G20 vào tháng 4-2018.

Không thể phủ nhận, tâm lý hoài nghi và e sợ Bitcoin "dễ bay hơi, không kiểm soát, không thể đoán trước và không bền vững" có tồn tại và không thể xóa bỏ hoàn toàn. 

Không nhiều người được trang bị "thần kinh thép" để chứng kiến giá một đồng Bitcoin vượt quá 20.000 USD và ngay sau đó giảm xuống còn 15.000 USD. Sự sụt giảm mạnh có thể chỉ diễn ra trong vài tháng tới, hoặc ngay giờ sau. Tỉ phú Warren Buffet từng chỉ trích tiền kỹ thuật số và gọi Bitcoin là "ảo ảnh". 

Ông nhận định, giá trị lớn của Bitcoin đã thu hút sự quan tâm của mọi người, nhưng cảnh báo rằng mọi người nên cân nhắc gắn bó với thị trường chứng khoán, trừ khi họ có nhu cầu thực sự về tiền kỹ thuật số trong cuộc sống...

Trần Quân
.
.