Ông chủ Facebook điều trần trước quốc hội Mỹ khi "sorryberg" nói xin lỗi

Thứ Năm, 26/04/2018, 17:18
Giữa tháng 3, báo New York Times đăng bài viết gây chấn động về việc công ty Cambridge Analytica (CA) của Anh thu thập thông tin liên quan đến 87 triệu người dùng Facebook mà họ không hề hay biết. 

Những đơn kiện đã được gửi lên toà án bang, trong khi các chính trị gia yêu cầu CEO Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội. Có thể nói, quyết định ra điều trần được đánh giá là bước ngoặt lịch sử với Facebook và là thách thức lớn nhất mà Mark Zuckerberg từng phải đối mặt trong cuộc đời. 

Zuckerberg phải tập trung giải trình mối quan hệ giữa Facebook và Cambridge Analytica, cũng như vai trò của các bên và Facebook đang nỗ lực xử lý ra sao. 

Giới quan sát nhận định, cuộc điều trần là cơ hội quan trọng để làm sáng tỏ các vấn đề thiết yếu về bảo mật dữ liệu người dùng, cũng như giúp người Mỹ hiểu rõ hơn chuyện gì xảy ra với thông tin cá nhân của họ trên mạng. 

Bên cạnh mối quan tâm của giới lập pháp Mỹ về khía cạnh pháp lý, vấn đề quan trọng hơn đặt ra đối với Facebook chính là lòng tin của người dùng lẫn nhà đầu tư đối với mạng xã hội lớn nhất thế giới này.

Bước ngoặt "đau đầu"

Hiện nay, Facebook đang đối mặt với "búa rìu" dư luận cũng như chịu sức ép điều tra từ cả giới chức Anh, Mỹ và châu Âu vì bê bối Cambridge Analytica - hãng phân tích dữ liệu của Anh được ê kíp tranh cử của Tổng thống Donald Trump thuê trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. 

Theo đó, từ năm 2014, giảng viên Đại học Cambridge (Anh) Aleksandr Kogan đã phát triển một ứng dụng Facebook trả tiền cho hàng trăm nghìn người dùng nếu họ đồng ý tham gia một khảo sát tâm lý cũng như đồng ý chia sẻ thông tin như tên tuổi, địa chỉ, những nội dung họ đã "like". Tuy nhiên, họ không biết rằng ứng dụng đó còn thu thập cả thông tin về những người trong danh sách bạn bè của họ rồi bán lại cho CA. 

Cổ phiếu của Facebook đã giảm gần 18% kể từ ngày 16-3, khi mạng xã hội này lần đầu thừa nhận dữ liệu người dùng đã bị CA truy cập bất hợp pháp, khiến trị giá thị trường của công ty "bốc hơi" gần 100 tỷ USD.

Ngày 27-3, Mark Zuckerberg từ chối có mặt tại buổi chất vấn trước Nghị viện Anh liên quan đến bê bối CA. Hành động này khiến CEO 33 tuổi bị chỉ trích là "hèn nhát và lạ lùng". 

Cho tới ngày 4-4, Facebook cho biết ông chủ của họ đã đồng ý ra điều trần trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ trong hai ngày 10-4 và 11-4 - quyết định được đánh giá là bước ngoặt lịch sử vì nếu Zuckerberg không giải đáp thoả đáng các vấn đề, các nhà lập pháp Mỹ sẽ siết chặt hoạt động của Facebook. 

Trước khi tham dự phiên điều trần, Zuckerberg đã có những buổi tập dượt nghiêm túc và căng thẳng với luật sư, chuyên gia tư vấn và các cố vấn. 

Mặc dù trên thực tế, CEO Facebook đã không ít lần "cứng họng" khi bị chất vấn về việc theo dõi người dùng, nhưng Zuckerberg vẫn tỏ ra bình tĩnh và giữ thế chủ động.

Giới quan sát cho rằng, Mark Zuckerberg không bị tổn hại gì sau phiên điều trần "bình yên" kéo dài tới 5 tiếng ở Thượng viện, với 44 câu hỏi từ các Thượng nghị sĩ. 

Trái với mong đợi của truyền thông về những cuộc tranh cãi gay cấn "khiến CEO Facebook phải toát mồ hôi", các Thượng nghị sĩ lại tỏ ra quá "hiền", một phần bởi họ không am tường công nghệ và không thực sự hiểu cách vận hành của Facebook. 

Và kết quả là vấn đề đáng được quan tâm nhất - sự riêng tư của người dùng trên mạng xã hội và bê bối lạm dụng dữ liệu người dùng - đã không được đề cập một cách xứng đáng. 

Tuy nhiên, vẫn có những Thượng nghị sĩ đưa ra những câu hỏi rất có ý nghĩa. Đáng chú ý nhất là Thượng nghị sĩ bang California Kamala Harris, người yêu cầu giải thích vì sao Facebook không công khai vụ việc CA vào năm 2015 và phải chờ báo chí phanh phui sau tận 3 năm.

Rút kinh nghiệm từ phiên đầu, Hạ viện Mỹ đã chất vấn dồn dập, đi sâu vào vấn đề hơn, khiến Zuckerberg tỏ rõ sự căng thẳng. Trong phiên điều trần thứ hai, các hạ nghị sĩ không chỉ hỏi về bảo mật và quyền riêng tư, mà còn chất vấn cả về việc lọc nội dung xấu hay cách đối phó với các quảng cáo liên quan đến hàng lậu và chất gây nghiện trên Facebook. 

Zuckerberg nhiều lần thừa nhận Facebook theo dõi các hoạt động của người dùng, nhưng hoàn toàn không bán dữ liệu người dùng. Mạng xã hội lưu lại thông tin về những trang web người dùng đã ghé thăm kể cả khi họ đã đăng xuất như là "một biện pháp phòng ngừa và để đảm bảo các quảng cáo tiếp cận mục tiêu hiệu quả".

CEO Facebook bị chỉ trích vì "thói quen" liên tục xin lỗi trong suốt 14 năm điều hành mạng xã hội nhưng không thành tâm giải quyết triệt để các vấn đề, nên được gọi là "Sorryberg". Năm 2006, khi giới thiệu News Feed khiến người dùng tức giận, "Sorryberg" viết trên blog: "Chúng tôi đã mắc sai lầm lớn. Tôi xin lỗi". 

Năm 2007, khi công cụ Beacon cho phép nhà quảng cáo theo dõi hoạt động của người dùng, thông điệp cũ lại xuất hiện: "Chúng tôi đã làm điều tồi tệ. Tôi xin lỗi". 

Và cứ thế, những lời xin lỗi lặp lại nhiều hơn, như khi "Sorryberg" trả lời CNN sau bê bối CA: "Tôi thực sự hối tiếc về những gì đã xảy ra". Với lời lẽ như thế, "Sorryberg" tới Washington để điều trần, và hai câu "Tôi xin lỗi" và "Chúng tôi đang xử lý" vẫn liên tục được CEO Facebook nhắc lại. 

Qua hai phiên điều trần, giới quan sát có thể nhìn rõ hơn những lĩnh vực mà Facebook muốn tránh. Chẳng hạn như các câu hỏi về mục đích của việc lấy thông tin người dùng thường được Zuckerberg trả lời theo kiểu "đánh lạc hướng". 

Khi được hỏi ai thực sự sở hữu những thông tin trên trang cá nhân Facebook, câu trả lời yêu thích của Zuckerberg là "Chính chủ nhân Facebook đó". Tương tự, Zuckerberg cũng tránh trả lời việc Facebook có bao nhiêu dữ liệu về hành vi duyệt web của người dùng.

Lấy lại niềm tin

Giới quan sát cho rằng, bê bối lần này đã giúp dư luận nhận ra nhiều điều. Trước hết, ngay cả sự riêng tư của giám đốc điều hành Facebook cũng dễ bị tổn thương như của tất cả người dùng khác. 

Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ, trả lời cho câu hỏi của nghị sĩ đảng Dân chủ Anne Eshoo, Mark Zuckerberg thừa nhận rằng chính dữ liệu của mình cũng bị bán cho một bên thứ ba. 

Sự thừa nhận này của Zuckerberg làm cho Facebook khó có thể tuyên bố rằng nền tảng mạng xã hội này phù hợp với mục đích sáng lập ban đầu. Câu hỏi đặt ra là nếu ngay cả CEO cũng không bảo mật được thông tin của mình thì ai có thể?

Cuộc khủng hoảng về quyền riêng tư của người dùng Facebook cho thấy các công ty truyền thông xã hội có thể không đủ khả năng xử lý phù hợp dữ liệu của người dùng. 

Một số ý kiến cảnh báo đa số người dùng mạng xã hội đều không nhận ra rằng dữ liệu của họ đang bị sử dụng, và lý do các trang mạng xã hội có thể thu thập các dữ liệu này. Vì vậy, cư dân mạng cần cân đối giữa nhu cầu giao tiếp và những thông tin chia sẻ lên mạng xã hội. 

Quyết định ra điều trần trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ là thách thức lớn nhất mà Mark Zuckerberg từng phải đối mặt trong cuộc đời.

Rõ ràng, vụ bê bối giúp nâng cao nhận thức của người dùng về vấn đề bảo mật và điều này sẽ dẫn tới những thay đổi. Chính phủ Mỹ cần vào cuộc nhằm đảm bảo quyền riêng tư về thông tin cá nhân của mỗi công dân "ở một mức độ nhất định", đẩy mạnh các nỗ lực buộc các công ty truyền thông thiết lập các cơ chế tốt hơn để bảo vệ dữ liệu của người dùng.

"Sự cố" CA tiếp tục cho thấy luật pháp, với hàng tá những quy định phức tạp, chưa thực sự hiệu quả. Tại phiên điều trần, Quy định về bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu (EU) - viết tắt là GDPR - là điều các nghị sĩ Mỹ quan tâm. 

Nhiều người đồng ý rằng cần có luật bảo vệ dữ liệu cá nhân một cách toàn diện. Giờ đây, cả nước Mỹ đang trong giai đoạn đợi chờ một hệ thống văn bản quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân mới, trong khi Mark Zuckerberg bị đặt trước yêu cầu phải thực thi GDPR ngay lập tức.

Bối cảnh này cho thấy Facebook chắc chắn sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong tương lai. Facebook cần phải nỗ lực nhiều hơn để lấy lại lòng tin của những người đã góp phần đưa Facebook trở thành "gã khổng lồ" hôm nay.

Sau gần 10 giờ chất vấn tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ, Facebook có vẻ như đang thắng, dù chỉ mang tính tạm thời. Đối diện với bê bối lần này, Mark Zuckerberg cam kết sẽ thông báo cho những người dùng Facebook có thông tin cá nhân bị chia sẻ với CA, đồng thời triển khai một loạt các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân người dùng hoàn toàn mới để lấy lại niềm tin của dư luận. 

Vẫn biết, với những lời xin lỗi cùng các cuộc điều tra, Facebook rồi sẽ lại quay trở về cuộc sống bình thường. Khi dư luận bắt đầu đặt nghi vấn về hoạt động của Facebook, Mark Zuckerberg sẽ phải đối mặt với một quyết định rất khó khăn. 

Trong tương lai, liệu Facebook có tiếp tục làm những điều mà họ vẫn thường làm, hy vọng rằng người dùng sẽ không từ bỏ nền tảng và đợi bê bối lắng xuống? Hay họ sẽ thay đổi hoàn toàn nền tảng của mình, chỉnh sửa mô hình quảng cáo dựa trên dữ liệu mà họ thu thập của người dùng và chấp nhận mất lượng lớn doanh thu? 

Mark Zuckerberg sẽ phải đứng ra nhận trách nhiệm cho lựa chọn này. CEO Facebook muốn được mọi người yêu mến, hay muốn giàu có? Vụ việc lần này đã cho thấy là "Sorryberg" sẽ không thể có cả hai.

Thanh Sơn
.
.