Phía sau chiến dịch chống tham nhũng tại Saudi Arabia: Trò chơi vương quyền

Thứ Sáu, 01/12/2017, 07:24
Saudi Arabia đang nổi lên như một hiện tượng khi bất ngờ bắn phát súng mở màn chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn nhất từ trước đến nay, khiến những tên tuổi từng được cho là "bất khả xâm phạm" bị sờ gáy. 

Sau khi Quốc vương Salman tuyên bố thành lập ủy ban chống tham nhũng, 4 bộ trưởng đương chức, 11 hoàng tử và nhiều cựu bộ trưởng khác đã bị bắt. Thái tử Mohammad Bin Salman (32 tuổi) - người sẽ tiếp quản quyền điều hành Saudi Arabia khi Quốc vương Salman 81 tuổi thoái vị - được xem là nhân vật đứng sau những động thái mạnh mẽ và quyết liệt nhằm củng cố quyền lực cho gia tộc và những đồng minh trước khi chính thức lên nắm quyền. 

Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng lần này có thể là sự khởi đầu của một cuộc tranh giành quyền lực lớn hơn ở Saudi Arabia, tạo nên nguy cơ mất ổn định khu vực.

Thanh trừng quy mô lớn

Ủy ban chống tham nhũng Saudi Arabia được thành lập nhằm mục tiêu đối phó với những người có dính líu tới các vụ tham nhũng của công, chịu sự giám sát trực tiếp của Thái tử Mohammed bin Salman. 

Ủy ban chống tham nhũng được trao quyền điều tra các vụ việc tình nghi, ra lệnh bắt hoặc cấm đi lại với các cá nhân cũng như thu hồi tài sản. Nói về ủy ban này, sắc lệnh của Quốc vương Salman có đoạn: "Đất nước không thể bền vững chừng nào tệ nạn tham nhũng chưa bị xử lý triệt để và những kẻ tham nhũng phải chịu trách nhiệm vì hành vi của mình".

Thái tử Mohammad Bin Salman được xem là nhân vật đứng sau những động thái chống tham nhũng nhằm củng cố quyền lực cho gia tộc và những đồng minh.

Chỉ vài giờ đồng hồ sau khi Quốc vương Salman tuyên bố thành lập ủy ban chống tham nhũng, hàng loạt hoàng tử và bộ trưởng Saudi Arabia đã bị bắt giam để điều tra. 

Chính phủ Saudi Arabia nói rằng, các vụ bắt giữ là một phần nỗ lực mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng tính minh bạch, trách nhiệm và năng lực quản lý của giới chức, những cải cách quan trọng cần thiết để thu hút đầu tư từ nước ngoài mạnh mẽ hơn. Đây cũng là biện pháp trấn an xã hội Saudi Arabia trong nhiều thập kỷ qua, vốn liên tục bất bình vì tình trạng tham nhũng trong chính quyền và sử dụng sai nguồn ngân sách công.

Trong quá trình điều tra, tất cả các nghi phạm sẽ được tiếp cận nguồn lực pháp lý đầy đủ, và các phiên tòa sẽ được tổ chức kịp thời và công khai. Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng "chưa từng có" trong lịch sử Saudi Arabia mới trong giai đoạn bắt đầu khi các cuộc thẩm vấn chi tiết vẫn đang diễn ra. 

Các nhà điều tra đã âm thầm thu thập bằng chứng trong suốt 3 năm qua, và chính phủ đang chuẩn bị mở rộng chiến dịch truy quét. Bộ Thông tin Saudi Arabia cho biết sẽ đóng băng tài khoản ngân hàng của những người bị bắt giữ và các tài sản liên quan đến tham nhũng sẽ bị sung công.

Dù danh tính những người liên quan chưa được tiết lộ, song truyền thông khu vực cho biết, trong số những người bị bắt giữ có Hoàng tử Al-Waleed bin Talal - một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất của Saudi Arabia sở hữu hàng loạt dự án bất động sản lớn, bên cạnh cổ phần trong nhiều công ty truyền thông khác, và Hoàng tử Miteb bin Abdullah - Chỉ huy trưởng Lực lượng Cảnh vệ Quốc gia. 

Các cáo buộc đối với Hoàng tử Al-Waleed bao gồm tội rửa tiền, nhận hối lộ và tống tiền quan chức; trong khi Hoàng tử Miteb bị tình nghi tham ô, thuê nhân công giả và cố tình trao các hợp đồng giá trị lớn cho những công ty mà ông sở hữu.

Củng cố quyền lực

Thái tử kế vị Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã chỉ đạo một chiến dịch bắt giữ và điều tra hàng chục hoàng tử, tướng lĩnh, doanh nhân có nhiều ảnh hưởng và một số bộ trưởng trong chính phủ. Với cuộc thanh trừng quy mô lớn, Thái tử Mohammed bin Salman đã làm rung chuyển hệ thống cầm quyền đã tồn tại nhiều thập kỷ của Saudi Arabia. Giới phân tích đánh giá đây là hành động rất cứng rắn song đầy mạo hiểm. 

Theo đó, Thái tử Mohammed bin Salman đang cố gắng thay đổi quan hệ giữa chính trị và kinh doanh ở Saudi Arabia theo cách chưa có tiền lệ. Động thái này cho thấy, gia đình hoàng gia không còn được miễn nhiễm với các cáo buộc tham nhũng trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến quan ngại chiến dịch này là vỏ bọc để Thái tử củng cố quyền lực nhằm tạo thuận lợi cho việc lên ngôi, cũng như loại bỏ những nhân tố phản đối mục tiêu cải cách đầy tham vọng của ông. 

Chương trình cải cách kinh tế "Tầm nhìn 2030" do vị Thái tử  này đưa ra đã được phần đông thanh niên Saudi Arabia ủng hộ, song lại không được lòng những thế hệ cao tuổi vốn ủng hộ truyền thống quyền lực dựa trên đồng thuận của hoàng gia. 

Ngoài ra, Thái tử Mohammed bin Salman hiện đang là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, và chịu trách nhiệm chính đối với các chính sách quân sự, đối ngoại, kinh tế và xã hội của Saudi Arabia. Chính điều này ngày càng khiến những người không hài lòng với sự "vụt sáng" nhanh chóng của Thái tử thêm bất bình.

Giới quan sát đánh giá, chiến dịch thanh trừng này đánh dấu một cuộc tái cơ cấu chưa từng có tiền lệ tại Saudi Arabia khi Thái tử Mohammed bin Salman một mặt phá bỏ mô hình cầm quyền dựa trên đồng thuận trong gia đình hoàng gia, mặt khác từng bước thâu tóm quyền lực. 

Vị Thái tử đã tận dụng cuộc chiến chống tham nhũng để cải tổ chế độ theo hướng mà ông mong muốn từng bước loại bỏ những nhân vật đối lập. Các vụ bắt giữ bất ngờ này đã nhanh chóng nhận được sự hoan nghênh của truyền thông thân chính phủ, ca ngợi đó là tín hiệu rõ ràng cho thấy Thái tử đang hiện thực hóa lời hứa về cải cách đất nước, giảm dần sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu mỏ và tự do hóa nhiều khía cạnh của xã hội Saudi Arabia vốn bảo thủ cực đoan.

Hàng loạt hoàng tử và bộ trưởng Saudi Arabia đã bị bắt giam để điều tra

Người dân Saudi Arabia tỏ ra rất hoan nghênh chiến dịch mà họ chờ đợi bấy lâu nay. Một số thành viên hoàng tộc đang nắm giữ các vị trí trong chính quyền đã nhanh chóng thể hiện sự ủng hộ đối với chiến dịch thanh trừng. Trong khi đó, giới chức Saudi Arabia xem chiến dịch này là sáng kiến mạnh mẽ nhằm giải quyết tận gốc vấn nạn tham nhũng.

Những vụ bắt giữ phát đi thông điệp rằng, không ai có "kim bài miễn tử" và thoát khỏi tầm ngắm của Thái tử Mohammed bin Salman. Những người ủng hộ Thái tử ca ngợi ông là "nhà cách mạng" khi bắt giữ những nhân vật cộm cán, đồng thời tiếp tục cam kết thúc đẩy các cải cách xã hội và kinh tế để hiện đại hóa đất nước và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển bớt lệ thuộc vào dầu mỏ.

Mầm mống khủng hoảng

Chính phủ Saudi Arabia nói rằng, các vụ bắt giữ là một phần nỗ lực mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng tính minh bạch và trấn an xã hội Saudi Arabia vì tình trạng tham nhũng trong chính quyền. 

Theo đó, "cuộc thanh trừng" các hoàng gia và bộ trưởng của Saudi Arabia sẽ mở đường cho việc cải thiện điều kiện kinh doanh tại quốc gia này. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, những biện pháp mạnh tay của Thái tử Mohammed bin Salman đã khiến giới doanh nghiệp cảm thấy bất an trong bối cảnh Saudi Arabia đang rất cần thu hút các nguồn đầu tư để đối phó với tình trạng giá dầu sụt giảm kéo dài, và hiện thực hóa tham vọng trong "Tầm nhìn 2030" đã vạch ra.

Chiến dịch chống tham nhũng cũng có nguy cơ khiến Saudi Arabia rơi vào hỗn loạn, đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc tranh giành quyền lực dữ dội hơn từ người kế vị chiếc ngai vàng. Những vụ bắt giữ có thể gây ra những tổn hại đối với nền kinh tế trong ngắn hạn bởi làn sóng phản đối nhằm vào các dự định của Thái tử, đe dọa động lực cải cách mà ông thúc đẩy. 

Cuộc thanh trừng lần này có thể gây xáo trộn và bất ổn trong khu vực tư nhân, và thậm chí càng kích động dòng vốn chảy ra nước ngoài. Giới quan sát cũng cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng phản đối, nhất là khi Thái tử Mohammed bin Salman tìm cách củng cố quyền lực đối với lực lượng an ninh. 

Tại Saudi Arabia, người dân có rất ít cách để thể hiện quan điểm trái chiều và chỉ trích công khai, bởi vậy chắc chắn những sự phản đối này sẽ diễn ra một cách âm thầm.

Điều mà người ta quan tâm hơn cả là cuộc khủng hoảng chính trị ở Saudi Arabia có thể làm mất ổn định khu vực và gây ảnh hưởng lớn đến giá dầu. Bởi lẽ, là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai trên thế giới và là nước đứng đầu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), bất kỳ sự gián đoạn nào trong sản xuất tại Saudi Arabia sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự cân bằng cung cầu toàn cầu đối với mặt hàng này. 

Thực tế cho thấy, sau sự kiện rúng động ở Saudi Arabia, giá dầu thô Brent tăng cao kỷ lục trong hơn hai năm qua; trong khi đó, giá dầu thô WTI của Mỹ cũng tăng cao hơn, lên tới 55,82 USD/thùng. 

Giới quan sát cũng đề cập tới khả năng giá dầu thô Brent sẽ sớm chạm mức cao 75USD/thùng trong tương lai gần. Tuy nhiên, về dài hạn, sự cầm quyền của Thái tử kế vị có thể khiến giá dầu giảm do ông đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế đất nước để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. 

Dù vậy, không ai có thể đoán trước được điều gì khi mà "trò chơi vương quyền" ở Saudi Arabia vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại...

Lê Nam
.
.