Washington loay hoay với hồ sơ quân sự Afghanistan:

Đi cũng dở, ở không xong

Chủ Nhật, 08/10/2017, 07:49
Cuộc chiến Afghanistan là một trong những bài toán thách thức chính quyền Mỹ suốt 16 năm qua. 

Dù gần 800 tỉ USD đã được đổ vào chiến trường này song cho tới nay, Mỹ vẫn chưa đạt được thành quả đáng kể nào trong khi Afghanistan vẫn chìm trong bất ổn.

Sự trỗi dậy của Taliban và IS đang tạo ra những “khoảng trống” nguy hiểm tại Afghanistan, khiến chính quyền Donald Trump rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Rút quân sẽ là một thất bại lớn của Mỹ, tạo nên nguy cơ chế độ Kabul sẽ đổ và Taliban sống lại; trong khi đó, nếu tiếp tục lún sâu hơn nữa, ông Trump sẽ phải đối mặt với làn sóng phản đối từ cử tri và sự chỉ trích từ các đối thủ.

Truyền thông Mỹ nhận định, Washington không có “chiếc đũa thần” cho hồ sơ Afghanistan. Cho dù ông Trump có triển khai những biện pháp đơn giản và dễ dàng đi chăng nữa thì Tổng thống Mỹ sẽ không dễ khép lại mặt trận đã được mở ra dưới thời của những người tiền nhiệm.

Cuộc chiến dai dẳng

Hồ sơ Afghanistan được coi là cuộc can thiệp quân sự dai dẳng trong lịch sử nước Mỹ. 16 năm sau khi khai hỏa cuộc chiến đầu tiên sau biến cố 11-9-2001, Washington vẫn chưa tìm ra lối thoát.

Tháng 10-2001, Mỹ đưa quân sang Afghanistan với mục đích phá vỡ sào huyệt tổ chức khủng bố al-Qaeda. Mỹ muốn vừa tiêu diệt al-Qaeda, vừa lật đổ chính quyền Taliban ở Kabul. 

Bước kế tiếp, Washington dựng lên một chính quyền mới, đem lại hi vọng cho người dân Afghanistan sau 20 năm chiến tranh. Tưởng là xong việc và các quân nhân Mỹ sẽ hồi hương, thế nhưng tình hình trên thực địa đã xoay chuyển. Taliban lại vùng lên, đe dọa an ninh và cả tiến trình chuyển đổi chính trị tại Afghanistan.

Kế hoạch Mỹ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan bị gián đoạn.

Mỹ đã chính thức sa lầy tại đây. Trong suốt 2 nhiệm kỳ tổng thống, ông Barack Obama vẫn bất lực về vấn đề Afghanistan dù từng bày tỏ quyết tâm cao, dành nhiều nguồn lực và thực thi lộ trình sớm kết thúc cuộc chiến tranh dai dẳng nhất của Mỹ ở Afghanistan. Kế hoạch rút toàn bộ quân khỏi quốc gia này bị gián đoạn. Hiện nay, vẫn còn hàng nghìn lính Mỹ đóng tại Afghanistan.

Trên nguyên tắc, đầu năm 2017 Mỹ phải điều thêm 300 lính hải quân đến Helmand, thành trì của quân Taliban. Giờ đây, “gánh nặng” Afghanistan tiếp tục “đè trĩu vai” chính quyền mới ở Mỹ do Tổng thống Donald Trump đứng đầu.

Bất chấp những nỗ lực đẩy mạnh chống khủng bố của chính quyền Mỹ, Taliban và IS, cùng nhiều nhóm cực đoan khác, tiếp tục gia tăng hoạt động chống phá, làm cho tình hình tại Afghanistan ngày một rối ren.

Mới đây, Taliban đã mở cuộc tấn công nhằm vào một doanh trại quân đội ở miền Bắc Afghanistan, khiến ít nhất 140 binh sĩ thiệt mạng. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất mà Taliban thực hiện trong vòng 2 năm qua, như một “lời đáp trả” vụ Mỹ ném “bom mẹ” - quả bom phi hạt nhân lớn nhất xuống Afghanistan. 

Mặc dù Washington tuyên bố hành động trên nhằm vào khủng bố, đây thực chất là sự phô trương sức mạnh và lời cảnh báo về khả năng can thiệp quân sự sâu hơn tại đất nước Nam Á.

Trong những năm qua, Taliban thường xuyên mở các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng an ninh Afghanistan, gieo rắc nỗi sợ hãi trên khắp đất nước, góp phần tạo lợi thế trên bàn đàm phán chia sẻ quyền lực với chính phủ Kabul. Taliban muốn chứng tỏ vẫn là đối thủ đáng gờm, không dễ bị đánh bại và “không đội trời chung” với Mỹ.

Vì vậy, chính quyền Donald Trump vẫn đi theo hướng cũ là “hi vọng” quét sạch các lực lượng khủng bố (đặc biệt là Taliban) đồng thời củng cố chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani. Tuy nhiên, cho đến nay chính quyền Donald Trump còn chưa bổ nhiệm Đại sứ ở Kabul và một số quan chức phụ tá ở Bộ Ngoại giao. Điều này cho thấy Mỹ rất khó có được chính sách và chiến lược đồng bộ khi chưa bổ nhiệm đủ các chức vụ.

Dù ráo riết muốn tìm cách thoát khỏi cảnh sa lầy, nhưng tình cảnh “đi cũng dở, ở không xong” vẫn đeo đẳng chính quyền Mỹ. Tổng thống Donald Trump chỉ đạo thúc đẩy các chiến lược mới đối với Afghanistan nhằm xoay chuyển tình hình tại đây. Tuy nhiên, chưa một chiến lược rõ ràng nào được giới chức Washington đưa ra. Nếu lựa chọn phương án “dứt áo ra đi”, bỏ mặc Afghanistan tự đảm đương nhiệm vụ an ninh của nước này thì Mỹ nhiều khả năng đối mặt “thảm họa đối ngoại”.

Khi đó, chính quyền Kabul, đang dựa chủ yếu vào nguồn lực bên ngoài (trong đó Mỹ là nhân tố chủ đạo), sẽ sớm sụp đổ, đẩy Afghanistan thành “mảnh đất màu mỡ” cho các phong trào thánh chiến toàn cầu, đe dọa trực tiếp an ninh của Mỹ.

Nhiều ý kiến nhận định, chiến dịch quân sự của Washington tại Afghanistan đã thất bại, biến đất nước này trở thành “hang ổ” trú ngụ của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Trong một cuộc họp ở Nhà Trắng, chính Tổng thống Donald Trump phải thốt lên rằng “chúng ta không chiến thắng” tại Afghanistan, và thừa nhận Mỹ đang hứng chịu thất bại ở chiến trường này.

Với lựa chọn “ở lại” Afghanistan để “nhổ tận gốc” chủ nghĩa khủng bố, chính quyền Trump sẽ phải tiếp tục gánh vác một nhiệm vụ quá nặng nề, phức tạp và tốn kém, nhất là việc phải hoàn tất một chiến lược mới cho Afghanistan. Khó khăn chồng chất tại chiến trường Afghanistan đang đẩy chính quyền Donald Trump xoáy sâu hơn vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, rất khó để giải quyết dứt điểm trong thời gian ngắn.

Đi vào vết xe đổ

Với Mỹ, Washington hiện nay cần sự hỗ trợ về vật chất cũng như nguồn lực từ bên ngoài để giải quyết thế bế tắc cho cuộc chiến ở Afghanistan, trong đó có kịch bản thuê lính đánh thuê nước ngoài thế chân lực lượng Mỹ.

Trong khi đó, quân đội Afghanistan, với sự hỗ trợ của đội ngũ cố vấn Mỹ, vẫn có khả năng đối phó với các tay súng Taliban. Tuy nhiên, khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, cục diện chính trị và an ninh tại đây dự báo sẽ có nhiều thay đổi. 

Khi ấy, Taliban có thể nhận được sự ủng hộ của các thế lực bên ngoài để giành nhiều lợi thế trước chính quyền Kabul. Khả năng Taliban được “tiếp sức” khiến tiến trình hòa bình tại Afghanistan có thể tiếp tục diễn biến phức tạp và khó đoán định.

Taliban cùng nhiều nhóm cực đoan khác tiếp tục gia tăng hoạt động chống phá, làm cho tình hình tại Afghanistan ngày một rối ren.

Trước tình hình này, Tổng thống Donald Trump vừa qua đã công bố chiến lược hoàn toàn mới của quân đội Mỹ tại Afghanistan, với hi vọng giành chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ đã tiến hành tại Afghanistan 16 năm qua.

Trước hết, Mỹ sẽ chuyển từ cách tiếp cận phụ thuộc yếu tố thời gian - có thể dẫn đến lịch trình rút quân như chính quyền Tổng thống Obama - sang cách tiếp cận dựa trên những điều kiện thực tế - sẽ dẫn đến việc tăng quân cho chiến trường Afghanistan. Theo ông Trump, việc rút quân nhanh chóng khỏi chiến trường Afghanistan sẽ dẫn đến những hậu quả “có thể đoán trước và không chấp nhận được”.

Bên cạnh đó, ông Trump khẳng định cuộc chiến tại Afghanistan cần phải được giải quyết bằng cả các biện pháp ngoại giao, kinh tế và quân sự, cùng với đó là Chính phủ Afghanistan cần phải thể hiện trách nhiệm nhiều hơn nữa trong việc chia sẻ những gánh nặng về kinh tế và quân sự với Mỹ.

Tổng thống Mỹ đề nghị các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai thêm binh sĩ và hỗ trợ thêm ngân sách cho chiến trường Afghanistan. 

Ông cũng cam kết sẽ tăng quyền cho các lực lượng vũ trang Mỹ nhằm thực hiện tốt hành động và có hiệu quả cao trong cuộc chiến tiêu diệt các phần tử khủng bố hay những mạng lưới tội phạm đang hoạt động tại Afghanistan.

Chiến lược mới của chính quyền Trump về Afghanistan cho thấy Washington không tập trung vào kế hoạch “xây dựng quốc gia” ở nước ngoài, mà chiến đấu chống khủng bố và bảo vệ lợi ích Mỹ khỏi các mối đe dọa an ninh. Tuy nhiên, chiến lược này lại không được đánh giá cao do chính quyền Trump chưa có sự thay đổi trong nhận thức về Afghanistan.

Có thể thấy rằng, nhà nước Afghanistan mang tính chất trung ương phân quyền rõ nét nhất hiện nay. Dù không hoàn toàn bị phân chia bởi tính cát cứ nhưng quyền uy và sức mạnh của chính quyền trung ương tại quốc gia này đối với các bộ tộc rất hạn chế. Chính sách của Kabul sẽ không được thực thi tại một khu vực nếu không được phép của bộ tộc tại đó. Vì vậy, chính quyền trung ương tại Afghanistan thường không có sức mạnh thật sự.

Mỹ đã mắc phải sai lầm trong việc xây dựng chính quyền thân Mỹ tại Afghanistan. Trong hàng chục năm trời, chính quyền Hamid Karzai chỉ nắm được Kabul và vùng lân cận, còn các bộ tộc ở những vùng xa lại là đất sống của Taliban. Và khi Mỹ rút đến đâu thì Taliban trỗi dậy đến đó. Trong gần nửa thế kỷ qua, chính quyền Taliban mới là chính quyền có quyền lực nhất tại Afghanistan.

Điều này được hình thành từ sự phân chia quyền lợi giữa chính quyền trung ương và các bộ tộc. Và đây mới là nguyên nhân chính của việc Taliban không thể bị tiêu diệt sau hơn chục năm bị quân đội Mỹ lật đổ và tìm diệt: nhờ tấm lá chắn lợi hại từ sự ủng hộ và che chở của các bộ tộc tại Afghanistan.

Truyền thông đã bình luận ông Trump đang lặp lại sai lầm của người tiền nhiệm, rằng chiến lược cứu vãn cuộc chiến ở Afghanistan sẽ cùng chung số phận thất bại như các kế hoạch trước. 

Hiện nay, Chính phủ Afghanistan đang mất dần thế kiểm soát vào tay phiến quân Taliban khi lực lượng này đã chiếm được 40% diện tích đất nước. Taliban đang gia tăng các cuộc tấn công vào quân đội Afghanistan, quyết đưa Kabul vào thế bất lợi và không thể đảo ngược.

Việc Taliban có thể chiếm ưu thế trước Kabul là do người dân Afghanistan đã mất lòng tin vào chính quyền. Do vậy, nếu không thay đổi được điều đó thì dù chính quyền Donald Trump có gửi bao nhiêu quân đến Afghanistan cũng sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì...

Hồng Hạnh
.
.