Phòng tuyến Maginot kiệt tác vô nghĩa

Thứ Tư, 17/10/2018, 11:24
Không phải ngẫu nhiên mà quân sử thế giới đánh giá cao học thuyết Chiến tranh chớp nhoáng (Blitzkrieg) – mà đỉnh cao là cuộc tấn công thần tốc bức hàng nước Pháp - của quân đội Đức Quốc xã trong Đại chiến thế giới lần thứ hai đến thế. 

Đầu tiên và cuối cùng, thiết kế hoàn hảo của phòng tuyến Maginot chính là điều quyết định tạo nên cho những bước quân hành sấm sét ấy dáng vóc của một kỳ công. Và bởi vậy, trọng tâm bài này sẽ không phải là những cái tên lẫy lừng của quân đội Quốc xã như Von Manstein, Heinz Guderian hay Erwin Rommel…

Đỉnh cao của “chiến tranh chiến hào”

Nhân vật chính ở đây là Andre Maginot (17/2/1877 – 7/1/1932), Bộ trưởng Chiến tranh của nước Pháp từ năm 1928 đến năm 1931, cha đẻ của phòng tuyến phi thường ấy - được đặt tên theo chính ông.

Andre Maginot sinh ở Paris, nhưng lớn lên ở vùng Alsace – Lorraine, miền đất mà sau này phòng tuyến Maginot được xây dựng, cũng là vùng lãnh thổ nước Pháp từng bị mất cho người Đức một thời gian dài sau khi Hoàng đế Napoleon III bị đánh bại trong chiến tranh Pháp – Phổ (1870), điều để lại những vết hằn đầy tâm trạng cho cả một thế hệ, ngay cả trong thứ văn chương dịu dàng và tao nhã của Alphonse Daudet (truyện ngắn Bài học cuối cùng).

Hơn thế, Andre Maginot còn là một cựu chiến binh thời Đại chiến thế giới lần thứ nhất, nơi “chiến tranh chiến hào” thể hiện sự thống trị của mình. Ông đã chứng kiến cảnh hàng tập đoàn quân kìm giữ lẫn nhau giữa các chiến tuyến được định hình bằng chiến hào và công sự, để rồi mỗi cuộc xung phong đều trở thành một lần tự sát tập thể. 

Ông cảm nhận được rằng điều đó tác động tồi tệ như thế nào đến tinh thần chiến đấu của binh sĩ phía buộc phải tấn công. Và ông tin tưởng rằng, những phòng tuyến như thế sẽ là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ miền biên cương nước Pháp nơi ông lớn lên, trước tham vọng phục hận của những người Đức láng giềng.

Andre Maginot.

Niềm tin vào những bức tường thành là một truyền thống lâu đời trong lịch sử bất cứ nền văn minh lớn nào trên thế giới, và Pháp cũng không ngoại lệ.

Trước Andre Maginot, niềm tin ấy được khẳng định bởi Sebastien Le Prestre - hầu tước xứ Vauban, kiến trúc sư quân sự, Thống chế dưới quyền vua Louis XIV, người đem đến cho thế giới khái niệm “thành lũy kiểu Vauban” với những góc khúc khuỷu hỗ trợ cho việc bắn chéo cánh sẻ từ mọi phía của quân phòng ngự.

Sau đó, đến Đại chiến thế giới lần thứ nhất, tư tưởng cố hữu ấy tiếp tục được củng cố nhờ Thống chế Joseph Joffre. Joffre quan niệm, một quan niệm được quán triệt tới toàn quân: Chiến tranh sẽ là cuộc đọ sức giữa các đoàn quân xông lên từ chiến hào hay từ chiến lũy.

Không phải ông không biết rằng công sự nào cũng có thể bị xuyên thủng, nhưng triết lý chính của ông là: Một công sự lớn có thể cầm chân lực lượng tấn công đủ lâu, làm suy yếu và tiêu hao sinh lực của nó, khiến nó không thể tấn công nước Pháp trực diện. 

Và rồi, nước Pháp sẽ đủ khả năng tung ra những đợt phản công quyết định, hoặc có thể ép kẻ địch (ở đây là quân Đức) phải chà đạp lên tính trung lập của Bỉ và qua đó kéo Anh (cam kết bảo vệ sự trung lập ấy) vào cuộc chiến. Hoặc ít nhất, chiến sự sẽ diễn ra ngoài lãnh thổ nước Pháp.

Triết lý này cũng được Thống chế Petain, người sau này đứng đầu chính phủ Vichy bù nhìn, người hùng ở Đệ nhất thế chiến và kẻ tội đồ trong Đệ nhị thế chiến, chia sẻ nồng nhiệt.

Trên nền tảng đó, trong một bài diễn văn đọc ngày 10-12-1929, Andre Maginot khẳng định ông chống lại “bất cứ mơ mộng nào xây một thứ Trường Thành cho nước Pháp”, và nhấn mạnh rằng đối với ông, các công sự sẽ là “những phương tiện mạnh mẽ và uyển chuyển để tổ chức phòng ngự, dựa trên nguyên tắc tận dụng địa hình nhằm lập nên một chiến tuyến trải dài liên tục ở khắp mọi nơi”.

Nghĩa là, với Maginot, những chiến lũy chỉ là công cụ phòng ngự, để sau đó phản công. Nhưng, éo le thay, sau khi hoàn tất, Phòng tuyến Maginot lại tạo nên những ảo tưởng về sự bất khả xâm phạm.

Không phải là sai lầm, nhưng vẫn là thất bại.

Phòng tuyến Maginot là gì?

Đó là một chuỗi dài hệ thống phòng ngự nối nhau bằng những con đường, những hầm hào, thậm chí cả những tuyến đường sắt tiếp vận. Nó là hàng loạt những khu liên hợp trên bề rộng tới 15 dặm, từ phía đông (đường biên giới Pháp – Đức) vào sâu trong lãnh thổ nội địa phía tây.

Nó là sự sắp xếp đan xen của các cứ điểm, các trạm gác biên phòng, các công sự, các kho vũ khí và kho lương thực - hậu cần, các trạm quan sát tiền tiêu. Ngay phía sau tuyến phòng ngự đầu tiên là những pháo đài và những phức hợp boong-ke có thể chứa tới hàng nghìn binh lính.

Khi mùi thuốc súng bắt đầu thổi tới nước Pháp từ những cuộc sáp nhập Áo, xé nát Tiệp Khắc và xâm chiếm Ba Lan của quân đội Đức Quốc xã, tính chất “không thể vượt qua” của Phòng tuyến Maginot càng được truyền thông Pháp thổi phồng. 

Thực ra, điều này không sai. Các danh tướng dưới trướng Adolf Hitler không bao giờ tính chuyện xua quân của mình đâm đầu trực diện vào bức trường thành ấy, kiệt tác công sự phòng ngự ấy. Họ quá hiểu rằng điều đó là không thể.

Một góc Phòng tuyến Maginot trên thực tế

Song, cách Phòng tuyến Maginot trở thành một thứ “bùa hộ mệnh” cho cả nước Pháp thì bộc lộ một khía cạnh khác: Sự sa sút của tinh thần dân tộc. 

Người Pháp không muốn tin vào nguy cơ chiến tranh, họ chọn tin vào lời hứa không gây chiến của ông bạn láng giềng Đức. Từ đó, những ý tưởng mang tính đột phá bị phớt lờ - điều rất đáng ngạc nhiên với một dân tộc giàu truyền thống sáng tạo như dân tộc Pháp.

Không phải ai cũng bị cuốn theo khuynh hướng ấy. Vẫn có những chính khách như Paul Reynaud và Charles De Gaulle nhận ra rằng chiến tranh đã và đang thay đổi chóng mặt, rằng sức cơ động của xe tăng hay máy bay sẽ chiếm ưu thế trước các công sự cố định, rằng nên đầu tư kinh phí quốc phòng vào không quân và thiết giáp…

Nhưng, họ chỉ là thiểu số. Mà thậm chí, đến cả ý niệm ban đầu của chính Andre Maginot: Phòng ngự để phản công cũng bị biến tướng thành một thứ tâm lý phòng ngự thụ động, bao trùm từ kiến trúc thượng tầng. 

Theo cuốn “Hitler và các danh tướng Đức Quốc xã” của Raymond Cartier, cũng như theo cuốn “Lịch sử Đức Quốc xã - Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba” (William L.Shirer), ngay từ khi nước Đức tái vũ trang và đưa quân vào Hành lang sông Rhine, chỉ cần Anh và Pháp có những động thái quyết liệt, họ đã có thể bẻ ngoặt dòng chảy lịch sử theo một hướng khác.

Von Manstein, Guderian hay Rommel không chọn cách “đâm đầu vào đá”. Họ xua thiết giáp Đức – với ưu thế tuyệt đối về thiết kế và kỹ thuật thời ấy – băng qua khu vực rừng Ardenes, nơi không hiện hữu các công sự phòng ngự (nhưng cũng là nơi giới quan chức Pháp tin tưởng rằng địa hình sẽ giúp họ chặn bước kẻ địch). 

Đạp lên vị thế trung lập của nước Bỉ, coi thường sự nhu nhược của cả nước Pháp lẫn nước Anh (dù sự nhu nhược ấy có thể được diễn giải là phương thức hướng mũi nhọn phát-xít về phía đông, để “xua hổ nuốt sói”, tấn công Liên Xô), quân đội Quốc xã chỉ tập trung toàn bộ sinh lực đánh nát điểm phòng ngự ở biên giới Pháp – Bỉ - pháo đài Ebel – Emaen. 

Lính dù, pháo kích, xe tăng và súng phun lửa dễ dàng thổi bay sức kháng cự của binh sĩ Bỉ. Cửa đột phá vào đất Pháp bật mở, thênh thang như chỗ không người. Sau đó là trận Dunkirk, sau đó nữa là việc Phòng tuyến Maginot bị tấn công từ phía sau lưng. 

Chủ lực quân Pháp bị chia cắt, bao vây, cô lập và hủy diệt. Sau đó là Paris thất thủ, và sau đó là sự đầu hàng nhục nhã của nước Pháp, chỉ trong vòng một tháng rưỡi. 

Nói như nhà nghiên cứu Alan Axerod, tác giả cuốn “Những quyết định sai lầm trong lịch sử”: “Phòng tuyến Maginot không hề yếu kém. Nhưng, những người xây nên nó đã tỏ ra quá yếu kém”. 

Nó – một công cụ ngăn chặn – bị bắt phải trở thành một thứ vũ khí tối hậu. Nó, tuyệt tác phòng ngự, lại cũng chính là sự lãng phí nguồn lực đáng lẽ phải được dành để bắt kịp xu thế của chiến tranh thời đại mới. Và nó, Phòng tuyến Maginot, củng cố một quan niệm sai lệch, khi thực ra chẳng bức tường nào đứng vững được nếu thiếu yếu tố tinh thần.

Nhưng có lẽ, phải đến Điện Biên Phủ, bài học ấy mới được nước Pháp học thuộc lòng…

Năm 1926, Maginot bắt đầu thuyết phục được chính phủ cấp vốn cho các đoạn thí điểm của phòng tuyến. Ba năm sau, ông có được trọn vẹn khoản kinh phí 3,3 tỷ franc. Sau đó, ông còn xin thêm được những khoản nâng cấp đoạn tường qua Alsace – Lorraine. Bảy năm sau khi Andre Maginot qua đời vì bệnh thương hàn, phòng tuyến khổng lồ ấy mới chính thức hoàn tất, ngay trước thềm Đại chiến Thế giới.

Dọc theo phòng tuyến, có 45 pháo đài lớn, mỗi pháo đài cách nhau khoảng 9 dặm. Hệ thống này được bổ trợ bằng 97 pháo đài nhỏ hơn và 325 công sự có lỗ châu mai đặt súng máy. Chúng được nối với nhau bằng khoảng hơn 62 dặm đường hầm.

Đông Thư
.
.