Khi IS và al-Qaeda câu kết
- Al Nusra tách khỏi Al Qaeda để "tay bo" với Mỹ và Nga
- Quân đội Syria triệt hạ nhóm Al-Nusra tại nhiều tỉnh
- IS và al-Qaeda: Tổ chức nào nguy hiểm hơn?
Dù al-Nusra có mâu thuẫn với IS nhiều năm qua nhưng chi nhánh của al-Qaeda tại Syria vừa mới tuyên bố sẽ trả đũa cho cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu, dẫn đến “cái bắt tay” với IS.
Một nguồn tin cấp cao trong lực lượng tình báo Mỹ xác nhận rằng al-Nusra và các nhà lãnh đạo IS đang lên kế hoạch phối hợp chiến đấu. Hiện vẫn chưa có công bố chính thức từ hai nhóm khủng bố. Tuy nhiên, việc các thành viên al-Nusra gia nhập vào IS, dù ít hay nhiều, vẫn sẽ gây nên những khó khăn không nhỏ cho chiến dịch không kích IS của liên quân Mỹ, vốn đang bắt đầu “cạn quỹ”.
Thành lập liên minh
Theo Reuters, IS và al-Qaeda đang đàm phán về việc thành lập một liên minh trong bối cảnh các phiến quân bị quân đội Iraq áp sát tại thành phố Mosul. Trên thực tế, IS đã bắt đầu thực hiện nhiều cuộc họp bí mật với mạng lưới khủng bố al-Qaeda tại một trang trại ở phía bắc Syria. Lãnh đạo hai tổ chức khủng bố hàng đầu thế giới hiện nay đã thống nhất cùng nhau chống lại chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, chống Mỹ và các nước phương Tây.
Al-Qaeda từng gieo rắc sợ hãi cho phương Tây thông qua các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào tòa tháp đôi tại Mỹ và tạo cảm hứng cho những vụ đánh bom. |
Suốt thời gian qua, các thủ lĩnh cấp cao của hai tổ chức này đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với thủ lĩnh các nhóm Hồi giáo vũ trang khác thuộc khu vực Trung Đông và châu Phi. Những sự kiện liên tiếp diễn ra cho thấy, IS đang thực hiện một âm mưu thành lập liên minh khủng bố toàn cầu và nguy cơ hiện hữu sẽ gieo rắc kinh hoàng ở nhiều nơi.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tách ra từ nhóm khủng bố al-Qaeda vào năm 2014. Hai nhóm này đã bắt đầu cuộc tranh giành ảnh hưởng trong việc chiêu mộ binh sĩ và huy động tài trợ dưới vỏ bọc của một cuộc thánh chiến toàn cầu. Al-Qaeda đã từng công khai chỉ trích IS vì những phương pháp tra tấn và hành quyết tàn bạo mà nhóm này áp dụng, trong đó có chặt đầu, thiêu sống và dìm chết. Hoạt động bành trướng của IS khắp khu vực miền bắc Iraq kể từ năm 2014 đã khiến chính quyền nước này gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm cách đối phó.
Cũng trong năm 2014, IS đã tuyên bố thành lập một Nhà nước Hồi giáo tự xưng để tranh giành ảnh hưởng với al-Qaeda. Tháng 10/2016, lực lượng an ninh Iraq và các chiến binh tình nguyện Hồi giáo dòng Shia đã phối hợp với liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu để đẩy lùi phiến quân IS ra khỏi Mosul.
Cách đây hơn 10 năm, al-Qaeda từng gieo rắc sợ hãi cho phương Tây thông qua các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào tòa tháp đôi tại Mỹ và tạo cảm hứng cho những vụ đánh bom ở Madrid và London. Nhưng giờ đây mối lo này đã chuyển sang tổ chức IS cực kỳ bạo lực và am hiểu về truyền thông.
IS trước kia từng tuyên thệ trung thành với al-Qaeda, nhưng vài năm lại đây đã tự xem mình là nhóm thánh chiến dòng Sunni xuất chúng, và vượt mặt “ông chủ cũ” trong ván cờ riêng. Do những hành động bạo lực tồi tệ tại Iraq, IS hầu như đã bị đánh bại và biến mất trước áp lực từ quân đội Mỹ cộng với sự “tẩy chay” của người Hồi giáo dòng Sunni địa phương.
Tuy nhiên, việc Syria rơi vào nội chiến đã trở thành chiếc “phao cứu sinh” giúp IS trở lại và phát triển. Chiến lược bạo lực của IS có được ảnh hưởng lớn và được tái sinh nhờ nổ ra cuộc xung đột Syria và chiếm được đất đai ở Iraq.
IS đã mất quyền kiểm soát nhiều khu vực tại Mosul nhưng vẫn đang nắm giữ các thị trấn Qaim, Hawija và Tal Afar ở Iraq và đặc biệt là Raqqa - thủ phủ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Syria. Tuy nhiên ngay cả khi IS mất toàn bộ các vùng trọng điểm, tổ chức này cũng sẽ không biến mất hoàn toàn mà chuyển sang hình thức hoạt động bí mật và âm thầm thực hiện các hành vi tội ác trên khắp thế giới.
Giờ đây, IS đang dần quay lại với al-Qaeda với mục đích không chỉ tạo uy tín giúp IS thu hút số lượng lớn chiến binh nước ngoài mà còn cho phép chúng tuyển mộ trực tiếp từ những người dân sống trong vùng lãnh thổ mà tổ chức này chiếm được.
Mosul và Raqqa được coi là thành trì của IS. |
Ngoài ra, hai tổ chức này sẽ “tái liên kết” theo nhiều hình thức để mở rộng ảnh hưởng. Đó là phương pháp dùng sự sợ hãi và đe dọa của IS, bên cạnh tạo mối liên kết thông qua những liên minh thắt chặt dựa trên việc “cùng chiến đấu, huấn luyện chung và quan hệ bạn bè” - một mô hình về dài hạn có thể thành công hơn của al-Qaeda.
Ở chiều ngược lại, hợp tác với IS giúp al-Qaeda có được cơ hội để củng cố và tái xây dựng lực lượng. Mỹ và các nước phương Tây luôn cảnh giác điều này, và vẫn luôn coi Al-Qaeda là tổ chức nguy hiểm hàng đầu thế giới. Sức mạnh của al-Qaeda thể hiện qua những chiến lược tuyên truyền mà Osama bin Laden đã để lại - đó là chiến lược có bề dày đã ăn sâu trong thế hệ những phần tử Hồi giáo cực đoan vẫn chưa từ bỏ ảo vọng về một thế giới chỉ dành cho người Hồi giáo.
Các cơ quan tình báo cho rằng, al-Qaeda đang tập trung vào việc tăng cường tài chính, củng cố tổ chức và lập kế hoạch cho các cuộc tấn công khủng bố lớn, đồng thời tiếp tục xây dựng các chi nhánh ở mọi nơi, hướng đến mục tiêu thiết lập một tiểu vương quốc Hồi giáo ở Đông Nam Á - một phần trong kế hoạch của al-Qaeda từ bấy lâu.
Nguy hiểm lớn dần
Sự phối hợp giữa đường lối bạo lực – cứng rắn của IS và những toan tính kín đáo – kĩ lưỡng của al-Qaeda có thể dẫn đến một kịch bản khác nguy hiểm hơn cho an ninh thế giới. Cả IS và al-Qaeda đang có dấu hiệu ẩn mình, để rồi từ từ trỗi dậy trở lại và có thể trở thành một mối nguy hiểm về lâu dài.
Reuters đưa tin một lượng lớn các trại huấn luyện thánh chiến đã “mọc” lên ở Afghanistan, cho thấy dấu hiệu manh nha trở lại của việc tuyển mộ. Al-Qaeda đang dần hợp pháp hóa vị thế của chúng là một lực lượng vũ trang, cũng như ngày càng là một lực lượng chính trị có thể đứng vững. Nhóm al-Nusra đang lặng lẽ trở thành một sự lựa chọn chủ đạo để kết nối giữa IS và al-Qaeda.
Thực tế tại Trung Đông hay Bắc Phi đang dần biến đổi al-Qaeda thành một phong trào rộng lớn hơn, hoạt động tinh vi hơn khi chúng chọn chiến lược “xâm lấn” các phong trào xã hội khu vực. Bằng việc tự lẩn vào các phong trào lớn hơn, al-Qaeda có được sự bảo vệ nhiều hơn khỏi các cuộc tấn công bên ngoài. Đây chính là điều IS cần, để từ đó thiết lập các quan hệ gần gũi với người dân địa phương.
Sự phối hợp giữa đường lối bạo lực – cứng rắn của IS và những toan tính kín đáo – kĩ lưỡng của al-Qaeda có thể dẫn đến một kịch bản khác nguy hiểm hơn cho an ninh thế giới. |
Cách tiếp cận “mềm mỏng” và ít bạo lực hơn của al-Qaeda đang thực sự lôi kéo được nhiều tổ chức khủng bố được hình thành từ địa phương, khiến IS phải quay về nếu tổ chức này muốn mở rộng quy mô tấn công hay thể hiện sự hủy diệt cũng như truyền bá tư tưởng khủng bố trên toàn cầu.
Nếu IS được coi là “tứ chi phát triển” thì phương Tây và Mỹ lại lo ngại những “bộ não” của al-Qaeda đang cố trở thành người bảo vệ thực sự các lợi ích của người Hồi giáo Sunni, hơn các chế độ Arab hợp pháp, hay phương Tây do Mỹ lãnh đạo.
Giờ đây khi mà IS vẫn còn là một mối nguy, và al-Qaeda dần hoàn thành sự chuyển tiếp của chúng từ một nhóm khủng bố thành một phong trào xã hội bình dân, mức độ nguy hiểm của hai tổ chức này sẽ tăng lên gấp bội.
Điều này khiến Mỹ “đứng ngồi không yên”, buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump phải đứng ra chủ trì cuộc họp đầu tiên của liên minh chống IS nhằm đạt sự nhất trí về các bước tiếp theo để đánh bại tổ chức khủng bố này cũng như chuẩn bị cho sự trở lại của al-Qaeda.
Mỹ đặt “mục tiêu số 1” ở Trung Đông là đánh bại IS, đồng thời hối thúc các đồng minh thúc đẩy hợp tác quân sự và chia sẻ tài chính cho mục tiêu này. Bên cạnh bàn cách triệt tiêu IS ở Iraq và Syria, Mỹ và đồng minh sẽ tập trung vào công tác tái thiết Mosul cũng như bàn kế hoạch đối phó với việc IS mở rộng hoạt động ở Libya và một số nước khác.
Trong một tuyên bố cuối tháng 4, Lầu Năm Góc khẳng định Washington đang xem xét đẩy nhanh cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria. Cụ thể, quân đội Mỹ muốn đẩy nhanh việc chuẩn bị đào tạo, trang bị cũng như những gì cần thiết cho cuộc chiến chống IS.
Mới đây, Washington đã tăng cường hiện diện quân sự trên mặt đất bằng cách triển khai hàng trăm thủy quân lục chiến để hỗ trợ cuộc chiến chống IS. Việc triển khai này được cho là một phần của chiến dịch giải phóng Raqqa - nơi được coi là thành trì của IS ở Syria. Bên cạnh đó, Washington đã triển khai 2.500 binh sỹ tới Kuwait, với tuyên bố rằng sẽ tham gia vào các chiến dịch chống IS tổng lực ở cả Syria và Iraq.
Hãng Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho hay Lầu Năm Góc đang muốn có một lực lượng triển khai nhanh đóng quân tại Kuwait nhằm thay đổi chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến đánh bại phiến quân IS. Ngoài ra, theo giới phân tích, Mỹ đang áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong cuộc chiến chống IS lần này.
Theo đó, các tổ chức Hồi giáo từng bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố, nay lại được Mỹ tiếp sức để đương đầu với IS...