Hơn 1 tỷ người vẫn đang bị đói...

Thứ Tư, 19/07/2017, 09:21
Theo Liên Hợp quốc, dân số thế giới dự kiến sẽ tăng lên 9,6 tỷ vào năm 2050. Khi đó, sản xuất nông nghiệp sẽ cần phải tăng 70% để đáp ứng nhu cầu của nhân loại. Làm sao để bảo đảm an ninh lương thực quả là bài toán vô cùng hóc búa của nhân loại, nhất là trong bối cảnh tình trạng xung đột và bất ổn, dịch bệnh và thời tiết đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo, tình trạng hạn hán và xung đột đang làm trầm trọng tình hình an ninh lương thực ở châu Phi, nhất là ở khu vực miền đông. 

Trong khi đó, biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng El Nino, đã và đang tác động hết sức tiêu cực đến cuộc sống của hàng chục triệu dân trên thế giới. Khu vực Đông Nam Á - vựa lúa của toàn cầu - đang bị đe dọa nghiêm trọng với những cánh đồng khô nẻ và nạn ngập mặn hoành hành. 

Ngoài ra, khan hiếm năng lượng khiến các nước phát triển hướng đến nguồn nhiên liệu sinh học với đầu vào là sản phẩm nông nghiệp điều này đã gây thiếu hụt lương thực nghiêm trọng. Rõ ràng, an ninh lương thực vẫn là bài toán khó đối với thế giới, cần có sự góp sức của cộng đồng trong đi tìm lời giải.

Thực tế đáng báo động

Năm 2009, lần đầu tiên trong lịch sử, số lượng người thiếu lương thực trên thế giới đã vượt ngưỡng 1 tỷ. Trong bối cảnh dân số thế giới được dự báo sẽ tăng lên 9,6 tỷ người vào năm 2050, để đáp ứng được nhu cầu lương thực vào thời điểm đó, sản lượng lương thực toàn cầu sẽ phải tăng thêm 70%. 

Mặc dù sản lượng ngũ cốc toàn cầu tăng mạnh trong năm 2016, ước tính đạt mức kỷ lục hơn 2,530 tỷ tấn nhờ sản lượng ngô tăng vọt tại Mỹ và vụ mùa bội thu tại châu Âu, nhưng FAO cảnh báo những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu và thời tiết, dân số tăng nhanh, tác động tiêu cực của dịch bệnh và xung đột liên miên tại nhiều quốc gia đang khiến tình hình an ninh lương thực toàn cầu xấu đi. Điều này đang đặt ra thách thức không hề nhỏ cho thế giới trong việc đảm bảo an ninh lương thực.

Vấn đề an ninh lương thực đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi tất cả các quốc gia cần tăng cường hợp tác ở cấp độ toàn cầu, liên khu vực và khu vực cũng như song phương.

FAO mới đây đã chủ trì hội thảo “Xóa sổ nạn đói và bảo đảm an ninh lương thực tại châu Phi”, nhằm đánh giá những thành tựu then chốt và những thách thức của “lục địa đen” trong nỗ lực thực hiện hai mục tiêu trên. 

Các đại biểu dự hội thảo đã bày tỏ quan ngại tình hình an ninh lương thực tại “lục địa đen” đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn bởi rất nhiều cú sốc, trong đó có hạn hán, sâu bệnh hại cây trồng, dịch bệnh, các cuộc xung đột dai dẳng và những bất ổn dân sự tại một số quốc gia. 

Có một thực tế đáng lo ngại rằng, nạn đói và tình trạng suy dinh dưỡng tiếp tục hoành hành tại đây, cho dù châu Phi đã nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết thách thức nặng nề này.

Châu Phi đã mất hơn 35 tỷ USD để nhập khẩu lương thực - thực phẩm, và con số này có thể sẽ tăng lên 110 tỷ USD vào năm 2025. Hiện nay, khoảng 37 nước châu Phi cần hỗ trợ lương thực từ bên ngoài, trong đó có 28 nước chịu hậu quả của hạn hán do hiện tượng thời tiết El Nino gây ra đối với mùa thu hoạch. 

Trong khi sản xuất nông nghiệp dự báo phục hồi ở miền nam châu Phi, thì giao tranh và bất ổn kéo dài đang làm gia tăng số người nghèo đói và rời bỏ nhà cửa ở những vùng khác. Nạn đói đã chính thức được tuyên bố ở Nam Sudan, trong khi tình hình an ninh lương thực là mối lo ngại nghiêm trọng ở miền bắc Nigeria, Somalia và Yemen. 

Xung đột và bất ổn nhiều nơi trên thế giới như Afghanistan, Burundi, Congo, Iraq hay Syria cũng làm trầm trọng thêm vấn đề an ninh lương thực đối với hàng triệu người, đồng thời ảnh hưởng các nước lân cận tiếp nhận người tị nạn.

Tại khu vực Đông Nam Á, tình trạng thiếu nước nghiêm trọng sẽ kéo theo sản lượng lúa, các loại cây lương thực khác sụt giảm mạnh. Vùng đất nông nghiệp lớn ở Đông Bắc Thái Lan đang thiếu nước trầm trọng khi mực nước trong những hồ dự trữ đang xuống thấp. 

Không chỉ vậy, một số vùng nông nghiệp khác cũng đang hứng chịu hạn nặng, khiến diện tích đất nông nghiệp của toàn quốc đã giảm 10% do thiếu nước tưới tiêu. Các quốc gia lưu vực sông Mê Kông khác như Lào hay Campuchia cũng đang chịu ảnh hưởng tương tự. Hơn 200.000ha đất nông nghiệp ở Campuchia đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt hạn hán diễn ra ngày càng khốc liệt. 

Hạn hán do hiện tượng thời tiết El Nino, cùng với...

Còn tại Lào, hạn hán đã làm suy giảm đáng kể năng suất lúa. Tình trạng hạn hán đã kéo dài khiến nhiều nông dân ở Lào còn lo ngại phải đối mặt với nguy cơ đói vì thiếu gạo ăn.

Tại hàng loạt quốc gia phát triển, những rủi ro an ninh lương thực cũng đang trở thành một thách thức không nhỏ. Ngành nông nghiệp châu Âu đối mặt nhiều thách thức, như những hạn chế tồn tại trong sản xuất và nhất là đối phó tình trạng biến đổi khí hậu - địa chất.

Tại Anh, biến đổi khí hậu toàn cầu có thể khiến nước này phải đối mặt thường xuyên hơn tình trạng hạn hán hay bão lụt. Anh hiện nhập khẩu tới 40% lượng lương thực để nuôi 63 triệu dân, trong khi đó, các quốc gia xuất khẩu lương thực lại luôn có xu hướng bảo vệ nguồn lương thực của mình trong tình trạng khẩn cấp. 

Do đó, nước Anh dễ bị tác động bởi hiện tượng biến đổi khí hậu diễn ra từ bên ngoài. Thêm vào đó, dân số Anh dự báo sẽ tăng thêm 10 triệu người trong vòng 40 năm tới, trong khi những loại lương thực, thực phẩm phổ biến lại dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu cũng đẩy “nhà giàu” Anh liêu xiêu trong nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực.

Đi tìm giải pháp

Theo số liệu của FAO, bất chấp cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu đã giành được nhiều thành tựu đáng ghi nhận nhưng thế giới hiện vẫn có gần 900 triệu người suy dinh dưỡng. 

Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra ngày một mạnh mẽ, nhưng nguồn tài nguyên đất canh tác và nước đang tiếp tục giảm cùng với áp lực môi trường gia tăng. Thêm vào đó, nhiều nước lại có xu hướng hạn chế đầu tư cho các nghiên cứu nông nghiệp để tăng sản lượng cây trồng. 

Chưa hết, sự bất bình đẳng giới diễn ra phổ biến ở các nước đang phát triển đang đe dọa an ninh lương thực. Mặc dù chiếm một nửa lực lượng lao động nông nghiệp và có vai trò chính yếu bảo đảm dinh dưỡng trong gia đình, nhưng vẫn có khoảng 500 triệu phụ nữ làm nông nghiệp trên khắp thế giới không được cấp các nguồn lực làm nông nghiệp cần thiết và có tới 20% đến 30% nữ giới bị mất bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực so với nam giới.

 giao tranh và bất ổn kéo dài, đang làm gia tăng số người nghèo đói.

An ninh lương thực bị đe dọa sẽ kéo theo những hệ lụy làm bất ổn xã hội và chính trị, gây nội chiến và khủng bố, từ đó tác động an ninh chung của cả thế giới. Sự thay đổi toàn cầu này đòi hỏi phải được giải quyết một cách đúng đắn, nếu không các tác động đối với an ninh lương thực sẽ trở nên rất nghiêm trọng. 

Đối với châu Phi, các nhà lãnh đạo cấp cao cần hoạch định và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế vĩ mô phù hợp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, bao gồm các vấn đề chính sách tài khóa, tài chính tín dụng, thị trường nông sản hay tăng năng suất cây trồng. 

Họ nên tôn trọng cam kết đầu tư 10% ngân sách quốc gia vào lĩnh vực nông nghiệp nếu muốn giúp hàng triệu người dân thoát khỏi nghèo đói. Một khi các cam kết được biến thành hành động thì lĩnh vực nông nghiệp sẽ phát triển với nhiều mức độ khác nhau ở châu Phi trong tương lai gần.

Vừa qua, các quốc gia thuộc nhóm G8 và các nước châu Phi đã công bố sáng kiến mới với tên gọi “Liên minh vì an ninh lương thực và dinh dưỡng” nhằm đoàn kết các nỗ lực để đấu tranh chống lại tình trạng bất ổn lương thực và suy dinh dưỡng tại châu lục nghèo khó nhất thế giới này. 

Chính phủ Kuwait đưa ra sáng kiến thành lập Quỹ an ninh lương thực châu Á có trị giá 7,11 tỷ USD - cột mốc quan trọng đánh dấu bước tiến trong việc bảo đảm nguồn lương thực châu Á với 60% dân số toàn cầu. 

Tại các nước phát triển, các chuyên gia đề nghị ngừng dùng các cây lương thực (như ngô) để sản xuất nhiên liệu và cho rằng vấn đề này có thể tránh được trong tương lai, khi công nghệ nhiên liệu sinh học tiên tiến hơn sẽ được áp dụng cùng với việc tăng cường sử dụng các cây phi lương thực.

Vấn đề an ninh lương thực đang đặt ra nhiều thách thức phức tạp, đòi hỏi tất cả các quốc gia cần tăng cường hợp tác ở cấp độ toàn cầu, liên khu vực và khu vực cũng như song phương nhằm giải bài toán hóc búa này. FAO cho rằng, trước mắt có ba nhiệm vụ cần phải giải quyết nhanh chóng, đó là loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu sinh thái không bền vững, tăng cường đầu tư vào khu vực châu Phi và chính phủ các nước đang phát triển cần thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài với khu vực tư nhân, giới nhà tài trợ và xã hội để kích thích đầu tư vào nông nghiệp thương mại. 

Các nước cũng cần đầu tư sáng tạo những công nghệ mới để bảo vệ, cải thiện môi trường sống, nâng cao sức khỏe của con người và bảo đảm an ninh lương thực để phục vụ công cuộc phát triển bền vững của nhân loại. 

Ngoài ra, cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn chống biến đổi khí hậu; bảo đảm phát triển kinh tế phải song hành với bảo vệ môi trường; và đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế, bảo vệ quyền con người, nhất là quyền của phụ nữ. Với những biện pháp trên, an ninh lương thực toàn cầu mới có hy vọng sẽ được giữ vững...

Lê Nam
.
.