“Bóng ma” chiến tranh thương mại toàn cầu: Kẻ ra đòn, người trả đũa

Thứ Sáu, 22/06/2018, 09:34
Thời gian qua, "bóng ma" chiến tranh thương mại đang bao phủ toàn cầu. 

Chính quyền Mỹ đang đẩy giới đầu tư quốc tế bước vào một cơn ác mộng khủng khiếp bằng các đạo luật đánh thuế hàng nhập khẩu, trước mắt là nhôm, thép và tiếp đến có thể là ô tô. 

Cụ thể, hiện nay, Mỹ đối đầu Liên minh châu Âu (EU), thách thức nền kinh tế thứ hai thế giới Trung Quốc, đe dọa các nước thuộc Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) gồm Canada và Mexico, đồng thời tấn công luôn các đồng minh châu Á. 

Bởi vậy, chính quyền Mỹ đang chịu cảnh "nội công, ngoại kích" khi bị nhiều doanh nghiệp và chính giới của Mỹ phản đối gay gắt, trong khi các đối tác thương mại đã lên danh sách "trả đũa" nhằm vào một loạt mặt hàng của Mỹ. 

Không thể phủ nhận rằng Mỹ đang đối đầu với đồng minh lẫn đối thủ kinh tế ở phạm vi toàn cầu, đưa nước Mỹ và thế giới vào cơn ác mộng đại khủng hoảng 1929.

Mỹ tuyên bố áp mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhóm nhập khẩu nhưng sẽ cho EU thêm thời gian để đàm phán.

"Bắn phá" nhiều mặt trận

Các thị trường trên toàn thế giới trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết vì mối lo bùng nổ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các "ông lớn", mà cái tên đầu tiên cần phải nhắc đến chính là Trung Quốc. 

Có một thực tế là, Mỹ nhập hàng hóa từ Trung Quốc nhiều hơn xuất khẩu đến quốc gia đông dân nhất thế giới này hàng năm, gây ra thâm hụt khoảng 375 tỷ USD. Bởi vậy, chính quyền Washington chưa bao giờ từ bỏ ý định hành động chống lại Bắc Kinh, nhằm "dọn dẹp và đưa vào khuôn khổ" tham vọng vươn ra thế giới của hàng hóa "Made in China". 

Chưa hết, Mỹ dường như rất "cay cú" sau nhiều vụ bị "ăn cắp" quyền sở hữu trí tuệ trước làn sóng các công ty Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào "xứ cờ hoa" với nhiều mục đích thiếu minh bạch được bao bọc bởi cái vỏ "tăng cường hợp tác phát triển song phương".

Mỹ rất nhiều lần chỉ trích Trung Quốc làm tổn hại nền kinh tế nội địa, và chính quyền Donald Trump đã phải nêu cao khẩu hiệu "đòi lại việc làm cho người Mỹ từ tay người Trung". 

Thế nên, trong một nỗ lực mới nhất, Washington đã quyết định "khai hỏa" các mức thuế mới với hơn 1.000 mặt hàng có tổng giá trị lên đến 60 tỷ USD đến từ "công xưởng số 1 thế giới". Trong một tuyên bố được đưa ra cuối tháng 5, Mỹ cảnh báo vẫn duy trì đe dọa áp thuế quan và sẽ siết chặt các hiện pháp hạn chế đối với hoạt động đầu tư của các công ty Trung Quốc tại Mỹ. 

Washington cũng sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện Bắc Kinh tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với khẳng định Trung Quốc không xứng đáng được coi là "nền kinh tế thị trường" vì vai trò của nhà nước trong nền kinh tế vẫn còn quá lớn.

Tuy không gay cấn như cuộc chiến với Trung Quốc nhưng EU cũng đã và đang dần trở thành mặt trận để Mỹ công phá thương mại. Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ áp mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu, mục đích là để đảm bảo các lợi ích an ninh quốc gia và bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ trước sự lấn át của các nhà sản xuất nước ngoài ngay tại "sân nhà", nhưng sẽ cho EU thêm thời gian để đàm phán. 

Cụm từ "thêm thời gian" đã trở thành từ khóa quen thuộc trong các diễn đạt của ông Trump, và một lần nữa lại được sử dụng trong cuộc đối đầu kinh tế với EU. 

Mặc dù EU đang nỗ lực thuyết phục Washington "miễn vĩnh viễn" thuế nhập khẩu mới đối với các sản phẩm nhôm và thép từ khối này nhưng việc đạt được thỏa thuận vào phút chót là rất khó xảy ra khi hai bên đều "kẻ tám lạng, người nửa cân" chẳng có dấu hiệu nhượng bộ.

"Bóng ma" chiến tranh thương mại tiếp tục bao vây lấy Canada khi Thủ tướng Justin Trudeau đã từ chối gặp mặt Tổng thống Donald Trump để bàn về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Lý do được đưa ra là người đứng đầu nhà nước Canada "không thể chấp nhận" yêu cầu từ phía Washington rằng "muốn gặp và đàm phán thì phải gia hạn hiệp định thêm 5 năm nữa". 

Đây chỉ là một trong những phản ứng "nhẹ nhàng" của Canada trước động thái Mỹ áp thuế suất mới lên một số mặt hàng nhập khẩu của Canada. 

Thủ tướng Trudeau khẳng định lập trường không đồng ý với việc thêm điều khoản quy định thời hạn thực hiện hiệp định vì các doanh nghiệp cần sự chắc chắn khi họ thực hiện các khoản đầu tư dài hạn, và thời hạn thực hiện 5 năm ngắn ngủi sẽ tạo nên sự bấp bênh. 

Canada hi vọng tới "một thời điểm nào đó" mọi thứ sẽ trở lại bình thường, tuy nhiên tỏ ra không mấy lạc quan rằng điều này có thể xảy ra dưới sự lãnh đạo của chính quyền hiện tại.

Washington chưa bao giờ từ bỏ ý định "dọn dẹp và đưa vào khuôn khổ" tham vọng vươn ra thế giới của hàng hóa "Made in China".

"Nghệ thuật" trả đũa

Ở vào thời điểm này, mọi quyết định của Mỹ đều như "con dao hai lưỡi" bởi chính nó có thể làm bùng nổ cuộc chiến thương mại khó lường. Không một quốc gia nào có thể để Mỹ tung hoành, và rằng một khi "trạng chết thì chúa cũng băng hà", tạo nên viễn cảnh trả đũa từ nhiều phía. 

Hãy bắt đầu từ Bắc Kinh - "cái gai lớn" trong mắt Washington, với hàng tá cáo buộc chính quyền Trump đang cố tình "chống lại thiện ý đầu tư của Bắc Kinh", đi ngược lại các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). 

Bắc Kinh ngay lập tức tuyên bố trả đũa khi công bố danh sách các mức thuế quan mới trị giá tới 3 tỷ USD, từ thịt lợn đến hoa quả và rượu nếu Washington không đạt được một thỏa thuận được đàm phán với Bắc Kinh.

Chưa kể đến thách thức từ chính Trung Quốc rằng Donald Trump, dù thừa hiểu quy luật win-win (đôi bên cùng có lợi), lại mắc sai lầm "lớn" chỉ khiến ngành công nghiệp thép của Mỹ, vốn đã bị tụt hậu sau Trung Quốc 10 năm, tiếp tục bị bỏ lại phía sau.

Quay sang châu Âu và các nước Bắc Mỹ, các nhà lãnh đạo tin rằng, trả đũa cũng cần nghệ thuật, với mục đích gây ra thiệt hại về kinh tế và chính trị cho đối phương nhưng lại không làm tổn hại đến nền kinh tế của chính mình. 

Quan điểm hiện nay là, nếu không phản ứng thì chính người dân sẽ phải thanh toán hóa đơn cho chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ. Vì vậy, kế hoạch trả đũa sau cùng dù vẫn chưa "chốt" song Mỹ đã nhận được cảnh báo chắc chắn sẽ nhận lại những "đặc ân" như cách mà họ áp dụng với các sản phẩm của EU hay Canada. 

Trong bối cảnh đó, hàng loạt những mặt hàng "tinh hoa của Mỹ" đang bị xem xét trả đũa bằng cách áp mức thuế nhập khẩu "khó chịu" như thịt bò, xe máy Harley-Davidson, rượu ngô Kentucky và quần bò Levi's. Ngoài ra, phía EU và Canada sẽ từ chối tất cả các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ nếu Washington không miễn trừ họ khỏi kế hoạch áp thuế.

Giờ đây, "bóng ma chiến tranh" thương mại đang hiện hữu hơn bao giờ hết, và hoàn toàn không có lợi cho bất cứ bên nào liên quan. Chỉ một khái niệm "nước Mỹ trên hết", Tổng thống Trump đang làm đảo lộn mọi chương trình nghị sự một cách "vô tiền khoáng hậu".

Các đối thủ trả đũa bằng cách áp mức thuế nhập khẩu "khó chịu" với các sản phẩm của Mỹ như thịt bò hay quần jean Levi's.

Mỹ đã khiến thế giới sôi sục, đồng thời hứng chịu chỉ trích từ các chính phủ, các nhà lập pháp, và các liên đoàn lao động trên khắp thế giới, trong khi lại luẩn quẩn trong vòng vây trả đũa từ những "ông lớn" như Trung Quốc hay EU. Giới quan sát nhận định, các nhà chủ nghĩa hiện thực với niềm tin không tồn tại đồng minh vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích quốc gia mãi trường tồn đang thắng thế. 

Bối cảnh hiện tại cho thấy, mọi cường quốc kinh tế đã buộc phải vào "cuộc chơi kì kèo" với Mỹ - nơi các nguyên tắc thương mại do WTO đặt ra để quản lý đã không còn ý nghĩa khi các bên sẽ đấu đá lẫn nhau bằng chiến thuật riêng.

Mỹ dường như không có bất cứ động thái nào nhằm làm dịu làn sóng đe dọa trả đũa, hay ít ra kêu gọi thảo luận về "những phương thức thay thế". 

Thậm chí, như thêm dầu vào lửa, Tổng thống Donald Trump đã đáp trả trên mạng xã hội Twitter rằng khi một quốc gia mất hàng tỉ USD thương mại với hầu như mọi quốc gia khác trong quá trình hợp tác làm ăn thì chiến tranh thương mại sẽ trở thành giải pháp "tốt và dễ giành chiến thắng". 

Chưa cần chiến tranh thương mại diễn ra, những thông báo kiểu này trên mạng xã hội - nơi mọi thông tin có thể được lan truyền với tốc độ không thể ngăn cản - cũng đủ khiến thế giới dậy sóng, tạo nên ít nhiều chao đảo trong nền kinh tế toàn cầu. 

Từ đây, nguy cơ nổ ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu do Mỹ "châm ngòi" trong năm 2018 càng trở nên rõ rệt. Ác mộng nằm ở chỗ, chính quyền Trump đang lún sâu vào rắc rối, điều mà ông chủ Nhà Trắng không hề mong muốn trước bầu cử giữa kỳ diễn ra vào tháng 11 sắp tới. 

Và một khi cuộc chiến thực sự diễn ra, kinh tế toàn cầu sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, còn nước Mỹ trở thành một nạn nhân của chính sách bảo hộ thương mại do mình đặt ra. Thế thì chẳng khác nào, Donald Trump đã "lấy gậy ông để đập chính lưng ông"...

Thanh Sơn
.
.