Thế giới phi hạt nhân vẫn chỉ là mơ thôi

Chủ Nhật, 19/11/2017, 08:50
Bấy lâu nay, cộng đồng quốc tế luôn nỗ lực biến giấc mơ thế giới không hạt nhân thành hiện thực.

Không phải ngẫu nhiên tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2017, mà là do việc thế giới đang lo ngại cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân khi Triều Tiên thực hiện nhiều vụ thử nghiệm hạt nhân hay khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Những nỗ lực càng được thúc đẩy mạnh mẽ và đang tiến gần đến cơ hội về một thỏa thuận toàn cầu cấm triệt để vũ khí hạt nhân. Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân do Liên Hiệp Quốc thúc đẩy đã được hơn 120 nước thành viên thông qua tại một hội nghị cấp cao hồi tháng 7-2017.

Tiếp đó, tại Khóa họp thứ 72 Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra ở New York (Mỹ), đã có thêm hàng chục quốc gia ký kết. Hiệp ước mới cấm các nước thành viên Liên Hiệp Quốc phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, tàng trữ, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. 

Các nước cũng cam kết không cho phép lắp đặt, triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ và các khu vực trong phạm vi tài phán và kiểm soát của mình.

Không ngừng nỗ lực

Vũ khí hạt nhân có sức công phá lớn hơn bất kỳ vũ khí quy ước nào. Năng lượng của vũ khí hạt nhân do các phản ứng phân hạch và nhiệt hạch gây ra, có thể phá hủy hoàn toàn một thành phố. Ngoài ra, vũ khí hạt nhân còn gây ra những tác hại nghiêm trọng như đe dọa sức khỏe và tính mạng con người, hay hủy hoại môi trường.

Các loại vũ khí hạt nhân bao gồm bom nguyên tử (còn gọi là bom A), bom khinh khí (hay bom H), bom neutron, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tên lửa vệ tinh viễn thám mang đầu đạn hạt nhân. Điều này đồng nghĩa với việc sản xuất vũ khí hạt nhân hay thử nghiệm hạt nhân có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức.

Suốt một thời gian dài, nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý toàn thế giới luôn sống trong sự lo lắng về một cuộc chiến tranh hạt nhân. Sức phá hủy ghê gớm của bom nguyên tử hay các loại vũ khí hạt nhân nói chung đã dấy lên một làn sóng phản đối trên toàn thế giới.

ICAN nhận giải Nobel Hòa bình năm 2017 với nhiều kết quả tích cực trong việc vận động, khích lệ các nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân.

25 năm sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản), Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) ra đời với sự phê chuẩn của năm cường quốc hạt nhân là Anh, Trung Quốc, Pháp, Mỹ và Liên Xô.

Mặc dù NPT cho đến nay vẫn còn nhiều hạn chế (như không đưa được một thời gian biểu cụ thể nào cho việc giải trừ kho vũ khí hạt nhân trên thế giới), song không thể phủ nhận nó đã có những vai trò nhất định trong việc kìm hãm sự gia tăng số lượng những nước sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như đóng vai trò cho quá trình giải giáp hay giải trừ vũ khí hạt nhân.

Năm 1996, để ngăn chặn các nước tiến hành thử nghiệm hạt nhân, Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện (CTBT) được thông qua. Cho tới nay, đã có 183 quốc gia ký kết CTBT, trong số đó có 164 quốc gia đã phê chuẩn.

Theo đó, tất cả các nước trên thế giới cam kết không tiến hành hoặc cho phép bất cứ vụ nổ hạt nhân nào ở nơi thuộc quyền kiểm soát và tài phán của mình, không khuyến khích hoặc tham gia dưới bất cứ hình thức nào vào bất cứ vụ nổ hạt nhân nào. 

Sự ra đời của CTBT là một cột mốc quan trọng góp phần vào việc kiểm soát các quốc gia thử hạt nhân và cùng với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, hy vọng trong tương lai thế giới sẽ không còn vũ khí hạt nhân.

Thế giới tiếp tục thúc đẩy cuộc chiến nhằm bảo vệ thế giới không có vũ khí hạt nhân khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 29-8 làm Ngày Quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân với mục đích nâng cao nhận thức và giáo dục về những tác động của vũ khí hạt nhân và sự cần thiết phải chấm dứt những vụ thử hạt nhân.
Không có nước nào trong số chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tham gia vào quá trình thương thảo và ký kết Hiệp ước toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân.

Chưa dừng lại ở đó, với sự đồng tình của 122 quốc gia, Liên Hiệp Quốc đã thông qua hiệp ước cấm sản xuất, tàng trữ vũ khí hạt nhân và cấm đe dọa tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào tháng 7 vừa qua. Đây là kết quả của quá trình vận động dài trong cũng như ngoài Liên Hiệp Quốc vì mục tiêu thế giới không còn vũ khí hạt nhân. 

Số lượng gần 2/3 các thành viên Liên Hiệp Quốc ký kết là bằng chứng thuyết phục về xu thế chung đang phát triển mạnh mẽ là giải trừ vũ khí hạt nhân, kiên định nỗ lực vì mục tiêu thế giới không có loại vũ khí hủy diệt này.

Nhằm nhắc nhở về hiểm họa khủng khiếp và sự cần thiết loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, giải Nobel Hòa bình năm 2017 đã được trao cho tổ chức ICAN. 

Thành lập năm 2007, ICAN là một liên minh quốc tế có trụ sở tại Geneve (Thụy Sĩ), tập hợp gần 470 tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia và thực thi đầy đủ NPT.

Sau 10 năm hoạt động, ICAN đạt nhiều kết quả tích cực trong việc vận động, khích lệ các nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân. Không chỉ tôn vinh nỗ lực của các nhà hoạt động, nâng cao nhận thức của thế giới về hiểm họa khôn lường của vũ khí hạt nhân, giải Nobel Hòa bình còn phát đi thông điệp mạnh mẽ về sự cấp bách cần có một hiệp ước với sự tham gia của mọi quốc gia nhằm cấm triệt để loại vũ khí hủy diệt này.

Giấc mơ xa vời

Mặc dù thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, song thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa từ loại vũ khí giết người hàng loạt này. 

Các chương trình giải trừ vũ khí hạt nhân đã được khởi động từ nhiều năm qua, nhưng còn bộc lộ nhiều tồn tại do chính sách thực thi chưa cụ thể, trước hết trong việc quản lý, đặc biệt là từ phía các cường quốc hạt nhân.

Trong khi đó, tiến trình cắt giảm vũ khí hạt nhân trên thế giới đang diễn ra rất chậm chạp và các cường quốc sở hữu vẫn tiếp tục hiện đại hóa hệ thống vũ khí hạt nhân của mình.

Hiện thế giới vẫn còn khoảng 15 nghìn vũ khí hạt nhân, và điều quan trọng và cấp bách là không thể cho phép loại vũ khí hủy diệt này gây nguy hiểm cho nhân loại. Chưa kể, một loạt những động thái gần đây, nhất là việc Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt quan ngại.

Thực tiễn cho thấy những ai có ưu thế riêng trên phương diện vũ khí hạt nhân thường không sẵn sàng tự giác từ bỏ. Hiệp ước toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân ra đời vừa qua mới có được ý nghĩa to lớn về chính trị, dư luận và tâm lý; chứ trên thực tế, các nước sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn không chịu từ bỏ. 

Cộng đồng quốc tế luôn mong muốn hiện thực hóa giấc mơ một thế giới không hạt nhân.

Không có nước nào trong số chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel tham gia vào quá trình thương thảo và ký kết văn kiện này. Một phần lý do là các nước này không muốn từ bỏ công cụ răn đe chiến lược trong việc bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia và kiềm chế đối thủ. 

Một số thành viên Liên Hợp Quốc có lợi ích gắn liền với vũ khí hạt nhân của đồng minh hoặc chịu sức ép từ các cường quốc hạt nhân là đồng minh chiến lược của họ cũng không tham gia hiệp ước. Ngoài ra, còn có những nước không tham gia vì lo xa rằng hiệp ước sẽ còn đi xa tới mức không cho phép sử dụng nhà máy điện hạt nhân.

Trong thông cáo báo chí mới đây, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định khối này không ủng hộ hiệp ước kể trên và vẫn sẽ duy trì một liên minh hạt nhân chừng nào loại vũ khí này còn tồn tại. Tuyên bố nhấn mạnh, hiệp ước này có nguy cơ làm xói mòn NPT - vốn là trọng tâm của các nỗ lực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân trong suốt nhiều thập kỷ qua. 

Trong khi đó, một số quốc gia lập luận kho vũ khí của họ là biện pháp phòng vệ cần thiết trước mối đe dọa ngày càng tăng từ cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Tuy vậy, cộng đồng quốc tế không thể nhẫn nại thêm bởi lo ngại vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng không đúng mục đích và tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang ngầm. 

Bên cạnh đó, các nhóm khủng bố chưa bao giờ từ bỏ ý định sở hữu vũ khí hạt nhân. Có thể thấy, một thỏa thuận hạt nhân đa phương vẫn chỉ là giấc mơ, không dễ dàng đạt được trong bối cảnh hiện nay.

Thực tế không thể chối bỏ rằng vũ khí hạt nhân là mối đe dọa hiện hữu và liên tục đối với nhân loại và sự sống trên Trái Đất. Thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ chạy đua vũ trang, hiện đại hóa năng lực và các kho vũ khí hạt nhân, nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác rơi vào tay các chủ thể phi nhà nước. 

Trong khi đó, các cơ chế quốc tế về giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí hạt nhân vẫn gặp nhiều bế tắc. Rõ ràng, việc xây dựng một thế giới phi vũ khí hạt nhân là nghĩa vụ và trách nhiệm chung của các nước sở hữu và không sở hữu vũ khí hạt nhân, và cộng đồng quốc tế cần tăng cường nỗ lực vì mục tiêu giải trừ hạt nhân toàn diện, trong đó có việc thương lượng một công cụ ràng buộc pháp lý cấm vũ khí hạt nhân.

Việt Dũng
.
.