Nước Nga phá “đòn cô lập” của phương Tây

Thứ Sáu, 22/12/2017, 12:39
Trong nỗ lực phá thế cô lập từ phương Tây, Tổng thống Vladimir Putin đã thực hiện nhiều chiến lược cao tay để giúp Nga "sống sót" trong trừng phạt liên tiếp. 

Theo đó, Nga không bao giờ có sự ưu ái thương mại đi kèm với điều kiện chính trị với các đối tác, thế nên các đối tác nước ngoài luôn muốn hợp tác với Nga.

Chưa dừng lại ở đó, Tổng thống Putin đã âm thầm thực hiện kế hoạch thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD và hệ thống thanh toán bằng đồng USD. Giới phân tích cho rằng, bất chấp một số dấu hiệu cho thấy đồng Ruble Nga đang mất giá do ảnh hưởng cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), có vẻ như kế hoạch thoát USD đang được triển khai khá thuận lợi.

Giờ đây, Tổng thống Putin có thể tự tin khẳng định Nga đã thoát khỏi khủng hoảng bất chấp những lệnh trừng phạt liên tiếp của phương Tây, và nhấn mạnh rằng chính các biện pháp trừng phạt đã buộc nước Nga phải "động não" để... tìm con đường sống.

Quyết không lùi bước

Từ khi Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014 và ảnh hưởng của Moscow trong xung đột Đông Ukraine, phương Tây và Mỹ đã kêu gọi sự hợp nhất trừng phạt Nga.

 Điều đáng chú ý là phương Tây liên tục sử dụng sức mạnh kinh tế nhằm gây sức ép đối với Nga và đòi hỏi Moscow phải thay đổi chính sách đối với Ukraine. Các lệnh trừng phạt có hiệu lực nhằm cô lập nước Nga tập trung vào ngành năng lượng, quốc phòng và tài chính. 

Khi nói về các đe dọa trừng phạt từ phương Tây, Tổng thống Putin từng nói rằng ông "buồn cười" khi nghe rằng các trừng phạt đó nhằm cô lập Nga với quốc tế. "Về vấn đề cô lập, các kho dự trữ nhiên liệu và độ bền động cơ của họ có đủ để đi dọc biên giới của Nga hay không?", ông đặt câu hỏi.

Lập trường của Nga được xác định rất rõ ràng, rằng mọi vấn đề nên được giải quyết theo con đường thỏa hiệp, chứ không phải áp lực và tống tiền. Thế nên, các biện pháp trừng phạt Nga sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế toàn cầu chứ không riêng gì ai. 

Chính quyền Putin đang sử dụng vàng để "thoát khỏi" đồng USD, mà thực chất là "đối đầu" với Mỹ.

Quả thực, không chỉ Nga mà các công ty của phương Tây cũng phải hứng chịu các ảnh hưởng không hề nhỏ ngoài tầm kiểm soát. Mỹ và các công ty châu Âu, cũng như các tập đoàn năng lượng "khổng lồ", đã phải mất mát không ít tiền bạc trong canh bài này. Các hợp đồng từ thương vụ tàu chiến Pháp hay máy móc của Đức đã phải dừng lại. Hàng tỷ USD đầu tư từ các tập đoàn năng lượng bao gồm ExxonMobil, Total và Shell đã bị trì hoãn.

Chính quyền Putin đã sớm nhìn thấy thực tế này. Phát biểu tại cuộc đối thoại trực tuyến với người dân mới đây, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng quyết định của Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Nga được xem là sự phản ánh các nỗ lực của phương Tây nhằm "kiềm chế" Nga, song khẳng định các biện pháp này sẽ chỉ khiến nước Nga mạnh lên, trong khi Mỹ ngày càng yếu đi. 

Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây không gây hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế Nga, trái lại nhiều ngành như chế tạo tên lửa, chế tạo máy, dược, nông nghiệp và một số ngành khác phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Tổng thống Putin nhấn mạnh nếu phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga thì ngược lại, Moscow cũng sẵn sàng xóa bỏ các biện pháp trả đũa.

Dù các lệnh trừng phạt từ phương Tây liên tiếp được đưa ra nhưng chính quyền Putin vẫn luôn giữ thái độ cứng rắn, quyết không lùi bước hay nhượng bộ. Để đáp trả, Nga ra lệnh cấm nhập khẩu rau quả, thịt, cá, hải sản và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ những nước đang trừng phạt Nga. 

Tổng thống Putin đã nhiều lần chỉ trích các lệnh trừng phạt và kêu gọi các quốc gia, đặc biệt là Mỹ, nên nới lỏng hình phạt nhằm vào Moscow. Ông cho rằng Washington không thể tiếp tục dùng Moscow để khắc họa hình ảnh của một kẻ thù bên ngoài, nhằm giúp tăng cường kiểm soát các quốc gia khác.

Theo ông Putin, ngay từ khi bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Mỹ đã muốn áp đặt "thái độ khó chịu và kìm hãm" Nga, coi Nga như một kẻ xâm lược tiềm tàng. Tuy nhiên, dư luận sẽ sớm hiểu ra rằng không hề có mối đe dọa nào từ phía Nga.

Vũ khí kinh tế

Mặc dù các lệnh trừng phạt của Mỹ vào Nga đã khiến nền kinh tế Nga suy thoái, và Nga đứng trước nguy cơ "đón nhận" thêm nhiều lệnh trừng phạt mới, chính quyền Putin vẫn đang rất bình tĩnh kiểm soát tình hình và điều chỉnh kinh tế ổn định cho đến thời điểm hiện tại. 

Tổng thống Putin liên tục có các hành động nhằm giảm tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ vào Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng sự rạch ròi về quan điểm trong kinh tế và chính trị chứ không phải sức mạnh quân sự của Nga là lợi thế khiến nước này trụ vững trước các áp lực trừng phạt kinh tế. Theo đó, nước Nga sẽ không dựa vào các vũ khí của mình để tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác.

Thực tế cho thấy, sau những nỗ lực của chính quyền Putin, nền kinh tế Nga đã có những dấu hiệu ổn định và khôi phục trở lại, vươn lên thoát khỏi "thế trận" mà phương Tây lập ra để cô lập. 

Giới phân tích cho biết, sự khôi phục tuy chậm nhưng chắc chắn, đồng thời dự báo sự tăng trưởng của Nga sẽ tiếp tục khi tình trạng lạm phát giảm và chính sách nới lỏng tiền tệ giúp kích cầu. 

Trong bối cảnh này, Tổng thống Putin đã phát động kế hoạch hành động của chính phủ, với mục tiêu đề ra cho đến năm 2025 là nền kinh tế Nga đạt mức độ tăng trưởng vượt mức trung bình của thế giới trong giai đoạn từ 2019-2020.

Bên cạnh đó, chính quyền Putin đang áp dụng nhiều chính sách để "thoát khỏi" đồng USD, mà thực chất là "đối đầu" với Mỹ. Hiện nay, vàng đang được sử dụng để giúp Nga thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ. Giải pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất chính là mua vàng, điều này giúp Nga không bị cản trở trong hệ thống thanh toán quốc tế hoặc bị tấn công.

Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng gấp đôi tốc độ mua vàng của mình, đưa lượng dự trữ vàng lên tới mức cao nhất kể từ khi ông Putin nắm quyền cách đây 17 năm. 

Từ khi Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3-2014 và ảnh hưởng của Moscow trong xung đột Đông Ukraine, phương Tây và Mỹ đã kêu gọi sự hợp nhất trừng phạt Nga

Nga đã tăng gấp ba lượng dự trữ vàng, từ 600 tấn lên đến 1.800 tấn trong 10 năm qua và không có dấu hiệu cho thấy tốc độ bị giảm. Ngay cả khi giá dầu và lượng dầu dự trữ của Nga giảm sút khá nhiều vào năm 2015, Nga vẫn tiếp tục mua vàng.

Bên cạnh vàng, Nga cũng đang sử dụng các giải pháp khác để thay thế hệ thống thanh toán bằng đồng USD, đặc biệt là xây dựng hệ thống mới thay thế Hiệp hội Liên thông tiền tệ liên ngân hàng thế giới (SWIFT) - nơi Mỹ sử dụng sức ảnh hưởng của mình để ngăn chặn các quốc gia bị coi là "mối đe dọa" trong tương lai. Chính quyền Putin đã rất nhanh chóng thúc đẩy xây dựng hệ thống không thanh toán bằng USD với các đối tác thương mại trong khu vực và Trung Quốc. 

Ví dụ như, Nga vừa ký một thỏa thuận với Iran về việc đổi dầu lấy hàng hóa, hay Nga và Trung Quốc đã lên kế hoạch thiết lập một trật tự tiền tệ quốc tế mới, loại trừ đồng USD. Theo kế hoạch đó, Trung Quốc mua dầu của Nga bằng đồng NDT, Nga có thể lấy đồng NDT để mua vàng trên sàn giao dịch Thượng Hải.

Thông điệp hợp tác

Trên phương diện quân sự, Tổng thống Putin từ lâu đã sử dụng lý do hợp tác chống khủng bố để đạt được những lợi ích. Thực chất, không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Trump liên tục chia sẻ với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đại sứ Sergey Kislyak những thông tin tối mật về mối đe dọa IS, dấy lên hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng tình báo rằng bản thân Tổng thống Donald Trump đã tiết lộ nguồn tin tình báo quan trọng về IS. 

Điều này gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa ông Trump với cộng đồng tình báo, và thậm chí có thể làm phương hại đến các mối quan hệ chia sẻ thông tin tình báo mà bấy lâu nay Mỹ phụ thuộc vào. 

Tuy nhiên, việc vạch trần tổng thống Trump tiết lộ thông tin tình báo là thành công trong chiến lược của Điện Kremlin. Nga muốn nói với phương Tây rằng, Nga cũng là đồng minh của phương Tây trong cuộc chiến chống khủng bố, và còn đáng tin cậy hơn Mỹ.

Trong nỗ lực phá thế cô lập, ông Putin đã thực hiện một chiến lược cao tay, đó là đưa quân tham chiến vào Syria và sau đó, một làn sóng khủng bố đã tấn công châu Âu vào năm 2015. 

Sau vụ tấn công Paris hồi tháng 11 năm ngoái, Điện Kremlin công bố bức điện mà ông Putin gửi cho tổng thống Pháp Francois Hollande lúc đó với lời khẳng định rằng Nga sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với đối tác Pháp trong việc điều tra bên có liên quan tới vụ khủng bố ở Paris. 

Chưa hết, vào tháng 7-2016, khi một tên khủng bố lái xe tải đâm thẳng vào đám đông ở Nice, ông Putin nói thẳng vào vấn đề với người dân Pháp rằng "chỉ bằng cách phối hợp hành động chúng ta mới có thể đánh bại chủ nghĩa khủng bố". Điều này có nghĩa là thế giới đang phải đối mặt với một kẻ thù chung, và sẽ thật ngớ ngẩn nếu các nước đối phó một cách riêng rẽ.

Những động thái này khiến ông Putin giành được sự tín nhiệm trong lĩnh vực chống khủng bố. Giới quan sát cho rằng, vị thế lãnh đạo của Putin có được nhờ cuộc chiến chống khủng bố. Ông đã giành hai năm chiến đấu chống lại quân nổi loạn Hồi giáo ở miền bắc Caucasus trước khi cảm thấy phương Tây đã thức tỉnh trước vấn đề này. 

Ngoài ra, máy bay Pháp đã bay cùng máy bay Nga trên bầu trời Syria, tấn công các mục tiêu của IS. Điều này đã cho thấy ông Putin đã đạt được một trong số các mục tiêu chính trong việc can thiệp vào cuộc xung đột Syria dưới ngọn cờ chống khủng bố. 

Đó là buộc phương Tây phải miễn cưỡng để nước Nga thoát khỏi thế cô lập, vì mục tiêu chung là chống khủng bố. Lý do tương tự cũng giải thích vì sao Nga - nước tấn công vào lực lượng phiến quân - lại chỉ tấn công IS ở một thành phố duy nhất ở Syria, đó là Palmyra. 

Đài tưởng niệm văn hóa cổ kính đã được chọn một cách chủ đích để gửi đi thông điệp rõ ràng: Nga là nước duy nhất sẵn sàng bảo vệ nền văn minh phương Tây khỏi quân khủng bố...

Hồng Hạnh
.
.