Cạnh tranh quyền lực Mỹ - Trung: Tham vọng của hai siêu cường

Thứ Năm, 11/01/2018, 08:57
Năm 2018, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục có nhiều bất ổn khi hai nước bắt đầu kiềm chế nhau sau "tuần trăng mật" ngắn ngủi. 

Kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, Washington đang thích ứng với một Bắc Kinh ngày một mở rộng tầm ảnh hưởng.

Mỹ theo đuổi cách tiếp cận thực dụng và linh hoạt trong chính sách ngoại giao với Trung Quốc, xuất phát từ nhận thức rằng Trung Quốc có khả năng thách thức vai trò dẫn dắt của Mỹ trên thế giới. 

Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng thu hẹp khoảng cách quân sự với Mỹ, đe dọa vị trí siêu cường số một của Mỹ khi đưa ra nhiều tuyên bố chủ quyền ở các vùng biển tranh chấp mà Mỹ đều có đồng minh hoặc lợi ích.

Với việc Mỹ công bố Chiến lược an ninh quốc gia mới coi Trung Quốc là đối thủ trực tiếp, quan hệ Mỹ - Trung được dự báo sẽ có nhiều đối đầu hơn đối thoại trong thời gian tới.

Đối đầu công khai

Kể từ khi Liên Xô (cũ) sụp đổ, Mỹ trở thành bá chủ thế giới với nguồn lực kinh tế - quân sự khổng lồ và gần như thao túng tất cả khi Washington sẵn sàng can thiệp vào bất cứ quốc gia, khu vực nào có thể mang về nhiều lợi ích kinh tế và giá trị địa chính trị.

Đồng thời, Mỹ cũng luôn tìm cách kiềm chế, ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào nuôi tham vọng truất ngôi bá chủ thế giới của họ. Điều này cho thấy mục tiêu giữ vị trí siêu cường số một thế giới của Washington sẽ không bao giờ thay đổi. Thế nhưng, hiện nay Washington đang gặp phải một thách thức khổng lồ khi Bắc Kinh ngày càng cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ cùng tham vọng "lật đổ" vị trí "bá chủ" thế giới của Washington.

Để thực hiện tham vọng này, Trung Quốc đang tìm cách tạo lập vị thế thống trị trong khu vực và vươn tầm ảnh hưởng ra toàn cầu. 

Những năm gần đây, Bắc Kinh đã đầu tư ngân sách quốc phòng theo hướng ưu tiên hiện đại hóa các lực lượng hải quân và không quân, đồng thời tăng cường bồi đắp các đảo nhân tạo trên các cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trên biển Đông mà Bắc Kinh chiếm đóng bất hợp pháp.

Sự đối nghịch trong cách thức thực thi chính sách đối ngoại Mỹ - Trung đã dẫn đến những xung đột không thể tránh khỏi về quan điểm và lợi ích giữa hai siêu cường.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cố gắng đưa ra nhiều sáng kiến liên kết khu vực và thế giới, trong đó sáng kiến "Vành đai và Con đường" là tham vọng mang tính chiến lược nhằm kết nối hành lang kinh tế từ châu Á đến châu Phi và châu Âu, nhằm thiết lập quyền lực mềm của Bắc Kinh ra toàn thế giới.

Sáng kiến này được coi là "xương sống" cho việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Trung Quốc. Trung Quốc sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia dọc theo Con đường Tơ lụa cổ nối liền Trung Quốc với châu Âu, nhằm biến khu vực Á - Âu (do Trung Quốc chi phối) thành một khu vực kinh tế và thương mại lớn để làm đối trọng với khu vực thương mại xuyên Đại Tây Dương (do Mỹ đứng đầu).

Việc Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến "Vành đai và Con đường" không chỉ tạo ra những lợi ích kinh tế to lớn, mà còn giúp thâu tóm các vị trí địa chính trị quan trọng để ngày càng tạo ra ảnh hưởng sâu rộng trong khu vực cũng như trên thế giới, tiến tới hiện thực hóa "Giấc mộng Trung Hoa".

Hiểu được những thách thức từ Trung Quốc, Mỹ đã không ngần ngại sử dụng các cách thức kiềm chế, khiến cho cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường ngày càng trở nên gay gắt. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Washington đã thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á để hạn chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, mặc dù ông đã tuyên bố từ bỏ chính sách của người tiền nhiệm Obama, nhưng trên thực tế Mỹ chưa khi nào cho thấy sẽ "buông bỏ" khu vực đang phát triển đầy năng động này. Điều đó càng được minh chứng rõ hơn thông qua việc Tổng thống Trump khởi động ý tưởng về một khu vực "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa".

Theo đó, Mỹ sẽ làm sống lại "tứ giác kim cương" bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia nhằm thúc đẩy sự hợp tác, phát triển về kinh tế và đảm bảo an ninh trong khu vực.

Cả bốn quốc gia tìm đến với nhau để hình thành một liên minh "tứ cực" là một phản ứng mang tính ý thức hệ trước sự gia tăng ảnh hưởng cả về kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Với ý tưởng này, ông Trump đã chỉ ra rằng "thế giới có rất nhiều nơi, nhiều giấc mơ và nhiều con đường" - một cách nói hàm ý của sự đối trọng với sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

Theo Tổng thống Mỹ, sáng kiến này không thực sự mang nhiều ý nghĩa về kinh tế, mà chỉ nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc ra toàn cầu. Trong bối cảnh này, Mỹ đang cho thấy những nỗ lực để bảo toàn quyền lực số một thế giới trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt với Trung Quốc, bất chấp việc Bắc Kinh từng cảnh báo Washington "không nên chính trị hóa việc hợp tác khu vực".

Trong Chiến lược an ninh quốc gia mới, Mỹ đã không ngần ngại chỉ đích danh Trung Quốc là một trong những đối thủ trực tiếp. Tổng thống Donald Trump đặc biệt nhấn mạnh đến "nguy cơ" Trung Quốc, coi Bắc Kinh là "cường quốc xem xét lại", đồng thời nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đang mở rộng ảnh hưởng theo cách làm tổn hại đến chủ quyền các nước khác.

Cách tiếp cận cứng rắn cho thấy sự thay đổi rõ rệt của chính quyền Trump trong vấn đề Trung Quốc so với các chính quyền tiền nhiệm trước đây. Những ngôn từ mạnh mẽ của ông Trump cho thấy Mỹ sẽ gây áp lực mạnh lên các chính sách kinh tế ưu ái khu vực nhà nước của Trung Quốc cũng như những tuyên bố lãnh thổ - lãnh hải khác mà Bắc Kinh đưa ra. 

Với các nội dung này, Chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Trump đã tái khẳng định những cam kết tranh cử, rằng Mỹ sẽ không còn "nhắm mắt làm ngơ" trước "sự xâm lược" của bất kỳ quốc gia nào.

Chưa thể "làm hòa"?

Theo giới quan sát, sự đối nghịch trong cách thức thực thi chính sách đối ngoại Mỹ - Trung đã dẫn đến những xung đột không thể tránh khỏi về quan điểm và lợi ích giữa hai siêu cường, khiến xu thế vừa hợp tác, vừa đấu tranh và cạnh tranh gay gắt trong quan hệ quốc tế càng bộc lộ rõ. 

Với Washington, đó là nền ngoại giao "giao dịch" để phục vụ cho mục tiêu "nước Mỹ là trên hết", nhằm đạt được tối đa các lợi ích từ các đối tác với những thỏa thuận tốt nhất cho Mỹ.

Với Bắc Kinh, chính sách đối ngoại của Trung Quốc thể hiện sự cố gắng nhằm đạt được sự công nhận của cộng đồng quốc tế về một vị trí ngang hàng với Mỹ trong vai trò lãnh đạo toàn cầu. Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn trong các vấn đề quốc tế và khu vực, cho thấy Trung Quốc đang chuyển dần từ giai đoạn "giấu mình chờ thời" sang giai đoạn "trỗi dậy mạnh mẽ".

Chiến tranh thương mại sẽ nổi lên trong đầu năm 2018 và có thể chuyển biến thành xung đột nghiêm trọng.

Mỹ, với vị thế là siêu cường số một thế giới, đã đề cao chính sách hợp tác trên các lĩnh vực theo kiểu song phương nhằm áp đặt được tối đa các điều kiện có lợi cho nước Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc lại đề cao chính sách đa phương trong các lĩnh vực hợp tác, nhằm thiết lập quyền lực mềm sâu rộng trong quan hệ quốc tế.

Sự đối lập sâu sắc này, cùng với Chiến lược an ninh quốc gia mới của Washington, tiếp tục khơi lại những căng thẳng trong quan hệ với Bắc Kinh, mà tưởng như chuyến thăm chính thức Trung Quốc của ông Donald Trump hồi tháng 11-2017 và trước đó là chuyến thăm chính thức của ông Tập Cận Bình tới Mỹ đã làm dịu bớt. 

Bắc Kinh rất giận dữ phản đối, cho rằng Mỹ đang đưa mối quan hệ giữa các nước lớn trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh và "bóp méo tư duy" về các dự án chiến lược của Trung Quốc.

Những tín hiệu mang tính đối đầu Mỹ - Trung nhiều khả năng sẽ thúc đẩy cả hai nước tiếp tục thận trọng hơn trong mối quan hệ song phương và tìm những biện pháp kiềm chế nhau gay gắt hơn, có thể tạo ra tình trạng bất ổn mới.

Giới chuyên gia cảnh báo, chiến tranh thương mại sẽ nổi lên trong đầu năm 2018 và có thể chuyển biến thành xung đột nghiêm trọng khi chính quyền Donald Trump dự định công bố kết quả một số cuộc điều tra, trong đó có việc bán phá giá thép và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Những vấn đề này có thể sẽ là cái cớ để Washington áp thêm nhiều mức thuế lên các loại hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới; vì thế, nếu đối đầu thương mại Mỹ - Trung xảy ra thì thương mại toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một số ý kiến cho rằng, mặc dù quan hệ Mỹ - Trung ngày càng có nhiều bất đồng và căng thẳng, thế nhưng sẽ ít có khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng vì cả Bắc Kinh và Washington đều phụ thuộc vào nhau trong lĩnh vực kinh tế. Điều này buộc hai nước phải lựa chọn giải pháp: cùng bắt tay hợp tác trong các lĩnh vực đem lại lợi ích và đối thoại, hay tiếp tục đối đầu trong thời gian tới?

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhất trí thiết lập bốn cơ chế đối thoại cấp cao mới (bao gồm đối thoại ngoại giao - an ninh, đối thoại kinh tế toàn diện, đối thoại thực thi luật pháp và an ninh mạng, đối thoại xã hội và giao lưu nhân dân) được xem là bước đi tích cực tạo nền tảng cần thiết để hai bên loại bỏ sự nghi ngờ, tăng cường lòng tin và tìm kiếm sự đồng thuận.

Tuy nhiên, với những lợi ích và tính toán riêng, cùng tham vọng cạnh tranh ảnh hưởng, liệu Mỹ - Trung có thể giảm đối đầu trong năm 2018 hay không? Đây thực sự là một câu hỏi khó trả lời...

Thanh Sơn
.
.