Nội chiến Tây Ban Nha: Khúc dạo đầu của chiến tranh thế giới

Chủ Nhật, 05/08/2018, 08:14
82 năm trước, một cuộc chiến tranh đẫm máu đã bắt đầu, để tàn phá Tây Ban Nha suốt ba năm, rồi kéo đất nước ấy khỏi những ánh bình minh dân chủ để bị nhấn chìm trở lại trong bóng tối độc tài. 


Nhưng không chỉ vậy, chiến trường ấy còn là cuộc thử sức không chính thức đầu tiên, giữa chủ nghĩa phát xít và những hạt mầm cách mạng châu Âu.

Ký ức bị lãng quên

Thật kỳ lạ, bởi nhắc đến cuộc chiến ấy, bên cạnh những cái tên như  "tướng Franco" hay "Lữ đoàn quốc tế vô sản", sẽ dội lên những khái niệm đầy màu sắc văn hóa - nghệ thuật.

Thí dụ như bức "Guernica" của danh họa Pablo Picasso, kiệt tác khắc họa bối cảnh rùng rợn và những nỗi kinh hoàng trong một đêm hứng chịu oanh kích, của một ngôi làng xứ Basque - tiếng nói phản chiến mạnh mẽ bậc nhất trong lịch sử hội họa.

Thí dụ như tấm ảnh lừng danh của nhiếp ảnh gia Robert Capa, ghi lại khoảnh khắc một người lính phe Cộng hòa trúng đạn, một mẫu mực của nhiếp ảnh chiến trường.

Thí dụ như chuyện văn hào Mỹ Ernest Hemingway nhận lời làm phóng viên cho tờ North American Newspaper Alliance, để đến Tây Ban Nha (tháng 3-1937) cùng nhà làm phim người Hà Lan Joris Ivens. Ivens thực hiện bộ phim The Spanish Earth, và Hemingway chính là người viết phụ đề. 

Cuộc phiêu lưu ấy, về sau, vẫn là một dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp sáng tác rực rỡ của cha đẻ "Giã từ vũ khí". Thậm chí, có thể, trong tác phẩm ấy, những trải nghiệm ở Tây Ban Nha đã trở thành nguồn cảm hứng quan trọng.

Những chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Quốc tế.

Song, rất ít người sẽ chú ý đến những góc nhìn khác, vô cùng quan trọng nhưng lại bị khuất lấp bởi dòng chảy các sự kiện. Trên đất Tây Ban Nha, những năm binh lửa ấy trở thành bài kiểm tra đầu tiên cho sức mạnh đích thực của "nghệ thuật chiến tranh chớp nhoáng" trong học thuyết quân sự Đức Quốc xã. 

Trong khi đó, quân đội Liên Xô cũng đã có cơ hội kiểm nghiệm và đánh giá thực lực của mình, trong vai trò hậu thuẫn cho lực lượng phe Cộng hòa. 

Để rồi, hai năm sau khi Nội chiến Tây Ban Nha khép lại, hai siêu cường quân sự ấy thực sự đối đầu trực diện với nhau, trong cuộc chiến tranh đẫm máu nhất thế kỷ XX.

Những gạch đầu dòng ngắn ngủi

Hiểu một cách khái quát, cũng như cuộc xung đột ở Syria hiện tại, Nội chiến Tây Ban Nha là một sự bùng nổ của những mâu thuẫn toàn diện trong xã hội, sau đó được quốc tế hóa và trở nên cực kỳ phức tạp, với khá nhiều lực lượng và thành phần chính trị tham gia.

Đó là đoạn cao trào của mâu thuẫn tư tưởng giữa "cánh tả" và "cánh hữu", giữa "bảo thủ" và "cách tân", giữa những trật tự cũ tồn tại hàng thế kỷ với những nhu cầu thay đổi của thời đại… - những yếu tố không chỉ giằng xé Tây Ban Nha, mà bao trùm lên cả cựu lục địa thời điểm ấy. 

Chế độ độc tài quân sự Tây Ban Nha, vào thời điểm đó, bị thách thức bởi những tư tưởng cách mạng của nền Đệ nhị Cộng hòa (thành lập năm 1931). 

Cải cách ruộng đất được tiến hành, mang sức sống cho tầng lớp dân nghèo, nhưng lại xâm phạm đến quyền lợi cố hữu của các tầng lớp thống trị cũ: Tôn giáo, lãnh chúa chủ đất, và quân phiệt.

Trong khi đó, kể từ sau Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản bắt đầu được truyền bá rộng rãi đến các tầng lớp bị trị ở mọi quốc gia, mọi dân tộc. 

Tấm ảnh nổi tiếng của Robert Capa.

Và như một lẽ tự nhiên, nó thách thức mọi lề thói cũ, thể chế cũ, mô hình nhà nước cũ. Nó bị căm ghét bởi những lực lượng phản động nhất - không gì khác, chính là chủ nghĩa phát-xít.

Năm 1936, một thủ lĩnh của Mặt trận Bình dân cánh tả, Largo Caballero, tuyên bố: "Cách mạng là không thể tránh khỏi". Cùng năm đó, Manuel Azana - một người theo chủ nghĩa tự do -  trở thành Thủ tướng chính phủ, rồi Tổng thống Tây Ban Nha. Mâu thuẫn gia tăng, và cả phe cấp tiến lẫn phe thủ cựu trở nên quá khích. 

Tháng 7 năm ấy, thủ lĩnh phái Bảo hoàng trong Cortes (Nghị viện Tây Ban Nha) Calvo Sotelo, người từng tuyên bố rằng nếu cần phải trở thành một người theo chủ nghĩa phát xít để chống lại những người Bolsevik và chủ nghĩa vô chính phủ thì ông ta cũng sẵn sàng, bị ám sát. 

Và chiến tranh bùng nổ. Quân đội, cánh hữu, những kẻ bảo hoàng thủ cựu ở một phía. Chính phủ Cộng hòa ở chiến tuyến bên kia.

Phe tiến hành đảo chính, dựa trên việc nắm được quân đội, muốn kết thúc xung đột một cách chóng vánh. Song, điều đó đã không thể được thực hiện. 

Chính phủ Cộng hòa vẫn giữ được những thành phố lớn (Madrid, Barcelona, Valencia…), với sự tham gia tòng quân của đông đảo quần chúng. Viễn cảnh đứng vững trong giông bão của họ, cũng như Nhà nước Liên Xô non trẻ năm 1918 trong vòng vây Bạch vệ và quân đội nước ngoài can thiệp, trở nên tương đối rõ nét.

Vấn đề là, cũng vì bài học đắt giá đó, các thế lực chống lại chủ nghĩa Cộng sản nhất quyết không chịu thất bại một lần nữa.

Cuộc đối đầu không cân sức

 Nước Đức Quốc xã cũng như nước Ý phát xít không thể tìm được cơ hội nào tốt hơn, để thử thách các đội quân đang ôm mộng phân chia lại thế giới của mình.

Binh lính, máy bay, xe tăng, trọng pháo lần lượt được gửi đến Tây Ban Nha. Những giai đoạn cao trào, có khoảng 50.000 lính Ý và 12000 lính Đức xung trận dưới lá cờ của tướng Francisco Franco - một trong những đầu não của cuộc đảo chính, kịp chạy trốn ra quần đảo Canary trước khi được đưa về để trở thành lãnh tụ của phe thủ cựu.

Ở phía bên kia, cũng có khoảng chừng 30.000 người, được cho là đến từ 53 quốc gia khác nhau, gia nhập "lữ đoàn quốc tế" bảo vệ nền Cộng hòa. Song, cách thức tổ chức quân đội của hai phía đã tạo nên những bước ngoặt không thể tránh khỏi cho cuộc chiến.

Với những khí tài quân sự hiện đại bậc nhất thế giới tại thời điểm đấy - sản phẩm của nền công nghiệp quốc phòng đang vươn dậy với sức mạnh phi thường của nước Đức khát khao phục hận dưới tay Adolf Hitler, quân đội phe thủ cựu (hay còn gọi là phe Quốc gia) dễ dàng thiết kế các chiến dịch, và kiện toàn cho các học thuyết quân sự hiện đại gấp nhiều lần so với đối thủ - vốn chỉ nhận được sự hỗ trợ thưa thớt và khó khăn (do khoảng cách địa lý) từ căn cứ lớn Liên Xô.

Ngày 7-2-1937, Binh đoàn Condor của Đức Quốc xã đặt chân lên đất Tây Ban Nha. Được dọn đường bởi những đợt oanh kích từ các phi đội Heinkel HE51, chỉ hơn hai tháng sau, đoàn quân ấy đã chiếm xong thị trấn Guernica (và giúp Pablo Picasso tạo nên tác phẩm bất hủ của mình). 

Tháng 8, quân đội Franco, trang bị đầy đủ, tấn công xứ Aragon. Cũng chỉ hai tháng sau, bất chấp sự chống trả vô cùng anh dũng của phe Cộng hòa, phe Quốc gia chiếm được Gijon, coi như chấm dứt được chiến sự ở miền Bắc.

Sau một năm 1938 giằng dai, đầu năm 1939, quân đội của Franco tiến đánh xứ Catalonia, và lại thắng như chẻ tre, nhờ sự vượt trội hoàn toàn về khí tài quân sự, phương pháp tổ chức cũng như độ thiện chiến. 

Madrid bị bao vây, và phe Cộng hòa chỉ còn cầm cự được thêm đến cuối tháng 3, rồi sụp đổ, vì cả sức tấn công của địch lẫn cả sự phá hoại của lực lượng nội ứng. 

Valencia, thành lũy cuối cùng, cũng thất thủ. Ngày 1-4 năm ấy, phe Franco toàn thắng. Một chiến thắng hoàn toàn không làm ai bất ngờ, khi trong suốt ba năm, điều giúp phe Cộng hòa đứng vững hầu như chỉ là tinh thần quyết tử và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Bức Guernica của danh họa Pablo Picasso.

Họ đã cầm chân được các cánh quân tinh nhuệ của tướng Franco trong cả năm 1938, chủ yếu là nhờ những yếu tố đó, bởi so với những món quà hào phóng của Hitler và Mussolini, sự giúp đỡ từ Stalin là quá hạn chế. 

Giống như những gì được khắc họa trong bức ảnh nổi tiếng của Robert Capa, những chiến sĩ phe Cộng hòa ra trận và ngã xuống trong hình bóng của một đoàn quân bán chuyên nghiệp, với trang bị nghèo nàn từ vũ khí đến trang phục. 

Họ chỉ có thể nỗ lực ngăn cản đà tiến của đối thủ bằng những nỗ lực du kích chiến, bằng cách tựa vào thành lũy mà tử thủ, chứ không thể dàn trận mặt đối mặt trên chiến trường.

Song, sức người có hạn. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đều không đứng về phía họ. Phe Cộng hòa gục ngã, hàng trăm nghìn người bị hành quyết, đày đọa, trả thù, thậm chí phải bỏ xứ tha hương... 

Phải đến cuối thập niên 1940, quân chính phủ Franco mới quét sạch được hết những người du kích chống đối cuối cùng, nhưng kể từ năm 1939 ấy, chiến thắng của phe Quốc gia đã là không thể đảo ngược.

Và nó mở ra cho lịch sử chiến tranh thế giới rất nhiều bài học, từ những nét phác thảo thô sơ trong diễn biến của mình.

Tiền đề cho Thế chiến

Chiến tranh, thực ra, chỉ là một công cụ nối dài của các toan tính chính trị. Adolf Hitler nhận thấy rất rõ điều ấy.

Với những thành công của phe phát xít trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, khi mà cả Anh, Pháp lẫn Hội Quốc Liên đều tỏ ra vô cùng thụ động trong việc ép mọi chuyện phải diễn ra trong khuôn khổ luật lệ, Hitler có đủ tự tin để lần lượt đặt từng phép thử, nhằm tăng cường vị thế cho chính nước Đức Quốc xã của mình. 

Đầu tiên, ông ta đưa quân tái chiếm "Hành lang sông Rhine", một khu phi quân sự được quy định từ các hiệp ước thời Đệ nhất thế chiến. Anh và Pháp, hai lãnh tụ của phương Tây khi ấy, không hề có động thái gì quyết liệt nhằm ngăn cản. 

Sau đó, Hitler sáp nhập nước Áo vào Đế chế Đức. Vẫn chẳng có gì xảy ra. Rồi ông ta cắt Tiệp Khắc thành từng mảnh, cũng đồng nghĩa với việc giải giáp 40 sư đoàn Tiệp Khắc quen đánh sơn cước - rào cản cực lớn đối với nước Đức trong việc tràn sang không gian phía Đông. Anh và Pháp vẫn chỉ phản đối bằng ngôn từ. Đệ nhị Thế chiến chỉ chính thức bắt đầu, khi Đức tiến quân vào Ba Lan.

Và khi ấy, với học thuyết quân sự "Chiến tranh chớp nhoáng" đã được kiểm nghiệm trên chiến trường Tây Ban Nha, những lữ đoàn thiết giáp của Đức Quốc xã bắt đầu gieo rắc kinh hoàng khắp hai đầu châu Âu, xuống tận cả Bắc Phi, trước khi bị Hồng quân chặn lại.

Phía Tây, trước thứ tư tưởng "chiến tranh hào lũy" cũ kỹ sót lại từ cuộc Đại chiến thế giới lần đầu mà quân đội Pháp vẫn còn sử dụng, bánh xích xe tăng Đức, với tư tưởng của Thống chế Guderian cùng sự táo tợn của tướng (về sau cũng được thăng thống chế) Rommel, nghiền nát Paris trong một thời gian kỷ lục: Hai tuần.

Phía Đông, khi mở màn chiến dịch Barbarosa, tràn quân vào lãnh thổ Liên Xô, quân đội Quốc xã đã nhanh chóng nuốt chửng những khoảng không gian khổng lồ. Hồng quân bị đẩy lùi hết bước này đến bước khác, mất Belarus, mất Ukraina, và chỉ có thể lập phòng tuyến cuối cùng khi "Sau lưng đã là Moskva!".

Phía Nam, trên chiến trường Bắc Phi, quân Anh quay cuồng với khả năng hành quân gió bão của những đơn vị thiết giáp dưới tay Rommel. Học thuyết quân sự Đức Quốc xã lúc ấy, đặt trọng tâm vào tính chuyên nghiệp của quân nhân, khả năng cơ giới hóa với các trang bị - khí tài hiện đại để tạo nên tốc độ giông bão khiến kẻ địch không kịp trở tay, thực sự là một nỗi ám ảnh. 

Cũng giống như những gì đã diễn ra trên đất Tây Ban Nha, ở đầu này châu Âu chỉ còn những du kích kháng chiến Pháp, và đầu kia là những thành phố Liên Xô tử thủ: Stalingrad, Leningrad, Moskva…

Tuy nhiên, chính là khi bị dồn vào chân tường ấy, những bài học Tây Ban Nha cũng phát huy hiệu quả cho phía Hồng quân. Những diễn biến của năm 1938 chỉ ra rằng một cuộc chiến tranh nhân dân vẫn có cơ hội chiến thắng trước nỗ lực "chiến tranh chớp nhoáng" của người Đức, miễn là các lực lượng phòng ngự được tiếp tế đầy đủ về không chỉ vũ khí, mà còn cả về hậu cần, và đặc biệt là về tinh thần. 

Những guồng máy sản xuất, dời từ tiền tuyến về tận sau dãy Ural, vẫn hoạt động bình thường, thậm chí là với năng suất gấp đôi gấp ba, để bảo đảm những nguồn cung cấp quý báu cho mặt trận. 

Tướng Franco và người hậu thuẫn cho mình - Adolf Hitler.

Bên cạnh đó, mọi biểu hiện chia rẽ đều bị dập tắt, chỉ còn duy nhất một mục tiêu chung: Chiến thắng, trong Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại!

Nếu phe Cộng hòa Tây Ban Nha chỉ chấp nhận thất bại khi mọi thế lực tham gia cuộc chiến ấy, từ Hội Quốc Liên đến Anh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha… đều đã công nhận chính phủ Franco là chính quyền hợp pháp (chỉ trừ Liên Xô), thì bằng ảnh hưởng của mình, bằng sự can trường của các chiến sĩ Hồng quân, bằng cả việc biểu thị được một quyết tâm chiến đấu đến cùng, Stalin đã thành công trong việc kết hợp với nước Anh vẫn còn tương đối đầy đủ nguồn lực từ hệ thống thuộc địa và nước Mỹ giàu có. 

Nhờ những "ngoại viện" ấy, Liên Xô đủ khả năng để trụ vững qua những thời điểm khắc nghiệt nhất, trước khi trở lại bằng chính tiềm lực khổng lồ của mình.

Và với việc hình thành phe Đồng minh đối đầu với phe Trục, việc ép quân chủ lực thiện chiến của Đức Quốc xã phải phân tán, không thể tập trung lực lượng "tốc chiến tốc thắng" ở bất kỳ mặt trận nào nhằm tạo "đột phá khẩu" cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. 

Tất cả trở thành một chuỗi mắt xích hoàn hảo: Mặt trận phía Đông làm phá sản "chiến tranh chớp nhoáng" và bào mòn sinh lực của quân đội Đức. Cuộc đổ bộ Normandy đẩy nước Đức Quốc xã vào gọng kìm. Trận phản công ở vòng cung lửa Kursk đưa quân đội Đức sang thế thua. 

Những trận oanh kích của không quân Anh - Mỹ từ lãnh thổ Pháp tàn phá nền công nghiệp quốc phòng Đức. Đến lúc ấy, Berlin lại đã mang dáng vẻ của phe Cộng hòa ở Madrid: Không tiếp viện, kiệt quệ về sinh lực, và không còn khả năng tiếp tục kéo dài cuộc chiến đấu.

Sự gợi mở cho Chiến tranh Lạnh

Ngay từ trước khi nước Đức Quốc xã đầu hàng, cả Stalin, Churchill và Roosevelt đã bắt đầu nghĩ ngay đến một giai đoạn mới của lịch sử nhân loại, bởi giữa họ vẫn tồn tại những mâu thuẫn không thể hàn gắn về tư tưởng.

Qua Nội chiến Tây Ban Nha, qua những thảm trạng sắt máu và không khoan nhượng hiện hữu ở đó suốt ba năm, những ý tưởng cho giai đoạn mới ấy - Chiến tranh Lạnh - đã bắt đầu được phác họa, dù về sau này người ta mới cảm nhận được rõ điều đó.

Giữa phe Cộng hòa và phe Quốc gia thực sự tồn tại một bức màn sắt. Nhưng, đó có lẽ cũng là một kiểu "chiến tranh ủy nhiệm" giữa hai thứ ý thức hệ, giữa những giá trị đối lập. 

Khi Nội chiến Tây Ban Nha xảy ra, cả Liên Xô và Đức đều chưa sẵn sàng cho một cuộc đối đầu trực tiếp. Bởi vậy, dòng chảy lịch sử tạo nên một chiến trường "nóng" cho cuộc cạnh tranh ngấm ngầm nhưng mãnh liệt ấy, để bắt đầu thực hiện những cuộc thử nghiệm đẫm máu.

Sau này, Mỹ cũng không bao giờ lựa chọn đối đầu trực diện với Liên Xô, và ngược lại. Nhưng, giữa họ, giữa hai khối chia đôi tầm ảnh hưởng trên thế giới, vẫn liên tục xuất hiện những cuộc chiến cục bộ mang tính giải tỏa như thế. 

Chúng ta có thể nhắc đến ở đây Chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, mà hệ lụy đau đớn còn kéo dài đến tận bây giờ. Sau đó, còn có cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, hay những giành giật ảnh hưởng ở Trung Á và Trung Đông…

Còn hiện tại, Syria đang là phiên bản nâng cấp, tàn khốc hơn và kinh khủng hơn của cuộc Nội chiến Tây Ban Nha năm nào. Cuộc chiến ấy đã bước sang năm thứ bảy, đã hiện diện rất nhiều thế lực khu vực và quốc tế, đã trở thành “phòng triển lãm” những thứ vũ khí hiện đại nhất, đã chất chứa những học thuyết quân sự tiên tiến nhất. 

Và nó vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, bởi không như nội chiến Tây Ban Nha, chưa bên nào bị đồng minh của mình bỏ rơi. Tất cả các phe phái tham chiến vẫn còn đang được hậu thuẫn đầy đủ, để tiếp tục bắn vào nhau vì những lý do cực đoan không kém gì người Tây Ban Nha 82 năm trước.

Một dự cảm thật đáng sợ, nếu cứ soi chiếu tất cả vào tấm gương lịch sử. Khi Nội chiến Tây Ban Nha khép lại, đóng tròn vai trò của một phòng thử nghiệm, Đệ nhị Thế chiến bắt đầu. 

Và đến khi cuộc nội chiến Syria khép lại, nếu vẫn không có giải pháp hòa bình nào làm hài lòng được tất cả các phe phái nhận lãnh vai trò ủy nhiệm, thì điều gì sẽ xảy ra?

Đông Thiên
.
.