Trung Quốc và chiến lược “quyền lực mềm”: Cuộc tấn công bằng thiện cảm

Thứ Sáu, 08/06/2018, 07:36
Thời gian qua, Trung Quốc luôn hứng thú với "quyền lực mềm" - chiến lược có vai trò trọng tâm trong tầm nhìn ngoại giao của Bắc Kinh, và tạo "thế thượng phong" trong quan hệ song phương với Mỹ.

Rõ ràng, trong khi các khía cạnh kinh tế và quân sự trong mối quan hệ Mỹ - Trung vẫn tiếp tục nhận được sự chú ý, vai trò của "quyền lực mềm" không nên được đánh giá thấp. 

Mặc dù Mỹ luôn duy trì uy quyền như là một nhà tiên phong toàn cầu hóa, Trung Quốc đang nhanh chóng tăng cường tiềm năng "quyền lực mềm" và nỗ lực tôn vinh sức hấp dẫn quốc tế của mình.

Điều này có thể nhìn thấy thông qua nhiều động thái của Trung Quốc như sản xuất điện hạt nhân cho Iran, bán vũ khí cho thành viên NATO hay lôi kéo đồng minh Mỹ. 

Có thể nói, bàn tay của Trung Quốc đã, đang và sẽ vươn đến mọi ngóc ngách của thế giới, thách thức triệt để vị thế quốc tế của Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh Washington muốn rút lui khỏi vai trò toàn cầu.

Khát vọng "quyền lực mềm"

Kể từ khi xuất hiện đến nay, khái niệm "quyền lực mềm" nhanh chóng được công nhận là một phần không thể thiếu trong ngoại giao và truyền thông chiến lược. 

Đây là khả năng tác động tới người khác thông qua sự hấp dẫn và thuyết phục thay vì "quyền lực cứng" thông qua cưỡng ép và mua chuộc. Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên thừa nhận bản chất của "quyền lực mềm" và sử dụng nó để khuếch đại ảnh hưởng toàn cầu.

Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ khai thác thành công tất cả các phương tiện văn hóa xã hội, bao gồm hệ thống giáo dục uy tín của Ivy League và danh mục đa phương tiện phong phú trong việc thiết lập sức hấp dẫn toàn diện. 

Các công ty Mỹ như Facebook, Amazon, Apple và Microsoft tiếp tục mở rộng phạm vi và sự hiện diện của nước này, cho phép xâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của công dân trên toàn cầu.

Trong khi đó, do truyền thống phụ thuộc vào cách tiếp cận kinh tế và quân sự đối với các vấn đề đối ngoại, Trung Quốc là "tay chơi" tương đối mới trong lĩnh vực này. Từ đầu những năm 1990, hàng nghìn luận văn và bài báo học thuật về "quyền lực mềm" đã được xuất bản ở Trung Quốc.

Sáng kiến BRI hay ý tưởng Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á đầy tham vọng là cách để Trung Quốc thể hiện "quyền lực mềm" lôi kéo hàng loạt đồng minh thân cận của Mỹ.

Trong diễn văn đề dẫn trước Quốc hội thứ 17 ngày 15-10-2007, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào phát biểu phải "đề cao văn hóa như một phần của 'quyền lực mềm' - một nhân tố ngày càng quan trọng trong cuộc cạnh tranh về sức mạnh quốc gia tổng thể".

Trung Quốc xưa nay luôn có nền văn hóa truyền thống hấp dẫn, nhưng giờ đây nước này còn đang đi vào lĩnh vực văn hóa đại chúng toàn cầu. Trên toàn cầu, Bắc Kinh cũng tìm cách quảng bá hình ảnh ra bên ngoài bằng cách tạo ra vài trăm Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới để dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, hay mở thêm nhiều trung tâm tin tức nước ngoài.

Giới quan sát cho rằng, khát vọng "quyền lực mềm" của Trung Quốc được thúc đẩy bởi "sự oán giận" ngày càng tăng của quốc tế đối với Mỹ. Bắc Kinh tiếp tục chi gần 10 tỷ USD mỗi năm để nuôi dưỡng hình ảnh tích cực trong mắt quốc tế và mời thêm nhiều "tay chơi" vào các vùng ngoại vi kinh tế. Dường như Bắc Kinh có vẻ đang dần thắng thế trong cuộc chơi "quyền lực mềm" với Washington.

Dưới sự nắm quyền của Tổng thống Donald Trump, tỷ lệ ủng hộ nước Mỹ đã giảm gần 10% trong khi Trung Quốc đã leo lên nhiều bậc trong bảng chỉ số "quyền lực mềm". 

Điều này có thể do quan điểm của Mỹ về nhập cư và thương mại, cùng với những phát ngôn cứng rắn của ông Trump dường như cô lập Mỹ khỏi các nguyên tắc cơ bản của toàn cầu hóa và phổ biến đa văn hóa.

Tay chơi đe dọa Mỹ

Thời gian qua, xuất hiện nhiều động thái cho thấy Trung Quốc đang dần lấn át Mỹ trong cuộc chiến "quyền lực mềm". Trung Quốc bắt đầu đặt chân vào cuộc chơi khi Iran sẽ hợp tác trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Tehran.

Như vậy, Trung Quốc bắt đầu tham gia vào ván cờ "Iran hậu cấm vận", khi mà Nga đã sôi sục chuẩn bị sẵn hàng trăm nước đi và chỉ chờ cái lệnh trừng phạt mà Liên Hợp Quốc áp đặt được gỡ bỏ. 

Trung Quốc là "kẻ nhanh nhẹn và biết nắm bắt thời cơ" khi luôn có quan điểm hậu thuẫn Nga, khiến Iran ít nhiều có thiện cảm, bất chấp mối quan hệ theo kiểu "nước sông không phạm nước giếng" bấy lâu nay giữa Tehran và Bắc Kinh.

Và khi những rào cản mang tính quốc tế dần được gỡ bỏ, Trung Quốc nhanh chóng lao vào cuộc cờ địa chính trị ở Trung Đông bằng cách tạo dựng quan hệ mật thiết với Iran.

Dựa vào chính sách ngoại giao khôn khéo, Trung Quốc dễ dàng tiếp xúc với những quốc gia đối lập với Mỹ. Kết hợp với nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, như một "tay chơi" rất sẵn tiền, Bắc Kinh có thể gây ảnh hưởng với mọi quốc gia một cách dễ dàng.

Trên phương diện quân sự, Trung Quốc đã len lỏi vào hàng ngũ phòng thủ của NATO bằng việc bán hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Đây thực sự là một cú sốc với thị trường vũ khí Mỹ hay châu Âu khi Trung Quốc mang những sản phẩm giá rẻ, sẵn sàng chuyển giao công nghệ, và chất lượng chấp nhận được để cạnh tranh ngay chính sân nhà của họ.

Trung Quốc cũng dần dà vươn lên thành quốc gia xuất khẩu vũ khí thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Và điều đáng buồn hơn với cả hai cường quốc trên là ngày càng nhiều thông tin tuyệt mật về công nghệ của hai quốc gia này "trôi" về phía Trung Quốc.

Về kinh tế, Trung Quốc khởi động sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) đầy tham vọng, hứa hẹn duy trì triển vọng kinh tế của Trung Quốc cũng như "quyền lực mềm" của nước này. BRI với sự tham gia của 71 quốc gia đã mở đường cho Trung Quốc hội nhập khu vực và mở rộng hơn nữa quỹ đạo kinh tế xã hội của nước này.

Bên cạnh đó, thế giới đặc biệt chú ý đến việc hàng loạt đồng minh châu Âu thân cận của Mỹ nộp đơn xin gia nhập làm thành viên sáng lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á của Trung Quốc. Tất nhiên Mỹ không thích điều này, bởi Bắc Kinh đang tìm cách đẩy đồng nhân dân tệ trở thành đơn vị thanh toán toàn cầu, với tham vọng như một đồng USD thứ hai.

Bắc Kinh đang tìm cách đẩy đồng nhân dân tệ trở thành đơn vị thanh toán toàn cầu, với tham vọng như một đồng USD thứ hai.

Cùng với đó, Bắc Kinh tuyên bố kế hoạch bỏ ra hàng tỉ USD để phát triển các công ty truyền thông khổng lồ toàn cầu nhằm sử dụng "quyền lực mềm" thay vì sức mạnh quân sự nhằm thu phục bạn bè nước ngoài.

Sức mạnh bị giới hạn

Giới quan sát nhận định, quyền lực mềm của Bắc Kinh đang len lỏi và gây ảnh hưởng, hoặc chí ít là gây bất đồng, bằng nhiều cách khác nhau. "Quyền lực mềm" mà Trung Quốc đang thể hiện đáng sợ hơn những nguyên tắc mà Mỹ đang duy trì với "cây gậy và củ cà rốt" đã quá cũ. "Quyền lực mềm" mà Bắc Kinh sở hữu được xây dựng và phát triển dựa trên tiền tệ - thứ mà trong thế giới đa cực như hiện nay có sức mạnh hơn tất cả.

Điểm tựa của Trung Quốc là rất nhiều tiền, cùng với quan điểm ngoại giao mềm dẻo, chính sách linh hoạt, với nước lớn thì cùng hợp tác và khai thác, với nước nhỏ thì áp chế và phủ đầu. Nếu Mỹ muốn tiếp tục duy trì vị thế cường quốc mà không viện đến một cuộc chiến tranh thì có lẽ đã đến lúc họ phải chặn đứng được sức lan tỏa của Trung Quốc.

Có thể nói, sự phát triển của Trung Quốc đang đặt nền tảng cho một trật tự thế giới mới, thế nhưng sức mạnh này ít nhiều cũng có giới hạn. Tham vọng của Trung Quốc đối với hoạt động toàn cầu thông qua BRI vẫn vướng nhiều chỉ trích.

Điều này, cùng với các mối quan ngại về tính minh bạch trong đầu tư và đường lối cứng rắn của Trung Quốc về chủ nghĩa dân tộc, đã mâu thuẫn với mô hình "quyền lực mềm". 

Trung Quốc đã cố gắng tăng cường "quyền lực mềm" bằng việc tổ chức thành công Thế vận hội 2008, nhưng không lâu sau đó cuộc đàn áp trong nước ở Tây Tạng hay Tân Cương đã làm suy yếu những thành tích "quyền lực mềm" của nước này.

Theo một số nghiên cứu, phong cách Trung Quốc nhấn mạnh "các mối quan hệ tượng trưng cùng cử chỉ khoa trương", vậy nên "cuộc tấn công bằng thiện cảm" của Trung Quốc cho tới giờ vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Rõ ràng, Trung Quốc đang cố gắng sử dụng văn hóa và "tài kể chuyện" để tạo ra "quyền lực mềm" nhằm thúc đẩy lợi thế của Bắc Kinh trên thế giới, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng thuyết phục nếu lời nói và hành động không nhất quán với thực tế.

Mặt khác, các giá trị tự do, văn hóa và tài nguyên phi chính phủ của Mỹ vẫn được công nhận rộng rãi. Thế nên, "quyền lực mềm" của Mỹ có thể được khôi phục, và bất chấp những lo ngại về chính sách đối ngoại cứng rắn của Washington, "giấc mơ Mỹ" vẫn giữ được sức hấp dẫn trên toàn thế giới. Từ đây, giới quan sát khẳng định, "quyền lực mềm" không chỉ được xem xét thông qua lăng kính cạnh tranh.

Thực tế, các cường quốc như Trung Quốc và Mỹ có thể hợp tác. Thông qua khả năng tiếp cận lớn hơn và đồng hóa các nguồn lực, Mỹ - Trung có thể làm phong phú thêm nguồn viện trợ nhân đạo, mở rộng cơ hội nghiên cứu bằng cách khuyến khích trao đổi ở quy mô toàn cầu, từ đó sử dụng "quyền lực mềm" trong việc giải quyết một số thách thức toàn cầu cấp bách nhất hiện nay...

Hồng Hạnh
.
.