Trung Đông - nơi "vừa bạn, vừa thù"

Thứ Sáu, 06/04/2018, 09:11
Nhìn về Trung Đông trong năm 2018, với quá nhiều điều không thể đoán trước, giới quan sát tin rằng chỉ có một điều có thể chắc chắn. 


Đó chính là việc "không thể chắc chắn" về những sự kiện sẽ diễn ra tại khu vực vốn nổi tiếng là nhiều bất ổn và phức tạp này. 

Tình hình Trung Đông năm 2018 được dự báo sẽ có nhiều biến động bằng những cuộc chuyển giao thời hậu chiến với việc đàm phán, thương lượng hòa bình, bầu cử và tái thiết. 

Tuy nhiên, hai nước vẫn "ở bên ngoài" xu hướng chung này là Yemen - quốc gia duy nhất tại Trung Đông bước vào năm 2018 mà chưa có bất kỳ tín hiệu nào về lộ trình đi đến hòa bình, và Syria - nơi vẫn xảy ra những xung đột dọc khu vực phía tây, từ Idlib đến Deraa. 

Căn cứ vào mức độ ảnh hưởng ở phạm vi khu vực lẫn quốc tế, có thể thấy Trung Đông thời gian tới sẽ nổi lên một số vấn đề lớn, bao gồm quan hệ ngày càng phức tạp giữa nhiều quốc gia "vừa bạn vừa thù", sự thất thế của Mỹ trên mặt trận địa - chính trị và những cuộc bầu cử hi vọng quan trọng hứa hẹn nhiều thay đổi bất ngờ.

Quan hệ phức tạp

Có thể nói, Trung Đông trở thành tâm điểm thế giới vì những mối quan hệ vô cùng phức tạp. Đầu tiên, xung đột khu vực giữa Saudi Arabia và Iran sẽ tiếp tục hâm nóng khu vực Trung Đông.

Hoàng tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã có những bước nhảy vọt trong việc củng cố quyền lực ở tầng lớp thượng đẳng. Ông đã bắt tay vào một chiến dịch chưa từng có nhằm cải tổ xã hội Saudi Arabia và tiến hành chiến dịch chống tham nhũng công khai để đáp ứng các nhu cầu của một thế giới đang thay đổi. 

Theo dự đoán, xung đột khu vực giữa Saudi Arabia và Iran sẽ tiếp tục hâm nóng khu vực Trung Đông.

Về phần Iran, những thách thức trong nước đang hiện hữu rõ nét. Làn sóng biểu tình phản đối, được coi là lớn nhất kể từ năm 2009, bùng phát khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị bắt giữ. Các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố đã buộc Iran phải xem xét lại các điều kiện kinh tế cũng như sự bất mãn chính trị.

Cả Saudi Arabia và Iran sẽ phải giải quyết các thách thức trong nước một cách hiệu quả, giữa lúc họ đang tập trung vào các vấn đề khu vực. 

Cuộc chiến thảm khốc ở Yemen đang kéo Saudi Arabia và Iran gần nhau hơn về mặt địa lý, nhưng lại đẩy hai nước xa hơn về mặt chính trị. Saudi Arabia đã cáo buộc Iran cung cấp cho phiến quân Houthi các tên lửa để bắn sang Riyadh trong những tháng gần đây. 

Iran là bên ủng hộ chủ chốt của Houthi, trong khi Saudi Arabia đứng đầu liên quân Arab đã tiến hành chiến dịch quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ Yemen. Cuộc chiến giành ảnh hưởng tại Yemen đang ngày một gia tăng giữa hai cường quốc khu vực. Không một cuộc xung đột nào trong khu vực thoát khỏi sự can dự của cả Iran và Saudi Arabia. 

Trong hàng thập kỷ qua, Saudi Arabia luôn giữ vị trí dẫn đầu trong cuộc chơi chính trị quyền lực khu vực, song Iran có ảnh hưởng đáng kể đối với các vùng lãnh thổ rộng lớn ở khắp Iraq, Syria và Lebanon thông qua các lực lượng ủy nhiệm trung thành với Tehran.

Tiếp đó, năm 2018 chắc chắn sẽ ghi nhận những diễn tiến chính trị phức tạp tiếp theo liên quan tới Jerusalem sau khi thành phố này được Mỹ công nhận là thủ đô của Israel. 

Jerusalem được coi là nguyên nhân chính cho xung đột tại Trung Đông, và việc công nhận thành phố này là thủ đô của Israel sẽ dẫn đến nguy cơ khủng bố, chiến tranh không chỉ tại khu vực này mà còn xa hơn nữa. 

Động thái này sẽ dẫn tới hồi sinh bạo lực và làm trầm trọng thêm tình hình xung quanh cuộc xung đột Palestine - Israel, mà việc dàn xếp vốn "chẳng có nhiều tiến triển". 

Giới quan sát cho rằng, quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ dẫn đến sự kích động, không chỉ ở khu vực Trung Đông, mà còn trong thế giới Hồi giáo, từ đó có thể ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ của Israel với nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như với những nước Arab mà quốc gia Do Thái này có quan hệ ngoại giao. 

Rõ ràng, Jerusalem sẽ là yếu tố thử thách các đồng minh cũ và định hình những đồng minh mới tại Trung Đông trong năm 2018.

Bầu cử quan trọng

Năm 2018 là thời điểm diễn ra nhiều cuộc bầu cử quan trọng tại các nước chủ chốt ở Trung Đông. Tháng 3 là cuộc bầu cử tổng thống của Ai Cập và tháng 5 là cuộc tổng tuyển cử tại Lebanon. 

Còn nhớ, làn sóng biểu tình nổ ra trên khắp Ai Cập chống lại Tổng thống Hosni Mubarak vào năm 2011 và chống tổ chức Anh em Hồi giáo vào năm 2013 được coi là cuộc nổi dậy lớn nhất của người dân trên thế giới, báo hiệu một nhu cầu thay đổi. 

Nhà lãnh đạo được lựa chọn để dẫn dắt sự thay đổi đó là cựu quân nhân Abdel Fatah El-Sisi, người chiến thắng trong bầu cử Tổng thống năm 2014. 

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống El-Sisi đã có nhiều bước đi táo bạo để đưa Ai Cập vượt qua những vấn đề về kinh tế và an ninh. Năm 2018 là "bài kiểm tra cuối cùng" về tính hiệu quả các chính sách của ông sau bốn năm cầm quyền. Người dân sẽ là "người phán xử" tối cao, khi đương kim Tổng thống El-Sisi tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ hai, cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của ông.

Tuy nhiên, tâm điểm của sự chú ý lại là cuộc tổng tuyển cử và bầu cử tổng thống tại Libya (sơ bộ dự kiến vào giữa năm 2018) và cuộc bầu cử quốc hội tại Iraq vào tháng 5. 

Với việc dẹp tan phiến quân thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của người Kurd, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hoàn toàn tự tin sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử. 

Thủ tướng al-Abadi kêu gọi người dân tích cực tham gia cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, đồng thời ủng hộ kế hoạch chống tham nhũng của ông bằng sự đồng lòng và đoàn kết, khẳng định rằng "đất nước đang đi đúng hướng" dưới sự lãnh đạo của ông. Nếu ông đắc cử, đó sẽ là cơ hội tốt nhất để Mỹ kiềm chế Iran. 

Thế của Iran tại Trung Đông đang "lên" sau các diễn tiến vừa qua, ngay cả khi thỏa thuận hạt nhân với phương Tây vẫn còn nguyên giá trị. Chỉ có điều, chưa rõ Tehran sẽ gây khó dễ gì cho ông al-Abadi trong đợt bầu cử này.

Riêng cuộc bầu cử tại Libya vẫn là một ẩn số lớn trong năm 2018 vì lịch trình dự kiến tổ chức bầu cử vẫn chưa được xác nhận hoàn toàn. Vòng bầu cử diễn ra khi Libya hiện vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng và chia rẽ. 

Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El-Sisi và Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi được cho là những nhân tố thú vị trong các cuộc bầu cử ở Trung Đông năm 2018.

Ở thành phố Tobruk phía đông Libya, quyền lực thuộc về nghị viện do dân bầu lên. Còn ở phía Tây, thủ đô Tripoli, là sự hiện diện của Chính phủ "Sự đồng thuận dân tộc" được hình thành nhờ sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc và châu Âu. Ở phía bắc Libya có sự hiện diện của một số lượng lớn các bộ lạc không chịu phục tùng Tripoli. 

Chưa hết, việc các phe phái nội bộ Libya quay ra đấu đá lẫn nhau đã mở cửa cho phong trào nổi dậy của lực lượng Hồi giáo cực đoan liên quan đến Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, khiến tình hình Libya càng trở nên phức tạp. Hiện cũng chưa rõ Libya đã thực sự sẵn sàng để bảo đảm an ninh và tổ chức bầu cử toàn quốc hay chưa.

Mỹ ngày càng yếu thế

Nhiều năm qua, Trung Đông là mối quan tâm và cũng là bài toán đòi hỏi Mỹ cân nhắc mọi chiến lược. Gần một năm lãnh đạo nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã có nhiều chính sách tác động đáng kể đến Trung Đông - một trong những điểm nóng địa chính trị của thế giới. 

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump đang bỏ qua lời khuyên của những nhà ngoại giao kỳ cựu về Trung Đông, dẫn đến nhiều chính sách gây bất ngờ.

Phải kể đến việc ông Trump bị chỉ trích vì quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, bất chấp sự phản đối của các đồng minh thân cận trong thế giới Arab như Jordan hay Saudi Arabia. 

Theo đánh giá, Mỹ đã chọn cách tự loại mình khỏi vai trò trung gian trong tiến trình hòa bình Israel - Palestine. Tuyên bố của Tổng thống Trump châm ngòi cho những ngày cuồng nộ của người Hồi giáo. Các lãnh đạo Arab cũng không thể khoanh tay đứng nhìn, phải triệu tập họp khẩn, thậm chí bàn tới những biện pháp trả đũa Mỹ.

Quyết định của Tổng thống Mỹ không có ưu điểm nào, thay vào đó khiến nước này bị cô lập, đánh mất vai trò trong tiến trình hòa bình Trung Đông, đồng thời dẫn tới bạo lực ở khu vực. Kể từ sau tuyên bố của ông Trump, tình trạng bạo lực tại bờ Tây và Dải Gaza hầu như xảy ra mỗi ngày. 

Chưa hết, trên bàn cờ Trung Đông, Mỹ dưới thời Tổng thống Trump được cho là đang cố gắng thiết lập liên minh với Israel và Saudi Arabia để ngăn tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định chính sách của Mỹ không những không hiệu quả mà còn khiến Iran trỗi dậy mạnh mẽ hơn. 

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Nga và Iran ngày càng phát triển, kéo theo sự gia tăng ảnh hưởng của Moscow tại Trung Đông. Khi mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị đẩy lùi, giờ đây vai trò của các nước sẽ tập trung vào dàn xếp hậu chiến với các kế hoạch tương lai tại khu vực. Trong cuộc chiến này, Nga đang dần bước lên vị trí lèo lái.

Trong một diễn biến khác, Mỹ dường như đang "thất thế" trước Nga ở Syria. Có thể nói, tại Trung Đông, Syria có một vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng. Syria không chỉ có nhiều dầu và khí đốt, mà còn là nơi các đường ống dầu khí của các quốc gia láng giềng đi qua. 

Giờ đây, Mỹ đang "bể trận" ở Syria, tức là thế trận quân sự cũng như chính trị đã không như trước, không còn nắm trong ý đồ đã thiết lập. Hiện tại, cục diện địa chính trị Trung Đông so với trước lúc Nga can thiệp vào Syria là một sự thay đổi có tính "trở cờ". 

Các quốc gia Trung Đông đều tìm đến Nga để giải quyết các vấn đề của họ như chống khủng bố, sản xuất khai thác dầu khí, hay mối bất hòa, thay vì "nương tựa" vào Mỹ. 

Thậm chí, Nga sẵn sàng làm trung gian hòa giải Saudi Arabia và Iran nếu hai bên thấy cần thiết. Rõ ràng, Nga đã trở thành một thế lực lớn tại Trung Đông. Hợp tác quân sự, chính trị Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran tại Syria ngày càng xích lại gần nhau và bỏ qua Mỹ, khiến Mỹ tỏ ra vô cùng cay cú...

Việt Dũng
.
.