Có một “bí mật Reagan” trong lòng Donald Trump

Thứ Tư, 04/07/2018, 08:09
Từ ngoài đời cho đến khi đã trở thành tổng thống của Hoa Kỳ, giữa Donald Trump và Ronald Reagan đều có những nét tương đồng đến kỳ lạ về tư tưởng, quan điểm và phong cách chính trị. 

Nói cách khác, dường như Ronald Reagan là một hình mẫu cho sự thành công của Donald Trump.

2018 là năm thứ 2 của Donald Trump trên cương vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Đây cũng là năm thứ 2, Donald Trump sử dụng Twitter của mình để kỉ niệm ngày sinh của vị Tổng thống thứ 40, Ronald Reagan.

Đường đến Nhà Trắng

Donald Trump là một tổng thống thú vị, một người chưa từng kinh qua bất kì một chức vụ nhỏ hơn nào trong chính quyền Mỹ nhưng đã tiến một mạch lên đến vị trí cao nhất trong bộ máy hành pháp. Là một ông trùm trong ngành kinh doanh và giải trí, Trump biết cách gây sự chú ý bằng những chiêu trò, bằng những phát ngôn mạnh bạo và thái độ không kiêng nể ai. 

Điều đó khiến cho Donald Trump trở thành vị tổng thống bị nghi ngờ nhất, thậm chí là bị chê bai nhiều nhất, cả về phẩm chất, năng lực lẫn tính cách.

Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump đã khiến nhiều người bất ngờ và phải nhìn lại ông một cách nghiêm túc, ngay cả khi tỷ lệ ủng hộ đối với Trump luôn thấp. 

Bản lĩnh của một người đàn ông lớn tuổi, của nhà kinh doanh tài ba đã ít nhiều giúp cho Trump đứng vững trong những ngày đầu và rồi từng bước thực hiện những cam kết từ khi tranh cử.

Với tư cách là tổng thống của đảng Cộng hoà, dĩ nhiên Trump sẽ cần một vị tổng thống tiền nhiệm cũng là người Cộng hoà để làm gương. 

Trump đã chọn Ronald Reagan (1981-1989), vị Tổng thống mà Trump đã từng có nhiều lần được gặp mặt, một người giống Trump cả về xuất thân, quan điểm và phong cách chính trị. Ronald Reagan được những người Cộng hoà xem là tổng thống vĩ đại nhất của họ từ sau Thế chiến II.

Theo Daily Mail, khi Reagan bắt đầu cho chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, Donald Trump và cha, ông Fred Trump, là những người New York đầu tiên ủng hộ Reagan. Donald Trump đã tham gia Ủy ban Tài chính Reagan, trong khi hầu hết giới tinh hoa tài chính của New York đều dành sự ủng hộ cho George Bush hoặc John Connally.#

Bước ra từ lĩnh vực giải trí, vốn đã có những thành công nhất định, cả Reagan và Trump đều không có nhiều kinh nghiệm về chính trị. Reagan có thể có một chút nhờ vào sự quan tâm đến chính trị và hoạt động trong vai trò Chủ tịch Hội các Diễn viên Màn bạc trong thời gian làm việc ở kinh đô điện ảnh Hollywood. Nhưng kinh nghiệm trong ngành giải trí lại có ích cho con đường chính trị của họ.

Nếu như Reagan đã “thay đổi bộ mặt sự vận động tranh cử và điều hành bằng hình ảnh, biểu tượng và video”#, thì Trump cũng làm điều tương tự. Mỗi dòng tweet có ý nghĩa không khác gì một tuyên bố về mặt chính sách, Trump giúp cho thế giới có thể thấy được quan điểm và công việc của mình chỉ bằng việc theo dõi ông ấy trên Twitter.

Cả Trump và Reagan ban đầu đều là những thành viên của Đảng Dân chủ, nhưng cả hai đã bắt đầu sự nghiệp chính trị trong tư cách đảng viên của Đảng Cộng hoà.

Hãy xem bối cảnh mang lại chiến thắng cho Reagan và Trump. Cuối thập niên 1970, nền kinh tế Mỹ bắt đầu có dấu hiệu suy thoái trầm trọng, với tỉ lệ lạm phát cao trên 20% và thâm hụt ngân sách lớn. 

Vị thế của Mỹ và uy tín của chính quyền Jimmy Carter bị suy giảm do thất bại trong việc giải quyết khủng hoảng con tin tại Iran và mối đe doạ đang lớn dần từ Liên Xô.# Những điều này gây ra sự thất vọng trong dân chúng Mỹ.

Trong khi đó, không ít người cho rằng, Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 là nhờ ông đã tận dụng tốt tâm lý của một lượng lớn người dân Mỹ đang bất mãn với toàn cầu hoá khiến cho họ bị mất việc làm, bị đẩy ra ngoài sự phát triển của xã hội. 

Truyền thống dòng chính coi Trump là một người dân tuý. Tuy nhiên, trong cách nhìn của Trump, người dân Mỹ đang chịu thiệt thòi do những thoả thuận thương mại không công bằng, các nước có thể dễ dàng lợi dụng Mỹ để làm giàu và gây thiệt hại cho người lao động Mỹ. Chủ nghĩa dân tộc kinh tế trở thành chủ đề cho cuộc vận động của Trump. 

Nhìn ra thế giới, Trump thấy vị thế và an ninh của Mỹ bị đe dọa bởi những thách thức như Nga, Trung Quốc, Iran và đặc biệt là Triều Tiên. Đồng thời, Trump cũng phê phán chính sách đối ngoại của chính quyền Obama là quá thận trọng và yếu đuối.

Nếu như chiến thắng của Reagan có thể được dự báo trước thì với Trump được xem là bất ngờ. Những phát ngôn của Trump, dù không có sự chắc chắn về mặt chính sách, nhưng lại khơi dậy trong người dân Mỹ sự tự hào và những điều mới mẻ sau những năm rệu rã dưới thời Barack Obama.

Trump đi trên con đường Reagan để lại

Đều là những chính trị gia có quan điểm bảo thủ, những gì mà Reagan đã làm là một hướng dẫn không thể nào tốt hơn dành cho Trump. 

Trong diễn văn từ nhiệm 1989, Reagan tuyên bố ông đã chiến thắng vì làm được điều đã cam kết khi tranh cử. Sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ với 19 triệu việc làm mới. Nước Mỹ đã trở lại vị thế đứng đầu của họ, được tôn trọng và chuẩn bị cho sự lãnh đạo.

“Nó có nghĩa là việc làm, việc làm, và việc làm” - đó là sự tự tin của Donald Trump sau khi kế hoạch cắt giảm thuế của Trump và đảng Cộng hoà được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 20-12-2017. Đó là cuộc cải cách thuế lớn nhất ở Mỹ kể từ thời Reagan. 

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng thống Reagan cũng đã được lưỡng viện đồng ý về việc giảm thuế hàng loạt. Cả hai chương trình thuế này đều nhằm mục đích kích thích sự tăng trưởng kinh tế, tạo ra việc làm; bất chấp sự cảnh báo có thể làm tăng thâm hụt ngân sách.

Cả Reagan và Trump đều tin vào ý tưởng chính phủ giới hạn, vào chủ nghĩa tự do truyền thống, rằng sự can thiệp của nhà nước vào đời sống của người dân càng ít càng tốt. Đó là lý do để những người bảo thủ như họ chủ trương giảm bớt các quy định, thủ tục và cắt giảm thuế. 

Những chính sách mang lại phúc lợi cho người dân nhưng không phù hợp cũng bị xoá bỏ, điển hình là Đạo luật chăm sóc sức khoẻ ObamaCare. 

Những cố gắng liên tục của Trump trong hơn một năm đầu tiên đã giúp kéo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua, chỉ còn khoảng 3,9%.

Đều đặt quốc gia trong bối cảnh nguy hiểm, Reagan và Trump thúc đẩy việc tăng ngân sách quốc phòng. Năm 2017, Quốc hội Mỹ cũng đã phê duyệt ngân sách 700 tỷ USD cho quốc phòng. 

“Hoà bình thông qua sức mạnh” được khởi xướng bởi Barry Goldwater, từng được Reagan áp dụng, và hiện tại Trump tuyên bố sẽ xây dựng lực lượng quân đội mạnh nhất trong lịch sử, mạnh đến nỗi Washington sẽ không phải dùng đến. 

Giải quyết một Bắc Triều Tiên khao khát sở hữu vũ khí hạt nhân là một thách thức lớn đối với Trump, tương tự những gì Reagan phải đối mặt với sức mạnh hạt nhân của Liên Xô.

Như những gì thế giới đã thấy, hình ảnh Donald Trump và Kim Jong-un đi dạo trên đảo Sentosa (Singapore) ngày 12/6 làm gợi nhớ lại hình ảnh Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev tản bộ trên Quảng trường Đỏ năm 1988. 

Còn quá sớm để khẳng định tương lai phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, nhưng những thắng lợi ban đầu của Trump trong vấn đề này có dấu ấn đậm nét từ kinh nghiệm mà chính quyền Reagan đã làm khi đàm phán với Liên Xô.

Chính quyền Trump đã duy trì sức ép liên tục, không thương lượng, không chùn bước. Ngay trước khi cuộc gặp lịch sử với Kim Jong-un có thể diễn ra, Trump đã điều động nhân sự như một cách thức thể hiện sự cứng rắn của mình, bằng việc bổ nhiệm tân cố vấn an ninh quốc gia John Bolton thay ông McMaster, và Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương làm Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc. 

Cả hai người này đều có quan điểm chống Triều Tiên mạnh mẽ, ông John Bolton từng ủng hộ đòn phủ đầu đối với Triều Tiên. Chính Trump cũng không ngần ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh và từng tuyên bố huỷ cuộc gặp chỉ trước đó vài ngày vì không nhận thấy sự nhiệt tình từ phía Triều Tiên.

Thành tựu lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Reagan chính là việc loại bỏ mối đe doạ hạt nhân từ phía Liên Xô, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Xô-Mỹ. Tổng thống Donald Trump hiện nay cũng đang trên con đường đạt được điều đó trong mối quan hệ với Triều Tiên.

Liệu Trump có thành công?

Chúng ta sẽ buộc phải đứng ngoài để nhìn vào hai phía: ủng hộ và phản đối Donald Trump. Những người dân chủ, như thường lệ, vẫn phản đối phần lớn những chính sách của Trump, trong khi những đảng viên cộng hoà vẫn sẽ ủng hộ cho vị tổng thống của đảng mình, bất chấp vẫn có những tranh cãi và bất đồng nội bộ.

Việc đánh giá lại những thành tựu của Ronald Reagan vốn còn đang gặp phải rất nhiều ý kiến khác nhau. Karen Tumulty của The Washington Post cho rằng, khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Trump và Pence là “chia rẽ và lạc hậu”, đi ngược lại với “sự đa dạng, văn minh và tiến bộ”.#

Những người bảo thủ ủng hộ Trump thì lại bắt đầu nhìn thấy Trump có thể trở thành tổng thống thành công nhất kể từ thời Ronald Reagan.# Ronald Reagan được xem là người đã phục hồi và đưa quan điểm bảo thủ quay trở lại nền chính trị Mỹ. 

Sau một thời gian dài bị lãng quên, Trump lại tiếp tục công việc mà Reagan từng làm, đưa các giá trị truyền thống quay trở lại thống trị nền chính trị Mỹ.

Những năm đầu, tình trạng tệ hại của nền kinh tế Mỹ đã khiến cho uy tín của Reagan tụt xuống chỉ còn 35%,# tương đương với tỷ lệ ủng hộ của cử tri Mỹ dành cho ông Trump sau một năm cầm quyền, theo khảo sát của CNN. 

Nhưng khi Ronad Reagan kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống của mình, 68% người dân Mỹ tán thành cách ông điều hành nền kinh tế.# Nền chính trị Mỹ là vậy, luôn có sự tương phản giữa hai đảng phái chính trị lớn là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà. Tổng thống luôn phải chịu những áp lực từ phía đảng đối lập về cách thức điều hành và kết quả công việc của họ.

“Bình minh đã trở lại” trên nước Mỹ - lời tuyên bố của Reagan sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai có lẽ cũng đã nằm trong đầu của Trump chỉ chờ ngày nói ra.

Bức ảnh được Donald Trump đăng trên Twitter cá nhân ngày 7-2-2018, đúng ngày sinh nhật của Ronald Reagan với dòng tweet: “CHÚC MỪNG SINH NHẬT Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ của chúng ta, Ronald Reagan!” (Nguồn: Twitter)

Cảnh Ronald Reagan và Donald Trump bắt tay nhau, được Trump đăng sau 1 năm lãnh đạo nước Mỹ, cho thấy ẩn ý của Trump rằng ông đã chọn Reagan trở thành hình mẫu tổng thống của mình. Trông họ giống như những đồng nghiệp hơn là cái bắt tay giữa một vị Tổng thống và một công dân Mỹ, mặc dù lúc đó Trump đang là ông trùm kinh doanh ở New York.

Tiểu sử thú vị của Reagan và Trump

Ronald Wilson Reagan (1911-2004), là Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ trong 2 nhiệm kỳ từ 1981 đến 1989.

Donald John Trump, sinh ngày 14-6-1946, là đương kim Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Ông nhậm chức ngày 20-1-2017.

Trump nổi tiếng với vai trò là một nhà sản xuất các chương trình giải trí, truyền hình; Reagan lại được công chúng biết đến nhờ từng là diễn viên truyền hình và truyền thanh. Vợ sau này của họ, tức Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ đều có xuất thân từ ngành giải trí.

Reagan kết hôn với người vợ thứ 2 là nữ diễn viên Nancy Davis (Reagan) năm 1952. Trump kết hôn với cựu người mẫu Mỹ gốc Slovenia, Melania Knauss năm 2005. Bà Melania Trump hiện là Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ.

Cả hai đều không xác định sự nghiệp ngay từ đầu, sau đó từng có ý định tranh cử nhưng bất thành, do đó đã từng là thành viên của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà. Thời gian là thành viên của Đảng Dân chủ của cả hai ông còn lâu hơn thời gian là thành viên của Đảng Cộng hoà.

Reagan đã từng bị ám sát vào tháng 3 năm 1981, may mắn là sau đó ông đã hồi phục nhanh chóng. Trump cũng từng bị tấn công khi đang tranh cử tổng thống bởi những người phản đối.

Ronald Reagan và Donald Trump đều nhậm chức ở tuổi 70. Sự thành công của Reagan cả về đối nội lẫn đối ngoại là tiền đề cho chiến thắng tiếp theo của ứng cử viên Đảng Cộng hoà George Bush (cha) trong cuộc bầu cử năm 1989. Đây là cơ sở để Trump và Pence hy vọng trong cuộc chạy đua Tổng thống vào năm 2020.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Chiến lược An ninh quốc gia 2017 tại Toà nhà Ronald Reagan ở Washington, ngày 18-12-2017. (Nguồn: Mark Wilson/ GETTY IMAGES)

Có tới 71% người dân Mỹ tán thành cách cựu Tổng thống Reagan giải quyết các vấn đề quốc tế. Với việc công bố Chiến lược An ninh Quốc gia tại toà nhà mang trên Reagan, Trump tiếp tục lấy cảm hứng và sự thành công từ Reagan để định hình nên chính sách đối ngoại của chính quyền Trump. 

Đặt nước Mỹ hiện nay phải đối mặt với những thách thức tương tự những năm 1980, Trump chủ trương tăng cường sức mạnh của nước Mỹ dựa trên niềm tin “hoà bình thông qua sức mạnh” mà Reagan từng áp dụng. Quan điểm “diều hâu” này của Trump cũng nhằm phục vụ cho mục đích đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Tổng thống Ronald Reagan và phu nhân bắt tay chúc mừng Donald Trump trong buổi tiếp đón những người được nhận học bổng của Trường Cao đẳng Eureka tháng 4-1983. (Nguồn: Twitter/ Reaganlibrary).

Bức ảnh này được Donald Trump đăng lần đầu tiên vào ngày 10-1-2017, trên Twitter cá nhân, sau khi trở thành Tổng thống đắc cử, có lời chúc và chữ ký của Reagan: “Gửi tới Donald Trump với những lời chúc tốt đẹp nhất”. 

Bức ảnh được đăng không đúng ngày sinh nhật của Reagan, nhưng dường như Trump đã dùng đến nó như một lời tự chúc cho bản thân trước khi bắt đầu cuộc hành trình đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại giống như người tiền nhiệm đáng kính.

Một thoáng của Richard Nixon

Trump yêu thích Reagan nhưng không có nghĩa là ông ấy sẽ không học tập từ những vị Tổng thống khác. Vị tổng thống thứ 37 của Mỹ, Richard Nixon cũng sẽ là người mà Trump có thể tìm thấy những bài học lớn.

“Nước Mỹ đang gánh trách nhiệm bảo vệ cho Arab Saudi, Đức và 28 nước NATO nhưng nhiều nước trong số đó không chi trả cho chúng ta. Nước Mỹ cần được chia sẻ chi phí vì chúng ta không thể đủ sức” - Trump đã tuyên bố như vậy khi ông ta còn là ứng cử viên Tổng thống và quan điểm đó đã không thay đổi cho đến khi đã bước chân vào Nhà Trắng.

Những tuyên bố gây sửng sốt cho các đồng minh và đối thủ của Mỹ. Liệu đó có phải là sự rút lui của Mỹ - quốc gia được coi là cảnh sát toàn cầu, là người bảo vệ của trật tự thế giới tự do? Hay đó có phải là sự vị kỷ để phục vụ cho khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của Trump?

Câu trả lời là: Không! Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Trump đã giải thích thêm về quan điểm của mình: “Hoa Kỳ sẽ mãi là người bạn vĩ đại của thế giới, và đặc biệt là với các đồng minh của mình. Nhưng chúng tôi sẽ không còn chịu để bị lợi dụng, hoặc tham gia vào thỏa thuận một chiều, nơi đổi lại Hoa Kỳ không nhận được gì.”

Ý tưởng của Trump có thể đã bắt nguồn từ Học thuyết Nixon (1969) của Tổng thống Nixon. Học thuyết Nixon được công bố trong bối cảnh nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc bởi sự dính líu và thất bại chiến lược của chính quyền tiền nhiệm Lyndon Johnson tại miền Nam Việt Nam dù đã dốc vào đây hơn nửa triệu quân và hàng loạt vũ khí tối tân khác. 

Đồng thời, Nixon cùng với cố vấn An ninh quốc gia Henry Kissinger - người nổi tiếng với chính trị thực dụng, đang tìm kiếm một hướng đi mới cho mối quan hệ thù địch giữa Mỹ với Liên Xô và Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Nixon lập luận: Hoa Kỳ không thể đủ khả năng để bảo vệ đồng minh của mình một cách đầy đủ. Mặc dù Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì tất cả các nghĩa vụ hiệp ước của mình, nó sẽ mong đợi các đồng minh của mình đóng góp đáng kể vào việc phòng thủ của họ,# thay vì trông đợi hoàn toàn vào sự bảo hộ của Mỹ.

Chính sách thực dụng của Nixon - Kissinger và Trump là một cách để khắc phục những hạn chế tồn tại trong quan hệ đồng minh, đó là những kẻ ăn theo hay hành động tự do (free-riding). 

Các quốc gia nhỏ hơn sẽ sử dụng tầm quan trọng của họ để lợi dụng các nước lớn nhằm đạt được các lợi ích an ninh và thịnh vượng với giá rẻ, thậm chí là miễn phí. Đó là chưa kể những rủi ro khi một quốc gia hành động tự do có thể gây nên cuộc xung đột giữa NATO với quốc gia bên ngoài.

Đúng như Trump đã kết luận, việc đóng góp không tương xứng là “không công bằng đối với nhân dân và những người đóng thuế tại Mỹ” bởi quốc gia này đóng góp tài chính nhiều hơn tất cả các thành viên NATO khác. 

Mặc dù vấp phải những nghi ngờ và chỉ trích từ trong nước và quốc tế, nhưng Trump đang đạt được mục tiêu của mình. Nhật Bản đã san sẻ tới 75% chi phí để Mỹ duy trì sự hiện diện của 50.000 quân tại đây, còn Hàn Quốc vẫn đang cân nhắc về việc tăng số tiền đóng góp với Mỹ. Gần đây, Ba Lan tuyên bố chi tới 2 tỷ USD để quân đội Mỹ đóng quân lâu dài.

Trong vai trò là Tổng thống Mỹ, Trump vẫn đang không ngừng thương thuyết như khi ông là một nhà kinh doanh, tất cả vì nước Mỹ của Trump. Cả Trump và Nixon đều thực dụng, nhưng điều đó là cần thiết.

Bách Hiếu – Văn Trung
.
.