Bắc Cực vẫn tiếp tục nóng lên

Thứ Ba, 13/03/2018, 13:37
Bắc Cực hiện đang "nóng" lên bởi tình trạng biến đổi khí hậu và cuộc chạy đua giữa các "ông lớn" như Nga, Pháp, Trung Quốc hay Mỹ. 

Giới quan sát cho rằng, biến đổi khí hậu chỉ là "chất xúc tác" giúp các cường quốc tranh giành miếng bánh Bắc Cực, tạo ra "biên giới tâm lý", và xa hơn có thể dẫn đến xung đột vượt tầm kiểm soát. Trên thực tế, do tác động của biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất tăng nhanh, những khối băng khổng lồ ở Bắc Cực bắt đầu tan, để lộ dần khối tài nguyên khổng lồ. 

Chính điều này lại mở ra cơ hội chưa từng có trong nỗ lực có thể tiếp cận và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ẩn sâu ở Bắc Cực, từ đó hình thành những tuyến hàng hải mới. Vì thế, "cuộc chiến" ở Bắc Cực đang diễn ra ngày một quyết liệt, biến nơi đây trở thành một điểm nóng cạnh tranh mới.

"Mỏ vàng" hé lộ

Bắc Cực trở nên hấp dẫn vì rất giàu tài nguyên thiên nhiên, với khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% trữ lượng khí đốt đang "ngủ yên" dưới các lớp băng. 

Cùng với dầu mỏ và khí đốt, Bắc Cực cũng là nơi rất giàu khoáng sản, đặc biệt là kim loại hiếm - nguồn nguyên liệu chính để chế tạo linh kiện điện tử và các hệ thống điều khiển vũ khí. 

Trữ lượng khai thác cá cũng là một nguồn tài nguyên hết sức quan trọng và dồi dào ở Bắc Cực và được đánh giá sẽ ngày càng lớn hơn khi nhiều diện tích mặt nước "hé lộ", khiến nhiều loài cá có thể di cư từ phía Bắc xuống.

Nhiều "ông lớn" đang tích cực tranh giành miếng bánh Bắc Cực.

Khi băng tan, những tuyến hàng hải mới cũng bắt đầu hình thành. Các tuyến giao thông vận tải qua Bắc Cực sẽ giúp rút ngắn đáng kể cự ly và thời gian vận chuyển so với các tuyến vận tải trên biển hiện nay. 

Theo dự đoán, ngay trong thế kỷ XXI, giao thông hàng hải tại Bắc Băng Dương sẽ gặp thuận lợi ít nhất là vào bốn tháng mùa hè, giúp rút ngắn thời gian so với hành trình qua kênh đào Suez hay Panama. 

Tới năm 2030, "tuyến giao thông Biển Bắc" sẽ được thông thương 9 tháng/năm. Điều này sẽ cắt ngắn thời gian di chuyển hành trình giữa châu Âu và Đông Á khoảng 60% so với tuyến đường hiện tại qua các kênh đào Panama hay Suez.

Sự giàu có tài nguyên cùng với vị thế chiến lược đã biến Bắc Cực trở thành nơi dễ xảy ra sự cạnh tranh ảnh hưởng của nhiều nước. 

Theo luật quốc tế, hiện không nước nào sở hữu Bắc Cực hay vùng Bắc Băng Dương bao quanh. Cả Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch (qua Greenland) và Mỹ (qua Alaska) đều bị hạn chế bởi một vùng đặc quyền kinh tế gần 400km từ bờ biển nước mình. Vùng bên ngoài giới hạn này thuộc quyền quản lý hành chính của Cơ quan Quản lý đáy biển thế giới.

Tuy nhiên, các nước này cùng với Phần Lan, Thụy Điển và Iceland đều có những dự án khai thác táo bạo đối với vùng vòng Bắc Cực và vùng lãnh thổ của các thành viên Hội đồng Bắc Cực  (một diễn đàn liên chính phủ gồm 8 nước là Canada, Đan Mạch, Mỹ, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thuỵ Điển và Nga được thành lập năm 1996 để thảo luận về các vấn đề liên quan đến môi trường và phát triển tại khu vực). 

Tới nay, các nước đều khẳng định rằng một số khu vực của Bắc Cực phải thuộc lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa quốc gia nào có ý định sử dụng vũ lực để giải bài toán Bắc Cực trong khi giới quan sát cho rằng có chăng sẽ chỉ là cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước chồng lấn về tuyên bố chủ quyền.

Các "ông lớn" vào cuộc

Nhìn một cách tổng thể, có vẻ như Nga đang chiếm ưu thế hơn đối với cuộc đua ở Bắc Cực nhờ đường tiếp giáp dài nhất. Nga đã tuyên bố chủ quyền khu vực thềm lục địa dưới Bắc Cực, dải Lomonosov, phần mở rộng của thềm lục địa Siberia; đồng thời sử dụng tàu ngầm mini để cắm cờ đánh dấu chủ quyền dưới đáy biển. 

Cho đến nay, Nga đã thành lập sáu căn cứ quân sự mới ở Bắc Cực, trong đó có 16 cảng nước sâu và 13 trường bay, cũng như triển khai ít nhất năm chiến dịch hải quân mỗi năm ở Bắc Băng Dương. Rõ ràng, chiến lược "hướng Bắc Cực" của ông Putin nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực đang dần lộ diện và khiến các quốc gia khác phải dè chừng.

Không muốn chậm chân so với Nga, Mỹ cũng nhanh chóng triển khai chiến lược quốc gia mới đối với Bắc Cực. Mỹ đã có kế hoạch mở rộng sự hiện diện tại Bắc Cực, bắt đầu thực hiện từ khoảng năm 2020. 

Ngoài ra, Mỹ đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với các đồng minh trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, an ninh và kinh tế ở Bắc Cực, nâng cao khả năng tìm kiếm và cứu hộ cơ sở hạ tầng quân sự, duy trì hệ thống radar cảnh báo sớm ở phía bắc. 

Hải quân Mỹ đã công bố kế hoạch 8,4 tỉ USD khai phá và củng cố vị trí của Mỹ ở Bắc Cực, đồng thời tăng cường theo dõi bằng vệ tinh, điều động tàu ngầm hạt nhân về phía Bắc Băng Dương và tạo lập căn cứ thường trú ở Bắc Cực nhằm tiến tới mở rộng lực lượng vùng cực.

Không chỉ có Mỹ và Nga tìm đến Bắc Cực mà nhiều quốc gia khác cũng đang cố gắng tăng cường phạm vi và sự hiện diện ở khu vực này. Trung Quốc tuyên bố có lợi ích chiến lược ở Bắc Băng Dương và rất tích cực trong chương trình nghiên cứu Bắc Cực, đồng thời đã xây dựng một hạm đội tàu phá băng. Bắc Kinh còn nỗ lực giành được tư cách "quan sát thường trực" tại Hội đồng Bắc Cực. 

Băng tan để lộ dần những khối tài nguyên khổng lồ ở Bắc Cực.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã thực hiện chính sách "ngoại giao con thoi" đến các quốc gia Bắc Cực, như thắt chặt quan hệ với Iceland và Đan Mạch thông qua nhiều thỏa thuận thương mại. Gần đây, đại diện của Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy thậm chí còn tuyên bố sẽ bắt đầu quá trình thảo luận về vai trò lớn hơn của Trung Quốc trong Hội đồng Bắc Cực.

Khai thác các nguồn tài nguyên dưới đáy biển cũng là mối quan tâm của các nước trong vùng, đặc biệt là đối với Na Uy khi quốc gia này mời thầu 54 lô ngoài biển Barents, cấp phép khoan thăm dò cho 23 công ty. Tuy nhiên, câu chuyện ở Bắc Cực đang ngày càng trở nên "nóng" khi nhiều quốc gia khác dù ở xa Bắc Cực cũng đang cố gắng mở rộng tầm với ở khu vực này. 

Hiện Hội đồng Bắc Cực đã có thêm nhiều "quan sát viên thường trực" như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Italy và Ấn Độ. Tiềm năng của Bắc Cực đã thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đang rất cần các nguồn năng lượng để duy trì tốc độ tăng trưởng. 

Song hành với các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thăm dò, các nước còn từng bước triển khai lực lượng quân sự tại đây, gây nên một cuộc chạy đua quân sự ở khu vực này.

Nguy cơ quân sự

Những nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống như xung đột chủ quyền, tranh giành tài nguyên đến chạy đua vũ trang và hoạt động gián điệp đang hiện hữu ngày càng rõ nét ở Bắc Cực. 

Hiện tám nước là Mỹ, Canada, Nga, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Iceland và Phần Lan đều tuyên bố chủ quyền ở Bắc Cực. Nếu trao cho các nước này một bản đồ, họ sẽ vẽ ra đường biên giới chồng lấn nhau và liên tục tranh cãi về việc liệu Bắc Băng Dương có nên hoàn toàn là vùng biển quốc tế hay không. Bên cạnh đó, câu chuyện "ám tiễn" ở Bắc Cực lại thu hút được nhiều sự quan tâm của truyền thông cũng như hệ thống tình báo toàn cầu.

"Trò chơi gián điệp" tại khu vực trước đây ít được quan tâm giờ ngày càng gay cấn. Gần đây, 16 cơ quan tình báo của Mỹ đã cử các nhà phân tích làm việc toàn bộ thời gian để tái làm quen với Bắc Cực. 

Bắc Cực giờ đây đang chứng kiến sự gia tăng các hành động quân sự nhanh chóng.

Trong khi đó, cơ quan tình báo Canada cũng đang được tổ chức lại để tập trung hơn vào khu vực phía Bắc. Các quốc gia khác như Na Uy hay Thụy Điển cũng đang triển khai nhiều kế hoạch phát triển mạng lưới tình báo ở vùng cực Bắc, tất cả đều tiến triển nhanh hơn ngay khi phương Tây nhận ra họ đang dần bị Nga bỏ lại trong việc mở rộng ảnh hưởng quân sự ở đây.

Tiếp đó, Bắc Cực giờ đây đang chứng kiến sự gia tăng các hành động quân sự nhanh chóng. Na Uy quyết định tăng ngân sách quốc phòng thêm 9% cho năm 2018, và vừa mới khép lại một trong những cuộc tập trận lớn nhất ở Bắc cực mang tên "Phản ứng lạnh", với sự tham gia của 16.300 binh sĩ từ 14 nước. Họ huấn luyện đủ kiểu chiến đấu trong môi trường băng tuyết, từ chiến tranh cường độ cao tới chống nguy cơ khủng bố. 

Trong khi đó, Canada đã lập những đơn vị hỗn hợp có chức năng tiến hành chiến dịch Bắc Cực, còn Đan Mạch công bố về việc thành lập Ban chỉ huy quân sự Bắc Cực đặc biệt và lực lượng phản ứng nhanh.

Không giống như các vùng biển khác trên thế giới, hiện chưa có một hiệp ước pháp lý chặt chẽ nào điều chỉnh hoạt động đối với Bắc Cực. Giới quan sát cảnh báo, nếu các lợi ích chiến lược ở Bắc Cực ngày càng lộ rõ và các bên tranh chấp chưa thể thống nhất về một giải pháp phân chia quyền lợi chung thì khả năng xảy ra xung đột quân sự sẽ hiện hữu. 

Đồng thời, do tính chất phức tạp của các tranh chấp chủ quyền ở Bắc Cực nên không loại trừ khả năng các nước sử dụng lực lượng quân sự để can thiệp. Do vậy, để giải quyết tốt các tranh chấp tại Bắc Cực, trước hết các quốc gia Bắc Cực và các quốc gia có liên quan phải thay đổi cách tiếp cận về nguồn tài nguyên, coi Bắc Cực là một "mỏ vàng" cần được quản lý, bảo vệ, tái tạo và phát triển bền vững. 

Trong tương lai, các bên tham gia Hội đồng Bắc Cực (kể cả các quan sát viên) cần phải nỗ lực hợp tác quốc tế hơn nữa mới hy vọng giải quyết được các vấn đề tranh chấp. 

Chừng nào các bên liên quan chưa thể thống nhất với nhau về một giải pháp phân chia quyền lợi và trách nhiệm bảo vệ chung, chừng đó Bắc Cực vẫn sẽ tiếp tục chứng kiến những cuộc cạnh tranh không khoan nhượng cả về kinh tế và chính trị...

Việt Dũng
.
.