"Đảo thiên đường" GUAM: Mục tiêu khai chiến

Thứ Ba, 14/11/2017, 07:51
Nằm lọt giữa Thái Bình Dương, Guam - hòn đảo có diện tích 550km² thuộc lãnh thổ Mỹ với khoảng 160.000 dân - là đề tài được báo chí nhắc đến khá nhiều trong thời gian qua sau khi "chiến tranh răn đe" nổ ra giữa tổng thống Mỹ Đonal Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. 

Lãnh thổ nhỏ bé Guam trở thành tâm điểm chú ý sau khi quân đội Triều Tiên đe doạ sẽ dùng tên lửa đạn đạo để tạo ra một lưới lửa vây quanh hòn đảo này.

Theo giới quan sát, đảo Guam nằm cách xa Triều Tiên 3500. km và là vùng lãnh thổ Mỹ gần Triều Tiên nhất (trong khi Hawaii cách xa 6500. km). Đây là một trong những yếu tố quyết định chiến lược quân sự của Mỹ, cho phép tiếp cận nhanh chóng tới các điểm nóng tiềm tàng ở bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan.

Tại Guam, quân đội Mỹ duy trì một căn cứ hải quân và một cảng tuần duyên ở phía nam đảo, một căn cứ không quân ở phía bắc. Đây là các căn cứ quân sự vô cùng quan trọng của Mỹ, từ đó giúp Mỹ giải phóng sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương.

Vai trò chiến lược

Đảo Guam được nhà hàng hải nổi tiếng người Bồ Đào Nha Magellan phát hiện từ năm 1521, và bốn năm sau thì bị người Tây Ban Nha chiếm. Guam chỉ trở thành thuộc địa của Mỹ từ năm 1898 theo Hiệp ước chấm dứt chiến tranh giữa Tây Ban Nha và Mỹ. Tổng thống Mỹ William McKinley đã ra lệnh cho hải quân Mỹ quản lý hòn đảo này.

Guam nằm ở vị trí chiến lược, cách bán đảo Triều Tiên một quãng bay ngắn.

Hải quân Mỹ đã sử dụng hòn đảo này làm căn cứ tiếp tế than và trạm liên lạc cho đến khi đảo bị Nhật Bản chiếm vào ngày 10-12-1941. Hòn đảo nhỏ này cuối cùng trở lại thuộc quyền quản lý của Mỹ từ tháng 07-1944, khi Chiến tranh thế giới thứ 2 sắp kết thúc cùng sự bại trận của quân đội Nhật hoàng.

Từ đó đến nay, Guam là phần lãnh thổ hải ngoại Mỹ nhưng không được hưởng quy chế của một tiểu bang. Hòn đảo có chính quyền tự trị hạn chế, với thống đốc dân cử, cơ quan lập pháp và có đại biểu không qua bầu cử tại Hạ viện Mỹ.

Mặc dù 160000. dân đảo hiển nhiên là công dân Mỹ, đa số nói tiếng Anh và một phần dùng thổ ngữ Chamorro (một bộ tộc thổ dân thuộc quần đảo Mariana) nhưng dân Guam không được hưởng đầy đủ quyền như một công dân Mỹ ở chính quốc (ví dụ như họ không được tham gia các cuộc bầu cử Mỹ). Nền tảng kinh tế của Guam được hình thành từ du lịch và sự hiện diện quân sự ngày càng mở rộng.

Có hai căn cứ quân sự chính trên Guam: căn cứ không quân Andersen ở phía bắc và căn cứ hải quân Guam ở phía nam, đều đặt dưới quyền quản lý của bộ chỉ huy liên hợp JRM. Căn cứ hải quân có từ năm 1898, khi Mỹ tiếp quản Guam từ tay Tây Ban Nha sau cuộc chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ.

Căn cứ không quân được xây vào năm 1944 khi Mỹ chuẩn bị điều máy bay ném bom sang Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Ngày nay, căn cứ hải quân tại đây sở hữu bốn tàu hạt nhân tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân và hai tàu hỗ trợ tàu ngầm. Các tàu ngầm này được trang bị tên lửa Tomahawk có tầm bắn hơn 2500. km.

Trong khi đó, căn cứ không quân Andersen có một phi đoàn trực thăng hải quân và các oanh tạc cơ không quân được luân chuyển đưa sang Guam từ đại lục Mỹ. Căn cứ này là trụ sở của Phi đoàn 36 - một phần của Không quân chiến lược Thái Bình Dương phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có hai đường băng dài 3km và các kho đạn dược và nhiên liệu lớn. Căn cứ này là nơi hoạt động thường xuyên của bộ ba máy bay ném bom chiến lược B-52, B-1B và phi cơ tàng hình B-2 Spirit.

Nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho đảo Guam, Mỹ quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD).

Theo ước tính, hiện có tổng cộng 7000. quân nhân Mỹ đồn trú trên đảo Guam, đa phần là thuỷ thủ và lính không quân. Quân đội Mỹ đang có kế hoạch đưa thêm hàng ngàn lính thuỷ quân lục chiến từ Okinawa (phía nam Nhật Bản) tới đảo Guam.

Guam nằm ở vị trí chiến lược, cách bán đảo Triều Tiên một quãng bay ngắn. Đảo này cũng gần các điểm nóng tiềm tàng ở Đông Á. Đảo cách Seoul 3200km. về phía tây bắc, Tokyo 2400km. về phía bắc và Đài Bắc (Đài Loan) 2700km. về phía tây.

Căn cứ hải quân ở Guam là một tiền đồn quan trọng cho các tàu ngầm tấn công nhanh của Mỹ. Các tàu ngầm này là công cụ chính để Mỹ thu thập thông tin tình báo trong khu vực, bao gồm bán đảo Triều Tiên và vùng biển Đông, nơi Trung Quốc xây dựng phi pháp nhiều đảo nhân tạo.

Quân Mỹ bắt đầu luân phiên đưa các máy bay ném bom, bao gồm oanh tạc cơ tàng hình B-2, cũng như máy bay B-1 và B-52, sang căn cứ Andersen vào năm 2004. Mỹ làm vậy để bù trừ cho lực lượng Mỹ bị rút khỏi một số căn cứ khác ở châu Á - Thái Bình Dương để tham chiến ở Trung Đông.

Mục tiêu tấn công

Guam nằm giữa quần đảo Mariana, cách bán đảo Triều Tiên 3500km., được coi là phần lãnh thổ cực tây của nước Mỹ. Dù có vị trí chiến lược, nhưng các căn cứ quân sự trên Guam không tham chiến nhiều, ngoại trừ hồi đầu thập niên 1970, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, các máy bay B-52 Mỹ đã cất cánh từ Guam để ném bom xuống Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc Việt Nam. Còn lại, hòn đảo hầu như được sống trong cảnh thanh bình từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Mặc dù vậy, khi căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng bị đẩy lên cao độ, đảo Guam sẽ không còn yên bình. Sau khi Tổng thống Đonal Trump doạ "trút lửa căm giận" chưa từng có nếu Triều Tiên tiếp tục đe doạ Mỹ, thì Bình Nhưỡng đáp lại bằng tuyên bố Guam sẽ là mục tiêu đầu tiên của tên lửa đạn đạo.

Trên thực tế, đảo Guam những năm gần đây đã trở thành một mục tiêu tiềm tàng của tên lửa Triều Tiên, nhất là khi nước này đã đạt được nhiều bước tiến trong chương trình hạt nhân và tên lửa. Vừa qua, hai chiếc máy bay ném bom B-1B của Mỹ đã từ Guam hướng về bán đảo Triều Tiên, tham gia cuộc tập trận chung với các lực lượng Hàn Quốc và Nhật Bản, bất chấp cảnh báo của Bình Nhưỡng về việc phát động một cuộc "chiến tranh dự phòng".

Cuộc tập trận này là lý do trực tiếp khiến Triều Tiên tuyên bố hòn đảo là mục tiêu tấn công tiềm tàng. Thông tấn xã Triều Tiên KCNA cho hay Bình Nhưỡng hiện đang xây dựng các phương án chiến đấu để có thể thực hiện một cuộc tiến công bằng vũ khí tầm xa vào khu vực đảo Guam nhằm phá huỷ căn cứ không quân Andersen.

Do khoảng cách địa lý từ Bình Nhưỡng tới Guam "tương đối gần" nên hòn đảo này thường xuyên được đặt trong tầm ngắm của các tên lửa tầm trung, tầm ngắn của Bình Nhưỡng như Nodong-B, KN-08 hay KN-14; trong khi đó, những phần lãnh thổ khác của nước Mỹ thì các loại tên lửa hiện tại của Triều Tiên chưa thể vươn tới.

Căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam là một trong những căn cứ then chốt, có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Triều Tiên hiểu rõ rằng căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam là một trong những căn cứ then chốt, có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ở đây có sân bay cho các loại máy bay ném bom chiến lược, làm nhiệm vụ răn đe chiến lược đối với Triều Tiên và sẵn sàng "lên nòng" khi chiến tranh bùng nổ.

Andersen cũng là căn cứ hậu cần quan trọng, tiếp liệu cho những máy bay chiến đấu và các tàu chiến nếu có xung đột, đồng thời đóng vai trò trung chuyển cho các phương tiện vận tải quân sự đi từ bờ Tây nước Mỹ sang bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Guam còn là nơi neo đậu các đội tàu chiến của hải quân Mỹ và các đơn vị chiến tranh đặc biệt khác.

Tàu chiến và tàu ngầm xuất phát từ bờ biển phía Tây của lục địa Mỹ thường xuyên ghé thăm Guam như một phần của các chuyến hành trình dài đi đến phía Tây Thái Bình Dương. Do vậy, Triều Tiên thường xuyên đưa ra những đe doạ tiến công căn cứ này để đáp trả những hành động quân sự của Mỹ. Điều này đã làm cho tình hình khu vực Đông Bắc Á luôn ở trong trạng thái đối đầu và căng thẳng.

Trong một động thái nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho hòn đảo Guam, tháng 4-2013, quân đội Mỹ quyết định triển khai một Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) với khoảng 48 tên lửa và hệ thống radar ANTPY-2/ trên các căn cứ quân sự tại đây sau những lời đe doạ quân sự hoá của Triều Tiên.

Một tổ hợp THAAD bao gồm một bệ phóng đặt trên xe tải, radar theo dõi, các tên lửa đánh chặn và một hệ thống kiểm soát hoả lực tích hợp. THAAD có khả năng tiêu diệt những tên lửa đạn đạo ở tầm cao từ 40 km đến 150 km, và tạo ra bán kính bảo vệ đến 200 km.

Trong tháng 7-2017 vừa qua, hệ thống này đã tiến hành đánh chặn thành công một tên lửa đường đạn trong một cuộc thử nghiệm của quân đội Mỹ. Thêm vào đó là hai tàu khu trục Aegis chống tên lửa cũng được triển khai ở Tây Thái Bình Dương để đối phó các tên lửa của Bình Nhưỡng.

Nam Hồng
.
.