Nguy cơ xung đột Mỹ - Trung trên Biển Đông:

Hồi chuông cảnh báo

Thứ Sáu, 02/06/2017, 14:58
Khi bàn đến các thách thức mà Mỹ phải đối mặt trong thời gian qua và tương lai, không thách thức nào nghiêm trọng như… Trung Quốc. 

Bắc Kinh hiện đang được hậu thuẫn bởi nền kinh tế - quân sự đứng thứ hai thế giới (chỉ sau Washington), và đang cố tái thiết lập trật tự thế giới ở châu Á - Thái Bình Dương, và rộng hơn là cả khu vực  Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Trong những năm qua, nhiều vụ đụng độ về ý nghĩa của các thông lệ hàng hải, các nguồn tài nguyên thiên nhiên dưới đáy biển, các khu nhận diện phòng không và nhiều vụ va chạm trên biển và trên không đã dấy lên những hồi chuông cảnh báo ở châu Á. 

Dù Mỹ tuyên bố xoay trục hay tái cân bằng sang châu Á, các hành vi khiêu khích và làm mất ổn định của Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Giới quan sát cho rằng, nếu căng thẳng leo thang lên trên mức một cuộc đụng độ nhỏ và khép kín, sẽ có khả năng bùng phát một cuộc thế chiến thứ ba.

Mỹ “chơi rắn”

Trung Quốc gần đây đã thực hiện những động thái chiến lược trên những khu vực tranh chấp và được cho là đã triển khai các loại vũ khí hiện đại trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà nước này chiếm đóng trái phép của Việt Nam. 

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã khẳng định rằng họ coi những hành động của Trung Quốc là thách thức trực tiếp đối với quyền tự do đi lại trên biển và trên không tại biển Đông - một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất trên thế giới và là thách thức đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những phát biểu mạnh mẽ của ông Trump vẫn chưa đủ để buộc Trung Quốc rút khỏi các vùng biển tranh chấp. 

Nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu đã bắt đầu tiến hành tuần tra ở biển Đông.

Vài tuần trước khi ông Trump nhậm chức, Trung Quốc đã cho pháo cao xạ và các loại vũ khí tầm gần tới các bãi đá Tư Nghĩa và Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa, và xây dựng trái phép nhiều tháp ra-đa trên đá Chữ Thập.

Với tuyên bố “không cho phép Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo ở biển Đông”, ông Trump ám chỉ khả năng sử dụng sức mạnh của không quân và hải quân để ngăn chặn hoạt động của tàu chiến, máy bay Trung Quốc tại các đảo nhân tạo nước này bồi đắp phi pháp ở khu vực. Washington bắt đầu triển khai tàu sân bay USS Carl Vinson cùng một loạt tàu hộ tống khác - một động thái cho thấy Mỹ cũng sẽ không ngồi yên để mất tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực. 

Trong vài tháng tới, hải quân Mỹ được cho là sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra trên biển. Đây sẽ là sự gia tăng rất lớn về cường độ của Mỹ, bởi hải quân nước này dưới thời Tổng thống Barack Obama chỉ thực hiện các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông, không hề có bất cứ hành động nào nhằm ngăn cản tàu chiến Trung Quốc qua lại trên vùng biển.

Từ giữa tháng 2, nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu đã bắt đầu tiến hành tuần tra ở biển Đông. Đây là thách thức đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump đặt ra trước hành động mở rộng chủ quyền trái phép của Trung Quốc. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc lại cáo buộc hoạt động tuần tra đảm bảo quyền tự do hàng hải của các tàu chiến Mỹ là mối đe dọa đối với Bắc Kinh. 

Đáp lời, Lầu Năm Góc nhấn mạnh ngoài đảm bảo tự do hàng hải, hoạt động tuần tra của Mỹ ở biển Đông đã được tiến hành trong hàng trăm năm qua. Trước đó, Lầu Năm Góc nhấn mạnh nếu Mỹ không tiến hành tuần tra trên biển và trên không ở biển Đông, an ninh khu vực sẽ bị ảnh hưởng.

Washington từng tuyên bố hoạt động của Bắc Kinh xây dựng “những pháo đài khổng lồ” ở biển Đông là cực kỳ đáng lo ngại, qua đó muốn ngăn Bắc Kinh tiếp cận với các đảo nhân tạo được bồi đắp phi pháp ở biển Đông. 

Chưa hết, việc Trung Quốc triển khai vũ khí, đưa tàu chiến, máy bay tới các đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông là hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, trái với phán quyết mà Tòa Trọng tài đã đưa ra. Trong lúc một số nước đã lặng lẽ ủng hộ ông Trump “mạnh tay hơn” ở biển Đông, nhiều người lo rằng xung đột Mỹ - Trung trong khu vực sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các quốc gia lân cận. Nếu Mỹ sử dụng biện pháp mạnh để ngăn Trung Quốc tiếp cận đảo nhân tạo ở biển Đông, nguy cơ chiến tranh có thể gia tăng đáng kể. 

Việc sử dụng biện pháp quân sự để ngăn chặn hành động của Trung Quốc trên biển Đông rõ ràng sẽ là hành động khiến Bắc Kinh cảm thấy “mất mặt” và có phản ứng quyết liệt hơn. Ngoài ra, nó còn thách thức trực tiếp tới cái mà Trung Quốc cho là “lợi ích cốt lõi” của mình trên biển Đông.

Nguy cơ xung đột

Biển Đông luôn là một vết thương hở trong quan hệ Mỹ - Trung, có thể rỉ máu bất kỳ lúc nào. Việc Bắc Kinh tuyên bố cái gọi là “đường chín đoạn” phi pháp, cùng tham vọng biến cả một vùng biển thành “ao nhà” của Trung Quốc, đã tạo ra khả năng một cuộc đụng độ biến thành một cuộc khủng hoảng lớn hơn, khiến Mỹ buộc phải can thiệp. 

Việc Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền phi pháp trên biển Đông gây báo động khi các bên nhận ra lợi ích liên quan. Hàng nghìn tỷ USD hàng hóa vận chuyển qua vùng biển này mỗi năm, trong khi hàng nghìn tỷ USD khác tồn tại dưới hình thức dầu lửa, khí đốt tự nhiên và các khoáng sản quý giá. 

Ở biển Đông, các nguy cơ khá rõ ràng: nếu một đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Philippines, có ý định nhảy vào một cuộc đụng độ quân sự lớn với Trung Quốc, Mỹ chắc chắn sẽ tham gia đáp trả ở mức độ nào đó, và điều này càng làm gia tăng đáng kể xảy ra đụng độ Mỹ - Trung.

Giới phân tích nhận định hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông diễn ra một cách tinh vi và từng bước, nhằm tránh đối đầu trực tiếp với Washington. 

Trong hơn một năm qua, Trung Quốc đã liên tục cho cải tạo, xây dựng nhiều công trình phục vụ mục đích quân sự ngay trên các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép ở biển Đông. Chưa hết, Trung Quốc còn cho xây các bệ phóng tên lửa ra một số hòn đảo trong tổng số bảy hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). 

Biển Đông luôn là một vết thương hở trong quan hệ Mỹ - Trung, có thể rỉ máu trở thành một cuộc đụng độ bất cứ lúc nào

Sự xuất hiện của nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu cho thấy khả năng ông Donald Trump sẽ tiếp tục chính sách tăng cường quan hệ với các đồng minh trong khu vực nhằm đối phó với hoạt động quân sự hóa ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Việc hải quân Mỹ tiến hành tuần tra ở biển Đông cho thấy nước Mỹ đang thi hành chính sách “hòa bình thông qua sức mạnh”. Những bình luận liên quan tới đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không là “điều sống còn” đối với lợi ích an ninh quốc gia Mỹ của ông Trump là tuyên bố mạnh mẽ và trực tiếp về việc Washington cam kết ngăn chặn nỗ lực của Bắc Kinh biến biển Đông thành “ao nhà”. 

Tổng thống Mỹ khẳng định sẽ phô diễn năng lực của nhóm tàu sân bay, đồng thời xây dựng quan hệ mật thiết với các đồng minh, đối tác và bạn bè ở châu Á – Thái Bình Dương. Trước bối cảnh này, Bắc Kinh cực lực phản đối nỗ lực của bất cứ quốc gia nào đe dọa tới an ninh và chủ quyền của Trung Quốc dưới chiêu bài đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không.

Mỹ và Trung Quốc hiểu rằng, một cuộc đụng độ trên biển hay trên không gây tổn hại về sinh mạng chắc chắn sẽ châm ngòi gia tăng căng thẳng hoặc một cuộc xung đột kinh hoàng tại khu vực. 

Dù khó có thể xảy ra một cuộc chiến tranh lớn chỉ từ một cuộc đụng độ giữa các tàu hay máy bay quân sự của đôi bên nhưng nếu như thiệt hại về tính mạng nghiêm trọng và sự cố được ghi lại và công bố trên toàn thế giới (nhờ vào truyền thông xã hội và vòng xoáy tin tức 24h), chắc chắn rằng quan hệ Mỹ - Trung sẽ lâm vào khủng hoảng. 

Các sức ép khác, dù trên biển Đông hay thậm chí là trả đũa trên không gian mạng, cũng rất dễ kéo theo một loạt sự kiện bất ngờ khiến một bên cảm thấy buộc phải hành động quyết đoán khi xung đột là không thể tránh khỏi.

Rõ ràng Mỹ và Trung Quốc còn có nhiều lý do để thúc đẩy một mối quan hệ tốt đẹp về lâu dài, bất chấp những căng thẳng gần đây. Chỉ tính riêng thương mại song phương giữa hai nước ước tính đã đạt 550 tỷ USD. Tuy nhiên, khi một cường quốc đang trỗi dậy đối đầu với một cường quốc thống trị từ lâu đời, rắc rối chắc chắn sẽ xảy ra, nhất là khi có quá nhiều những điểm gây căng thẳng. 

Giờ đây, hai bên cần phải hợp tác tìm ra những cách giảm căng thẳng để không dẫn tới một cuộc xung đột quân sự. Các nhà hoạch định chính sách ở cả hai nước Mỹ và Trung Quốc phải cùng hợp tác để hai cường quốc tránh khỏi “những va chạm nguy hiểm không đáng có”. Thật khó để tưởng tượng điều kinh khủng gì sẽ xảy ra nếu hai bên không hành động sáng suốt, dẫn đến một cuộc chiến tranh trên biển Đông…

Nam Hồng
.
.