Kẻ tàn ác nhất đại dương

Thứ Ba, 07/05/2019, 11:09
Francois L'Ollonais (Francois - người đến từ Ollone) là cái tên được ghi vào sử sách của y, một cái tên tương đối hiền lành. 


Song, đó cũng chỉ là một trong số không ít biệt danh gắn liền với con người từng được xem là nỗi kinh hoàng trên biển cả. Có người gọi y là "Lưỡi hái Tây Ban Nha".

Còn tác giả Alexander Olivier Exquemelin của cuốn Buccaneers of America (Cướp biển châu Mỹ) thì xem y là "kẻ tàn ác nhất của đại dương". Tên thật của gã thuyền trưởng người Pháp ấy - Jean David Nau - cũng như thời điểm y chết (1668 hoặc 1669) - chẳng còn quá quan trọng nữa.

Chân dung một con quỷ

Francois L'Ollonais bắt đầu nổi tiếng trong giới hải hành từ khi nào? Theo trang The way of the pirates, có lẽ là từ khi người ta chứng kiến y ra lệnh xé toạc trái tim ai đó để hù dọa những người khác, nhằm lấy thêm thông tin. 

Cũng có thể là khi y cho thiêu sống các tù nhân, nhằm tra khảo về vàng bạc châu báu. Y nổi tiếng, đầu tiên, là vì tính tàn bạo của mình, chứ không phải vì kỹ năng đi biển.

Thậm chí, theo Exequemelin: "Sự tàn bạo đối với các thuyền Tây Ban Nha khiến tên tuổi của Francois L'Ollonais lan rộng từ Đại Tây Dương sang tận Ấn Độ Dương. 

Bởi vậy, khi bị L'Ollonais tấn công trên biển, các thuyền Tây Ban Nha sẵn sàng lựa chọn chiến đấu đến chết hoặc tự đánh chìm thuyền, chứ không chịu đầu hàng. Họ biết rằng nếu lọt vào tay hắn, thì sống còn không bằng chết".

"Kẻ tàn ác nhất đại dương" trong tranh cổ.

Biệt danh Lưỡi hái Tây Ban Nha (Le fleau des Espagnols) ra đời từ đó, từ khi Francois mới vào nghề. Nhà nghiên cứu Shelley Klein, trong cuốn Những tên cướp biển khét tiếng nhất lịch sử (The most evil pirates in history) cho biết rằng khi còn nhỏ, Francois đã rời quê nhà Sables d'Ollonne để chuyển tới vùng Caribbean. Y làm thuê (chăn gia súc hoặc các công việc chân tay khác) cho đến đầu những năm 1660, lúc lưu lạc đến đảo Tortuga. 

Tại đây, y lọt vào mắt xanh chúa đảo  (là một cướp biển), và lần đầu tiên được trao cương vị thuyền trưởng một tàu cướp biển.

Tortuga, kể từ thời điểm này, trở thành "căn cứ địa" của Francois L'Ollonais. Đã có những thời điểm chỉ mình y sống sót trở về được Tortuga - "hang ổ của lũ trộm cướp và hải tặc". 

Lần ấy, thủy thủ đoàn của y tan tác bởi một cơn bão làm chìm tàu rồi dạt lên bờ biển Campeche. Chúng bị cư dân nhận diện là những tên cướp biển khát máu nhất. Họ tiến đánh và tiêu diệt tất cả. Francois, giả vờ chết, nằm nấp sau xác đồng đội, lăn lộn trong bùn và máu, may mắn còn cơ hội trốn thoát về đảo nhà. Ngay sau đó, y đã xoay sở để có được một con tàu mới và một thủy thủ đoàn mới.

Con tàu ấy, sau khi chuẩn bị xong, ra khơi hướng về De los Cayos - một thị trấn giàu có. Biết được tin này, cư dân De los Cayos gửi thư cầu cứu. Thống đốc toàn quyền Tây Ban Nha tại Havana gửi tới một thuyền chiến với 10 súng thần công và 50 lính. Đáng buồn, họ cũng chưa phải đối thủ của Francois. 

Sau một cuộc tập kích, cả hải đội bị bắt. Tất cả những kẻ đầu hàng bị giải lên boong, ép quỳ trước mặt L'Ollonais, để y chém đầu từng người một. Một lá thư được gửi về Havana cho Thống đốc: "Vì việc này, ta sẽ không nương tay với bất cứ tên Tây Ban Nha nào! Sẽ có lúc ta xử tử ngươi theo đúng cách mà ta đã làm, với những kẻ mà ngươi cử tới để giết ta!".

Sau "chiến công" đó, sau khi cướp được con tàu đó, lực lượng dưới trướng Francois lên tới gần 500 gã côn đồ sẵn sàng liều mạng. Chúng không thể bị ngăn cản trên biển Caribbean, và thậm chí còn táo tợn tấn công thị trấn lớn Maracaibo (địa phận Venezuela ngày nay), bất chấp một hệ thống phòng thủ đầy hăm dọa với 16 họng pháo hướng ra biển. 

"Chúng tiến vào thành phố, và những gì xảy đến là hoàn toàn có thể tưởng tượng được. Đó là một mớ hỗn loạn của cướp bóc, hãm hiếp, của những nỗi khiếp đảm ngập ngụa trong máu mà người Tây Ban Nha ở đây chưa bao giờ chứng kiến. Nhà thờ và khu dân cư bị cướp sạch, đến chỉ còn trơ những bức tường…" - Shelley Klein dẫn từ Sách về cướp biển (Book of Pirates) của Howard Pyle.

Và dĩ nhiên, những màn tra tấn rùng rợn nhằm "khảo của" đã diễn ra. Có người không chịu nổi, đã chịu khai. Nhưng chính người ấy, cuối cùng, cũng bị xẻo thịt đến chết.

Sinh nghề, tử nghiệp

Francois L'Ollonais không bao giờ bỏ lỡ cơ hội thể hiện sự tàn ác của mình, đặc biệt là trong việc hành hạ các tù nhân. Hơn cả chuyện đạt được mục đích về thông tin của cải hay "lập uy" - theo thông lệ đương thời của giới cướp biển, dường như, y còn tìm thấy một thứ khoái cảm bệnh hoạn trong những màn trình diễn đẫm máu ấy. 

Hành trạng của y nói riêng và bọn cướp biển nói chung, ở một khía cạnh nào đó, cũng phản ánh thứ khí sắc nghiệt ngã đến dã man của thế giới thời điểm đó, thời mà những hành động vô nhân đạo vẫn còn được xem là bình thường.

Vấn đề là, sự tàn ác của Francois L'Ollonais vượt cao hơn cả chuyện cảnh hành quyết công khai được xem như trò giải trí của đám đông. Y thể chế hóa tính khát máu của mình vào một quy định (hay đúng hơn, một lời thề bắt buộc dành cho tập thể), được ban hành với thủy thủ đoàn 700 người ra khơi năm 1667, khi danh tiếng của y đã vang lừng khắp nơi. 

Lời thề kinh khủng ấy, theo những ghi chép còn tồn tại, đòi hỏi: "Bọn tù nhân sẽ phải chịu đựng những đòn tra tấn khủng khiếp và tàn bạo nhất mà chúng không thể tưởng tượng được. 

Theo luật của L'Ollonais, nếu sau khi đã bị đánh đập mà tù nhân vẫn chưa chịu khai, hắn sẽ bị xẻo từng miếng thịt và kéo lưỡi ra ngoài. Hình phạt này áp dụng cho tất cả các tù nhân người Tây Ban Nha, ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Tên tù nhân nào khai gian vì quá sợ hãi, nhất định phải chịu cái chết bi thảm nhất".

Thứ luật lệ phi nhân tính ấy đã được áp dụng triệt để suốt từ lúc đoàn thuyền hải tặc bị bão dạt vào vịnh Honduras, cướp bóc lương thực ven bờ, tấn công thành phố Puerto Cavallo với 24 họng pháo phòng ngự, rồi tiếp tục tiến về San Pedro, một trọng trấn của thực dân Tây Ban Nha. 

Những câu chuyện để lại ghi nhận rằng thậm chí chính tay gã cướp biển ấy đã dùng dao xé toạc lồng ngực một nạn nhân, moi tim và ăn tươi nuốt sống như một con thú dữ, nhằm trấn áp tinh thần những người còn lại.

Sau ba lần bị mai phục, lần sau dữ dội hơn lần trước, L'Ollonais đến được San Pedro. Song, thị trấn đó gần như đã được di tản hoàn toàn. Suốt ba tháng, đám cướp biển hùng hậu phải tự ra khơi đánh cá kiếm ăn, cho tới lúc L'Ollonais quyết định sẽ tiến sang Nicaragua "làm một cú", thay vì trở về Tortuga. Và đó là định mệnh.

Kết cục của Francois L'Ollonais ở định mệnh đó cũng nhiều chất huyền thoại như chính những câu chuyện về sự khát máu của y. Hơn thế, nó giống một sự trả giá xứng đáng theo luật nhân quả.

Đoàn thuyền gặp trắc trở, bị mắc cạn trên đảo Des Las Pertas, rồi liên tiếp đụng độ với những thổ dân mông muội, đến mức phải hành động liều lĩnh trong tuyệt vọng: tấn công trực diện đám thổ dân đó.

Một cảnh tra tấn tù nhân được vẽ lại .

Họ là những người Darien - một bộ tộc cực kỳ hoang dã. Có những nguồn cho rằng họ đứng về phía thực dân Tây Ban Nha. Nhưng có lẽ, cách đánh giá của Shelley Klein, dựa trên những ghi chép của Exquemelin, có lý hơn: Họ hung tợn đến độ quân đội chính quy Tây Ban Nha còn phải kiêng dè. 

Nhưng kết cục của Francois L'Ollonais, sau cuộc đột kích thất bại hoàn toàn, thì đều được mô tả thống nhất: Y bị bắt, bị xé xác khi còn sống, bị nướng trên lửa, bị ăn thịt…

Rồi, "đống tro tàn ấy bay vào không khí, không còn sót lại chút gì gợi về một sinh vật khét tiếng độc ác như thế nữa" - Exquemelin, người từng lăn lộn theo chân cả Francois L'Ollonais lẫn Henry Morgan trước khi viết cuốn Cướp biển châu Mỹ, kể lại như thế. Tuy nhiên, cũng nhờ ông, đó không phải là điều xảy đến với tên tuổi của "kẻ độc ác nhất đại dương". 

* Cuộc tấn công Maracaibo cho thấy rằng Francois L'Ollonais không chỉ tàn bạo, mà còn khá thông minh. Y không dại dột đưa tàu của mình vào tầm ngắm của 16 họng pháo phòng thủ, mà đổ bộ ở cách xa và tập kích bất ngờ, khi cửa thành vẫn mở.

* Trở về từ Maracaibo, đoàn thuyền của Francois mang theo tới 260.000 đồng vàng Tây Ban Nha, chưa kể các loại của cải khác. Đám cướp biển ăn tiêu bốc trời, và có lẽ đó là một phần nguyên nhân để đến thời hiện đại, có những bộ phim mô tả L'Ollonais với dáng dấp của một ông hoàng hải tặc.

Đông Quân
.
.