Nhà cổ ở Quảng Yên: Nơi thời gian như ngưng lại

Thứ Tư, 18/07/2018, 08:42
Nhà báo Trần Minh – Trưởng phòng Thư ký xuất bản báo Quảng Ninh đã ví von như vậy khi bước vào khuôn viên ngôi nhà của bác sĩ Lê Văn Cơ, đại biểu Quốc hội khóa 1 tỉnh Quảng Yên (nay là tỉnh Quảng Ninh).

Kiến trúc Pháp trên “đất hàng tỉnh”

Nhà thơ Trương Thiếu Huyền, Phó Tổng biên tập báo Quảng Ninh, kể với tôi rằng: Thị xã Quảng Yên là "đất hàng tỉnh" cho nên vùng đất ấy sản sinh ra nhiều nhân vật tài năng. 

Quả thật, thị xã Quảng Yên là đô thị cổ đã có tuổi đời trên 200 năm hình thành và phát triển. Nếu lấy dấu mốc từ năm 1883 khi người Pháp nổ súng hạ thành Quảng Yên để rồi từ đó thiết lập ách thống trị, cho đến năm 1963 khi Chính phủ sáp nhập ba tỉnh Quảng Yên, Hồng Quảng và Hải Ninh để thành lập tỉnh Quảng Ninh hiện nay thì thời thuộc Pháp, Quảng Yên từng là trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng của vùng Đông Bắc.

Chính nhờ ở vị thế "đất hàng tỉnh" một thời mà thị xã Quảng Yên ngày nay được thừa hưởng một kho tàng di sản kiến trúc mà người Pháp để lại với số lượng khá lớn. Những ngôi nhà kiến trúc Pháp luôn mang nét đẹp riêng, không lẫn vào đâu được ở các khu phố chính của thị xã Quảng Yên như phố Hoàng Hoa Thám, phố Trần Nhật Duật, phố Ngô Quyền v.v... 

Chiều hè tháng 6, khi những cơn gió thổi từ Bến Ngự mang theo hơi nước sông Bạch Đằng làm dịu đi cái oi ả mùa hè, tôi lắng nghe ông Ngô Đình Dũng, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Quảng Yên chia sẻ về thân phận từng ngôi nhà cổ mang kiến trúc kiểu Pháp trên thị xã này. 

Qua quá trình chuyển đổi, sử dụng, nhiều ngôi nhà đã bị chỉnh sửa, tuy nhiên những yếu tố kiến trúc Pháp đặc sắc thì vẫn được nhận ra.

Theo thống kê, một số công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu được thị xã Quảng Yên bảo tồn khá nguyên vẹn sau hơn một thế kỷ như: Dinh tỉnh trưởng tỉnh Quảng Yên cũ nay là Trụ sở HĐND, UBND thị xã; Sở cẩm (công an) nay là trụ sở Thị uỷ Quảng Yên; Kho bạc cũ nay là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nhà kiểm lâm nay là trụ sở Công an thị xã v.v..

Dinh tỉnh trưởng Quảng Yên cũ – nay là trụ sở UBND thị xã Quảng Yên.

Dinh tỉnh trưởng Quảng Yên ngoài những chi tiết kiến trúc Pháp thường thấy, theo các nhà nghiên cứu kiến trúc còn một số chi tiết khá đặc trưng, đó là những lỗ hoa văn trang trí ở trên các cuốn ở mặt đứng có gạch gốm hoa chanh. 

Gạch gốm hoa chanh là đồ dùng trang trí đặc sắc cổ điển Việt Nam. Đó chẳng phải sự giao thoa văn hoá Đông Tây hay sao? Cứ nhìn những lỗ hoa văn trang trí bằng gạch gốm hoa chanh ấy tôi mường tượng rằng đây chắc chắn phải có bàn tay tài hoa của người thợ Việt Nam.

Điểm xong những nhà công vụ thì ông phó trưởng phòng văn hóa lại say sưa nhắc đến những ngôi nhà riêng như nhà số 41 đường Hoàng Hoa Thám mà chủ nhân đầu tiên là cụ Bùi Ký Viết cũng đã trên 100 tuổi. Các song sắt ở cánh cửa lớn của ngôi nhà vẫn còn những chữ B.K.V là viết tắt tên của cụ chủ nhà. 

Còn ngôi biệt thự một tầng, số 5 phố Trần Nhật Duật vẫn giữ được nhiều chi tiết kiến trúc Pháp khá đặc trưng. Tuổi nhà trên 100 năm, khuôn viên gần 1.000m², chủ nhân là cụ Nguyễn Đức Du, người dân địa phương gọi là cụ Hàng Du. 

Vốn là trụ sở của hãng dịch vụ vận tải thuỷ Hàng Du nổi tiếng một thời ở Quảng Yên, ngôi nhà có bố cục đối xứng, chính giữa có một sảnh gỗ lợp ngói che các bậc thang dẫn lên thềm nhà. 

Các cặp cuốn của ngôi nhà đều làm kiểu 1 cuốn lớn ở giữa, 2 cuốn nhỏ hai bên, các cột đỡ cuốn là cột tròn trên có đầu cột, đắp mô phỏng theo phong cách của thức cột Hy Lạp cổ đại...  

Ngoài ra ngôi nhà còn có chi tiết thú vị như trên sảnh gỗ có những con sơn gỗ khá đẹp kiểu dân gian Pháp, sảnh gỗ lợp ngói cùng 2 lan can bó bậc cong như 2 cái râu xoè ra. 

Theo những người am hiểu về kiến trúc xây dựng thì đây là một yếu tố kiến trúc Ba-rốc xuất hiện từ cuối thế kỷ 16 ở các nước phương Tây.

Theo ông phó trưởng phòng văn hóa thì PGS.TS Tôn Đại (Viện nghiên cứu định cư), đã đánh giá: "Kiến trúc Pháp ở Quảng Yên tiêu biểu cho hình thức kiến trúc phương Tây, có pha trộn với kiến trúc Á Đông, là những công trình có giá trị tiêu biểu về mặt kiến trúc, lịch sử và văn hoá, là những kho tàng di sản trong kho tàng kiến trúc Việt Nam, do vậy cần phải được bảo tồn...".

Ngôi nhà của vị đại biểu Quốc hội đầu tiên

Từ Phòng Văn hóa Thông tin thị xã, tôi lững thững tìm đến ngôi nhà riêng của bác sĩ Lê Văn Cơ - đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên (1946) tỉnh Quảng Yên. Ngôi nhà hai tầng nằm ngay ngã tư trung tâm thị xã đã nhuốm màu thời gian. Chủ nhân hiện nay của ngôi nhà, cụ Lê Văn Lập là con trai cả bác sĩ Lê Văn Cơ. 

Cụ Lập nhớ lại ngôi nhà này do ông nội là nhà thầu khoán Lê Bá Khai xây dựng vào năm 1904. Nằm trong quần thể 800m² có nhà bếp, sân vườn hài hòa, đẹp mắt, ban đầu ngôi nhà hai tầng với kiến trúc vuông vắn 10x10m đột khởi giữa nhô lên trong không gian toàn dãy nhà một tầng khiến người dân nơi đây ai đi xa cũng thấy.

Cụ chủ nhân của ngôi nhà hiện nay sinh năm 1922, dù đã 97 tuổi song rất minh mẫn. Hai cụ cháu ngồi thủ thỉ chuyện trò, tôi nhắc đến những đồng nghiệp cụ như nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, nhà ngoại giao Hoàng Nguyên, nhà văn hóa Hữu Ngọc, cụ Lập như trẻ ra. 

"Ông Hữu Ngọc là phải 100 tuổi rồi đấy nhỉ? Ông ấy hơn tuổi tôi mà tôi thì đã 97 tuổi rồi còn gì. Người Đức họ gọi ông Hữu Ngọc là Hero Ngọc đấy".

Xong cái đoạn sơ giao, cụ Lập dẫn tôi đi tham quan toàn thể ngôi nhà. Kiến trúc và bài trí vẫn nguyên vẹn như trước đây bác sĩ Lê Văn Cơ còn sống: Phòng làm việc, phòng tiếp khách, phòng bếp, nơi nghỉ ngơi của chủ nhà, hoặc có thể là nơi dành cho bệnh nhân đến khám bệnh. 

Dưới dãy nhà bếp 4 gian, cụ Lập cho biết, toàn bộ ngói lợp nhà và bếp được nhập từ Pháp về. Trên mỗi viên ngói vẫn còn rõ từng chữ Pháp "Marseillaise Acier".

Cụ Lập chậm rãi vịn mình lên gác hai. Tôi theo cụ để rồi quá đỗi ngạc nhiên khi trước mắt là cả một không gian hoài cổ. Cửa sổ bạc phếch, nhiều mảnh gỗ đã long. Những làn mưa bụi giăng mắc trên các gian phòng tầng hai khiến cho tôi lần đầu tiên bước vào có cảm giác liêu trai kỳ lạ.

Từ nghề thầu khoán, xây dựng các tuyến đường ở Quảng Yên, cụ Lê Bá Khai trở thành thương gia giàu có, từng làm nghị viên của Viện Dân biểu Bắc Kỳ, Hội trưởng Hội Quảng Thiện tỉnh Quảng Yên. 

Trong các con của cụ có luật sư Lê Văn Kim nổi tiếng từ trước Cách mạng tháng Tám 1945, thành viên Hội đồng Kinh tế Tài chính Đông Dương, được Chính phủ Pháp tặng thưởng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh. Luật sư Lê Văn Kim bị phát xít Nhật sát hại năm 1945 vì che chở bảo vệ cho người Pháp sau ngày Nhật đảo chính (9-3-1945). 

Một người con trai khác của cụ Lê Bá Khai là Lê Văn Khải, cụ Lập cho biết, đã làm đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa trong Chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Người con trai cả của cụ Lê Bá Khai là Lê Văn Cơ, thân sinh cụ Lê Văn Lập, ban đầu học trường y sĩ Đông Dương, sau đó học lấy bằng bác sĩ, rồi mở phòng khám chữa bệnh. Uy tín nghề nghiệp của bác sĩ Lê Văn Cơ khiến cho chính những người Pháp ở Quảng Yên cũng rất nể trọng. 

Đã giỏi về tay nghề, bác sĩ Cơ còn rất thương người. Bệnh nhân tới khám, không phân biệt hoàn cảnh sang hèn, đều được hết lòng cứu chữa. 

Tiếng lành vang xa, trong cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 6-1-1946, tại tỉnh Quảng Yên, bác sĩ Lê Văn Cơ được đoàn thể giới thiệu ra ứng cử. 

Kết quả, ông đã trúng cử với số phiếu cao nhất, xếp trên 2 đại biểu khác là hai chiến sĩ cách mạng Trịnh Tam Tỉnh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Yên và Nguyễn Văn Luận (tức Trần Danh Tuyên) - Xứ ủy viên Bắc Kỳ.

Cụ Lê Văn Lập trước “bảo tàng mini” về bác sĩ Lê Văn Cơ - ảnh KM.

Suốt 14 năm làm đại biểu Quốc hội (1946 - 1960) của tỉnh Quảng Yên, bác sĩ Lê Văn Cơ đã làm tròn phận sự đại biểu nhân dân. Khi còn làm việc, cụ ở Hà Nội nhưng từ khi được Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ, cụ Cơ chọn trở về sống tại căn nhà của mình ở Quảng Yên cho đến năm 1980 thì mất, hưởng thọ 83 tuổi. 

Nhiều năm công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương và Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới), theo nếp nhà, nghỉ hưu, cụ Lập trở lại căn nhà cũ của cha mẹ ở Quảng Yên tiếp tục hương khói thờ phụng tổ tiên. 

Ngôi nhà với tuổi đời xấp xỉ 120 năm hàng ngày chỉ có vợ chồng cụ Lê Văn Lập sinh sống. Cụ bà cũng ngót tuổi 90. Hàng ngày, người dân Quảng Yên vẫn thấy ông ngồi đọc báo (cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp) cho bà nghe trước cửa trong ánh bình minh chiếu rọi hoặc khi chiều tà.

Có điều, hai cụ đều đã như lá vàng sắp về cội. Các con của cụ Lập đều sinh sống ở Hà Nội. Ngôi nhà đâu như cũng đã sang tên chủ sở hữu cho người khác. Và nhiều người yêu mến những ngôi nhà kiến trúc Pháp xưa ở Quảng Yên lo lắng rằng ngôi nhà của bác sĩ Lê Văn Cơ sẽ không còn nữa. 

Dấu thời gian về một người trí thức của "đất hàng tỉnh" cùng một "bảo tàng mini" trong ngôi nhà cũng sẽ mất theo. Tôi được biết rằng những công trình kiến trúc mang dấu ấn Pháp trên địa bàn là nhà công vụ đã được thị xã Quảng Yên quan tâm bảo vệ, gìn giữ và tôn tạo. 

Song đáng quan tâm không kém là những ngôi nhà thuộc sở hữu của người dân đã xuống cấp. Điều này cần sự đầu tư thích đáng và chiến lược bảo vệ tổng thể của chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Ninh. 

Đâu như có người từng nêu ý kiến đề xuất giữ lại ngôi nhà của bác sĩ Lê Văn Cơ theo phương án nhà nước mua lại để bảo tồn và lưu giữ những kỷ niệm về một gia đình trí thức trên đất Quảng Ninh.

Kiều Mai Sơn
.
.